Tuesday, June 28, 2022

HUYỀN THOẠI HẠ KHÔ THẢO (夏枯草)

Dưới triều nhà Minh, chế độ khoa cử đã mở rộng. Các Quận, Châu, Phủ, Huyện, đều có trường Quan Lập mở ra để dân chúng khỏi phải bỏ làng xóm đi học quá xa. Nhưng dù sao, văn chương chữ nghĩa vẫn là một thứ xa xỉ đối với đại chúng, nên chỉ con em của những kẻ giàu sang, có tiền của, thế lực, danh tiếng, hay giai cấp cao mới vào học được các trường này. Tốt nghiệp ra, khóa sinh sẽ được cấp bằng Tú Tài và gia đình nào có được một ông Tú là đủ làm cho cả làng, cả họ vẻ vang hãnh diện vô cùng.


Cậu Tú trong huyền thoại này nhà không giàu nhưng cậu có một bà mẹ rất đảm đang. Mồ côi cha từ bé, mẹ cậu một mình vừa chăn nuôi, gồng gánh, làm thuê làm mướn, vừa cầm bán vườn ruộng, tất cả những gì đáng giá có thể đổi thành tiền bạc cơm gạo để nuôi đứa con duy nhất ăn học thành tài.

Đỗ xong cậu Tú không muốn đi xa để họccao hơn, cậu chọn cách tự học để được ở lại trong làng, được gần gủi săn sóc mẹ già. Nhà chỉ còn có một mảnhvườn nhỏ trồng trọt hoa màu không có lợi tức nhiều, nhưng cậu Tú viết thuê, viết mướn, làm các thủ tục giấy tờ cho cả làng nên mẹ con đủ sống vui vẻ hạnh phúc bên nhau qua ngày.

Một hôm trời vừa vào hạ, bà mẹ xưa nay vốn rất mạnh khỏe bỗng nhiên bị bệnh. Trong làng chỉ có một thầy lang duy nhất, là người có thể mời được, cậu Tú vội rước ngay thầy về nhà xem bệnh cho mẹ. Sau khi chẩn bệnh thầy cho biết là mẹ cậu Tú bị bệnh “loa lịch” tức là tràng nhạc một trong những chứng nan y. Thầy chỉ hứa tận lực của thầy còn thì xin nhờ Trời.

Cậu Tú theo đơn thuốc của thầy lang cho, bốc thuốc và sắc theo lời chỉ dẫn. Nhưng mẹ cậu uống thuốc mấy ngày liền vẫn không thấy bớt chút nào. Trái lại bệnh còn nặng lên gấp bội. Cổ bà sưng to và làm mủ, rồi cương lên, bật cả máu mủ ra làm bà đau đớn nhức nhối vô cùng.

Xóm giềng bà con đều lắc đầu bảo:

- Bệnh này có mà Trời cứu!

- Mắc phải bệnh này chỉ còn lo hậu sự mà thôi!

Cậu Tú buồn khổ vô cùng vì cậu rất có hiếu. Mẹ đã hy sinh suốt đời để nuôi cậu ăn học đỗ đạt, cậu quyết tâm phụng dưỡng mẹ, hy vọng tương lai dùng tài họcgây dựng sự nghiệp làm cho mẹ vẻ vang hãnh diện vì mình. Không ngờ mẹ bỗng nhiên bị bệnh, mà lại là chứng “chỉ có Trời cứu”.


Cậu Tú ngày đêm vừa hầu hạ săn sóc mẹ vừa thành tâm cầu nguyện xin Trời Phật xui khiến cho cậu gặp thầy hay để xin cứu bệnh, cầu xin mẹ sẽ sống thực lâu để cho cậu có cơ hội báo hiếu báo ân.

