Monday, June 27, 2022

KIÊNG "RA NGÕ GẶP GÁI" - TRÁNH "TAI" HAY MỜI "HỌA"?

“Ra ngõ gặp gái” từ lâu đã là quan niệm kiêng kị phổ biến như một thứ ‘luật’ bất thành văn nhưng có sức ám thị ghê gớm với nhiều người. Đó cũng là câu than phiền cửa miệng khi ai đó gặp chuyện không may. Sự thật về tập tục kiêng kỵ này như thế nào, có đúng là trăm sự không may khi bước ra khỏi nhà bởi ‘vía đàn bà’ mà nên?


Mọi thất bại đều tại đàn bà?

Có người nếu ra đường gặp phụ nữ họ sẽ quay lại nhà và đốt vía để tránh bị ám vận. Có trường hợp, người ta còn nhờ một người đàn ông quen biết đón sẵn ở cửa để chắc chắn không gặp phải phụ nữ khi ra đường nhất là vào những hôm có việc quan trọng.

Trên các diễn đàn thì chủ đề “ra ngõ gặp gái”, được thảo luận khá nhiều. Người thì vốn không tin nhưng ngẫu nhiên có lần gặp xui vì chạm ngõ gặp đàn bà thế là cứ lấn cấn nửa tin nửa không. Người tin thì cũng không giải thích được vì sao chỉ biết rằng “các cụ” đã quan niệm thế nên niềm tin được lưu truyền, mặc dù không một căn cứ khoa học hay nghiên cứu nào và cũng chưa một ai chứng minh “các cụ” nói thế là đúng.

Lý giải về quan niệm này, theo nhiều người thì chuyện kiêng vía phụ nữ xuất phát từ quan điểm “trọng nam khinh nữ” của Nho giáo thời phong kiến. Đàn ông ba hồn, bảy vía, đàn bà ba hồn chín vía. Vía đàn bà nặng hơn. Phụ nữ đại diện cho tính âm, những điều may mắn, hạnh phúc lại đại diện cho tính dương. Vậy nên, người ta quy chụp rằng nếu gặp người nam thì hôm đấy mọi điều suôn sẻ may mắn, nếu gặp người nữ thì xui xẻo, mọi việc bất thành.

Thực sự chuyện ba hồn bảy vía, ba hồn chín vía là như thế nào?

Quan niệm “3 hồn 7 vía” có nguồn gốc từ Đạo giáo, cho rằng con người sống được là nhờ “tam hồn thất phách” này điều chỉnh mọi hoạt động và tư duy. Tìm trong sách vở kinh điển, hoàn toàn không có quan niệm đàn bà ba hồn chín vía. Theo các kinh sách tôn giáo, dù nam hay nữ thì chỉ có ba hồn bảy vía mà thôi.

Theo các kinh sách tôn giáo, dù nam hay nữ thì chỉ có ba hồn bảy vía mà thôi. (Tranh minh họa: Tài sản công)

Ba hồn gồm: Thai quang: đặc trưng cho Sinh mệnh; Sảng linh: đăc trưng cho Trí lực; U tinh: đặc trưng cho tính cách.

Bảy vía gồm: Thi cẩu; Phục thỉ; Tước âm; Thôn tặc; Phi độc; Trừ uế, Xú phế.

Bảy vía đảm nhiệm việc điều tiết cơ thể con người và có các vai trò khác nhau như: Hô hấp, Tuần hoàn, Vận động, Tiêu hóa, Chống-Tiêu độc, Sinh sản, Bài tiết…

Người xưa quan niệm, con người gồm có phần thể xác và linh hồn. Người ta sở dĩ nói năng, đi lại, sinh hoạt được là nhờ linh hồn trú ngụ ở thể xác (nếu không thể xác đó có thể chỉ là một tảng thịt không hồn phách). Khi chết đi, linh hồn rời bỏ thân xác thịt. Thể xác nát vữa, còn linh hồn thì bất tử. Nguyễn Du trong Truyện Kiều viết:

“Kiều rằng: Những đấng tài hoa
Thác là thể phách, còn là tinh anh”

Thể phách chính là thân xác thịt, tinh anh chính là linh hồn.

Vụ Thành Tử trong “Thái Vi Linh Thư” viết : “Người ta có ba hồn lần lượt là Sảng Linh, Thai Quang, và U Tinh“. Ba hồn này chính là 3 bộ phận tổ hợp thành thần khí của con người. Người ta mất đi một hồn hoặc hai hồn thì vẫn còn có thể sống sót. Nhưng nếu đã mất đi ba hồn thì sẽ trở thành một cái xác không hồn, sống đời thực vật.

Trong quan niệm của nhà Phật, vong hồn người chết phải qua 7 lần phán xét, mỗi lần 7 ngày rồi mới được siêu thoát.

Không thể tìm thấy khái niệm “Ba hồn chín vía” trong kinh điển cổ xưa nào. Có lẽ đó chỉ là quan niệm mới được sáng tác ra sau này. Rồi người ta lấy đó làm cơn cớ để chê trách đàn bà “nặng vía”.

“Ra ngõ gặp gái” xuất phát từ tư tưởng “Trọng nam khinh nữ”?

Nói rằng quan niệm “ra ngõ gặp gái” xuất phát từ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của Nho giáo phong kiến cũng là một nhận định hoàn toàn sai lầm.

“Trọng nam khinh nữ” là tư tưởng được diễn dịch từ “Nam tôn nữ ti” có nguồn gốc từ Kinh Dịch. Trong Hệ từ của Kinh Dịch có viết: “Trời cao đất thấp, càn khôn định như thế. Cao thấp bày ra, là vị trí cao và thấp vậy. Đạo càn thành nam, đạo khôn thành nữ” (nguyên văn: “Thiên tôn địa ti, càn khôn định hĩ. Ti cao dĩ trần, quý tiện vị hĩ. Càn đạo thành nam, khôn đạo thành nữ”).

Trong đó Tôn nghĩa là cao, Ti nghĩa là thấp, là hai từ vị trí. “Thiên tôn địa ti” biểu thị ý nghĩa “Trời ở trên, đất ở dưới, trời cao đất thấp”, là miêu tả về trạng thái tự nhiên. Trời đất, âm dương, nam nữ đều là một phương pháp ‘phân loại’ của người xưa. Người thuận theo đất, đất thuận theo trời. “Nam tôn nữ ti” chính là từ ‘thiên tôn địa ti’ sinh ra. Nghĩa gốc của nó là nói ‘nam nữ là khác nhau’, đây chính là trạng thái tự nhiên, là sự khác biệt của thiên nhiên.

“Nam tôn nữ ti” là đề xướng hài hòa tự nhiên, âm dương cái nào ở vị trí cái đó. Do đó “nam tôn nữ ti” là nói về đạo lý người nam và người nữ trong quan hệ hôn nhân nên sống hài hòa theo đạo Trời. Một người đàn ông có phẩm cách cao thượng thì người phụ nữ sẽ tự nhiên tôn trọng, thuận theo. Người đàn ông chính trực cao thượng, người phụ nữ khiêm hòa khoan dung, gia đình như thế này mới là thuận theo Thiên đạo.

Nam tôn nữ ti” là đề xướng hài hòa tự nhiên, âm dương cái nào ở vị trí cái đó. Do đó “nam tôn nữ ti” là nói về đạo lý người nam và người nữ trong quan hệ hôn nhân nên sống hài hòa theo đạo Trời. (Tranh minh họa: Tài sản công)

Người phụ nữa thời xưa cũng không chỉ giới hạn là người tiếp quản gia đình, mà cũng trợ giúp chồng lo việc bên ngoài. Nhà thơ Mai Nghiêu Thần nổi tiếng thời Tống là người vợ Tạ thị. Khi Mai Nghiêu Thần tiếp đãi các sĩ phu xử lý công sự, thì vợ là Tạ thị thường đứng sau bình phong lắng nghe, sau đó cùng với Mai Nghiêu Thần bàn bạc xem sĩ phu có phải là người hiền hay không, việc đó được mất thế nào, phân tích rất cụ thể và rõ ràng. Mai Nghiêu Thần cũng tán thưởng vợ với người ngoài. Điều này nói rõ rằng thời đó kẻ sĩ đại phu tán thành phụ nữ tham dự vào việc công, không có ai cho rằng đó là “phụ nữ tiếm quyền”.

Người phụ nữ trong văn hóa truyền thống thời xưa luôn giữ địa vị “nội tướng” của gia đình, đàn bà “chủ nội”, đàn ông “chủ ngoại”. Người phụ nữ được ví như nước, mang đức lớn, nâng đỡ vạn vật. Thật ra địa vị của phụ nữ thời xưa không hề thấp kém như người thời nay quan niệm.

Trên thực tế, có nhiều phụ nữ tham gia vào việc trị quốc, buông rèm nghe chính sự. Trong đó phải kể đến: Chân Tông Lưu Hậu, thông tường sách sử cổ kim, am hiểu chính sự, giúp đỡ được vua Chân Tông. Khi Chân Tông mất, bà trở thành Hoàng thái hậu nhiếp chính đầu tiên của thời Tống. Hay như Nhân Tông Tào Hậu, tinh thông kim cổ, là người hiền đức. Bà trở thành Hoàng thái hậu nhiếp chính dưới thời Tống Anh Tông Triệu Thự. Hoặc như Anh Tông Cao Hậu. Bà được đánh giá có tài chấp chính, làm đất nước phồn vinh, ngoài ra cũng nổi tiếng bởi sự hiền minh lễ độ. Lại thêm Thần Tông Hướng Hậu giữ ngôi chính cung trong vòng 18 năm, được đánh giá là hiền huệ, ôn hòa lễ độ, quán chủ hậu cung một cách anh minh, sáng suốt.

Tống Thần Tông Hậu tọa tượng trục. (Tranh minh họa: Tài sản công)

Quả thật là những quan niệm sai luôn bắt đầu từ những kiến thức sai. Người ta dùng cái sai này để chứng minh cho cái sai khác. Có câu: Lời nói dối lặp đi lặp lại ngàn lần thì trở thành lời nói thật, vì ai cũng tin nó. Nói: kiến thức sai lầm lặp đi lặp lại vạn lần thì thành quan niệm ‘đúng’, thật chính là nhãn quan của xã hội ngày nay vậy.

Quan niệm ra đường gặp phụ nữ là xui xẻo thực chất là một thứ quan niệm biến dị thể hiện tâm thái khinh rẻ, coi thường phụ nữ. Khi nói ra câu “ra ngõ gặp đàn bà”, liệu họ có nghĩ đến những người đàn bà đã sinh ra mình hay không, hay cả những người thân yêu là nữ trong gia đình? Nói nghiêm trọng một chút, câu cửa miệng tưởng vô thưởng vô phạt nhưng rõ ràng là thái độ bất kính, bất hiếu bởi ai mà chẳng được sinh ra từ một người phụ nữ?
 
Tâm lý may rủi

Quan niệm “Ra ngõ gặp gái” xuất phát từ tâm lý tin vào may rủi, dưới một vỏ bọc kiêng kị vì “các cụ bảo thế”. Thực ra về chuyện may rủi, cổ nhân đều giảng rằng: “người làm điều thiện ông Trời để dành phúc cho”. Những chuyện may mắn trong đời là có thực, nhưng không phải ngẫu nhiên, mà đều do tích đức, tạo phúc từ đời này đời khác, gieo thiện lành gặp thiện duyên. Gieo nhân gặt quả, ấy là cốt lõi của “may mắn” trong hết thảy các kinh sách tôn giáo, cũng như lời dạy của Thánh hiền.

Chẳng lẽ một người toàn làm điều xấu, ác, rồi chỉ cần tránh “ra ngõ gặp gái” vậy là suốt đời gặp may hay sao. Nếu như thế thì con người còn có năng lực hơn cả thần thánh, có thể tránh họa hoạn chỉ thông qua sự sắp đặt của con người thôi sao. Lẽ nào có chuyện ấy, vậy mà người ta lại dễ dàng tin rằng “gặp đàn bà” là nguyên nhân cho trăm sự xui xẻo của họ?

Văn hóa đổ lỗi

Quan niệm ra ngõ gặp gái, gặp bà bầu còn chứng tỏ tâm lý đổ lỗi cho đối tượng khác ngoài bản thân mình. Khi nhận kết quả tốt xấu của một sự việc, thay vì hướng nội tìm xem nguyên nhân tại vì sao, do mình chuẩn bị chưa tốt, nỗ lực chưa đủ, hành xử chưa đúng, học hỏi chưa đến nơi đến chốn, thì người ta lại hướng ngoại để đổ lỗi cho một người không hề liên quan đến mình.

Người giữ quan niệm đó, thì cái hại đầu tiên là càng ngày càng không thể tiến bộ, bởi không muốn thừa nhận những khiếm khuyết của bản thân thì càng không cách nào thay đổi, đề cao được. Một việc tốt hay xấu đều có nguyên nhân do mình, có thể là do mình làm không tốt, cũng có thể là duyên nghiệp của bản thân mình tạo thành bởi những việc không như ý, theo Phật gia giảng là nghiệp nợ của mình mà thôi. Vậy thì đem cái nghiệp do “nhân quả của mình đổ tội cho người khác gây nên, lại càng chồng chất thêm nghiệp.

Một việc tốt hay xấu theo Phật gia giảng là nghiệp nợ của mình mà thôi. (Tranh minh họa: KayEss/CC BY-SA 3.0)

Như thế rõ ràng là, chưa biết ra ngõ gặp đàn bà có thật là gây xui xẻo cho họ hay không, nhưng chắc chắn nguyền rủa người khác khi họ không liên quan đến mình là một việc vô cùng tạo nghiệp, điều này trong kinh sách nhà Phật đều giảng hết sức minh bạch. Theo Pháp lý, một khi tạo nghiệp rủa xả người khác, thì phải lấy đức để bù đắp cho người ta, rốt cuộc, nghiệp chồng thêm mà đức thì mất đi. Quả là trong vô minh mà tự hại chính mình.

Tự kỷ ám thị

Bất kỳ sự việc nào cũng có xác suất của nó. Niềm tin vào quan niệm “ra ngõ gặp gái được nhân lên khi họ ngẫu nhiên thấy câu nói đó đúng. Nhưng lại nói, cổ nhân có câu: “bảy phần tinh thần ba phần bệnh”, để nhắc nhở con người rằng, chính tinh thần, suy nghĩ tốt xấu là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật hay những chuyên không hay. Cho nên thực chất, chính vì tin và cái quan niệm đó, nên khi “gặp gái” hay bà bầu thì họ đã tự làm ức chế tinh thần, tự gây sự bất an cho mình. Xuất ra niệm xấu ở trong đầu thì lập tức trường năng lượng của họ thu hút những thứ tiêu cực, chiêu mời can nhiễu ngoại lai tìm đến.

Luật Hấp dẫn là một trong những quy luật phổ quát và mạnh mẽ nhất của vũ trụ. Cũng giống như lực hút của Trái Đất, chúng ta như thỏi nam châm hút về phía mình những gì phát ra trong tâm trí. Vì vậy nếu thường xuyên suy nghĩ tiêu cực, chúng ta sẽ hút về phía mình những trải nghiệm tiêu cực. Paulo Coelho để lại một câu nói kinh điển trong cuốn sách có ảnh hưởng hàng đầu với độc giả mọi thời đại – Nhà Giả Kim: “Khi bạn quyết chí muốn điều gì thì toàn vũ trụ sẽ chung sức để giúp bạn đạt được điều đó” chính là có ý nói như thế.

Phật gia giảng, tốt xấu xuất tự một niệm của người ta. Ví như khi gặp cậu bé trai ngoài ngõ thì tự ta đã cho là điềm lành mà vui vẻ, phấn chấn, tự tin nên công việc trôi chảy. Thật ra đó không phải là do họ gặp trai hay gái, mà chính là niệm trong đầu họ đã xuất ra điều gì thì hấp dẫn điều đó vậy.
 
Tin hay mê

Nhiều người không tin lắm nhưng vì quan niệm “có kiêng có lành” nên cứ nương theo. Nhưng đức tin và mê tin là hai chuyện khác nhau. Nhưng người thời nay bởi không đọc kinh sách, không tìm hiểu cho tường tận, nên không sao phân biệt được thế nào là chính đạo, thế nào là mù quáng mê tín dị đoan. Thật ra, họ “mê” nhiều hơn “tín”.

Nếu có chính tín – niềm tin vào pháp lý chân chính, ắt họ hiểu về luật nhân quả, duyên nghiệp cũng như mọi sự trong đời đều không ngẫu nhiên. Nguồn gốc của mọi phúc và họa trong đời đều từ chính bản thân ta từng làm. Cổ nhân có câu: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Người có đức tin hiểu rằng, nếu muốn vận may luôn mỉm cười với mình, chỉ có thể hành thiện tích đức.

Người có đức tin hiểu rằng, nếu muốn vận may luôn mỉm cười với mình, chỉ có thể hành thiện tích đức. (Tranh minh họa: Tài sản công)

Kẻ mê tín thì tin vào những quan niệm kỳ dị, hoàn toàn không dùng lý trí để suy xét theo chân lý, lẽ phải, theo thiên Đạo. Cái gọi là có kiêng có lành đó, không phải là vì họ có đức tin và thế giới tâm linh, mà chính là vì tư tưởng vô thần sinh ra mê tín. Cho nên người ta sinh ra lắm thứ kiêng cữ nào là, ngày rằm mùng một, kiêng không được cắt tóc sợ mất lộc, kiêng xuất tiền bạc vào đầu tháng, kiêng ăn món nọ món kia, kiêng đi thăm phụ nữ sinh con, kiêng đánh vỡ bát đĩa, ấm chén…

Danh sách những điều kiêng kỵ thường được các ông thầy số, thầy cúng, bói toán liệt kê không thiếu thứ gì làm cho người ta lúc nào cũng sống trong sợ hãi bất an vì tâm lý kiêng kị đủ thứ. Ấy thế nhưng không thấy người ta kiêng làm điều bất thiện, kiêng nói lời dối trá, kiêng làm việc gian tà, kiêng xúc xiểm người khác, kiêng luồn cúi, nịnh bợ (bản chất cũng là một sự dối trá), kiêng nói, nghĩ, làm điều xằng bậy… Lạ thay, đấy lại chính là điều Thần Phật, Thánh nhân răn dạy thế nhân, để tạo phúc, tích đức cho mình.

Ra ngõ gặp phụ nữ vẫn đậu Trạng nguyên, trở thành sứ thần lỗi lạc

Trên thực tế quan niệm quan niệm rằng ra ngõ gặp phụ nữ là xui không được ghi trong kinh sách Phật hay Đạo nào cả. Trong sử Việt có một vị tú tài khi đi thi, ra đầu ngõ gặp phụ nữ, nhưng vẫn đậu Trạng nguyên. Không chỉ thế, người này còn hoàn thành trọng trách đi sứ với Giang Sơn Xã Tắc trước khi bị vua Minh giết đi để trừ hậu họa.

Đào Sư Tích sinh năm 1348 dưới thời nhà Trần, con trai của tiến sĩ Đào Toàn Bân. Ngay từ nhỏ Đào Sư Tích đã có sức học vượt đồng môn, lại có tài ứng đáp và thơ phú. Năm lên 7 tuổi cậu bé Đào Sư Tích đã nổi tiếng thần đồng, xa gần đều biết tiếng.

Khoa thi năm 1374 thời vua Trần Duệ Tông, Đào Sư Tích thi Hương, thi Hội và thi Đình đều đỗ đầu. Vì thế mà ông con có danh hiệu là Tam Nguyên.

Dân gian lưu truyền câu chuyện Đào Sư Tích khi dự kỳ thi cuối cùng như sau:

Buổi sáng hôm đó, ông chuẩn bị sẵn cơm nắm, quyển lai kinh, rồi vác lều chõng lên đường. Nhưng vừa ra đầu ngõ thì “trời ơi đất hỡi”, ông gặp ngay một cô gái đi ngang qua. Nhớ câu “ra ngõ gặp gái là xui” ông liền buột miệng:

– Ta đi thi mà lại gặp gái thế này!

Cô gái liền đáp rằng:

– Gặp tôi có can gì đến việc đi thi của ông? Gặp con gái là tốt vì chữ “nữ” (女) ghép với chử “tử” (子) là chữ “hảo” (好), ông đi chuyến này ắt đỗ Tiến sĩ.
(*) Tử mang nghĩa là nam tức người con trai, cũng là chữ “tử” trong sĩ tử.

Đào Sư Tích đáp rằng:

– Tiến sĩ đâu vừa ý ta.

Cô gái lại nói:

– Thế thì ắt đỗ Trạng nguyên.

Ông vừa lòng, trả lời:

– Chính hợp ý ta.

Khoa thi ấy Đào Sư Tích làm bài xuất sắc đỗ cao nhất, trở thành Trạng nguyên. Khoa thi năm ấy học trò của ông Đào Toàn Bân (túc cha của Đào Sư Tích) có 3 người đỗ rất cao. Đỗ cao nhất là Trạng nguyên Đào Sư Tích, đỗ cao thứ hai tức Bảng nhẫn là Lê Hiến Phủ, người còn lại là Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sĩ.

Từ trường hợp này của Đào Sư Tích thì có lẽ phải đổi lại là: “Ra ngõ gặp phụ nữ, mã đáo thành công” thì mới đúng.

Đào Sư Tích trên đường đi thi, có gặp một cô gái, sau đó đỗ trạng nguyên. Có câu “Ra ngõ gặp phụ nữ, mã đáo thành công”, quả là đúng. (Tranh minh họa: Tài sản công)

Cáo quan về quê, nhưng khi Giang Sơn nguy biến lại sẵn lòng gánh vác

Sau khi đỗ Trạng nguyên, Đào Sư Tích được bổ nhiệm làm Lễ bộ Thượng thư; sau được thăng làm Nhập nội hành khiển kiêm Hữu ty lang trung, tức chỉ đứng sau Tể tướng. Thế nhưng hiểu được bụng dạ không ngay thẳng của Hồ Quý Ly, ông cáo quan về quê bốc thuốc dạy học.

Bấy giờ về mặt đối ngoại nhà Trần cũng gặp khó khăn cấp bách. Nhà Minh bên Trung Quốc yêu cầu nhà Trần phải cung cấp nhiều lương thực, nhân tài, sản vật quý hiếm, nhằm khiến nhà Trần không đáp ứng được để có cớ đem quân tiến đánh.

Lúc này rất cần một nhân tài đi sứ để hòa hoãn với nhà Minh, tuy nhiên không một ai có thể gánh nổi trọng trách này ngoài Đào Sư Tích. Dù đã cáo quan, nhưng vì vận mệnh Giang Sơn Xã Tắc, Đào Sư Tích đã lĩnh ấn đi sứ.

Chuyến đi sứ này Đào Sư Tích đã thuyết phục nhà Minh bỏ và giảm nhẹ nhiều lệ cống nạp hàng năm, trong đó bỏ hẳn được việc cống nạp tăng nhân, góp phần quan trọng kéo dài thời gian hòa hoãn cho Đại Việt.

Tuy nhiên trong lần đi sứ này, ông đã thể hiện là người tài năng hiếm có, đến nỗi vua Minh phải cho giết ông để trừ hậu họa.

Dù chuyện ra ngõ gặp gái là thế, nhưng một điều không thể phủ nhận là để có được danh hiệu đứng đầu bậc Tam khôi, Đào Sư Tích là người học rất giỏi mới có được kết quả tốt như vậy.

Kết luận

Ra ngõ gặp gái, quan niệm kiêng kị tưởng như bình thường đến mức phổ biến thành câu than phiền cửa miệng, đã thể hiện sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng về văn hóa truyền thống cũng như đức tin chân chính được lưu truyền trong các kinh sách tôn giáo. Nó cũng góp phần lan tỏa thứ văn hóa đổ lỗi khiến người ta càng thêm thụt lùi về đạo đức, phẩm cách. Một người luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh, thậm chí cho một người không quen biết, thì căn bản là không thể thăng tiến về tư tưởng, nói chi đến chuyện thành công.

Nó cũng thể hiện một thứ văn hóa thiếu sự trân trọng, bao dung dành cho nhau, bởi trong một xã hội mà mọi lời bình phẩm về người khác dù đầy ác ý lại được xem là bình thường, được lưu truyền, cũng không bị nhận những sự phản đối thì căn bản là một xã hội thiếu sự văn minh tối thiểu để có thể phát triển.

Thử nhìn sang phương Tây, vì sao câu cửa miệng trong văn hóa của họ là “Lady first”. Phụ nữ trước tiên!

Đan Thư / Theo: etviet

No comments: