Wednesday, June 2, 2021

ĐÁNH XE HAY ĐÁNH TRÂU

Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng lúc trụ trì chùa Bát Nhã, phát hiện vào buổi chiều có một thanh niên ngồi thiền tại Đại Hùng bảo điện, xem dáng vẻ rất có huệ căn, do đó quan tâm hỏi :

- Ông ngồi đây làm gì ?

Thanh niên không vui khi có người quấy nhiễu, miễn cưỡng đáp :
- Ngồi thiền !


Thiền sư Hoài Nhượng hỏi lại :
- Vì sao phải ngồi thiền ?

Thanh niên rất bực bội, nhưng vẫn đáp :
- Thành Phật !

Hoài Nhượng lại hỏi :
- Ngồi thiền làm sao thành Phật được ?

Thanh niên không đáp nữa, dường như chán Hòa thượng này quá lải nhải.

Bất đắc dĩ, thiền sư Hoài Nhượng đem một cục gạch đến bên cạnh thanh niên mài mỗi ngày. Qua mấy ngày, thanh niên lấy làm lạ hỏi :

- Hàng ngày thầy ở đây làm gì ?
- Mài gạch !
- Mài gạch để làm gì ?
- Làm gương.
- Gạch làm sao thành gương được ?
- Nếu gạch không thành gương được, vậy ông ngồi thiền làm sao thành Phật được?

Thanh niên kinh ngạc. Một câu nói bình thường như thế, khiến cho kiêu khí của ông ta tiêu tan, lập tức đứng dậy cung kính đảnh lễ, hỏi :
- Như thế làm sao mới đúng ?

Thiền sư Hoài Nhượng hiền hòa đáp :
- Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh trâu hay đánh xe ?

Thanh niên nghe xong, quỳ xuống lễ bái, thưa :
- Phải dụng tâm thế nào mới đạt được cảnh giới vô tướng Tam-muội ?

Thiền sư Hoài Nhượng đáp :
- Học pháp môn tâm địa như gieo giống, ta giảng giải pháp yếu cho ông như mưa nước cam lồ, chỉ đợi nhân duyên hòa hợp liền thấy được đạo.

Ngay lời nói này thanh niên đại ngộ, ông chính là thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất, tông sư một đời trong thiền môn.


Lời bình :

Từ quá trình ngộ đạo của thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất, dưới con mắt của người tham thiền là phải minh tâm kiến tánh. Đương nhiên ngồi thiền không thể minh tâm kiến tánh, vì thiền không phải tướng ngồi nằm, không thể đem thiền hạn cuộc vào một hình thức cố định. Phương pháp ngồi thiền có thể thông đạt Phật đạo, nhưng không phải là mục đích. Nếu trâu kéo xe không đi, đánh trâu mới phải chứ, còn xe đâu quan hệ gì. Tham thiền ngộ đạo dụng tâm mới phải, không dính dáng đến thân tướng. Tâm là chủ của muôn việc, bất cứ người tu hành nào cũng phải chú trọng. Sáng tâm mà thôi.

Nguồn: Thường Chiếu