Sunday, March 21, 2021

VIỆC LÀM KHI KHÔNG AI NHÌN THẤY SẼ THỂ HIỆN BẢN CHẤT MỘT NGƯỜI

Khổng Tử từng nói: “Ta lúc đầu nhìn người, thì nghe lời họ nói mà tin việc họ làm; nay ta nhìn người, thì nghe lời họ nói mà còn phải xem việc họ làm”. Những lời giáo huấn của Khổng Tử vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày nay. Những người mà lời nói đi đôi với việc làm thì thật đáng quý; đặc biệt là người có thể giữ vững quy tắc của mình ngay cả khi không có ai giám sát thì lại càng đáng quý hơn nữa.

Người mà lời nói và việc làm đi đôi với nhau thì thật là đáng quý (ảnh Pinterest)

Nửa đêm không ai nhìn thấy vẫn tuân thủ quy định

Một đêm nọ vào thời Xuân Thu, Vệ Linh Công và Nam Tử đang cùng ngồi nói chuyện, thì nghe thấy tiếng xe ngựa từ xa tới gần, đang chạy rất nhanh trên con đường bên ngoài hoàng cung; tiếng móng ngựa chạy trên đường đá kêu lộc cộc; chắc là có việc gì gấp nên xe đi rất nhanh.

Nghe tiếng bánh xe lăn trên đường thì đoán chừng chỉ có một người ngồi trên xe. Xe ngựa rất nhanh đã chạy đến bên ngoài cửa của hoàng cung. Xe dừng lại một chút, sau đó lại tiếp tục đi. Nhưng tiếng vó ngựa lúc này đã không giống như lúc nãy; người ngồi trên xe chắc hẳn đã đi xuống và chậm rãi dắt ngựa bước đi. Sau khi xe ngựa đi qua cửa hoàng cung thì lại bắt đầu nghe được âm thanh giống như lúc đầu; chủ xe chắc hẳn lại tiếp tục vội vã lên đường.

Vệ Linh Công nói với Nam Tử, người ngồi trên xe nhất định là Cử Bá Ngọc. Ngày hôm sau tìm người hỏi thăm thì quả nhiên là như vậy. Nam Tử hỏi Vệ Linh Công là làm sao lại biết được như vậy. Vệ Linh Công nói, theo quy định, người ngồi trên xe khi đi qua cửa hoàng cung là phải xuống xe đi bộ. Lúc đó là đêm hôm khuya khoắt, trên đường cũng không có ai; nếu không phải là Cử Bá Ngọc thì hỏi còn ai chịu tuân thủ quy tắc như vậy chứ? Chỉ có bậc quân tử như Cử Bá Ngọc mới làm như vậy thôi.

Không dùng nến công vào việc tư

Không dùng của công vào việc tư, thể hiện khí chất của một người (ảnh Sina)

Trong “Trúc pha thi thoại” của Chu Tử Chi vào thời nhà Tống cũng chép lại một câu chuyện giống như vậy: Có một Kinh triệu doãn (tên chức quan) họ Lý, làm quan rất thanh liêm, không nhiễm bụi trần. Một ngày khi đang phê duyệt công văn thì người hầu mang thư của nhà đến. Ông lập tức thổi tắt ngọn nến của công sở, và thắp lên cây nến của chính mình. Đợi khi đọc xong bức thư rồi, ông mới thắp lại ngọn nến công sở và tiếp tục làm việc.

Trong mắt người thường thì đọc thư nhà dưới ánh nến công sở cũng không có gì gọi là không liêm khiết; cũng không có gì gọi là tổn hại của công; nhưng đối với vị quan này thì lại không được, ông cho như thế là đang ‘dung túng’ bản thân và lợi dụng của công.

Về việc thắp đèn thì cũng có một câu chuyện tương tự như vậy. Hoàng Phủ Vô Dật vào thời nhà Đường, từng đảm nhiệm chức trường sử của phủ đại đô đốc Ích Châu. Có lần ông đi tuần tra và nghỉ đêm tại nhà của người dân. Vừa hay lúc đó bấc đèn lại sắp cháy hết, chủ nhà chuẩn bị đổi cho Hoàng Phủ Vô Dật một cái bấc khác. Lúc này, Hoàng Phủ Vô Dật lại lấy ra một con dao và cắt vạt áo của mình để làm bấc đèn.

Tự giác mặc niệm khi nghe tiếng chuông

Đến thời kỳ cận đại chúng ta cũng có thể chứng kiến những câu chuyện tương tự. Khi Hồ Thích (một nhà ngoại giao người Trung Quốc) đến Anh, đó là ngày kỷ niệm đình chiến trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Phương thức kỷ niệm đó là đánh chuông, những người nghe thấy tiếng chuông phải ngừng làm việc và im lặng trong một phút.

Hồ Thích nhìn thấy một người thợ sơn đang leo lên tường bằng một cái thang; khi tiếng chuông vừa vang lên. Người thợ sơn lúc này một tay giữ thang, một tay xách thùng sơn đứng im ở trên thang; đầu cúi xuống thầm cầu nguyện. Sau khi hết một phút thì anh mới tiếp tục công việc của mình. Việc này đã làm cho Hồ Thích vô cùng kinh ngạc.

Chạm khắc tinh xảo cẩn thận dù không ai nhìn thấy

Tượng Nữ thần tự do được chạm khắc rất tinh xảo dù không phải ai cũng có thể nhìn thấy hết (ảnh Facebook)

Năm 1886, để kỷ niệm 100 năm độc lập của Mỹ, người Pháp đã tặng cho người Mỹ một món quà quý giá đó là tượng Nữ thần tự do. 40 năm sau, vào một ngày nọ, một nhà viết kịch người Mỹ đã ngồi trên trực thăng và nhìn thấy toàn bộ bức tượng “Nữ thần”.

Ông nhìn thấy rõ bức tượng được chạm khắc rất tinh xảo, ngay cả chiếc mũ ở trên đầu cũng được làm rất cẩn thận, không có một khuyết điểm nhỏ nào. Khi xây dựng bức tượng Nữ thần tự do, các nhà điêu khắc chắc cũng không nghĩ tới việc vài thập niên sau con người sẽ phát minh ra máy bay trực thăng; họ cũng không vì người ta không nhìn được tới phần đầu của bức tượng mà làm ẩu. Cách làm này thật khiến cho nhà viết kịch cảm phục.

Trong con mắt của những người khôn khéo thì những người tuân thủ nguyên tắc này thật là ngốc. Nhưng chẳng phải nhờ những người ngốc như thế này mà xã hội tự an định hay sao? Hơn nữa trời xanh có mắt, sẽ không bao giờ để cho ai phải chịu thiệt; những người khôn khéo quá mức lại chính là đang tự hại chính mình.

Nguồn: Nguyện Ước