개같이 벌어서 만덕처럼 쓴다
Kiếm tiền vất vả (như chó), nhưng tiêu tiền phải quảng đại giống Man Deok.
Và người bạn này cũng đề nghị tôi đi cùng đến nhà tưởng niệm Kim Man Deok, vừa được đưa vào hoạt động chỉ một tháng trước đó.
Vốn là người yêu thích lịch sử và cũng có tìm hiểu đôi chút về Hàn Quốc trước đó nên tôi đã rất ngạc nhiên vì sao người bạn này lại đề nghị như vậy? Vì cái tên Kim Man Deok không chỉ xa lạ với người nước ngoài mà cũng có rất ít người Hàn Quốc biết.
Nhìn lại lịch sử một chút, năm 2007 chính phủ Hàn Quốc quyết định phát hành tờ tiền mới có mệnh giá 50.000 KRW và tiến hành thu thập ý kiến của người dân về nhân vật lịch sử sẽ được in lên thiết kế của tờ tiền.
Trong số những nhân vật được đề cử, công chúng Hàn Quốc đã rất ngạc nhiên với việc người dân đảo Jeju rất tích cực tiến cử Kim Man Deok, một người phụ nữ thời Joseon xuất thân từ Jeju.
Trong lịch sử phát triển của triều đại Joseon có rất nhiều người phụ nữ nổi tiếng được biết đến, vậy điều gì đã khiến người dân đảo Jeju đề cử một người không được nhiều người biết đến như Kim Man Deok?
Con gái một gia đình thường dân trở thành kỹ nữ nổi tiếng khi 18 tuổi
Kim Man Deok (김만덕 – 金萬德), sinh ra trên đảo Jeju vào năm 1739, năm thứ 15, đời vua Yeongjo (Anh Tổ: 1724-1776).
Chân dung Kim Man Deok được phục dựng lại
Bà là con út trong một gia đình thường dân (Yangmin) có ba người con. Dù gia đình sống trong sự khó khăn nhưng bà luôn được yêu thương như bao cô gái khác.
Năm Kim Man Deok 12 tuổi, bi kịch đã xảy đến với gia đình bà khi bố mẹ đồng loạt qua đời và ba anh em phải chuyển đến sống nhờ một người cậu. Sau đó, Kim Man Deok được một người kỹ nữ (gisaeng) nhận làm con gái nuôi và được đào tạo để trở thành kỹ nữ bên cạnh công việc làm một người hầu gái trong nhà.
Kim Man Deok rất thông minh, tài năng nên đã nhanh chóng học được những kỹ năng ca múa, đàn hát và trở thành một kỹ nữ khi tròn 18 tuổi. Kim Man Deok trở nên nổi tiếng tại vùng đảo Jeju nhờ khả năng ca hát, múa đẹp hơn người và là một trong những kỹ nữ được săn đón nhiều nhất tại thời điểm đó, đặc biệt đối với giới quý tộc và quan lại.
Kỹ nữ Kim Man Deok nức tiếng tại Jeju
Tuy nhiên, đây không phải là một cuộc sống mà bà mong muốn và bà luôn có những suy nghĩ, tham vọng thay đổi cuộc đời mình. Bà biết rằng, dù có nổi tiếng như thế nào, người kỹ nữ sẽ vẫn luôn bị coi thường là tiện dân (Cheonmin), những người tận đáy xã hội.
Nhờ có mối quan hệ thân thiết, Kim Man Deok đã lấy hết can đảm, tự mình đến gặp các quan quản lý tại Jeju để kể lại xuất thân và yêu cầu được khôi phục thân phận là một người dân thường. Quan quản lý rất khâm phục Kim Man Deok và giúp bà lấy lại danh phận là một thường dân.
Kim Man Deok nhờ quan lấy lại danh phận thường dân
Sau khi lấy lại địa vị là một thường dân vào năm 24 tuổi, Kim Man Deok đã chọn một con đường khác với những người phụ nữ thời bấy giờ là trở thành một thương gia bằng số tiền đã dành dụm được trước đó. Bà cũng cẩn thận tìm hiểu và xem xét tất cả những đặc điểm của đảo Jeju để có thể bắt đầu công việc kinh doanh một cách thuận lợi.
Trở thành nữ CEO đầu tiên của triều đại Joseon
Trong triều đại Joseon có rất nhiều sự phân biệt đối xử đối với người phụ nữ, việc một người nữ trở thành thương nhân kiếm tiền là một trường hợp rất đặc biệt.
Kim Man Deok bắt đầu bằng việc mở ra một quán trọ (gaekju) (tại phường Geonip, ở thành phố Jeju bây giờ) là nơi để lưu trú của những thương nhân buôn bán qua lại. Và nơi đây cũng là nơi để kết nối những thương nhân, trao đổi giữa nhà sản xuất với người mua.
Khu nhà trọ của Kim Man Deok được phục dựng lại tại phường Geonip, thành phố Jeju.
Thời điểm đó, việc vận chuyển hàng hóa được thực hiện chủ yếu bằng ngựa nhưng Kim Man Deok đã nhìn thấy trước được sức mạnh tiềm năng của vận chuyển bằng đường thủy và thương mại bến cảng sẽ là nền tảng của việc lưu thông hàng hóa. Vì thế, bà đã bắt đầu xây dựng nhà trọ dành cho thương gia gần bến cảng Geonip.
Bà cũng học hỏi công việc kinh doanh từ những người khách thương gia và nhanh chóng bắt đầu công việc kinh doanh riêng của mình. Lúc đầu, công việc kinh doanh của bà gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó những luật lệ quy định nghiêm ngặt, và sự phân biệt đối với người dân Jeju trong triều đại Joseon càng khiến cho việc buôn bán trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, Kim Man Deok đã bắt đầu bộc lộ những phẩm chất của mình trong trong công việc kinh doanh. Bà nắm bắt được những thay đổi trong nền thương nghiệp và lưu thông hàng hóa của thế kỷ 18, thời điểm số lượng giao dịch hàng hóa tăng lên, các sản phẩm địa phương được lưu hành ở các khu vực khác và thị trường kinh doanh bắt đầu xuất hiện ở khắp mọi nơi.
Xã hội Joseon lúc ấy bắt đầu thay đổi rất nhiều, việc trồng lúa được phổ biến rộng rãi, năng suất lúa cũng tăng lên đáng kể. Bà cũng nhận ra rằng đất ở Jeju có nguồn gốc từ đá núi lửa, khả năng giữ nước rất kém nên không thích hợp cho việc trồng lúa tại đây. Bên cạnh đó, các loại cây trồng mới như khoai tây, ớt đến từ các quốc gia khác được đưa vào trông trọt bên cạnh việc trồng nhân sâm hay thuốc lá.
Kim Man Deok bắt đầu bán các loại đặc sản từ Jeju như cá, bào ngư, rong biển… vào đất liền và nhập gạo, ngũ cốc, trang phục, đồ trang sức, mỹ phẩm từ đất liền để bán cho người dân trên đảo. Đặc biệt bà cũng rất mát tay trong việc bán lông đuôi ngựa để làm đồ búi tóc của giới quý tộc trong đất liền.
Những sản phẩm thương mại của Kim Man Deok
Ngoài ra, Kim Man Deok cũng mở rộng việc kinh doanh thông qua việc cho thuê chổ ở, kho chứa hàng, tài chính và tỏ ra có năng lực trong việc khai phá ra những lộ trình mới cùng các phương thức vận chuyển bằng đường thủy hiệu quả cho việc kinh doanh.
Ngoài kỹ năng bán hàng xuất sắc, Kim Man Deok còn rất giỏi giang trong công việc quản lý nên đã nhanh chóng tạo được cho mình một đế chế thương mại và trở thành người phụ nữ giàu có nhất đảo Jeju lúc bấy giờ.
Bà nổi tiếng đến nỗi, để tìm mua sản vật của Jeju thì người ta không thể không giao thương với bà. Tài sản ước tính của bà trong thời điểm đó tầm khoảng 70 ttỉ KRW.
Những nguyên tắc kinh doanh của Kim Man Deok
Kim Man Deok coi trọng con người nhiều hơn tiền bạc, coi trọng đạo đức của thương gia thay vì lợi ích của mình. Có ba bí quyết kinh doanh của bà mà các doanh nghiệp ngày nay phải học bà nếu muốn thành công.
1. Giá rẻ nhưng bán với số lượng nhiều
Man Deok luôn tuân theo nguyên tắc kiếm được lợi nhuận lớn bằng cách bán số lượng nhiều thay vì kiếm từng khoản lợi nhuận nhỏ. Với kinh nghiệm khi còn là một kỹ nữ, bà bán quần áo, trang sức, mỹ phẩm… cho những kỹ nữ hay vợ và con gái của những gia đình quý tộc trên đảo Jeju với giá thấp, và thu được khoản lợi nhuận lớn.
2. Mua và bán với giá hợp lý
Man Deok luôn giao dịch với giá cả được niêm yết. Thay vì tìm kiếm lợi nhuận thì bà luôn kinh doanh với mức giá hợp lý cho cả người mua và người bán.
3. Mua bán dựa trên niềm tin và sự trung thực
Man Deok rất chú trọng uy tín trong kinh doanh và luôn thực hiện các giao dịch dựa trên niềm tin. Bà luôn điều hành công việc kinh doanh của mình dựa trên sự tín nhiệm và sự chân thành quan trọng hơn là tiền bạc.
