Câu chuyện này đối với dân công sở mà nói tưởng như chẳng liên quan nhưng kỳ thực lại liên quan không tưởng, bởi nó để lại một bài học sâu cay cho những thành phần suốt ngày tìm cách đi lấy lòng sếp và đồng nghiệp.
Xưa kia ở vùng thảo nguyên rộng lớn, một chàng trai trẻ vì muốn có con ngựa tốt nhất để cưỡi nên suốt ngày rong ruổi đuổi theo đàn ngựa hoang. Anh chàng hy vọng rằng, ngày đó nào mình sẽ bắt kịp đàn ngựa và chọn ra được một con ưu tú nhất.Đáng tiếc thay, ngày này qua tháng nọ, dù chàng ta có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa cũng không tài nào đuổi kịp đám ngựa thảo nguyên đầy xung mãn. Bao nhiêu cách dụ dỗ chúng cũng chẳng thèm đoái hoài.
Mãi cho đến một ngày, khi đã trở nên kiệt sức mà vẫn lực bất tòng tâm, chàng trai ngồi nghỉ bên đường. Bỗng có một vị cao niên đi ngang bèn hỏi: “Tôi đã thấy cậu đuổi theo đàn ngựa từ nhiều ngày nay, cậu tìm ngựa tốt à?”.
“Đúng vậy, nhưng cuối cùng tôi vẫn phải ngồi đây mà chẳng có con ngựa nào. Bọn chúng chạy nhanh quá” - chàng trai thở dài.
Vị cao niên ngồi xuống bên cạnh cậu và ung dung nói: “Cậu còn trẻ nhưng lại dành thời gian vào một việc vô ích chi bằng hãy về nhà và trồng cỏ đi”.
Chàng trai cau có cho rằng vị cao niên dở hơi, đang đi tìm ngựa quý mà bảo về nhà trồng cỏ, chẳng liên quan tí nào. Hiểu ý anh chàng, vị cao niên ôn tồn nói tiếp: “Ngựa thích ăn cỏ, cậu trồng cỏ tốt, chăm sóc kỹ, đợi đến xuân về hoa nở ắt đàn ngựa sẽ đến với cậu thôi, lúc đó tha hồ mà chọn, có phải không?”.
Nghe xong, chàng trai chợt tỉnh ngộ bèn cảm ơn lời khuyên của vị cao niên và quay về nhà bắt đầu trồng cỏ.
Câu chuyện này đối với dân công sở mà nói tưởng như chẳng liên quan nhưng kỳ thực lại liên quan không tưởng, bởi nó nhắc nhở những thành phần suốt ngày tìm cách đi lấy lòng sếp, đồng nghiệp rằng: Cứ mãi tìm cách nịnh bợ để người khác quý trọng mình, chi bằng hãy tự bồi dưỡng bản thân để người khác chủ động lưu tâm.
Quả thật, môi trường công sở thật lắm thị phi chiêu trò mà trong đó, khá đông cá nhân thay vì tập trung làm việc thì ngày ngày lại nghĩ kế, tìm cách để chiều chuộng, lấy lòng người khác bằng những hành động, lời nói “thảo mai”.
Tất nhiên, về mục đích là không xấu, sếp trọng dụng tốt chứ sao, đồng nghiệp quý mến cũng tuyệt vời còn gì bằng nhưng cách thức đã sai rồi. Suốt ngày chạy theo tìm cách lấy lòng người khác chẳng khác nào chàng thanh niên rong rủi đuổi theo đàn ngựa hoang.
Cuối cùng thì sao? May mắn sẽ có những khoảnh khắc đồng nghiệp cũng quý mình đó, sếp cũng cho rằng mình “dễ thương” đó, nhưng giữa yêu quý và được tôn trọng, bạn này chỉ được vế thứ nhất. Ai lại đi tôn trọng một người mà việc làm không xong, cứ thích chiêu trò nịnh nọt, phải không?
Cho nên, hãy thẩm thấu lời khuyên của vị cao niên trong câu chuyện trên và dùng nó để tự bồi dưỡng làm mình phong phú hơn. “Phong phú” ở đây tức là tài giỏi trong công việc, khéo léo trong cách hành xử, quân tử trong nghệ thuật đối nhân xử thế ở công ty.
Khi trở thành một người tốt, chính trực và tài năng, sợ gì mà đồng nghiệp không quý, sếp không yêu. Dẫu biết chẳng phải muốn là có được, ấy thế cố gắng ngày qua ngày, tìm cách cải thiện bản thân, tin chắc rằng vào một ngày nào đó không xa, bạn sẽ trở thành nhân tố được mọi người lưu tâm.