Friday, June 17, 2022

XÓM GÀ TAN GIẤC...

Xóm Gà, một xóm cổ trên đất Gia Định xưa. Xóm nhỏ, chỉ rộng vài ba cây số vuông, vây quanh ngã tư Lê Quang Định – Nguyễn Văn Đậu hiện nay, giáp khu Bình Hoà, Cây Thị… những địa danh xưa thuộc quận Bình Thạnh bây giờ. Tên xóm do dân gian đặt vì từng là khu đá gà độ. Xóm nghèo nên thu hút văn nghệ sĩ nghèo, tìm chỗ tạm dung.

Ngã tư Xóm Gà (ngã tư Lê Quang Định – Nguyễn Văn Đậu) ngày nay. Tranh màu nước của Phạm Công Tâm

Bây giờ xóm trở thành phố xá đông đúc, đi qua không tìm ra dấu vết của Tản Đà, Bùi Giáng, Nguyễn Đình Toàn… Họ chỉ có một thời ngắn sống ở đây, tạo nên vài hoài niệm cho những người mơ mộng về một thuở, khi Sài Gòn - Gia Định còn vắng vẻ và mộc mạc...

Năm 2016, lần về quê hương cuối cùng trước khi mất, nhà văn Nhật Tiến hỏi tôi: “Xóm Gà bây giờ ra sao? Sáu mươi năm trước gia đình tôi sống ở đó!”. Ông kể, năm 1954, vợ chồng ông đang còn rất trẻ, vừa di cư từ Hà Nội vào miền Nam và sống ở Đà Lạt. Một năm sau, vợ chồng ông về Gia Định, lần đến xóm Gà để cư ngụ. Xóm nghèo ngoại ô, giá thuê nhà rẻ. Lúc đó vì không quen biết ai nên kiếm việc làm rất khó khăn. Trong gần hai năm liền, gia đình ông sống rất nghèo ở xóm Gà, chui rúc dưới một mái nhà lá mà ông gọi là “tồi tàn”.

Ngoài ông và vợ là nhà văn Đỗ Phương Khanh, ở đó còn có nhà thơ Song Hồ và nhà văn Nguyễn Đình Toàn, tác giả tiểu thuyết Áo mơ phai và hai bài thơ phổ nhạc rất hay Anh đến thăm em đêm Ba mươi và Tình khúc thứ nhất. Dù khó khăn, mọi người sống vẫn hồn nhiên, Nguyễn Đình Toàn ôm đàn ca hát suốt ngày, khi viết văn chỉ dùng mặt sau của bản tin Việt Tấn Xã làm giấy viết, lấy bút hiệu là Tô Hà Vân.

Sau, lần lượt các nhân văn thi sĩ Bắc di cư rời cái xóm tạm dung đầy tình người chân chất này để tỏa đi khắp nơi. Song Hồ trở lại Sài Gòn đi dạy học, làm thơ. Nguyễn Đình Toàn vừa làm cho Đài Phát Thanh Sài Gòn vừa tiếp tục sáng tác. Riêng Nhật Tiến thì đi dạy học ở Mỹ Tho. Sau này, khi sống ở Mỹ nhiều năm, ông vẫn nhớ cái xóm Gà hiền lành đó.

Giao lộ Lê Quang Định-Nguyễn Văn Đậu, nay vẫn thường gọi bằng tên dân gian là Ngã tư Xóm GàẢnh: Wikipedia

Thời xưa, người Việt ở Gia Định thích sống khu xóm Gà vì có nước ngọt quanh năm. Xóm nuôi gà độ rất sớm, từ thế kỷ XIX. Trước năm 1954, vùng này còn vắng vẻ. Vài người già kể, lúc đó phố xá không có mấy, đèn điện chỉ có ở người khá giả và nhà quanh chợ. Đa số dùng đèn dầu thắp ban đêm.

Một tác giả ở hải ngoại, ông Lê Bảo Trân viết về xóm Gà: “Nhà cửa cất theo lối cổ, lợp ngói âm dương. Hầu hết có vườn cây bao quanh, trồng bốn loại cây chánh là mít, mãng cầu, nhãn và mận. Ranh đất là hàng rào cây tươi cao khỏi đầu. Về đêm cảnh vật trở nên huyền bí mơ hồ” (cuốn Chiều chiều lại nhớ chiều chiều in ở hải ngoại năm 1992).

Ông kể, khu này, có hai nhân vật cùng hành nghề liên quan đến... con heo, với hai hình ảnh tương phản. Họ đều là người Hoa cao niên trên dưới ngũ tuần. Một ông “tóc cắt ngắn, tay cầm cây sáo nhỏ màu đen, đi rảo trong xóm thổi réo rắt”, đó là ông thiến heo. Còn ông kia, chuyên cho mướn heo nọc, dễ nhận ra nhờ dẫn con heo có dính theo một thứ ngộ nghĩnh là… vòng hoa giấy dán ngang lưng. Cả hai ông đều khô đét do hút thuốc phiện. Ông gầy giống heo đi tới đâu là chó sủa tới đó. Lúc heo hành sự, con nít xúm quanh khiến các bà vừa cầm roi đuổi vừa la ỏm tỏi. Heo gầy giống xong, ông cho nó hai trứng gà tươi để bồi dưỡng.

Thời Pháp thuộc, vào buổi trưa, phía xóm Gà nghe được tiếng ốc hụ từ cái cột do Pháp dựng lên ở ngã tư Bình Hòa lúc 12 giờ trưa để báo giờ tan sở. Còn có tiếng xe lửa từ ga Đông Nhì chạy đến ga Xóm Gà.

Đó là thời gian xóm Gà có hai nhà báo nổi tiếng: ông Cử Tùng Lâm Lê Cương Phụng và nhà thơ Tản Đà đến ở. Một đêm Giao thừa, ông Lê Cương Phụng được phân công đi mua gà, còn Tản Đà ở nhà lo rượu. Ông Phụng mua con gà luộc, lấy thêm chai Mai Quế Lộ nữa cho xôm tụ. Xui xẻo thay, khi đi đường, ông Phụng mải mê xem đám đánh nhau mà bị bắt nhốt vô bót. Ông Tản Đà ở nhà đợi miết đành uống hết chai rượu rồi lăn ra ngủ.

Quê hương đôi khi hiện ra dễ ợt trong đầu, chỉ bằng một món ăn hay một trò chơi tuổi nhỏ ở xóm Gà là đủ.

Thời gian ngắn ngủi ở Sài Gòn chắc hẳn Tản Đà có tâm trạng nhớ quê hương và lo lắng về chuyện nợ nần ngoài Bắc. Đến khi trở về quê Bắc, kỷ niệm sống ở thành phố phương Nam này lại dậy lên, nhất là sự đối đãi trọng thị của ông Diệp Văn Kỳ, chủ báo Đông Pháp. Ông ngoái lại bằng bài thơ đầy cảm xúc

Xóm Gà tan giấc rạng vừng ô
Tối đến Nha Trang, rượu một hồ.

Không rõ ngôi nhà ông từng cư ngụ cuối thập niên 1920 ấy nằm ở đâu trong xóm Gà?

Đường xe điện từ Sài Gòn đi Gò Vấp chạy ngang qua Xóm Gà, với các ga nằm trên đường Lê Quang Định ngày nay, trong đó có một ga tên Xóm Gà - Ảnh: tư liệu

Anh Nguyễn Đạt, một kiến trúc sư bên Mỹ từng sống ở khu xóm Gà trước khi đi Mỹ kể về thời gian anh sống ở đó khoảng thập niên 1960. Lúc đó, anh và hầu hết con nít xóm Gà đều học ở trường Thiên Ca, bây giờ là trường Nguyễn Văn Bé. Khu này có hàng chục ngôi chùa, nổi tiếng như chùa Dược Sư, Già Lam... Có nhiều người làm lớn hai bên Quốc gia lẫn Cộng sản. Có cả du đãng nổi tiếng như Dũng Mexico.

Ngay ngã tư xóm Gà, phía đầu đường Lê Quang Định trước 1975 có bót cảnh sát Nguyễn Văn Gập nay đã đập bỏ. Khi anh lớn lên, không còn dấu vết trường gà hay không còn mấy ai nhắc các ông Năm Đồ, Ba Giáp là dân võ nghệ giang hồ nữa.

Ở xóm Gà cũng có khu nhà nghệ sĩ sống quây quần giống như bên cư xá Chu Mạnh Trinh ở Phú Nhuận. Bên trong cư xá Thanh Bình 2 (đối diện chùa Pháp Vân, đường Nguyễn Văn Đậu) là nhà của nghệ sĩ hài Văn Hường. Cư xá này còn có nhà của ký giả Huyền Vũ, một bình luận viên thể thao nổi tiếng trên đài phát thanh Sài Gòn và con trai của ông là thủ môn Quốc Bảo (bắt gôn cho đội Euquinol, Hải Quân rồi đội tuyển quốc gia), nhạc sĩ Lê Dinh, ông bà Tô Văn Lai (chủ nhân trung tâm Paris by night).

Sâu vào trong hẻm là nhà của nghệ sĩ Tùng Lâm, thường thả bộ từ trong xóm ra uống cà phê, ca sĩ Trang Thanh Lan luôn cười nói vui vẻ, cư xử tốt với bà con lối xóm. Hẻm này ăn sâu lên tận ngã ba chợ Cây Thị với dân lao động nghèo và dân giang hồ sống chung với nhau.

Xóm Gà có sân banh Lê Văn Duyệt ở đường Trung Dũng thuộc quận Gò Vấp, có đội Euquinol, Ngôi sao Gia Định đến tập dượt. Sau 1975, sân này đổi tên thành sân Trần Phú với nhiều tuyển thủ đến đá. Mỗi chiều, chú bé Đạt đợi nghe tiếng bạn bè là dọt ngay ra sân banh, chia phe nhau đá.

Sân này còn là sân thể thao của trường trung học Hồ Ngọc Cẩn (gần bây giờ là trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu). Hồi đó các trận tranh giải giữa các trường trung học tổ chức ở đây. Sau năm 1986, sân này biến thành cư xá Nguyên Hồng.

Xóm Gà bây giờ nhìn từ trên cao

Sau 1975, anh Đạt thấy thi sĩ Bùi Giáng lang thang trong cư xá Thanh Bình 2 rồi đi lên chợ Cây Quéo, quần áo te tua và đầu óc đã không bình thường. Dù sao, ông còn để lại mấy câu thơ nhắc một chút đến xóm ông ở, trong tập thơ Như Sương:

Sài Gòn bất tận ngoại ô
Xóm Gà Bình Thạnh xóm mô Chuồng Bò
Ghé thăm Chuồng Ngựa quanh co
Chạy về thẳng tắp viếng chùa Già Lam.

Cạnh ngã tư xóm Gà có tiệm mì của chú Thông, từng là huấn luyện viên đội bóng Tổng cục Hóa chất sau 1975. Mì của tiệm chú bán khá ngon, khách ăn đa số sống quanh ngã tư xóm Gà, ra ngồi ăn hoặc mua tô hoành thánh về làm canh ăn với cơm. Thỉnh thoảng Đạt được theo ba má ra ăn ở quán Trung Thành (ngã ba đường Trần Quý Cáp và đường Nguyễn Văn Học, nay là Nơ Trang Long) ngon có tiếng trước 1975. Quán có canh chua, cá kho tộ, cua lột lăn bột… các món Nam rặt, ngon nhất là cua rang muối, nhắc lại còn thèm. Anh nhớ hồi nhỏ thức học bài thường đói bụng, đạp xe ra mua ổ bánh mì patê chả lụa, sang hơn là chạy lên đường Nơ Trang Long làm tô mì Minh Sanh hay tô hủ tiếu bò viên, rồi một ly sâm bổ lượng.

Bên Mỹ, khu anh ở không bán thức ăn đêm. Những đêm lạnh, anh thức dậy nấu tô mì gói Đại Hàn, nhớ ngày xưa vô cùng, về già càng nhớ về kỷ niệm. Quê hương đôi khi hiện ra dễ ợt trong đầu, chỉ bằng một món ăn hay một trò chơi tuổi nhỏ ở xóm Gà là đủ.

Phạm Công Luận / Theo: Lao Động