Những ai từng sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước miền Tây mà nay sống xa quê hẳn sẽ hoài niệm về một mùa nước nổi hằng năm, vào khoảng tháng 7, tháng 8 Âm lịch. Đây cũng là mùa loài cá linh xuất hiện đầu tiên theo dòng nước lũ, rồi tràn về khắp các sông và ao rạch.
Hồi đó, nhà tôi cũng ở ngay miệt sông nước. Khi còn nhỏ, tôi từng chứng kiến biết bao mùa nước lũ đổ về không chỉ mang theo phù sa vun bồi cho đồng ruộng, mà cá tôm cũng xuôi theo dòng tìm về với hạ lưu. Và cứ mỗi lần như vậy, tôi thấy biết bao xuồng ghe lại nhộn nhịp một mùa đánh bắt cá linh.
Cá linh đầu mùa nhỏ bằng mút đũa, được người dân gọi là cá linh non. Loại cá này có màu trắng, thân nhỏ, vảy nhuyễn và mềm. Cá còn non ngọt thịt, hầu như không có xương, rất béo. Món ăn làm từ cá linh rất phong phú, đậm đà hương vị. Khi nấu, cá không cần đánh vẩy, mà chỉ bóp bụng lấy ruột, rồi ngâm nước muối cho sạch nhớt là đã có thể chế biến được.
Với người dân miền Tây, mỗi mùa cá linh về cũng là lúc mọi người cùng chiêm ngưỡng loài bông điên điển nở khắp các triền đê, ven sông. Người dân quê kể lại, điên điển ngày xưa là cây hoang dã, rất dễ thích nghi với môi trường và có sức sống mãnh liệt. Trong ký ức tuổi thơ tôi luôn ẩn hiện những cô thôn nữ mặc áo bà ba, chống xuồng trong từng bờ rạch, bờ đê để hái những nhánh bông điên điển về làm rau ăn trong mỗi bữa cơm.
Bông điên điển có màu vàng, hương vị thơm, có độ giòn, bùi, béo. Chính cuộc sống khó khăn của người dân vùng lũ đã tạo nên sự sáng tạo trong mỗi bữa ăn. Vậy là người ta biết kết hợp những thứ cây nhà lá vườn thành những món ăn đặc trưng. Ở quê tôi, người ta còn dùng bông điên điển để làm dưa chua, nấu canh, làm gỏi, xào với gỏi tép đồng... hoặc bông được ăn sống chấm cá kho, nhúng lẩu chua, ăn kèm với bún cá.
Tầm tháng 11 Âm lịch, lũ rút dần, cá linh đã già bằng ngón tay, thân có nhiều xương, vảy cá cứng hơn. Lúc này, cá nhiều ăn không hết, người dân tích trữ thành nhiều món như làm mắm, ủ thành nước mắm để dành ăn quanh năm. Bông điên điển cũng đến lúc tàn một mùa hoa, kết trái, chờ mùa sau.
Con cá linh và bông điên điển từ lâu đã trở thành món ăn thân thiết của những người miền Tây vào mùa mưa. Mùa này, trong từng bữa cơm gia đình không bao giờ thiếu con cá linh. Nhiều người dân quê cho rằng, dù cá linh đầu mùa hay cuối mùa thì đều được tận dụng hết để chế biến nhiều món ngon như cá linh tẩm bột chiên giòn, cá linh kho, canh chua cá linh, cá linh nướng, mắm cá linh, nước mắm... mang lại nhiều thú vị khi thưởng thức.
Ở Sài Gòn, biết bao lần tôi thèm món cá linh nấu với bông điên điển nhưng hiếm lần nào được thưởng thức, mà chỉ có cách lặn lội về tận quê. Các bác, các cô cũng thỉnh thoảng gọi điện lên thăm hỏi, rồi bảo “Bông điên điển sau hè đang chờ con về hái. Ráng thu xếp công việc để về mà thỏa sức ăn”. Nhưng với guồng quay công việc bận rộn như thế này, tôi đã nhiều lần nấn ná chưa kịp về.
Vừa rồi, bác từ quê lên thăm đã "tay xách nách mang" cả một kg bông điên điển được chính tay bác hái từ sau hè. Sẵn có bông, tôi liền chạy tìm khắp chợ ở Sài Gòn tìm bán cá linh còn tươi sống. Đi khắp các chợ, may thay tôi cũng chỉ tìm ra được một chỗ hiếm hoi bán loài cá này. Và như "bắt được vàng", tôi đã vội vã mua cá ngay để mang về nhà chế biến. Những con cá tươi roi rói, béo tròn được làm sạch bằng cách bóp nhẹ bụng lấy ruột ra, bỏ mật, sau đó rửa sạch, không cần đánh vảy, mà chỉ ngâm nước muối cho sạch nhớt, sau đó rửa sạch lại. Những chùm bông điên điển mà bác mang lên, tôi cũng tước bỏ cọng rồi rửa sạch, để ráo.
Bông điên điển với cá linh là một sự kết hợp độc đáo, rất miền Tây và có lẽ chỉ ở xứ sở này người ta mới có thể tìm thấy món ngon như thế. Vị ngọt từ cá linh, vị chua chua, thơm giòn của bông điên điển chấm với nước mắm mặn pha ớt... khiến cho những ai từng ăn món này đều phải gật gù khen ngon.
Người dân miền Tây có câu "Canh chua điên điển cá linh. Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon". Quả thật món ăn này đã khơi gợi biết bao nỗi nhớ quê da diết. Và cứ mỗi mùa nước lũ về là một lần tôi lại thấy những ức ký thuở ấu thơ như vẫn còn mãi với thời gian.
Trần Hà / Theo: ngoisao
No comments:
Post a Comment