Thursday, June 30, 2022

ĐEM THÚY VÂN ĐÁNH TRÁO THÚY KIỀU

Dù có đúc tượng hay không, thì cá basa cũng phải lên… bàn thờ. Nuôi cá basa không kinh tế bằng nuôi cá tra thì nuôi làm gì? Số phận cá basa đã được an bài cả vài năm trước vụ kiện chống phá giá (2002), huống chi hơn 15 năm sau, cá basa chỉ còn là hàng hiếm, đãi bè bạn chơi lấy thảo, còn đâu ra mà tìm ở siêu thị cho tốn công. (Vũ Thế Thành)

Tượng đài cá basa bên bờ sông Hậu (Châu Đốc)

Tôi không “mặn” hàng đông lạnh lắm, nhưng kẹt thì nuốt cũng trôi. Trước Tết, lòng vòng siêu thị kiếm mấy món tôm cá mực lẩu đông lạnh, đụng đâu nấu đó sơ xịa, lai rai ba ngày Tết. Rượu ngon, mà mồi đưa cay không nổi. Duyên nợ với ngành thủy sản 20 năm, nông nỗi đưa cay thế này coi như… tổ vật. Đành chờ hết mùng, thưa chuyện với các đại gia thủy sản, mà trước tiên là câu chuyện chính danh.

Vào khu hàng đông lạnh, thấy đâu cũng toàn là basa, nào là basa fillet, basa xiên que, basa tẩm bột, basa há cảo, basa muối ớt, basa đậu hũ, basa chả giò… Cá basa đâu ra mà lắm thế?

Chị khó nuôi, em ăn bạo

Các basa và cá tra cùng họ pangasiidae, cùng giống phụ pangasius (giống như tên đệm), nhưng loài (tên) thì khác nhau. Cá basa gọi theo tên khoa học là pangasius bocourti, còn cá tra là pangasius hypophthalmus.

Về độ ngon (nếu dễ tính), thì cá basa và cá tra đều ngon “mười phân vẹn mười”, nhưng cá basa “so về tài sắc lại là phần hơn”. Nếu hiểu “tài” là độ ngon, thì thịt cá basa nhỉnh hơn cá tra. Còn “sắc” thì phải xem lại. Cá basa đầu ngắn bụng bự mà khen đẹp thì cần thay đổi về tiêu chuẩn thẩm mỹ.

Cá basa và cá tra đều tìm thấy ở hạ nguồn sông Mekong. Vào độ tháng tư, cá tra bơi ngược dòng về Biển Hồ (Kampuchia), còn cá basa ngược dòng xa hơn, về tận vùng Pakse (Hạ Lào). Những nơi này có điều kiện thích hợp để cá sinh sản. Sau khi nở, cá con lội xuôi dòng về hạ lưu. Trước đây, người dân Châu Đốc, Hồng Ngự, Đồng Tháp vớt cá con, rồi nuôi trong ao hoặc bè. Hiện nay, việc cho đẻ nhân tạo hai loại cá này đã được chủ động trong nước.

Cá Basa

Cá tra nhờ có cơ quan hô hấp phụ nên có thể nuôi được ở ao (môi trường oxy thấp hơn nuôi bè), mật độ nuôi cao hơn. Cá tra ăn tạp và ăn bạo, nên chóng lớn. Thời gian từ lúc nuôi đến khi lên thớt cũng nhanh hơn (lợi về kinh tế).

Cá basa đầu ngắn bụng bự, nhiều mỡ, nên còn gọi là cá bụng. Cá basa thuộc loại khó nuôi, đòi hỏi môi trường oxy nhiều hơn, nên phải nuôi bè. Nuôi bè thì phải đóng bè, thức ăn rơi vãi, trôi theo dòng nước, lại phải nuôi lâu, năng suất xả fillet kém, nên giá thành cao. Bù lại, cá nuôi bè, nước chảy liên tục không bị hãm, nên thịt trắng, thơm tho (không mùi bùn).

Lại tìm những chốn đoạn trường mà… bơi

Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ rất “kính nể” cá tra. Năm 2002 họ đã chính thức đưa cá tra đấu tay đôi với cá catfish Mỹ. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam bị kiện chống phá giá (anti dumping). Một biến cố xui xẻo đáng… hãnh diện!

Thưở còn bị cấm vận (trước năm 1994), Việt Nam chủ yếu xuất cảng fillet cá basa qua ngõ Hongkong. Khi nhu cầu tăng, Việt Nam mới xuất thêm cá tra.

Cá tra dễ nuôi, giá rẻ, thịt cũng gần giống như basa, nên dần dần lấn lướt. Ở thời điểm bị kiện phá giá, phần lớn fillet cá xuất khẩu là cá tra, nhưng tên ghi trên nhãn thì loạn xà ngầu. Tử tế thì gọi chung chung là pangasius, còn không, thì cứ mập mờ là basa fillet, basa pangasius, basa Mekong, basa catfish… Trước vụ kiện, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cấm lấy tên “catfish” để gọi cá thuộc giống pangasius. Không một doanh nghiệp nào đủ can đảm gọi đúng tên fillet cá tra hay Tra fish.

Cá Tra

Hai chữ cá tra dễ làm người ta liên tưởng đến cá… cầu tiêu. Thực ra khoảng 20 năm trước, cá tra đã được nuôi công nghiệp rồi, nuôi bè hoặc đăng quầng (nuôi trong ao, thông nước với sông, nên nước ao không bị tù hãm). Trước khi khởi kiện, Hội nuôi cá catfish Mỹ (CFA) đã cho người qua Việt Nam sục tìm khuyết điểm của việc nuôi và chế biến cá tra, xét nghiệm mức ô nhiễm nguồn nước, dioxin, thủy ngân… Nếu cá tra mà nuôi theo kiểu hầm cầu thì đã “tới số” với CFA từ khuya rồi, khỏi kiện cáo chi cho phiền phức. Chỉ cần một bài báo về an toàn thực phẩm trên tờ Washington Post, thì nước Mỹ sẽ vĩnh biệt cá tra.

Thịt cá tra thơm ngon rẻ, không vương mùi bùn như catfish Mỹ (nuôi ao), lại hợp vệ sinh, thì bị lên thớt “chống phá giá” là điều dễ hiểu. Trong cuộc chơi chống phá giá, những điều vô lý đều có thể trở thành… có lý. Hậu quả là có doanh nghiệp bị áp thuế tới hơn 40%.

Sau vụ kiện, tên basa bỗng nhiên nổi tiếng trên thế giới. Thiên hạ tự hỏi vì sao anh khổng lồ lại đánh te tua thằng con nít thế này, bèn đua nhau dùng thử. Cá tra được mùa! (Làm gì còn cá basa thứ thiệt nữa mà xuất, nếu còn thì cũng rất ít). Từ vài chục triệu USD ở thời điểm vụ kiện, kim ngạch xuất cảng cá tra lên tới khoảng 1,8 tỉ USD vào năm ngoái (2014).

Ngay sau vụ kiện, khi còn nhập nhằng tên gọi, tôi cũng máu lên, đề nghị nên dùng chữ basa là tên gọi chung cho các loài cá thuộc giống pangasius. Coi như dựa hơi tên basa để thuận lợi xuất cảng các loại cá khác, và đó cũng là tên gọi đặc thù cho nhiều loại cá ở đồng bằng sông Mekong. Kèm theo sau basa là tên khoa học của loài cá đó, chẳng hạn, Basa Hypo (cá tra), Basa Bocourti (cá basa thứ thiệt), Basa Conchophilus (cá hú), Basa Kremfi (cá bông lau)… Nhưng quan đầu tỉnh lúc đó không ưng, ngài muốn tên basa là đặc trưng cho địa phương ngài, và cho đúc tượng cá basa bên bờ sông Hậu.


Duyên hết, nghiệp còn

Dù có đúc tượng hay không, thì cá basa cũng phải lên… bàn thờ. Nuôi cá basa không kinh tế bằng nuôi cá tra thì nuôi làm gì? Số phận cá basa đã được an bài cả vài năm trước vụ kiện chống phá giá (2002), huống chi hơn 15 năm sau, cá basa chỉ còn là hàng hiếm, đãi bè bạn chơi lấy thảo, còn đâu ra mà tìm ở siêu thị cho tốn công.

Bây giờ xuất cảng, các doanh nghiệp đều phải ghi rõ tên cá tra là pangasius hypophthalmus, đâu dám giỡn chơi với Tây với Mỹ. Vậy mà các đại gia thủy sản lại (nỡ) đùa dai với những người anh em tiêu dùng trong nước, xài tên basa tá lả. Đem Thúy Vân đánh tráo Thúy Kiều, coi sao được!

Lịch sử basa đã sang trang. Basa khởi duyên, cá tra hưởng nghiệp. Duyên hết, nghiệp còn. Nhớ nhau thì xôi gà cúng quảy, thả cá phóng sanh, chứ mang tên cúng cơm basa ra xài hoài, coi bộ hơi “bất kính” với con cá khuất mặt, phải thế không các đại gia thủy sản?

Vũ Thế Thành (Đà Lạt, 2016)

No comments: