Thursday, June 16, 2022

OMICRON VÀ HỌC THUYẾT THIÊN NGA ĐEN

NHÌN LẠI CÁCH GEORGE SOROS, WARREN BUFFETT KIẾM TIỀN TỪ KHỦNG HOẢNG TRONG QUÁ KHỨ


Các nhà đầu tư nên thực hiện chiến lược gì nếu Omicron thực sự nguy hiểm như những lời cảnh báo?

Chưa đầy 1 tuần kể từ khi được phát hiện, biến chủng Omicron của dịch Covid-19 đã lây lan ra nhiều quốc gia trên thế giới. Những dự đoán về độ nguy hiểm của biến chủng này đã khiến nhiều quốc gia có động thái quyết liệt và hệ quả là thị trường toàn cầu chao đảo.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi nhận phiên tệ nhất từ tháng 10 năm ngoái khi mất 2,5%, còn S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 2,3% và 2,2%. Thị trường vàng, tiền số và tiền tệ cũng chao đảo vì thông tin biến thể mới nguy hiểm hơn cả Delta và có thể kháng vaccine.

Bỏ qua câu chuyện thực hư về độ nguy hiểm của Omicron, giới đầu tư đã khóc ròng vì những tác động của Omicron và coi đây là một "thiên nga đen" của thị trường. Vậy thiên nga đen của thị trường là gì và làm thế nào mà những nhà đầu cơ tài ba có thể đặt cược đúng trong bối cảnh đó?

Biết đâu bất ngờ

Về mặt khái niệm "Thiên nga đen" là hiện tượng kinh tế cực kì hiếm khi xảy ra và không thể dự đoán trước, mang lại những hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế. Thuật ngữ này do Giáo sư kinh tế Nassim Nicholas Taleb, một cựu thương nhân Phố Wall đề xuất và được dùng để nhấn mạnh những sự kiện vượt quá dự đoán bình thường, hiếm có nhưng ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới tài chính và hệ thống kinh tế toàn cầu.


Cái tên thiên nga đen dựa trên một câu nói cổ xưa rằng loài thiên nga sẽ không có màu đen, thế nhưng vẫn có những bất ngờ khi loài này thực sự tồn tại ở Australia.

Theo ông Taleb, tất cả những phương pháp được sử dụng trên thị trường hiện nay đều dùng dữ liệu của quá khứ để dự báo về tương lai. Tuy nhiên rõ ràng quá khứ không thể tiên đoán chính xác hoàn toàn được tương lai, đặc biệt là những sự kiện diễn ra trên thị trường tài chính. Việc phụ thuộc vào dữ liệu quá khứ sẽ làm chúng ta luôn chậm chân với những cơ hội chưa bao giờ từng xuất hiện trước đây trên thị trường.

Các nhà đầu tư, giới phân tích thường tập trung vào những gì xảy ra trong quá khứ nhưng không tính đến bất kỳ sự kiện thiên nga đen nào có thể xảy ra, vì chúng chưa có tiền lệ trước đây. Điều này dẫn đến hậu quả thường được ghi nhận là rất nặng nề khi thiên nga đen xảy ra. Vì thông thường nó không được dự báo trước. Trong lịch sử cũng ghi nhận những lần thiên nga đen xảy ra với nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

Không ai dự đoán được cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, thảm họa sóng thần năm 2004 ở Đông Nam Á, cuộc khủng hoảng tài chính 2008, hoặc thảm họa hạt nhân Fukushima… Thậm chí sự sụp đổ năm 2015 của giá dầu cũng là một trong những sự kiện chưa từng có tiền lệ và không đoán trước được.


Mới đây nhất, đại dịch Covid-19 và biến thể Omicron cũng được coi là một "thiên nga đen" khi làm bất ngờ các nhà đầu tư trong bối cảnh các nền kinh tế dần mở cửa trở lại. May mắn thay, lần thiên nga đen này có lẽ không quá nặng khi các quốc gia có động thái dự phòng sớm và biến thể Omicron vẫn chưa tạo được thiệt hại gì lớn ngoài những dự đoán của các chuyên gia.

