Thành Tương Dương (襄陽城)Tương Dương là một thành cổ của Trung Quốc được xây dựng vào đầu triều đại nhà Hán, với lịch sử hơn 2000 năm. Thành Tương Dương cổ đại nằm trên bờ sông Tương Giang, là nơi hợp lưu của nhiều con sông lớn: Dụ Thuỷ, Hán Thuỷ, Đan Giang và Tích Thuỷ.
|
Tương Dương là một thành cổ của Trung Quốc với lịch sử hơn 2000 năm |
Sông Tương Giang tiếp tục chảy về nam nhập với sông Trường Giang rồi chảy ra biển lớn. Vì vậy đây được coi là ranh giới tự nhiên phân chia hai miền nam bắc Trung Quốc. Với vị trí địa lý mang tính chiến lược, trong những lần cát cứ phân tranh, nước nào chiếm được thành Tương Dương coi như có lợi thế rất lớn về mặt quân sự. Do vậy trong lịch sử Trung Quốc, các cuộc chiến lớn thường xảy ra xung quanh tòa thành cổ này.
|
Thành cổ Tương Dương được coi là ranh giới tự nhiên phân chia hai miền nam bắc Trung Quốc |
Thời Tam Quốc, trong trận chiến giữa phe Lưu Bị (người sáng lập nước Thục Hán) và Tào Tháo (người sáng lập nước Ngụy) diễn ra năm 219, quân đội nhà Ngụy đã chiếm được nơi này, lấy đó làm lợi thế rất lớn cho công cuộc thống nhất tam quốc về sau.
|
Quân đội nhà Ngụy đã chiếm được thành trong trận chiến giữa phe Lưu Bị và Tào Tháo năm 219 |
Thời Nam Tống, đây là nơi diễn ra "Đại chiến thành Tương Dương" (1267-1273) nổi tiếng trong lịch sử giữa quân Nguyên và quân Nam Tống. Với vị trí chiến lược của thành Tương Dương là nơi án ngữ dòng Hán Thủy, một khi quân Nguyên chiếm được Tương Dương, họ có thể di chuyển bằng thuyền xuôi dòng Hán Thủy để tiến vào Trường Giang. Do vậy quân Nguyên đã dốc toàn lực tấn công tòa thành này trong suốt sáu năm trời mới buộc Nam Tống thất thủ.
Bên cạnh vị trí chiến lược trong quân sự thời chiến, thành Tương Dương còn được nhiều lần đưa vào tiểu thuyết:
+ Trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, đây là nơi diễn ra sự kiện Lưu Bị ba lần cầu Khổng Minh.
+ Trong Xạ Điêu Tam Bộ Khúc của Kim Dung, đây là nơi Quách Tĩnh phòng thủ chống quân Mông Cổ trong nhiều năm. Đại hãn Mông Ca bị Dương Quá ném đá chết cũng tại thành này (thực tế Mông Ca chết tại thành Điếu Ngư).
|
Trong truyện của Kim Dung, những đoạn miêu tả về thành Tương Dương gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước, xả thân vì dân tộc |
Cổ Long Trung (古隆中)Long Trung (Cổ Long Trung) là khu vực thuộc phía Tây thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), là nơi khởi nguồn của văn hóa Tam Quốc với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.
|
Cổ Long Trung là nơi khởi nguồn của văn hóa Tam Quốc với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp
|
Cảnh sắc Cổ Long Trung từng được nhà văn La Quán Trung miêu tả thật hữu tình trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa: “Núi không cao nhưng thanh nhã, nước không sâu mà trong suốt, đất không rộng nhưng bằng phẳng, rừng không lớn nhưng rậm rạp. Vượn hạc quấn quýt, thông trúc um tùm, ngắm mãi không chán”.
|
Cảnh sắc Long Trung từng được nhà văn La Quán Trung miêu tả thật hữu tình |
Ngoài cảnh đẹp như tranh, Cổ Long Trung còn nổi tiếng bởi đây là nơi Gia Cát Lượng đã sinh sống khi còn trẻ, là nơi ông dựng nhà tranh, tự mình cày ruộng. Trong điển tích “Tam cố thảo lư”, đây chính là nơi Lưu Bị phải đến 3 lần để mời Gia Cát Lượng xuất núi, cùng mưu đồ nghiệp lớn.
|
Tam Cố Đường là nơi đánh dấu điển tích Lưu Bị ba lần tới lều cỏ mời Gia Cát Lượng , nơi Gia Cát Lượng viết “Long Trung đối sách” |
Ngày nay, nhiều khu cảnh sắc trong Long Trung có lịch sử từ nhà Tây Tần (385 – 431) thời Ngũ Hồ Thập Quốc, thời nhà Minh (1368–1644), nhà Thanh (1636–1912),… vẫn còn được lưu giữ như: Thảo Lư Đình, Tam Cố Đường, Tiểu Hồng Kiều, Cung Canh Điền, Long Trung Thư Viện, Gia Cát Thảo Lư Đình, Quan Tinh Đài, Cầm Đài.... Ngoài ra còn có rất nhiều cảnh quan khác để du khách thưởng lãm như Giếng lục giác, Đằng Long Các,...
|
Những cảnh quan khác để du khách thưởng lãm như Giếng lục giác, Đằng Long Các, Tương Vương Lăng... |
Nếu may mắn tới đây khi tuyết rơi, chứng kiến một trời tuyết trắng băng giá, du khách sẽ cảm khái cảnh vất vả của Lưu Bị khi đến mời Khổng Minh gần 2000 năm trước.
|
Khung cảnh Tiểu Hồng kiều nên thơ giữa trời tuyết trắng băng giá |
Trung Quốc Đường Thành (中国唐城)Trung Quốc Đường Thành là một danh lam thắng cảnh cấp quốc gia với diện tích 3,7 cây số vuông, thuộc thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc.
|
Trung Quốc Đường Thành tái hiện toàn cảnh thái bình thịnh thế đời nhà Đường
|
Khu thắng cảnh này được lên kế hoạch xây dựng năm 1999 với mục đích ban đầu là phục vụ cho bộ phim Yêu Miêu Truyện của đạo diễn Trần Khải Ca. Để tái hiện toàn cảnh thái bình thịnh thế đời nhà Đường, dưới sự dẫn dắt của hai nhà chỉ đạo mỹ thuật Đồ Nam và Trần Vi, đoàn làm phim đã đến Tương Dương thuộc tỉnh Hồ Bắc, mất thời gian 6 năm biến một bãi đất trống đầm lầy thành một thành Trường An nguy nga với tỷ lệ 1:1, được tham chiếu theo quy chế của thành Trường An trong sử sách. Đây là khu phức hợp xây dựng mô phỏng kiến trúc nhà Đường lớn nhất Trung Quốc.
|
Mất thời gian 6 năm biến một bãi đất trống đầm lầy thành một thành Trường An nguy nga với tỷ lệ 1:1 |
Sau khi bước vào cổng, du khách như bị hút hồn và chìm đắm trong không gian đậm màu sắc văn minh thời Đường. Trung Quốc Đường Thành tận dụng tối đa nhiều hình thức khác nhau nhằm mang lại cho du khách cái nhìn đa chiều nhất về nhà Đường thời thịnh vượng. Các nghệ nhân đã đưa nước sông Hàn Giang vào thành và kết nối 8 đường nước trong thành với 8 cây cầu để tạo thành một mô hình “8 con sông bao quanh Trường An”, điều này tạo nên một cảnh quan đẹp như tranh vẽ.
|
Mô hình “8 con sông bao quanh Trường An” tạo nên một cảnh quan đẹp như tranh vẽ |
Khách du lịch đến đây có thể ngắm nhìn toàn cảnh Trung Quốc Đường Thành bằng thuyền, không chỉ được tự do khám phá chợ, đường phố mà còn có thể đặt chân vào bất kỳ tòa tháp, nhà ở, cung điện và đền thờ nào để tận hưởng cảm giác được trở thành một thường dân của Đường triều.
|
Đến Trung Quốc Đường Thành để tận hưởng cảm giác được trở thành một thường dân của Đường triều thịnh vượng
|
Nếu khách là một người yêu thích lịch sử và văn hóa Trung Quốc, say sưa với các tác phẩm văn học từ “đại hiệp” Kim Dung, các tác phẩm của La Quán Trung và một lòng đang mê khám phá thì thành Tương Dương - Cổ Long Trung và Trung Quốc Đường Thành là những điểm đến xứng đáng không thể bỏ qua trong “hành trình Trung Hoa”!
Theo: vyctravel
No comments:
Post a Comment