Sunday, June 19, 2022

CÓ MỘT "THÀNH PHỐ" TRONG RỪNG Ở TRÀ VINH

Đừng hỏi “Trà Vinh có gì hay không?”. Bạn hãy về đi, để tự mình trải nghiệm “dàn đồng ca” của chim yến, gà, bò, vịt, dế, chó, mèo... trong một sớm hừng đông, xa xa vẳng lại những giai điệu Khmer và dáng những cô em gái xinh xinh trong trang phục Khmer truyền thống.

Ao Bà Om
Trong một chuyến đi về miền sông nước mới đây, hướng dẫn viên đố vui cả đoàn: “Tỉnh nào ở miền Tây kém phát triển du lịch nhất?”. Nhiều cái tên được nêu ra, cuối cùng câu trả lời ít người nghĩ đến: Trà Vinh.

Tôi giật mình, bản thân đã đi gần hết dải đất hình chữ S, đi khắp các quốc gia châu Á, thế mà, với Trà Vinh, tôi lại chưa kịp có lần nào về qua.

Một góc chùa Cò (còn gọi là chùa Nodol, chùa Giồng Lớn)
“Trà Vinh có gì hay không?” - một người bạn phương Bắc từng hỏi tôi như thế. Khi ấy, tôi đã không biết phải trả lời thế nào, ngoài những điểm đến được nhiều người biết: ao Bà Om, chùa Hang, chùa Vàm Rây, những lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer (Ok Om Bok, Chol Chnam Thmay…).

Bây giờ, tôi đã có câu trả lời cho bạn rồi. Trà Vinh - bạn hãy đến đi, để khám phá những điều bất ngờ mà vùng đất nép mình trong rừng cây cổ thụ này sẵn sàng dành cho bạn.

Som tum vương vấn

Chúng tôi đứng vây quanh người đầu bếp trẻ, người chụp ảnh, người hào hứng livestream. Anh đang trổ tài làm món som tum (gỏi đu đủ trộn ba khía) ngay trước mặt các thực khách đang hít hà mùi thơm của món ăn. Đu đủ, đậu đũa, tôm khô, mắm ba khía, đậu phộng, gia vị là loại nước xốt chua ngọt sánh đặc, thơm lựng (gồm tỏi, ớt, chanh, đường, nước mắm, me…).

Món som tum
Đầu bếp như một nghệ sĩ biểu diễn món sở trường, một tay thoăn thoắt giã nguyên liệu, tay còn lại nhanh nhẹn lấy các loại gia vị vừa đủ liều lượng cho vào cối giã. Những đĩa som tum ngon lành, bắt mắt liên tục được bày biện, trao vào tay khách. Kìm lòng không đặng, tôi lấy đũa nhón một miếng gỏi cho vào miệng, háo hức như đứa trẻ ngày xưa thưởng thức món ăn ngay trong bếp mà không đợi được đến lúc lên mâm.

Som tum là một trong những món ăn thú vị tôi được thưởng thức những ngày lưu lại Trà Vinh. Tôi rất ngại ăn những món lạ nhưng với đặc sản vùng đất này, lạ thay, không có món nào tôi bỏ qua. Nhấm một chút cũng được, để những hương vị thấm vào vị giác. Ăn không phải để no, mà là để hiểu văn hóa của một vùng đất.

Một phần cũng vì, những món ăn cứ được chế biến ngay trước mặt, thanh sạch và thơm ngất ngây khiến người ta khó chối từ. Như buổi sáng ở nhà cô Diễm (điểm du lịch gia đình Đặc sản quê cô Diễm vừa mới mở tại xã Hàm Giang, huyện Trà Cú), những quả thốt nốt cuối mùa vừa chín tới, cô vò lấy nước, làm cốm dẹp hương sầu riêng, du khách được “ăn ngay tại chỗ”. Vừa sạch vừa ngon.

Cô Diễm (phải) mời khách món thạch thốt nốt do cô làm
Cô Diễm là giáo viên tiểu học nhưng giỏi nghề làm bánh. Quán gia đình nhà cô có đủ món ăn chơi mát lành: thạch thốt nốt, rau câu, chè nha đam, mứt dừa… Một buổi sáng nhẩn nha ở đây, bạn có thể vừa thưởng thức món ngon nhớ lâu, vừa được mượn trang phục Khmer thỏa sức chụp ảnh.

Thầy tôi, một người đã thuộc đất Trà Vinh như lòng bàn tay, nói rằng nơi này còn có nhiều món “độc chiêu” khác nữa như bánh bầu, bánh canh Bến Có, hủ tíu xíu mại, trái bò - hooc (măng cụt rừng) dầm nước mắm… Bánh bầu là một loại bánh bột gần giống như bánh đúc, ăn kèm với rau dưa, chả, tôm khô, nước mắm. Những món ăn chơi của mảnh đất cuối cù lao sông Tiền và sông Hậu này cứ khiến tôi tò mò, rồi mê mẩn. Bụng lúc nào cũng trong tình trạng “không còn chỗ chứa” vậy mà gặp món ngon cứ phải nếm thử đến no căng.

Đua ghe ngo trên sông Long Bình
Một trong những điều ấn tượng với tôi chính là người dân làm du lịch rất có ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường. Nói không với rác thải nhựa là thông điệp âm thầm nhưng mạnh mẽ mà chủ nhà truyền tải đến cho du khách. Bánh, xôi được gói lá chuối, dừa sáp được ăn bằng muỗng dừa, túi đựng quà, tô/dĩa đan bằng lá dừa… Những gì dân dã tự nhiên nhất lại là những gì có ý nghĩa, đáng nhớ nhất.

Hãy tự trả lời cho chính mình

Trà Vinh được ví như “thành phố trong rừng” bởi mật độ cây xanh dày đặc. Hiện nơi đây có trên dưới 15.000 cây, với nhiều chủng loại. Trong đó có gần 1.000 cây trên trăm tuổi, chủ yếu được trồng từ thời Pháp. Nhờ cây cối bao bọc, nhiệt độ Trà Vinh khá mát mẻ, dễ chịu. Trên những tuyến đường trong thành phố, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những hàng cây dầu, me, sao, bằng lăng… phủ bóng.

Trong ao Bà Om, hàng hàng đại thụ nghiêng mình soi bóng thời gian, khiến kẻ yêu thiên nhiên như tôi cứ ngơ ngẩn nhìn. Chỉ một phút tựa vào cây đã thấy quý giá hơn ngàn bức ảnh được xem trên mạng. Lời khuyên dành cho bạn: hãy đến ao Bà Om vào buổi hoàng hôn để có được những khung hình diễm lệ nhất.

Một trong những địa điểm vừa được đưa vào khai thác du lịch là nhà cổ Huỳnh Kỳ. Ngôi nhà của Đốc phủ sứ Hàm Huỳnh Kỳ được xây dựng năm 1924, theo kiến trúc Pháp. Ngôi nhà khá đẹp, là nơi lưu dấu một giai đoạn lịch sử của đất Trà Vinh nhưng lâu nay bị lãng quên.

Toàn cảnh nhà cổ Huỳnh Kỳ
Năm 2018, tỉnh Trà Vinh tiến hành khảo sát và cho trùng tu ngôi nhà trên bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Với một số hiện vật quý được phục dựng, nhà cổ Huỳnh Kỳ vừa bắt đầu mở cửa đón những đợt khách đầu tiên. Nếu nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (tỉnh Đồng Tháp) là điểm “check-in” lý tưởng cho những “tín đồ facebook”, thì đến với nhà cổ Huỳnh Kỳ, đứng ngoài khuôn viên đầy hoa sứ và chụp toàn cảnh ngôi nhà màu trắng này, tôi tin du khách cũng sẽ cực kỳ hài lòng. Trên đường đến nhà cổ, khách có thể ghé qua vườn dừa sáp Ba Thúy, thưởng thức món dừa sáp trứ danh của huyện Cầu Kè.

Tôi nhớ mãi những lúc được thẩn thơ đi trong khu vườn dừa rộng gần 5ha của chú Cao Văn Lùn, qua những lối mòn đầy cỏ hoa trên cánh đồng mùa lúa đang thì con gái, đứng trước bến phà nhỏ còn sót lại của miền Tây Nam bộ để sang cồn Chim, chạm tay vào nhánh bần ổi bên sông… Có gì đó gần gũi, dịu êm trong ký ức như dòng Cổ Chiên vẫn hiền lành chảy, mênh mang biêng biếc.

Thông điệp bảo vệ môi trường từ lá dừa
Thầy hỏi: “Cảm giác về Trà Vinh sao em?”. Thật khó để trả lời trong một đôi câu. Trà Vinh - vùng đất tôi từng không chọn làm điểm đến trong những năm tuổi trẻ, bây giờ thấy như thanh xuân cũng đang tiếc nuối giùm mình.

Tại sao không về nơi này - khi mà món sâm vò lá thơm thanh lành ăn một lần nhớ mãi, khi mà những bông hoa tóc tiên ngoài ngõ nhà ai sao giống như thềm hoa xưa ở quê nhà. Cả nụ cười của những người quê hiền lành chân chất và những đậm đà của món canh chua cá lóc, gỏi tôm bông điên điển, đến cả món rau lang trong vườn hái đem xào tỏi, rồi món cơm gạo organic dẻo thơm bùi ngọt kia cũng trở thành nỗi nhớ nhung.


Đừng hỏi “Trà Vinh có gì hay không?”. Bạn hãy về đi, để tự mình trải nghiệm “dàn đồng ca” của chim yến, gà, bò, vịt, dế, chó, mèo... trong một sớm hừng đông, xa xa vẳng lại những giai điệu Khmer và dáng những cô em gái xinh xinh trong trang phục Khmer truyền thống. Hãy tự mình thưởng thức những món ngon khó quên từ quen đến lạ: bánh tét Trà Cuôn, bánh xèo, bánh ống, cá cháy Cầu Quan, lươn um lá cách…

Về - để tìm thấy câu trả lời cho chính mình.
Một số ghi chú dành cho bạn:

- Di chuyển: xe khách (giá vé từ 100.000 - 130.000 đồng) hoặc tự lái ô tô, xe máy: theo hướng quốc lộ 1A, đến ngã ba Trung Lương thì rẽ quốc lộ 60, qua cầu Cổ Chiên là đến Trà Vinh.

- Các khách sạn, nhà nghỉ tập trung trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (khách sạn 3 sao là tiêu chuẩn sang trọng nhất ở đây).

- Con đường ăn uống đêm tại Trà Vinh: đường Phạm Ngũ Lão.

- Các món đặc sản không thể bỏ qua: bún suông, bún nước lèo, bánh ú Đa Lộc, bánh bầu, bánh canh tôm, hủ tíu đêm chợ Trà Vinh…

- Trà Vinh có hơn 200 ngôi chùa, một số chùa đẹp tiêu biểu bạn có thể tham quan: chùa Hang, chùa Cò, chùa Vàm Rây, chùa Âng, chùa Ấp Sóc, chùa Ông Mẹt… Khi tham quan chùa, bạn nên ăn mặc lịch sự, có thể thuê trang phục Khmer để vào chùa - đúng nghi thức của người Khmer và cũng là để có những bức hình lưu niệm độc đáo.

- Trà Vinh có biển Ba Động, đền thờ Bác Hồ, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer… Bạn dành thêm thời gian về các điểm tham quan mới được khai thác ở huyện Cầu Kè, Trà Cú hoặc sang cồn Chim thưởng thức bữa cơm “Thuận Thiên” và tìm hiểu mô hình nông nghiệp xanh “con tôm ôm cây lúa” của người dân ở đây.

- Nếu đi vào dịp giữa tháng Tư âm lịch, bạn sẽ được tham gia lễ hội Chol Chnam Thmay (lễ đón năm mới của đồng bào Khmer), giữa tháng Mười âm lịch có lễ hội Ok Om Bok (lễ cúng trăng) tổ chức ở ao Bà Om. Dịp này, bạn cũng sẽ được thưởng thức hội đua ghe ngo trên sông Long Bình.
Bùi Tiểu Quyên / Theo: PNO



No comments: