Sunday, June 26, 2022

ĐẠI VẬN HÀ: CÔNG TRÌNH VĨ ĐẠI BỊ LÃNG QUÊN Ở BẮC KINH

Khi tôi nói với người Bắc Kinh những nơi mà tôi sẽ đi thăm ở thành phố này, họ gật đầu lia lịa. Tử Cấm Thành, đương nhiên rồi, Quảng trường Thiên An Môn, ừ. Vạn Lý Trường Thành, bắt buộc phải đi chứ.


Sau đó, khi tôi nói điểm đến cuối cùng - một nơi cũng đồ sộ như Vạn Lý Trường Thành, cũng ghi dấu các hoàng đế như Tử Cấm Thành và thậm chí còn có tác động đến lịch sử phát triển của Bắc Kinh hơn cả Quảng trường Thiên An Môn - thì ai cũng ngập ngừng.

"Đại Vận Hà?" họ vặn. "Bạn chắc chứ?'

Tầm quan trọng lịch sử

Không có mấy người dân Bắc Kinh đi đến Đại Vận Hà, mà du khách thậm chí còn ít hơn.

Con kênh đào tương đối được nhiều người biết đến ở miền nam Trung Quốc - nơi thuyền bè đã xuôi ngược trên tuyến đường thủy có lịch sử 2.500 năm này.

Ở Bắc Kinh thì nó ít được biết đến hơn: chẳng mấy ai biết được con kênh này có chiều dài tổng cộng 1.794 km khởi từ Hàng Châu về phía bắc đến Thông Châu thuộc ngoại ô Bắc Kinh - nằm cách Quảng trường Thiên An Môn 35km về phía Tây.


Tuy nhiên, ít có nơi nào có vai trò quan trọng đối với lịch sử Trung Quốc như Đại Vận Hà: tuyến đường thủy do con người đào dài nhất và cổ xưa nhất trên thế giới, dài gấp chín lần kênh đào Suez.

Nếu không có Đại Vận Hà, Bắc Kinh có lẽ không bao giờ trở thành kinh đô của Trung Quốc. Và nếu không có Đại Vận Hà, Trung Hoa cũng không còn là Trung Hoa nữa - tất cả những điều này là lý do khiến cho Unesco cuối cùng cũng ghi danh Đại Vận Hà vào danh sách Di sản Thế giới vào hồi 6/2014.

Tôi chẳng quan tâm việc dân Bắc Kinh thấy ngạc nhiên. Tôi phải đi xem nó.

Khi chúng tôi lái xe về hướng tây trên xa lộ 103, mỗi hướng đi đều có bốn làn xe, các tòa nhà đang được xây dựng nối tiếp nhau. Ở một chỗ đèn đỏ, những người chạy xe máy tay ga dừng xem điện thoại; một chiếc máy trộn xi măng đang quay sau lưng họ. Khi chúng tôi băng qua một cây cầu, tôi nhìn thoáng qua mặt nước phía dưới. Rồi nó mất hút.

Nhân lực khổng lồ

Cho dù người dân Bắc Kinh ngày nay có lơ là với Đại Vận Hà hay không, những người thợ đang xây dựng ở đây đang tiếp nối một truyền thống đã có từ cả ngàn năm: đổ sức người vào những công trình có quy mô thế giới chưa từng thấy.

Con kênh bắt đầu được đào vào năm 486 trước Công nguyên nhưng mãi cho đến khi nó được mở rộng vào Thế kỷ thứ 7 thì nó mới có quy mô được như ngày nay: vào năm 605, con kênh dài 1.000km được đào từ Lạc Dương đến Thanh Giang (ngày nay được gọi là Hoài m), và ba năm sau, 1.000km được đào tiếp cho đến Bắc Kinh ngày nay. Vào năm 610, thêm 400km nữa được đào từ Trấn Giang đến Hàng Châu.


Đại công trình này cần đến hơn ba triệu nông dân để hoàn thành. Ước tính phân nửa trong số này đã bỏ mạng vì phu dịch và đói khát.

Các công trình chỉnh trang kênh đào, trong đó có một lần tu sửa lớn vào Thế kỷ thứ 13, thậm chí còn mất nhân lực nhiều hơn nữa.

Khi Hốt Tất Liệt dời đô đến Bắc Kinh vào năm 1271, việc đào đoạn kênh đi đến những nơi từng là kinh đô như Khai Phong hay Lạc Dương không còn cần thiết nữa, do đó ông ra lệnh chuyển hướng con kênh đi thẳng đến kinh đô mới và tạo nên tuyến đường thủy dài 1.794km nối Bắc Kinh với Hàng Châu như ngày nay.

Công trình cần đến bốn triệu nô lệ trong vòng 10 năm. Theo Unesco, thật ra, Đại Vận Hà là công trình kỹ thuật dân sự lớn nhất và lan tỏa nhất trên thế giới trước thời Cách mạng Công nghiệp.

Vai trò thiết yếu

Cũng giống như bất kỳ tuyến đường huyết mạch nào, Đại Vận Hà đóng nhiều vai trò mà vai trò nào cũng thiết yếu cho đế chế.

An ninh lương thực là một trong số đó: vùng Đồng bằng sông Dương Tử là vựa lúa của Trung Quốc nhưng bản thân con sông Dương Tử lại chảy từ tây sang đông.

Bất cứ nhà cai trị nào cũng biết rõ rằng dân đói dễ loạn và quân lính không được nuôi cơm đầy đủ thì không thể nào dựa vào để trấn áp nông dân và phòng ngừa quân xâm lược được.

Và do đó (trước đợt trùng tu của Hốt Tất Liệt), Đại Vận Hà đã giúp cho tàu thuyền vận chuyển lúa gạo từ sông Dương Tử đến sông Hoàng Hà và sau đó đến Lạc Dương và Khai Phong với một chi lưu nối liền cho phép vận chuyển thậm chí xa hơn về phía tây đến Trường An, một kinh đô cổ khác. Lúa mì, vốn được trồng ở miền bắc, có thể được vận chuyển đến miền nam.


Cho đến năm 735, mỗi năm không ít hơn 149 triệu cân thóc và ngũ cốc đã được vận chuyển trên Đại Vận Hà. Các hàng hóa khác, từ tơ lụa cho đến gốm sứ, cũng được thông thương, giúp cho kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ.

Và con kênh này cũng trở thành tuyến liên lạc huyết mạch với người đưa tin của triều đình ngược xuôi trên kênh để chuyển công văn thư tín.

Bản thân đã là một kỳ công, Đại Vận Hà cũng đưa đến những phát minh không kém phần phi thường.

Vào năm 587, cửa cống đầu tiên trên thế giới đã được một công trình sư thời nhà Tùy có tên là Lương Nhuệ phát minh trên một đoạn nguyên thủy của con kênh dọc theo sông Hoàng Hà.

Vào năm 984, một vị quan tào vận có tên là Kiều Vệ Nguyệt đã phát minh ra âu tàu đầu tiên trên Đại Vận Hà - loại âu tàu mà chúng ta thường thấy ở các kênh đào hiện đại thậm chí cho đến ngày nay: một vũng nước với hai cửa chặn cho phép tàu thuyền neo đậu an toàn chờ cho đến khi mực nước thay đổi (Mãi cho đến năm 1373, ý tưởng này mới được châu Âu học theo ở Vreeswijk, Hà Lan).

Tìm lại giá trị

Tuy nhiên với sự thay thế của đường sắt ở Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19, Đại Vận Hà bị hầu hết mọi người quên lãng. Nhiều đoạn lớn trở nên hoang phế.


Vào năm 1958, công trình được khôi phục. Ngày nay, một số đoạn kênh, nhất là ở miền Hoa Nam, vẫn có tàu thuyền xuôi ngược, chủ yếu là để vận chuyển vật liệu xây dựng trong khi nhiều đoạn khác không còn được dùng đến. Ở Thông Châu này, đoạn kênh đào đã không được sử dụng để thông thương trong nhiều năm.

Tuy nhiên thành phố Bắc Kinh dường như đã thấy lại giá trị của con kênh đào.

Để phục vụ cho Thế vận hội năm 2008, một công viên Olympic đã được xây dựng dọc theo bờ kênh. Tôi có thể nhìn thấy tầng mái màu trắng của công viên vươn lên trên lớp sương mù trông giống như một con chim hạc Nhật.

Hồi năm 2013, thành phố đã xây dựng một công viên mới: Đại Vận Hà Sâm Lâm Công viên (Công viên rừng rậm Đại Vận Hà), trải dài 8,6 km ở bên bắc kênh ở Thông Châu.

Vào sáng Chủ nhật, các gia đình đẩy xe nôi và đem theo đồ dã ngoại phía dưới lối đi dọc theo hàng cây của công viên. Những khóm hoa và tán cây tinh khiết mọc lên với những tấm bảng chú giải bằng cả tiếng Quan thoại lẫn tiếng Anh. Từ phía một công viên giải trí nhỏ, trò chơi vòng ngựa gỗ kêu leng keng.

Thoát khỏi sự ồn ào

Đại Vận Hà rộng hơn là tôi tưởng, và cũng tĩnh lặng hơn. Sen nở ở mép mặt nước màu xanh xám. Tôi không thể thấy được một tòa nhà chọc trời nào ở phía chân trời.

Chuyển động duy nhất là một con thuyền nhỏ trông không khác hơn một chiếc bục ọp ẹp với một động cơ thổi phù phù gắn ở mé ngoài; ba ông lão trên tàu trông giống như họ đang thả lưới cá. Ẩn hiện trong làn sương mù dày đặc, họ trông giống như những hồn ma.

Tại bến tàu, những con thuyền gỗ xếp thành dãy để đưa những vị khách tò mò qua bên kia kênh.

Một chiếc thuyền chài nhỏ xíu buông lưới trên dòng kênh

Khi thuyền của tôi đi trên kênh, một con thuyền khác, không có động cơ, lướt qua, với người lái khua mái chèo bằng gỗ.

Một đám khoảng chục người dân địa phương đang dạo thuyền trên sông vào Chủ nhật. Chúng tôi vẫy tay với nhau; họ cười một cách tò mò: du khách làm gì ở tuốt ngoài này cơ chứ?

Con kênh này đã từng là bằng chứng của sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Và tôi bị thu hút bởi sự đồ sộ, sự vĩ đại và tầm quan trọng của nó.

Tuy nhiên, ngày nay khi Bắc Kinh đã phát triển hệ thống tàu cao tốc và xe điện ngầm, mở rộng phi trường và phóng những tòa nhà chọc trời lên cao, Đại Vận Hà dường như chỉ còn là biểu tượng của quá khứ chậm phát triển.

Và, nếu tôi có thể, đó là điều mà tôi có thể giải thích với những người dân địa phương đi ngang qua vốn cảm thấy thắc mắc: rốt cuộc, quyết định của tôi đi đến nơi này vẫn đáng, không phải vì con kênh quá đồ sộ như tôi tưởng mà là vì với quy mô của Bắc Kinh hiện đại, tầm vóc của con kênh đã giảm đi. Và điều đó khiến nó trở thành một điểm dừng chân giúp tôi thư giãn.


Những người dân Bắc Kinh mà tôi nói chuyện có lẽ đã đúng: tuyến đường thủy rộng lớn và gần như không có tàu bè gì qua lại ngày nay khiến chúng ta khó mà hình dung Đại Vận Hà đã từng vĩ đại như thế nào trong quá khứ và vai trò thiết yếu của nó như thế nào với giao thương bùng nổ của Trung Quốc.

Nhưng giờ đây khi Trung Quốc đang phát triển như vũ bão về phía trước, đang xây dựng những công trình hiện đại đồ sộ để phục vụ cho thương mại, công nghiệp và giao thông, trải nghiệm con kênh này - bước ra khỏi sự náo nhiệt, trải nghiệm một nơi có hoa sen và những người đánh cá - dường như đem lại sự sầu cảm.

Amanda Ruggeri
BBC Travel
Link tiếng Anh: