Saturday, June 11, 2022

CHUYỆN BUỒN VỀ SỰ PHÂN BIỆT GIÀU NGHÈO Ở HỌC SINH

Vừa rồi, tôi có việc phải vào trường học của con mình. Trong lúc ngồi ghế đá chờ gặp con, tôi nghe được câu chuyện hết sức buồn từ ba cô cậu học trò đang ngồi ghế đá bên cạnh.


Câu chuyện tán gẫu với thái độ xem thường của ba học sinh ấy là về một người bạn vắng mặt. Câu chuyện bắt đầu từ học sinh A: “Ê, tao mới phát hiện ra con nhỏ vừa vào lớp mình có gia đình toàn là thứ quét rác”. Bạn B: “Thì cũng chính vì nghèo, ăn mặc toàn đồ cũ xì nên đâu có ai chơi chung”. Bạn C: “Thôi tụi bay đừng nói nữa, tao nghe mùi rác thúi quanh đây nè”. Tò mò nhìn qua, tôi thấy cách ăn mặc của ba học sinh ấy có vẻ sành điệu, sang trọng nên đoán chừng các em thuộc con nhà gia cảnh khá giả. Và có lẽ vì thế mà các em không thấu hiểu, cảm thông trước hoàn cảnh của bạn bè chăng?

Tối hôm đó, tôi đem câu chuyện trên nói với con mình, đồng thời hỏi xem lớp con có ai khi dễ người nghèo như vậy không. Không đợi tôi kể lể dài dòng, con tôi đáp gọn lỏn: “Bình thường mà ba. Nghèo thiệt thòi lắm. Chẳng có bạn, lại bị coi khinh cho dù học giỏi”. Rồi con tôi giải thích thêm rằng, lớp học bây giờ cũng kết bè kết nhóm nhiều lắm. Có tiền mới có thể tham gia nhóm đi ăn uống, du lịch, tham quan…, còn con nhà nghèo thì cứ lủi thủi học, chẳng được quan tâm nhiều. Chẳng những vậy, học trò giàu còn cạnh tranh nhau từ chiếc nhẫn, đồng hồ, đôi hoa tai, điện thoại di động hàng hiệu”.


Tôi chỉ biết lắc đầu sau khi nghe con kể. Tôi cảm thấy rằng thời hiện đại, tuổi học trò không còn dễ thương, thân thiện, hòa nhã như xưa nữa. Đồng ý rằng thời nào cũng có kẻ giàu, người nghèo và người giàu đôi lúc khi dễ người nghèo. Nhưng nhớ lại tuổi học trò thời của tôi, thật đẹp làm sao! Những bạn nghèo, hiếu học luôn được tôn trọng bởi mọi người và được thầy cô quý mến. Những bạn giàu cũng hết sức hòa đồng với các bạn trong lớp. Bởi vì, thời chúng tôi quan niệm tình nghĩa bạn bè là trên hết, không có gì chi phối được. Cứ hễ những bạn nghèo không có tiền để tiếp tục việc học, bệnh không có tiền chữa trị thì các bạn giàu có, khá giả về nhà xin cha mẹ ít tiền để giúp đỡ bạn. Có người phải giấu giếm cha mẹ, nói dối rằng mua sắm sách vở, vì gia đình khó tính. Còn khi các bạn giàu cảm bệnh, buồn chuyện gia đình thì tất cả các bạn trong lớp đến thăm, an ủi, chia sẻ. Dù chỉ là một hộp sữa bò, ký cam nhưng bên trong đó chất chứa biết bao nhiêu sự yêu thương của tình bè bạn. Chẳng ai cạnh tranh nhau từng cái quần, cái áo mà là “cạnh tranh” học tập sao cho đạt thứ hạng cao một cách tích cực.

Tôi nghĩ để vực dậy tính từ tâm, hòa đồng, yêu thương ở giới học trò thời nay thì giáo viên cần phải lồng ghép nhiều hơn những câu chuyện mang tính giáo dục và bài học (nhất là các môn xã hội) về sự hòa đồng, san sẻ giữa người và người. Cần cho học trò thấy giá trị của mỗi con người không chỉ ở sự giàu có mà còn nằm ở một nhân cách tốt, tâm hồn cao thượng. Khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng như từ thiện, đi thăm những mái ấm tình thương, người khuyết tật, người già neo đơn… để đánh động tình yêu thương trong tim mỗi học trò trỗi dậy. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần làm gương cho con cái, mới mong con có một đạo đức tốt. Quét rác, dọn nhà vệ sinh, thu nhặt ve chai vẫn là các nghề chân chính, đáng được tôn trọng, chưa kể nhờ họ mà thành phố sạch hơn, bớt ô nhiễm hơn.

Nguyễn Tấn / Theo KTSG Online