Dù đã trở nên giàu có nhưng Kim Man Deok vẫn luôn giữ cuộc sống đạm bạc và luôn tâm niệm rằng “Trong lúc giàu sang thì phải luôn nhớ về những năm tháng cơ cực, khó khăn. Sống tiết kiệm, những người có cuộc sống sung túc nên nghĩ đến những người đang sống trong điều kiện thiếu thốn. Phải biết cảm ơn sự ban cho từ trời và sống một cuộc sống thanh đạm” khiến nhiều người dân càng yêu mến bà hơn.
Nhưng Kim Man Deok còn nổi tiếng và được tôn kính ở Jeju bởi một lý do khác.
Sử dụng toàn bộ tài sản tích cóp để cứu sống người dân đảo Jeju
Năm 1792, đảo Jeju liên tiếp hạn hán, mất mùa và bão lũ khiến rất nhiều người dân lâm vào cảnh đói kém, nạn đói xảy ra ở khắp đảo. Năm 1794, người dân Jeju lại tiếp tục hứng chịu thiệt hại bởi gió to và nước lớn khiến cho nạn chết đói ngày càng trầm trọng.
Kim Man Deok đau xót trước nạn đói lớn xảy ra ở Jeju.
Đứng trước tình cảnh đó viên quan tại đảo Jeju đã thỉnh cầu lên triều đình cấp phát 20.000 bao lương thực để cứu đói cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, số thuyền chở lương thực cứu đói lại bị cơn bão tấn công vì thế số lương thực từ triều đình đã không đến được đảo Jeju.
Tình trạng nạn đói ở đảo Jeju đã xấu đi vô cùng, 11.000 người dân Jeju (1/3 dân số) phải chết vì đói, thi thể của họ chất như núi trên đường đi. Lúc ấy, Kim Man Deok đã không hề do dự và dùng toàn bộ số tài sản mình tích cóp được nhờ nghề buôn bán để mua lương thực cứu người dân Jeju đang đói khát.
Trước sự giúp đỡ của bà rất nhiều người dân nơi đây đã ca ngợi bà vì trong suốt thời Joseon, hạn hán xảy ra khắp nơi và thường xuyên đến nỗi trong dân gian có một câu nói là “Cho dù là vua thì cũng rất khó để ngăn chặn nạn hạn hán”.
Thế nhưng Kim Man Deok đã làm được điều đó mặc dù bà chỉ là một người phụ nữ bình thường, xuất thân thấp kém. Ngày nay ở đảo Jeju còn có những bài hát ca ngợi “Bà Man Deok là người đã cứu sống chúng ta”.
Người phụ nữ Jeju với mong muốn được một lần đến thăm hoàng cung và núi Geumgang
Việc tốt của Kim Man Deok đã được loan truyền ở khắp Jeju và viên quan sứ đã bẩm báo sự việc này lên triều đình. Nhà vua Jeongjo (Thành Tổ,1776~1800) lúc bấy giờ cảm kích với nghĩa cử của Man Deok nên đã phong cho bà danh hiệu “의녀반수(醫女班首) – Y nữ Ban thủ”, danh hiệu cao quý nhất dành cho nữ thầy thuốc thời Joseon và ban thưởng cho bà một nguyện vọng.
Kim Man Deok đã trả lời rằng không mong ước gì hơn là được tới Hanyang (Hán Dương – Thủ đô Seoul thời xưa) thăm hoàng cung nơi đức vua ngự trị rồi tới ngắm cảnh núi Geumgang.
Mặc dù vào thời điểm đó, xã hội Joseon rất nghiêm khắc với việc một người thường dân rời khỏi đảo Jeju, nhất là với phụ nữ, nhưng vua Jeongjo đã thuận theo ước nguyện của bà và mong muốn phá luật lệ thời bấy giờ quy định nghiêm ngặt về việc cấm ra vào đảo của người dân Jeju.
Vua còn ra lệnh tất cả quan viên ở những nơi mà Man Deok đi qua từ đảo Jeju tới Hanyang đều phải đón tiếp bà thật chu đáo. Khi Man Deok đi đến đâu thì người dân đều đổ dồn ra xem và ca ngợi những công việc đáng khâm phục mà bà đã làm.
Kim Man Deok diện kiến vua Jeongjo tại Hanyang
Bà được diện kiến nhà vua và còn được tới thăm dãy núi Geumgang hùng vĩ. Đặc biệt, cuộc đời của bà còn được ghi trong sử sách bởi mệnh lệnh đặc biệt của vua Jeongjo.
Kim Man Deok đến thăm núi Geumgang
Có rất nhiều nhà quyền quý và giới quý tộc đã thể hiện mong muốn được một lần gặp bà.
Tể tướng Chae Jae Gong (채제공: 1720-1799) đã ghi lại những câu chuyện về cuộc đời của bà trong cuốn “Man Deok truyện – 만덕전”. Hai học giả nổi tiếng đương thời là Park Jae Ga (박제가: 1750-1805) và Jeong Yak Yong (정약용: 1762-1836) cũng sáng tác thơ về Man-deok.
Câu chuyện về Man Deok – 만덕전, được viết bởi Chae Jae Gong
Sau chuyến đi, Kim Man Deok sống phần đời còn lại của bà tại đảo Jeju và tạ thế vào năm 1812 và chỉ để lại chút tài sản cho người con trai nuôi.
Kim Man Deok, người phụ nữ làm phong phú thêm kho tàng lịch sử phụ nữ thời Joseon
Kim Man Deok là cái tên quá đỗi xa lạ với người nước ngoài, thậm chí không hề thân thuộc với người Hàn Quốc, nhưng là cái tên của người phụ nữ đi trước thời đại. Một nhân vật lịch sử được công nhận là nữ CEO đầu tiên và doanh nhân vĩ đại của triều đại Joseon.
Kim Man Deok được kính trọng và yêu quí vì tấm lòng quảng đại của mình. Bà không phải là người xuất thân từ tầng lớp giàu có nhưng bà biết rất rõ cách viết nên sự giàu có bằng trái tim nhân hậu của mình.
Kim Man Deok đã thực hiện được lý tưởng của mình bằng cách mạnh dạn thách thức và tiên phong thực hiện những điều chống lại những điều kiện vô lý. Bà tự thay đổi số mệnh cuộc đời mình, vượt qua những hạn chế, áp bức phụ nữ trong lịch sự Hàn Quốc.
Đồng thời bà cũng đại diện cho những người phụ nữ Jeju như một biểu tượng của sự chia sẻ, góp phần làm phong phú thêm kho tàng lịch sử những người nữ thời Joseon bên cạnh những cái tên như Shin Saimdang, nhà nghệ thuật tiêu biểu của trung kỳ thời đại Joseon; hay Hwang Jin Yi, kỹ nữ nổi tiếng nhất thời Joseon…
Hiện nay, ngôi chùa Mochung (모충사) được xây dựng với sự đóng góp của 170.000 người dân trên đảo Jeju tại công viên Sarabong (사라봉공원), phường Geonip, thành phố Jeju là nơi để tưởng nhớ Kim Man Deok. Và khi đến thăm chùa Mochung thì có thể tìm thấy lăng mộ của bà ở bên tay phải chùa cùng với một bức chạm khắc bằng đá với dòng chữ “恩光衍世(은광연세·은혜의 빛이 세상에 퍼지다)” (Ánh sáng ơn huệ lan tỏa khắp nhân gian).
Chùa Mochung, tại công viên Sarabong, Jeju
Lăng mộ của Kim Man Deok tại chùa Mochung, Jeju.
Chính quyền đảo Jeju chỉ định tuần thứ 4 của tháng 10 hàng năm là tuần lễ Kim Man Deok và lễ hội Kim Man Deok được tổ chức vào ngày 22/10 để tôn vinh những gì bà đã làm từ hơn 2 thế kỷ trước.
Cuộc đời của Kim Man Deok cũng được dựng thành bộ phim truyền hình dài 30 tập “거상 김만덕” (Thương gia Kim Man Deok), phát sóng trên đài truyền hình KBS trong năm 2010 với sự tham gia diễn xuất của những tên tuổi diễn viên hàng đầu như Kim Mi Yeon, Han Jae Suk, Park Sol Mi, Ha Suk Jin… Bộ phim này cũng đã được mua bản quyền và ra mắt khán giả Việt Nam trên kênh VTV1, Đài truyền hình Việt Nam.
Bộ phim truyền hình “Thương gia Kim Man Deok” được phát sóng trên đài KBS
Năm 2015, khu nhà tưởng niệm Kim Man Deok cũng đã được khánh thành tại Jeju để cho rất người dân trên đảo có thể đến tưởng niệm và lĩnh hội tinh thần chia sẻ của bà. Và di sản của Kim Man Deok vẫn còn tồn tại mạnh mẽ ở Hàn Quốc thông qua “văn hóa chia sẻ” của người Hàn Quốc.
– Tên tiếng Hàn: 김만덕기념관
– Địa chỉ: 제주특별자치도 산지로 7
– Thời gian mở cửa: 09:00~18:00
– Ngày nghỉ: Thứ 2 hàng tuần, Tết dương lịch, Tết âm lịch, Tết trung thu
– Phí tham quan: miễn phí
– Website: http://www.mandukmuseum.or.kr/
Will / Theo: thongtinhanquoc