Có lẽ lòng thành của cậu đã cảm đến các đấng thiêng liêng, nên vài hôm sau, bỗng có người làng chạy đến mách là một vị lang trung vừa mới đến làng này để thăm bệnh. Lang Trung vốn là một chức quan dưới đời các vua nhà Tần, Đông Hán, Đường. Nhưng không hiểu tại sao tước hiệu này bỗng biến thành danh xưng cho các vị Ngự y, Y quan. Dần dần người không làm quan mà biết làm thuốc, chữa bệnh cũng được gọi là Lang Trung, rồi bình dân hóa thành Cụ Lang, Ông Lang, thầy Lang.

Các cụ Lang Trung dưới đời nhà Đường thường đi vân du hái thuốc, và chữa bệnh dọc theo cuộc hành trình tùy hứng. Một số đệ tử theo Thầy để gồng gánh mang xách những hành lý, thuốc men, lương thực. Dọc đường qua các rừng núi, đồng ruộng, cụ giảng dạy cho đệ tử biết nhận dạng những cây thuốc. Từ những thứ dược thảo mọc đầy rừng, cho đến những cây lẻ loi khiêm nhường ẩn náu tận trong kẻ đá kín đáo, cụ lang đều chỉ dạy cách cắt hái chế biến, và chúng đệ tử thành kính ghi nhận những lời giảng dạy quí báu của suốt cuộc hành trình. Mỗi khi đến một làng mạc nào, cụ Lang Trung dừng lại thăm bệnh. Chúng đệ tử lại có dịp học cách chẩn bệnh, định bệnh, bệnh lý và khai toa cho thuốc.

Cứ thế cụ Lang Trung và chúng đệ tử đi lang thang hết làng này sang làng khác thăm bệnh, hết núi này sang núi khác hái thuốc và cuộc sống vân du hành y tuy không làm giàu của cải nhưng tình người thì tràn đầy.

Cậu Tú nghe tin cụ lang vào làng mừng quá vội vàng chạy đến nhà vị trưởng lão, nơi các cụ Lang Trung ghé thăm trước nhất khi đến một địa phương mới, để rước cụ về nhà thăm bệnh cho mẹ.

Sau khi chẩn mạch và khám bệnh xong cụ lang bảo:

- “Cậu Tú đừng lo. Trong mấy khu rừng núi quanh đây có rất nhiều cây thuốc trị được bệnh này. Tôi đã chú ý nhận xét trước khi vào làng. Chúng ta phải đi hái ngay mới được!”

Nói xong, cụ đem các đệ tử vào rừng hái thuốc để về trị bệnh càng sớm càng hay.

Chiều hôm ấy cụ lang đến đem theo một gánh dược thảo lá cành còn đầy những búp hoa mầu tím. Cụ lang bảo đệ tử rửa sạch cho vào nồi đất sắc lấy nước cho bệnh nhân uống. Quả như lời cụ nói, dược thảo rất linh nghiệm. Mẹ cậu Tú uống thuốc vài ngày sau, cổ hết sưng và tất cả đau đớn khổ sở đều tiêu tan. Uống thuốc thêm vài ngày nữa, những vết thương đã bật mủ cũng khô, và liền da lại như thường. Thấy bà già đã dần dần hoàn toàn bình phục, cũng như tất cả bệnh nhân khác trong làng. Cụ lang định đi sang làng bên cạnh nhưng mẹ con cậu năn nỉ xin cụ ở lại vài ngày dưỡng sức và cũng để cho mẹ con cậu khoản đải để tạ ơn thầy. Trước khi từ giã cụ lang nói:

- Mẹ con cậu tưởng là mang ơn tôi chữa lành bệnh, thực ra chính tôi cũng đuợc một phần thưởng không bạc vàng châu báu nào sánh được. Tôi đã thu hoạch được một số thuốc quí không đâu có, và từ nay, lúc đi vân du chữa bệnh,córất nhiều người đang đau khổ vì bệnh này, cũng sẽ được may mắn lây.

Cụ còn nói riêng với cậu Tú:

- Cậu rất có hiếu với mẹ làm tôi cảm động vô cùng. Vì vậy tôi sẽ dạy cho cậu biết thuốc này để cứu người khác.

Cụ lang nói xong dẫn cậu Tú lên núi dạy nhận dạng cây thuốc quí. Đó là một thứ cây nhỏ mọc đầy tràn đồi núi, lá hình bầu dục có hoa tím.

- Từ nay về sau nếu có ai bị bệnh loa lịch như mẹ cậu, lấy hoa này rửa sạch, sắc cho uống, đây là một vị thuốc rất quí đối với chứng bệnh này.

Cậu Tú vừa vui mừng vừa ngạc nhiên đáp lại:

- Thưa cụ giống cỏ dại này mọc tràn đồng, đâu cũng có mà lại là thuốc quí, xin cảm ơn cụ đã cho con kiến thức cứu khổ cứu bệnh này. Thật là một báu vật.


Cụ lang mỉm cười gật đầu:

- Đúng rồi, không phải ai cũng biết được báu vật, bây giờ biết rồi, cậu phải trân quí và phải dùng để giúp đời.

Thầy trò vị lương y đi rồi, mẹ cậu Tú bệnh cũng đã lành hẳn, sinh hoạt lại êm ấm, mẹ con săn sóc quí mến nhau như xưa. Bà con bạn bè ai cũng đều ngạc nhiên, và mừng như chính mình gặp may, cứ bàn tán mãi không thôi.

Mùa hạ qua rất nhanh, chẳng mấy chốc đã sang Thu. Khí trời mát mẻ, sức khỏe dồi dào mẹ con cậu Tú thấy sung sướng hơn bao giờ cả. Mỗi ngày cậu Tú làm việc giấy tờ sổ sách giúp người đổi công lấy thực phẩm, tối về nhà cậu lo học thêm đợi thi đậu cao hơn để được việc làm thanh nhàn hơn. Trước giờ đi ngủ hai mẹ con bao giờ cũng chuyện trò bàn bạc những công việc xảy ra ban ngày, những dự tính tương lai cho cậu Tú, đó là giờ phút thanh nhàn sung sướng nhất.

Một hôm hai mẹ con đang cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ, vừa sắp đi ngủ bỗng nghe có tiếng gõ cửa cấp tốc như ai đang có chuyện nguy hiểm xảy ra, cậu Tú vội đứng dậy ra mở cửa. Một thanh niên cùng lứa tuổi với cậu Tú thấy cửa vừa hé mở là xông vào gần ngã xuống đất. Cậu Tú đỡ anh ta dậy rót nước mời uống, mời ngồi nghỉ mệt. Chàng thanh niên tự giới thiệu mình là người làng bên kia núi, anh ta vừa đi vừa chạy từ sáng nhưng vì đường núi xa xôi, lại khó đi nên mãi bây giờ mới đến được.

Cậu Tú hỏi:

- Anh ở xa đến tìm tôi chắc có việc gì cần lắm. Xin cho biết, đừng ngại gì cả.

Thanh niên đã bớt mệt đáp lại một hơi:

- Mẹ tôi bị bệnh loa lịch, bệnh mới phát nhưng có vẻ nặng lắm. Tôi nghe nói cụ thân sinh ra ông cũng bị bệnh ấy, và đã được chữa khỏi. Người ta cũng đồn rằng cụ Lang Trung đã truyền lại môn thuốc ấy cho ông, xin ông làm phúc cứu mẹ tôi.

Cậu Tú nghe xong chợt nhớ đến hôm cụ lang dắt cậu lên núi dạy cho cậu tìm cây thuốc và cách dùng. Cây thuốc ấy mọc đầy rừng núi đi vài bước là có. Cậu Tú vui vẻ trả lời:

- Được rồi, chú đừng lo. Mai chúng ta lên núi hái thuốc. Bây giờ chắc chú vừa đói vừa mệt. Hãy ăn uống nghỉ ngơi lấy sức. Mai hái được thuốc lại còn phải mang về nhanh cho bà cụ dùng.


Cậu Tú và mẹ mời chàng thanh niên ăn cơm, lại còn nhường giường của mình cho chàng ta ngủ.

Sáng cả nhà dậy thực sớm, từ khi mặt trời chưa mọc để sửa soạn đi hái thuốc.

Cậu Tú kể lại tình hình, bệnh trạng của mẹ lúc đau như thế nào và chữa bệnh bằng cây thuốc quí bao lâu thì lành. Hai người mang theo dụng cụ cần thiết và bao tải chuẩn bị đựng thuốc, hớn hở lên núi. Một người hy vọng cứu mẹ, một người sung sướng vì thấy mình giúp được việc cho người khác.

Thanh niên tối hôm qua trông khổ sở tiều tụy quá chừng, nhưng nay thấy cậu Tú đầy tự tin nên cũng bớt lo lắng. Cậu Tú vừa đi vừa nhớ đến cảnh vật trên núi mấy tháng trước, lúc cụ Lang đưa cậu đi hái thuốc. Cậu an ủi thanh niên:

- Chú đừng lo. Lúc mẹ tôi bị bệnh ấy, tôi còn đau khổ hơn cậu bây giờ, vì cả làng không ai biết cách chữa. Bây giờ chúng ta đã học được cách trị bệnh, và cây thuốc quí này lại mọc đầy rừng, yên trí đi, bệnh của bà cụ thế nào cũng sẽ khỏi. Vừa đi vừa nói chuyện nên chẳng mấy chốc hai người đã lên đến đỉnh núi.

Một điều quái lạ là cảnh vật, trên núi hôm nay hoàn toàn khác hẳn. Hai tháng trước cây thuốc quí đầy hoa, tím cả một vùng trời, thế mà nay chỉ một cây nhỏ một cành hoa cũng không thể nào tìm thấy. Chàng thanh niên t hấy cảnh vật trên núi hoàn toàn trái hẳn với sự mô tả của Cậu Tú nên cũng đâm ra nghi ngờ cho là cậu Tú dối mình để đem mình ra làm trò cười. Còn cậu Tú hết ngạc nhiên đến sợ hãi, chạy đông chạy tây tìm kiếm, lục lọi tất cả các khe núi một cách tuyệt vọng. Cây thuốc quí biến mất không để lại một dấu vết gì. Thuở ấy, dưới danh phận Tú Tài phải là một người học sách thánh hiền, là một văn nhân, là người quân tử biết trọng chữ Tín. Con nhà có học sống theo châm ngôn “Quân tử vô nhị ngôn”, người quân tử không nói hai lời, người quân tử không bao giờ lỗi hẹn, không nói sai sự thực. Nhà nho phạm lỗi này là một đại sĩ nhục. Thế mà bây giờ cậu Tú phạm hết các lỗi.

- Cậu hứa chữa lành bệnh, cậu nói cây thuốc mọc đầy núi, sự thực không có gì hết. Nhục nhã này nước mấy sông cũng không rửa sạch. Cậu Tú mặt mày, tái xanh, tái xám rồi đỏ ửng, mồ hôi toát ra như tắm. Vừa buồn rầu vừa hổ thẹn, cậu Tú nói:

- Có lẽ tôi nhớ sai chăng! Có thể không phải là quả núi này . . .

Thế là hai người đi lang thang khắp cả mấyngọn núi lân cận người có thể leo được, Nhưng đâu cũng giống nhau, cây thuốc có hoa tím không hề thấy tông tích bóng dáng đâu cả.

Nhìn thanh niên tuyệt vọng, mệt mỏi thất thểu ra về. Cậu Tú thấy đau đớn buồn phiền, còn hơn lúc mẹ cậu bị bệnh. Vì lúc ấy cậu chỉ thấy buồn khổ chứ không bị cái nhục nhã “quân tử nhị ngôn”!

Cậu Tú về nhà rầu rỉ ăn nuốt không xuống, đêm nằm cũng không ngủ được, cứ mơ màng tưởng tượng đến cảnh hoa tím nở đầy đồng lẫn với cảnh muôn vật đều vàng úa tàn tạ lạnh lùng.


Sáng hôm sau trong lúc đang mơ màng vì quá mệt mỏi. Cậu Tú nghe mẹ gọi đánh thức cậu dậy ra đón cụ Lang Trung vị lương y đã chữa lành bệnh cho bà đã trở lại.

Cậu Tú nghe gọi, mừng quá, vội nhảy choàng dậy, mặc áo chạy ra đón cụ lang Trung. Cậu quên cả chào hỏi khách sáo, vừa thấy mặt cụ là kể lể liên hồi những sự việc vừa xảy ra với cảnh tượng đồng khô cỏ cháy, cây thuốc biến mất cho cụ Lang nghe.

Cụ lang nghe xong tươi cười bảo:

- Ấy chính vì thế mà tôi lại phải mất công trèo đèo lội suối trở lại đây. Vì có một điều quan trọng nhất mà lúc lên núi hái thuốc tôi quên nói cho cậu biết.

Cậu Tú vẫn còn ngạc nhiên tưởng mình nằm mơ. Cậu đang khổ sở vì cây thuốc thì cụ Lang Trung như có thần linh mách bảo hiện về giải đáp thắc mắc về vị thuốc có hoa tím không tên cho cậu.

Cụ Lang nói tiếp:

- Bất cứ cây thuốc gì cũng có mùa thu hoạch. Tôi quên nói cho cậu biết là dược thảo này phải hái vào mùa hạ, lúc hoa đang nở rộ. Thu đến hoa tàn cành khô rồi tàn lụi không còn gì nữa. Mùa này cậu lên núi cố nhiên là không thể tìm thấy bóng dáng nó.”

Cậu Tú nghe xong, ngẩm nghĩ một lúc trả lời:

- Thưa cụ, cây thuốc này chưa có tên mà nó tàn tạ vào cuối mùa hạ, vậy ta cho nó tên là Hạ Khô Thảo được không?

Cụ lang nghe nói đặt tên cho cây thuốc gật gù có vẻ đồng ý:

- Được bậc khoa cử Tú Tài đặt tên cho thì còn gì bằng. Từ nay Hạ Khô Thảo không còn bị gọi là cây thuốc có hoa tím nữa. Trong rừng hàng trăm cây cỏ mang hoa tím. Ta mừng cho Hạ Khô Thảo được tên đúng y như tính cách của mình.

Cả hai cùng vui cuời vì đã giải thích được thắc mắc. Cụ Lang Trung cho cậu Tú một bao thuốc Hạ Khô Thảo để cậu lập tức mang sang làng bên chữa bệnh cho bà cụ mẹ chàng thanh niên hiếu hạnh. Bà cụ già may mắn nhận được thuốc kịp nên khỏi bệnh.


Và từ đó, cả mấy làng quanh vùng núi sản xuất Hạ Khô Thảo, thêm một công việc mới. Cứ vào cuối mùa hạ họ bắt đầu thu hoạch Hạ Khô Thảo, rửa sạch phơi khô để dành lúc cần,và chở đi bán cho các tiệm thuốc xa khác.

DƯỢC THẢO HẠ KHÔ THẢO (Prunella Vulgario L)

Hạ KhôThảo tháng 8 bắt đầu tàn. Vào hạ khi quả đã chín, hái phơi khô. Tất cả các bộ phận cành hoa và quả đều dùng được. Vị đắng, cay, tính hàn, không độc, vào hai kinh Can và Đảm. Có tác dụng thanh can hỏa, tán uất kết, tiêu ứ, làm sáng mắt.

Thuốc trị loa lịch (tràng nhạc), lỡ loét, mụn nhọt có mủ, giải trừ nhiệt độc ở tử cung.

- Hiện nay ngoài dùng để trị bịnh hoàng đảm cấp tính, sưng gan, Hạ Khô Thảo còn có tính chất sát trùng nên được dùng để rửa vết thương ngoài da. Bị đánh bị thương dùng Hạ Khô Thảo tươi tán nhỏ đắp vào vết thương.

Trong dân gian, người tacũng cho biết, Hạ Khô Thảo dùng nấu nước uống thay trà còn có tác dụng hạ huyết áp, hay làm bớt các triệu chứng khó chịu của cao huyết áp.

Theo: nguyenkynam