Nếu Omicron thực sự nguy hiểm như các nhà khoa học cảnh báo khi kháng được vaccine và bùng nổ rộng trên toàn cầu, có lẽ thị trường sẽ không đơn giản là chỉ giảm điểm như vậy.

Biến động như thế nhưng vẫn có những nhà đầu tư thành công qua hàng loạt thiên nga đen, thậm chí sinh lời lớn từ đó. Hiện có 2 trường phái tiêu biểu cho đầu tư khi thị trường biến động, một là chấp nhận mạo hiểm lướt sóng của George Soros hay mua nắm giữ dài hạn của Warren Buffett.

Có nên mạo hiểm?

Với những nhà đầu cơ ưa thích mạo hiểm, nhất là với các thiên nga đen, cái tên George Soros chẳng có gì xa lạ. Ông được gọi là đầu tư tài chính vĩ đại nhất lịch sử, kẻ đầu cơ tiền vĩ đại nhất thế kỷ 20, anh hùng và tội đồ của thế giới, người làm khuynh đảo thị trường tài chính toàn cầu…


Tên tuổi của George Soros được biết đến nhiều nhất trên thị trường tài chính thế giới qua vụ đầu cơ đồng bảng Anh vào năm 1992.

Vào ngày Thứ tư Đen tối (Black Wednesday) 16/9/1992, George Soros đột nhiên trở nên nổi tiếng khi bán khống lượng bảng Anh có giá trị tương đương trên 10 tỷ USD và kiếm lợi từ việc Ngân hàng Trung ương Anh do dự lựa chọn hoặc nâng lãi suất nội tệ lên ngang bằng với lãi suất tại các nền kinh tế khác trong Tổ chức sử dụng chung cơ chế tỷ giá châu Âu, hoặc thả nổi đồng nội tệ.

Cuối cùng, Ngân hàng Trung ương Anh buộc phải rút đồng bảng Anh ra khỏi cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu và phá giá đồng bảng. George Soros kiếm được khoảng 1,1 tỷ USD trong phi vụ này và được biết đến với biệt danh "kẻ phá hoại Ngân hàng Trung ương Anh".

Tương tự, Soros cũng đã tấn công đồng tiền khu vực Đông Nam Á trong cuộc khủng hoàng tài chính năm 1997 và đồng Ruble của Nga trong cuộc khủng hoảng 1998.

Hãy tưởng tượng nếu phát hiện trước thông tin về biến chủng B.1.1.529 trước khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) họp khẩn và đặt tên cho chúng là Omicron, các nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch kiếm lời lớn từ các thị trường như thế nào.

Trái ngược với phong cách của Soros là Warren Buffett với biệt danh "phù thủy xứ Omaha". Kể từ khoản đầu tư đầu tiên vào năm 1965, sau hơn 4 thập kỷ, Warren Buffett đã có trong tay trên 50 tỷ USD và chưa có nhà đầu tư chứng khoán nào vượt qua ông về khả năng sinh lời cho nguồn vốn.


Khác với những nhà đầu cơ như Soros khi tận dụng biến động của thị trường để sinh lời, Buffett không chỉ nhìn nhận cổ phiếu đắt hay rẻ dựa vào sự đánh giá của quy luật cung cầu mà là khả năng sinh lời từ hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp.

Thực tế, nhà đầu tư huyền thoại không hề bận tâm đến hoạt động của thị trường. Khi đầu tư vào một cổ phiếu nào đó, ông không quan tâm sau vài năm nữa thị trường có nhận ra giá trị của mã đó hay không, mà là trong những năm tới doanh nghiệp này sẽ kiếm ra bao nhiêu tiền.

Nhờ chiến lược kinh doanh này mà các khoản đầu tư của Buffett sinh lời trong dài hạn và ít khi chịu ảnh hưởng từ những thiên nga đen. Hãy tưởng tượng bạn xác định mảng công nghệ sẽ tiếp tục sinh lời trong vài thập niên tới bất kể có yếu tố thiên nga đen nào đi chăng nữa thì dù có Omicron hay không, cổ phiếu vẫn sẽ sinh lời cho bạn nếu dự đoán là chính xác.

Huyền Băng
Theo: Doanh nghiệp và Tiếp thị



No comments: