Friday, June 24, 2022

HẠNH PHÚC LÀ TỰ YÊU BẢN THÂN MÌNH

“Hãy tự yêu mình trước" là một câu nói mà con người hiện đại thường lấy làm lời nhắn nhủ bản thân. Nhưng cũng có người cho rằng, “sống vì người khác" mới là lẽ sống cao cả nhất của nhân sinh. Vậy thì lý lẽ nào mới là điều chúng ta nên theo đuổi để có được hạnh phúc thực sự đây?

“Cuộc đời người có hai ngày sinh nhật, một là ngày chúng ta cất tiếng khóc chào đời, ngày còn lại là ngày chúng ta thật sự hiểu rõ bản thân mình”. (Ảnh: Pixabay)

Có lẽ chúng ta cần hiểu rõ mình nên sống như thế nào. Bởi “phó mặc” và “vô định" là lối sống rất đáng sợ. Nó bào mòn ta theo năm tháng và khiến ta luôn cảm thấy khó khăn khi đứng trước những thời khắc phải đưa ra quyết định trong đời. Xác định rõ được phong cách sống sẽ khiến mọi bước ngoặt của cuộc đời trở nên sáng tỏ và giúp ta luôn đi đúng hướng.

Cuộc đời quá ngắn ngủi, hạnh phúc là tự yêu bản thân mình

Thói quen của đa phần chúng ta là luôn muốn rất nhiều, nhưng lại ít khi quan tâm đến việc “thoả mãn" ý muốn đó, mà thường trước tiên để tâm đến cách nhìn của người khác, sau đó miễn cưỡng bản thân theo ý họ. Cuối cùng, cái gì cũng dang dở. Người đời thì không bao giờ hài lòng với ta, còn ta thì cũng chẳng mấy khi hài lòng với chính mình. Vậy thì ta vừa không “tự yêu chính mình" lại cũng không “làm vừa lòng người" như vẫn nghĩ.

Một cuộc đời đúng nghĩa, có lẽ là không có sự miễn cưỡng, cũng tức là, bản thân biết rõ mình đang cần gì, dù là đang giúp mình, hay giúp người.

Yataro Matsuura, người từng được cho là “Người đàn ông biết cách sống nhất ở Nhật Bản", nói rằng: “Cuộc đời người có hai ngày sinh nhật, một là ngày chúng ta cất tiếng khóc chào đời, ngày còn lại là ngày chúng ta thật sự hiểu rõ bản thân mình”.

Khi làm việc mình không muốn làm, đó gọi là sự miễn cưỡng. Con người thường tự lừa dối bản thân, họ đưa ra những lý do kiểu như: việc này là cần thiết, mình vẫn sẽ làm nó, để tương lai mình sẽ được làm những gì mình muốn. Đó là mình đang chuẩn bị cho tương lai, cuộc đời nhiều khi chính là “thân bất do kỉ"! (Thân mình nhiều lúc không do mình tự quyết định được)

Cuộc đời nhiều khi chính là “thân bất do kỉ"! (Ảnh: Pixabay)

Nhưng những viên gạch hiện tại chẳng phải đang định hình cho tương lai đó thôi! Ta bị cuốn vào vòng xoáy của sự biện hộ đó, và có thể sẽ không bao giờ biết bản thân mình thực sự muốn gì, và tất nhiên cũng không thể thực hiện được chúng.

Vì sao vậy? Vì rất nhiều nguyên nhân. Nhưng nếu nguyên nhân đó xuất phát từ chính ta, ta vẫn sẽ biết cách chấp nhận nó với sự thoả mãn nhất định. Nếu nó xuất phát từ “vì người khác", ta thường có xu hướng “chấp nhận" nhưng vẫn “bất mãn" và “đổ lỗi" cho người khác vì sự bất mãn ấy.

Cổ nhân nói rằng: “Người ở trong hạnh phúc không biết đó là hạnh phúc, thuyền đi trong nước không biết nước đang chảy”.

Khi mệt, có chiếc giường ngả lưng đã là hạnh phúc.

Khi đói, có miếng ăn là hạnh phúc.

Khi ốm yếu, được khoẻ mạnh, được tiếp tục sống, đã là hạnh phúc.

Khi nhàm chán, được cần đến, được làm việc là hạnh phúc.

Có một nhà văn từng nói thế này: “Cuộc sống chất lượng thực sự là quay về với bản ngã, nhận định rõ năng lực và điều kiện của tự thân, trong giới hạn đó mà theo đuổi cuộc sống và những điều tốt đẹp nhất”.

Không nên mong ước những gì vượt quá năng lực của bản thân, nhưng lại cần hiểu được cái tối thiểu để duy trì sự tốt đẹp trong cuộc sống.

Có lẽ, đó được gọi là thành thật với chính mình, “tự yêu lấy mình" một cách đúng mực. Tại sao lại là đúng mực? Bởi vì 'vật cực tất phản': bất cứ việc gì đi tới cực điểm rồi thì sẽ biến đổi, trở nên phản đảo. Nhà cao cửa rộng, thức ăn ngon mỗi ngày, đi khắp thế giới và làm những việc mình yêu thích, v.v được thoả mãn tới cực hạn rồi thì cũng đồng nghĩa với đánh mất đi hạnh phúc.

Cái giết chết con người nhanh nhất, không phải là sự vất vả, khổ cực, mà là sự cô độc.

Theo nghiên cứu khoa học, người không cảm thấy cô đơn sẽ có tuổi thọ dài hơn, có sự nghiệp thành công hơn, tài chính tốt hơn và chỉ số hạnh phúc cao hơn.

Như vậy, con người sống trong thế giới này, không thể sống mà không có sự kết nối. Việc này cũng phần nào giải thích cho việc người ta luôn cố gắng “làm vừa lòng người khác" để có cảm giác được thừa nhận, được đồng tình, được yêu mến, v.v.

Nhưng liệu chúng ta đã làm điều đó theo cách đúng đắn chưa?

Khi ta biết “yêu lấy bản thân mình" một cách đúng mực, ta sẽ không thấy ganh ghét với người khác, bởi ta biết năng lực của mình ở đâu, nên biết sự so sánh đó là vô nghĩa. Điều này đã giảm thiểu đáng kể sự mâu thuẫn trong cuộc sống của ta với bên ngoài. Chí ít, tâm thái ta luôn bình thản khi nhìn nhận những sự bất công trong xã hội.

Thứ hai, nếu ta “yêu mình" vừa đủ để chưa bước qua ranh giới của “sự ích kỉ", ta sẽ có cơ hội cảm nhận được sự đồng cảm và sự tốt đẹp của thế giới xung quanh.

Tại sao ta phải đợi cho tới thời điểm “đầy đủ" mới làm việc “nhân văn"? (Ảnh: Pixabay)

Hãy thử nhìn các tỷ phú trên thế giới. Họ dồn hết tâm huyết để trở nên thành công, nhưng khi đã giàu có, họ thường làm từ thiện. Đó như là một điều tất yếu: Con người khi đã đầy đủ, họ quay trở lại truy cầu sự nhân văn.

Vậy tại sao ta phải đợi cho tới thời điểm “đầy đủ" mới làm việc “nhân văn"? Ta có thể làm điều đó sớm hơn. Ta có thể vẫn thoả mãn trong sự “đầy đủ" theo một cách ít tốn kém hơn, nhưng vẫn đủ để ta có thể nghĩ tới việc giúp đỡ người khác, nghĩ cho người khác.

Nói một cách cụ thể, nếu như ta có thể kiềm chế cái tâm “tham" của mình một cách hợp lý, ta hoàn toàn có thể vừa “yêu bản thân" vừa “làm lợi cho người khác" được.

Điều này giúp ích cho ta những gì? Cũng như những vị tỷ phú kia, họ nhận được sự tán dương của cộng đồng về sự hào phóng và lương thiện của mình, đồng thời tâm họ cũng tìm thấy sự thanh thản trong niềm vui chia sẻ với người khác. Hơn nữa, mọi người đều tôn trọng và yêu quý họ vì đức tính tốt đẹp đó. Chúng ta cũng sẽ đạt được những điều ấy, với cách thầm lặng hơn, nhưng hiệu quả tương đương.

Không ai có thể sống suôn sẻ một đời mà không cần sự giúp đỡ của người khác vậy nên ta cần sự giúp đỡ từ bên ngoài, và người khác cũng như vậy. Bởi thế mà nếu ai cũng “chỉ nghĩ cho bản thân trước" thì sẽ thật khó khăn cho tất cả mọi người, và thế giới này sẽ trở nên thật đáng sợ!

Nhân sinh ngắn ngủi, mấy chục năm thoáng chốc là trôi qua. Hãy giữ cho mình những giấc mộng đẹp và niềm hy vọng tràn trề, đừng sống như hư như ảo, đừng làm bản thân hay ai đó cảm thấy ấm ức. Khi gặp bất cứ chuyện gì, hãy tự nhủ: Không miễn cưỡng, hãy tự yêu lấy bản thân mình rồi cũng hãy biết nghĩ cho người khác. Hãy sống thong dong, tự tại, sống đẹp, an yên và chân thành.

Quỳnh Thu - Hoàng Hoa
Theo: ntdvn

No comments: