Xa cung đường quen thuộc
Khoảng 5,5 triệu du khách đến thăm Đại Vực mỗi năm, nhưng rất ít người biết rằng vực sâu khổng lồ này là nơi trú ngụ của ngôi làng tí hon ẩn dưới 3000 feet (914.4m) nơi đáy sâu: Làng Supai ở Bang Arizona.
Cách tám dặm từ con đường gần nhất và nép sâu vào thung lũng ở đáy Vực Havasu, làng Supai là ngôi làng hẻo lánh nhất trong 48 bang kề cận nhau của Hoa Kỳ.
Cách duy nhất để đến làng Supai là bay bằng trực thăng, cưỡi la hoặc đi bộ tám dặm qua những quãng quanh co chóng mặt, những rặng đá sa thạch và những vách đá cao dựng đứng.
Trong thực tế, ngôi làng quá biệt lập đến mức nó là nơi cuối cùng ở Hoa Kỳ còn có dịch vụ chuyển phát thư tín bằng đoàn la mỗi ngày.
Nhưng với những ai sẵn sàng rời khỏi Quốc lộ 66 ở Peach Springs, theo một con đường hoang vu khoảng 67 dặm về hướng Đồi Hualapai và đi bộ xuống hẻm núi, bạn sẽ khám phá được một trong những bí mật tuyệt vời nhất của Grand Canyon: ốc đảo với tuyệt vời với 5 ngọn thác dựa vào vách đá hai tỷ năm tuổi.
Đây là Shangri-La ư? Không phải, đây là quê hương cổ xưa của bộ tộc thổ dân da đỏ Havasupai, những người đã âm thầm sống trong lòng một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới suốt hơn 1.000 năm qua.
Havasupai nghĩa là "người dân của dòng nước xanh biếc" và cư dân ở đây tin vào dòng nước xanh ngọc linh thiêng kia không chỉ chảy trên mặt đất mà còn chảy trong lòng mỗi người con của bộ lạc.
Ngôi làng nhỏ trong hẻm núi lớn
Sau bốn giờ đi bộ qua mê cung màu gạch đỏ cũ kỹ và những bụi cây đầy gai, hẻm núi mở rộng và hoang mạc bừng nở trong màu xanh mát rượi của cỏ cây gần khe núi Havasu. Chào mừng bạn tới Supai, nơi dân số gồm 208 người.
Băng qua khe núi và đặt chân đến làng Supai cũng giống như thể ta được dịch chuyển đến vùng thời gian khác.
Không có đường xá hay xe cộ, và giao thông duy nhất trong làng là người dân dẫn la và ngựa đi qua hẻm núi tung bụi mù. Hàng loạt nhà cửa được xây từ những nguyên liệu có sẵn xung quanh như một cửa hàng tổng hợp, quán ăn, bưu điện, trường tiểu học, nhà nghỉ nhỏ và hai nhà thờ.
Cư dân nơi đây vẫn nói tiếng Havasupai, trồng bắp, bí đao và các loại đậu, và đan các rổ cói, như tổ tiên họ từng làm. Và âm thanh của nước luôn vang vọng - như thể từ dòng thác xa xôi hay từ những dòng suối nhỏ đổ vào.
Đoàn la thồ hàng
Vì Supai không có đường xá, chỉ có hai cách đưa nhu yếu phẩm đến làng: đó là chuyển xuống theo đường đi bộ hoặc thả hàng xuống từ trực thăng.
Cách rẻ nhất và đáng tin cậy nhất vẫn là đi bộ. Vì thế, trong kỷ nguyên chuyển phát nhanh này, cư dân làng Supai vẫn nhận hàng từ đoàn la thồ hàng.
Không ai biết chính xác khi nào thì việc thồ hàng bằng đoàn la bắt đầu, nhưng như người làng còn nhớ được thì đều đặn sáu ngày mỗi tuần, một người thồ hàng dẫn đầu một đoàn thồ hàng móng guốc đi bộ 3 giờ xuống đáy hẻm núi và 5 giờ nữa để đi lên.
Mỗi món hàng mà dịch vụ Bưu Chính Hoa Kỳ (USPS) gửi lên xuống trên con đường bụi mù còn được đóng dấu mộc đặc biệt có chữ "Mule Train" (Đoàn la thồ hàng).
Chuyển phát đặc biệt
Trong khi tuyến đường bưu chính bằng la này có vẻ cực kỳ dài, thực ra nó bắt đầu từ vị trí cách làng Supai 75 dặm, nằm trong làng Peach Spring, và được thực hiện bắt đầu từ trước khi mặt trời mọc mỗi ngày.
Hầu hết các bưu kiện do đoàn la chuyển tới thực ra không phải bưu kiện, mà là thực phẩm, thuốc men và các loại nhu yếu phẩm khác mà dân làng và vài cửa hàng gần đó cần để duy trì hoạt động.
Vì làng Supai là nơi duy nhất ở Hoa Kỳ vẫn nhận bưu phẩm bằng đoàn la chuyển thư, Peach Springs là nơi duy nhất ở Hoa Kỳ có bưu điện mà có phòng đông lạnh.
Mỗi sáng sớm, dịch vụ bưu chính Hoa Kỳ USPS sẽ các loại hàng tạp hóa và thức ăn đông lạnh mà dân làng Supai muốn mua lên một xe tải, lái một giờ khi trời còn tờ mờ sáng đến bờ bên kia hẻm núi, và chất từng phần hàng lên mỗi con la để bắt đầu chặng cuối cùng, đưa hàng đến bưu điện của làng.
Thay đổi chóng mặt
Havasupai luôn luôn dựa vào chặng đường bụi mù ven hẻm núi để kết nối với thế giới bên ngoài.
Từ những nhà truyền giáo đến thợ mỏ, thương nhân và những bộ tộc, cho đến những du khách hiếm hoi, mọi người đến rồi đi trong nhiều thế kỷ qua. Nhưng vào giữa thập niên 1900, bộ tộc đã mở đường mòn cho du khách và tận dụng cảnh quan kỳ vĩ để phát triển du lịch.
Ngày nay, hơn 20.000 khách du lịch đi bộ, cưỡi la hay đi bằng trực thăng đến Supai - mỗi người đều phải xin được giấy phép đặc biệt từ Hội đồng Bộ lạc Havasupai để có thể vào bên trong khu vực.
Từ tháng Hai đến tháng Mười Một, du khách có thể trú ngụ tại nhà nghỉ đơn sơ của bộ tộc hoặc xin giấy phép dựng lều qua đêm để ngủ trong khu vực Thác Havasu và Thác Mooney.
Những người không muốn theo con đường đi bộ bốn giờ đến làng có thể vào Supai bằng chuyến trực thăng chỉ trong bốn phút.
Rắc rối trên đường đi
Trong vài thập niên qua, nhiều người đã lên tiếng chống lại việc đối xử tàn tệ với các đàn lừa và la đưa du khách qua hẻm núi.
Theo Susan Ash, đồng sáng lập của tổ chức Ngăn chặn Bạo hành Động vật tại địa phương, vấn đề không hẳn là do công ty Bưu Chính Hoa Kỳ SPS, mà là thiếu sự quản lý đối với những chủ đàn gia súc thương mại tại địa phương, những người bạo hành đàn gia súc.
"Không có người hay cơ quan chức năng kiểm tra đàn gia súc đó và mức độ mà chúng phải chịu đựng là không thể chấp nhận được," Ash nói. "Nhiệt độ ở đây thường lên tới 155F (hơn 68 độ C), và một số chủ gia súc bắt đàn ngựa và la chạy lên xuống tám dặm đường không có chút nước uống cho đến khi chúng chết."
Bộ lạc nói hành vi ngược đãi động vật chỉ là ngoại lệ, không phải là phổ biến. Thư ký Hội đồng Bộ lạc Havasupai, ông Bonnie Wescogane, nói bộ lạc đã thuê một nhóm các chủ đàn gia súc để kiểm tra tất cả gia súc sử dụng vì mục đích thương mại và chấm điểm sức khỏe của chúng từ 1 -10.
Hẻm núi có lượng mưa chưa tới 9 inches hàng năm, nhưng Thác Havasu và Mooney lại có nước từ mạch ngầm mà nhiều người tin rằng dòng chảy này đã 30.000 năm tuổi.
Dòng nước gào rú đổ từ độ cao 100ft (hơn 30m) từ vách đá sa thạch và trào xuống thành dòng nước ở một hồ xanh biếc bên dưới.
Màu xanh nhiệt đới
Ngày nay, dòng nước khoáng duy trì sự sống đã giúp Havasupai sinh tồn suốt 1.000 năm qua trong hoang mạc đang quyến rũ du khách lội qua hàng loạt những hồ nước xanh đẹp kinh ngạc. Nhưng trong hàng trăm năm, không ai biết điều gì đã khiến màu nước ở Havasu lại xanh biếc như từ thế giới khác - cho đến khi các nhà khoa học vào cuộc.
Các vỉa đá sâu trong nền hẻm núi và bên dưới thác đầy quặng đá vôi được gọi là travertine. Khi nước khoáng có chứa nhiều chất travertine gặp không khí, phản ứng hóa học xảy ra và calcium carbonate - một chất tương tự như phấn viết bảng - vào trong nước sẽ phản chiếu ánh mặt trời trên cao và tạo thành màu xanh ngọc.
Lịch sử đầy tự hào
Trước khi người Châu Âu đến định cư tại đây, Havasupai từng là vùng lãnh thổ rộng 1,6 triệu acres - gần bằng diện tích của tiểu bang Delaware. Nhưng vẻ đẹp choáng ngợp của vùng đất này cùng những mỏ khoáng sản phong phú đã thu hút những người tiên phong và các nhóm lợi ích chính phủ, vùng đất một thời mênh mông giờ bị thu hẹp lại chỉ còn 518 acres gần khu vực làng Supai vào năm 1882.
Trong thời kỳ quá nhiều bộ lạc thổ dân Châu Mỹ bị buộc phải rời bỏ vùng đất của mình, người Havasupai bị cuốn vào hàng loạt các cuộc chiến pháp lý dữ dội để bảo vệ lãnh thổ tổ tiên họ để lại.
Họ đã khiếu nại lên Quốc hội bảy lần trong thời gian từ 1908 đến 1974. Khi Tổng thống Roosevelt đưa Grand Canyon vào danh sách Công viên Quốc gia vào năm 1919, rất nhiều người Havasupai đã trở thành nhân viên của công viên quốc gia, sẵn sàng dùng những hiểu biết của mình để làm hướng dẫn viên trong khi đó vẫn tiếp tục vận động hành lang để bảo vệ vùng đất của mình.
Dân tộc có chủ quyền
Vào năm 1975, Tổng thống Ford ký một luật cho phép người Havasupai quản lý thêm 185.000 acres đất, cũng như có quyền tiếp cận 95.000 acres do Cơ quan Quản lý Công viên Quốc gia phụ trách.
Ngày nay, bộ tộc không còn bị giam cầm ở đáy hẻm núi nữa, mà có thể trở lại vùng săn bắn linh thiêng của họ ở vùng cao nguyên trên đỉnh hẻm núi và rừng thông mỗi mùa đông.
Tộc Havasupai giờ đây được chính phủ Hoa Kỳ công nhận là một dân tộc bộ lạc có chủ quyền và được phép tự trị các vấn đề nội bộ.
Bảy thành viên hội đồng bô lão được gọi là Hội đồng Bộ lạc được bầu cử bởi dân làng và quyết định từ luật địa phương cho đến việc du khách nào được phép bước vào làng Supai.
Lũ quét
Nhiều năm qua, đe dọa khủng khiếp nhất với người Havasupai là lũ quét. Trong năm 2008 đến 2010, mưa triền miên đã đe dọa hàng chục nhà cửa, cầu và tòa nhà và khiến hàng trăm du khách phải sơ tán.
Con đường nối Supai với thế giới bên ngoài bị sập năm 2010, khiến làng bị cô lập không thể chuyển hàng bằng la, tiếp tế nhu yếu phẩm và không thể làm du lịch.
Đầu năm 2011, bộ lạc và Thống đốc bang Arizona đã đưa đơn lên Bộ Nội An Hoa Kỳ xin viện trợ và nhận được 1,63 triệu đô la Mỹ cho chương trình cứu trợ thảm họa liên bang.
Lũ lụt và những người tiên phong đã đến và đi qua nơi này suốt 1000 năm, nhưng sự hiện diện vững chãi bên dưới hẻm núi Havasu là người Havasupai, vẫn kiên định chờ Mẹ Thiên nhiên dẫn đường chỉ lối.
"Đây là quê hương của tổ tiên và tâm linh chúng tôi," Wescogane nói. "Chúng tôi là dòng thác, là dòng nước chảy xuyên qua làng và là rặng núi bao quanh."
Reuben Hernandez và Eliot Stein
BBC Travel
Link tiếng Anh:
No comments:
Post a Comment