Friday, June 10, 2022

MỘT GÓC NHÌN LỊCH SỬ VỀ TÀO THÁO: DÙNG TÍN NGHĨA ĐÃI NGƯỜI, THÀ CHẾT KHÔNG BỘI ƯỚC

Tào Tháo trong ấn tượng của nhiều người chính là một kẻ gian hùng, mưu mô quỷ quyệt. Tuy nhiên, có rất nhiều điều đều là do hậu nhân thêm thắt, gán ghép vào, còn bản thân ông đích thực là một anh hùng, hào khí ngất trời, một tay khuynh đảo thời đại.


Phần lớn ấn tượng không mấy tốt đẹp của hậu thế về Tào Tháo là chịu ảnh hưởng từ cuốn tiểu thuyết chương hồi “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, vốn là một nhà văn có tinh thần “Ủng Lưu phản Tào” (ủng hộ họ Lưu, công kích họ Tào). Ở đó, Tào Tháo được khắc họa như là một gian hùng, chiếm quyền đoạt vị, gây nhiều tội ác.

Tuy nhiên, “Tam Quốc diễn nghĩa” chỉ là một tác phẩm văn chương, xây dựng từ một phần sử liệu cũ và tài năng nhào nặn hình tượng nghệ thuật của tác giả. Nếu xét kỹ từ trong các sách sử, người ta thấy có một Tào Tháo khác hẳn, dường như đối lập hoàn toàn với những gì lâu nay người đời vẫn lầm tưởng.

Sau 30 năm vẫn giữ “Lời hứa với Kiều Công” (Kiều công ước)

Sử sách ghi lại rằng, khi Tào Tháo còn nhỏ, mặc dù thông minh, cơ trí hơn người nhưng ông cũng rất mải chơi, suốt ngày chỉ thích đi săn bắt. Họ hàng đều nghĩ sau này ông chẳng thể làm nên công trạng gì, thậm chí còn là kẻ phá gia chi tử. Nhưng Tào Tháo vẫn luôn ôm sẵn trong lòng chí lớn.

Một hôm, ông tới gặp Kiều Huyền, vốn có hiểu biết siêu phàm, rất giỏi quan sát và đánh giá người khác. Sau khi tiếp chuyện Tào Tháo, Kiều Huyền vô cùng tán thưởng và nói:

“Hiện nay thiên hạ sắp đại loạn. Nếu không phải là bậc nhân tài kinh bang tế thế thì không thể khiến thiên hạ an định được. Ta đã gặp rất nhiều danh sỹ trong thiên hạ, nhưng không một ai có thể sánh được với ngươi. Người mà một ngày kia nhất định có thể định quốc an bang, đại khái chính là người như ngươi vậy!”.


Tào Tháo nghe xong vô cùng hứng khởi, cũng vô cùng cảm kích, nên đã coi Kiều Huyền là tri kỷ của mình. Kiều Huyền khuyên Tào Tháo tìm gặp Hứa Thiệu, cũng lại là một danh sĩ nổi tiếng giỏi nhìn người. Khi Tào Tháo cáo biệt ông, Kiều Huyền nửa đùa nửa thật nói:

“Ta lớn hơn ngươi 29 tuổi, ngày tháng gặp nhau cũng không nhiều. Sau này khi ngươi đi qua mộ phần của ta, đừng quên mang con gà đấu rượu tới cúng tế cho ta. Nếu không thì bụng ngươi có đau cũng đừng oán trách ta!”. Tào Tháo vui vẻ nhận lời.

Chớp mắt một cái đã 30 năm trôi qua, Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu trong cuộc đại chiến Quan Độ, đạp bằng chư hầu, thống nhất miền Bắc. Lúc này tiếng tăm của ông đã vang như sấm động, thiên hạ không ai không biết đến Tào công.

Năm 202, Tào Tháo đóng quân tại Tiếu Huyện. Ông đã phái riêng người tới trước mộ Kiều Huyền, tế lễ long trọng bằng thịt trâu, thịt dê, thịt lợn. Đồng thời Tào Tháo còn tự tay viết bài văn tế: “Bài văn tế tự cố thái úy Kiều Huyền” (Tự cố thái úy Kiều Huyền văn).

Trong bài văn tế rất mực chân tình này, Tào Tháo đã hết lời khen ngợi Kiều Huyền là một người “có đạo đức cao thượng”. Tào Tháo khiêm nhường tự xưng mình là đệ tử cùng thời, viết rằng: “Người tri kỷ dẫu đã khuất bóng, ta vẫn nhớ mãi ơn này không quên”. Vậy nên người đời sau đã dùng “Kiều Công ngữ”, “Kiều Công ước” để nói về tình xưa nghĩa cũ giữa những người bạn tri kỷ khi một người còn sống và một người đã ra đi.

Đưa tiễn mẹ già của phản thần

Trần Cung tự Công Đài là một mưu sĩ nổi tiếng thời Tam Quốc. Khi Tào Tháo nhận chức thái thú Đông quận, Trần Cung về theo dưới trướng ông. Khi Tào Tháo thảo phạt quân Khăn Vàng ở Thanh Châu, Trần Cung bày nhiều kế lạ, giúp Tào Tháo chiếm được Duyện Châu, thu phục được mấy chục vạn quân mà không mất một mũi tên. Có thể nói, quan hệ của hai người lúc đó vô cùng thân thiết. Trần Cung còn hy vọng cùng Tào Tháo làm nên nghiệp bá vương.

“Tam Quốc chí” (Trần Thọ) chép rằng, do sinh lòng ngờ vực, Trần Cung nhân lúc Tào Tháo mải mê đánh Từ Châu, đã phản bội Tào Tháo và đầu quân cho Lã Bố. Năm 198, Lã Bố bị đại quân Tào Tháo vây khốn mấy tháng trời ở Hạ Phì. Lã Bố phải đầu hàng nhưng cũng bị Tào Tháo xử tử.

Trần Cung cũng bị bắt sống. Tào Tháo hỏi ông nên xử lý thế nào. Trần Cung đáp rằng: “Ta là thần mà lại bất trung, là con mà lại bất hiếu, theo lý thì phải bị đưa ra pháp trường”. Tào Tháo nuối tiếc mà rằng: “Ngươi chết rồi, mẹ già của ngươi phải làm sao?”.

Trần Cung

Trần Cung thở dài, nói: “Ta nghe nói rằng những người định lấy hiếu trị vì thiên hạ thì sẽ không giết cha mẹ của người khác. Mẹ già của ta sống hay chết, chỉ có thể do ngài định đoạt, ta đã không thể quyết định được nữa rồi!”.

Tào Tháo lại hỏi: “Thế thì vợ ngươi, con trai ngươi phải làm thế nào?”. Trần Cung đáp: “Ta nghe nói người định dùng nhân trị vì thiên hạ sẽ không làm hại vợ và con cái, không tuyệt diệt đời sau của người khác. Vợ và con của ta sống hay chết, cũng chỉ có thể do ngài quyết định”. Tào Tháo nghe xong, yên lặng không nói thêm lời nào.

Một lúc sau, Trần Cung lại yêu cầu: “Xin hãy lôi ta ra và xử tử để làm gương cho quân pháp!”. Nói xong Trần Cung tự mình chạy phăm phăm ra ngoài, binh sĩ cản thế nào cũng không thể ngăn nổi ông. Tào Tháo không biết phải làm thế nào, chỉ biết nắm tay lại mà rằng:

“Ngươi yên tâm, mẹ già của ngươi cũng như mẹ già của ta, ta nhất định sẽ thay ngươi nuôi dưỡng và tiễn đưa bà lúc lâm chung!”. Tào Tháo chảy nước mắt, lặng lẽ theo sau đưa tiễn. Lúc này Trần Cung vẫn cứ bước đi thẳng, cũng chẳng ngoảnh đầu nhìn lại thêm lần nào.

Sau khi Trần Cung chết, Tào Tháo không quên lời hứa của mình. Ông cử người đón mẹ già của Trần Cung về phụng dưỡng mãi cho tới khi bà qua đời. Con cái của Trần Cung sau khi trưởng thành cũng đều được Tào Tháo lo chuyện hôn sự. Sự quan tâm, chăm sóc của Tào Tháo với người nhà Trần Cung còn chu đáo hơn cả khi Trần Cung còn sống.

Dùng nghĩa đối đãi với Quan Vũ

“Tam Quốc diễn nghĩa” miêu tả Quan Vũ vì bảo vệ hai chị dâu mà đành phải đầu hàng Tào Tháo. Nhưng Quan Vũ giao ước với Tào Tháo rằng một khi biết được tin tức của đại ca Lưu Bị sẽ lập tức rời đi. Tào Tháo quý tiếc nhân tài, ái mộ Quan Vũ nên đã chấp thuận yêu cầu của ông.

Quan Vũ

Khi Quan Vũ quy hàng, Tào Tháo vốn là người chi dùng rất tiết kiệm nhưng để thu phục tướng tài, ông không chỉ ban tặng mỹ nữ Giang Nam, mà còn ban rượu ngon, sơn hào hải vị, bạc vàng tơ lụa. Ngay cả con ngựa Xích Thố mà Lã Bố cưỡi khi xưa cũng được Tào Tháo tặng cho Quan Vũ mà không phải các dũng tướng từng vào sinh ra tử với mình. Ông còn tâu lên vua Hán, sắc phong cho Quan Vũ là Hán Thọ Đình hầu.

Trong “Tam Quốc chí” cũng chép rằng: “Tào Công bắt Quan Vũ quy hàng, phong làm tướng quân nơi biên thùy, tặng cho rất nhiều bổng lộc”. Người đời sau cho rằng Quan Vũ quy hàng Tào Tháo vì nghĩ Lưu Bị đã chết trong đám loạn quân. Nhưng khi ông nghe nói Lưu Bị đang ở trong quân của Viên Thiệu thì mau chóng quyết định rời đi.

Trong “Quan Vũ truyện – Tam Quốc chí” có ghi: “Tào Công vô cùng coi trọng Quan Vũ. Nhưng thấy tâm ý Quan Vũ không muốn lưu lại, bèn bảo với Trương Liêu rằng: ‘Khanh thử lựa cái tình mà hỏi hắn xem sao’. Liêu đi hỏi Quan Vũ, Quan Vũ than rằng: ‘Ta hiểu rằng Tào Công trọng đãi ta. Nhưng ta chịu ơn sâu của Lưu tướng quân, đã thề nguyền cùng ngài sống chết, ta không thể phạm lời thề. Cuối cùng thì ta cũng sẽ không ở lại. Ta muốn đền ơn Tào Công xong rồi mới đi’”.

Sau này Trương Liêu chuyển lại lời của Quan Vũ cho Tào Tháo. Nghe xong, Tào Tháo cho rằng Quan Vũ là bậc trung nghĩa, lại càng thêm mến mộ. Sau khi Quan Vũ giết đại tướng Nhan Lương của Viên Thiệu, báo đáp ơn tri ngộ, Tào Tháo biết rằng Quan Vũ nhất định sẽ rời đi, lại càng khoản đãi, ban tặng cho Quan Vũ nhiều hơn.

Không lâu sau, Quan Vũ mang tất cả những vật phẩm được ban tăng phong kín lại, để kèm một phong thư cáo từ. Thuộc hạ của Tào Tháo muốn đuổi theo Quan Vũ nhưng Tào Tháo không đồng ý. Tào Tháo cho rằng “Ai có chủ của người nấy, đừng đuổi nữa”.

Sử gia Bùi Tùng Chi khi chú giải “Tam Quốc chí” đã không khỏi cảm thán khi viết lại đoạn tư liệu lịch sử này:

“Tào Công biết Quan Vũ không ở lại mà lòng càng thêm yêu mến cái chí của ông. Quan Vũ bỏ đi mà Tào Tháo không đuổi theo để tán thành cho cái nghĩa của ông. Đây chẳng phải là sự độ lượng của bậc bá vương sao, ai có thể làm được như vậy? Điều này đã miêu tả chân thực cái đạo đức lương thiện của Tào Công”.

Cắt tóc tự phạt


Tào Tháo trị quân nghiêm khắc, quân pháp nghiêm ngặt, thưởng phạt phân minh. Trong một lần hành quân, giữa đường phải đi qua một ruộng lúa mạch, Tào Tháo hạ lệnh: “Những kẻ giẫm lên lúa mạch, bất kể là ai, lập tức sẽ bị chém đầu thị chúng”. Tướng sĩ quả nhiên vô cùng cẩn thận khi đi qua ruộng lúa mạch, không một ai dám giẫm đạp lên ruộng lúa. Trăm họ thấy thế vô cùng tán thưởng.

Đột nhiên, trong ruộng lúa có một chú chim bay vút lên, làm kinh động đến ngựa của Tào Tháo. Chú ngựa bị giật mình đã chạy vào ruộng lúa, giẫm lên một mảnh ruộng lúa mạch nhỏ. Tào Tháo lập tức gọi quan viên tùy tùng tới, yêu cầu trị tội mình vì đã đạp lên ruộng lúa.

Quan viên nói rằng: “Sao có thể trị tội Thừa tướng đây?” Tào Tháo đáp lại: “Lời ta đích thân nói ra, nếu ngay cả ta cũng không tuân thủ, thử hỏi còn ai cam tâm tình nguyện tuân thủ nữa đây?”. Nói rồi Tào Tháo tuốt thanh gươm luôn đeo bên hông, muốn tự cắt cổ mình. Văn thần, võ tướng bên cạnh được một phen khiếp vía, quỳ rạp cả xuống đất kêu khóc.

Mưu sĩ là Quách Gia nói: “Trong Xuân Thu của Khổng thánh nhân có nói rằng: ‘Pháp luật không áp dụng với người tôn quý’. Hiện giờ chủ công thống lĩnh đại quân, vai mang trọng trách, sao có thể tự sát được?”. Thế là Tào Tháo cắt tóc thay đầu, truyền lệnh cho ba quân được biết.

Cổ nhân cho rằng “Thân thể, tóc và da đều do cha mẹ ban cho”. Cắt tóc là một chuyện rất hệ trọng. Do đó hành động này của Tào Tháo cũng là một hình thức tự trừng phạt vô cùng nghiêm khắc. Tào Tháo cắt tóc, vừa có thể giữ uy tín trước mặt tướng sĩ của mình, cũng đắc được lòng dân, lại giữ được sự thành tín, trung thực, đã nói là làm.

Đã dùng người thì không nghi ngờ

Tào Tháo dùng sự thành tín đối đãi với người khác, đồng thời ông cũng vô cùng tín nhiệm và khoan dung với các mưu thần, tướng lĩnh của mình. Ông có thói quen đã dùng người thì không nghi ngờ. Như trong trận chiến Quan Độ, sau khi đánh bại Viên Thiệu, ông phát hiện ra rằng trong quân của mình có một vài mưu thần đã liên lạc với Viên Thiệu trước khi xảy ra cuộc chiến.

Tào Tháo nói: “Bản thân ta cũng chưa nắm chắc là sẽ giành chiến thắng, cũng không thể trách họ, nên cũng có thể lượng tình mà tha thứ”. Tào Tháo sai đốt hết tất cả thư tín ngay trước mặt mọi người. Điều này khiến những mưu thần kia vô cùng cảm kích tấm lòng quảng đại của Tào Tháo.

Tào Tháo lấy thiện đãi người, đối nhân xử thế rất khẳng khái, ông được cả thiên hạ tín nhiệm. Do đó bên cạnh Tào Tháo đã quy tụ được rất nhiều những bậc anh tài trong thiên hạ, phò trợ ông hoàn thành nghiệp đế vương. Sau này khi nghe tin Tào Tháo qua đời, quần thần đều quần tụ lại, than khóc như mưa, ngay cả hàng lối khi thiết triều cũng không thể giữ được ngay ngắn. Tình cảm chân tình và xúc động này chẳng phải là lời ca ngợi tốt nhất cho người anh hùng Tào Tháo luôn lấy tín đãi người, lấy sự chân thành đãi người đó sao?

Theo: ĐKN
Link tham khảo:
https://www.sohu.com/a/547240244_120827551?spm=smpc.sub-channel.fd-news.2.1652601600124GXdVOXR


No comments: