Friday, September 30, 2022

NHẤT MỆNH, NHÌ VẬN, BA PHONG THỦY, TUY NHIÊN CÓ MỘT ĐIỀU CÒN QUAN TRỌNG HƠN

Một người nếu như luôn giữ tâm thái hoà ái, biết cảm ơn và yêu thương người khác, thường xuyên tươi cười, độ lượng, suy nghĩ tích cực sẽ dần dần chuyển biến năng lượng từ trường của bản thân theo hướng tích cực. Suy nghĩ tiêu cực, nhỏ nhen, oán giận, độc ác sẽ dần dần thay đổi năng lượng từ trường của chúng ta theo hướng xấu đi.


Nhân sinh tại thế, vận mệnh đã sớm được an bài. Tuy nhiên vẫn có nhiều người không hài lòng với vận mệnh của chính mình, luôn tìm trăm phương nghìn kế những mong có thể thay đổi vận mệnh của bản thân. Vậy vận mệnh có thể thay đổi được không, điều gì mới thực sự ước chế đường đời của mỗi người chúng ta?

Trong cuốn Nhi Nữ Anh Hùng Truyện có viết: “Nhất mệnh, nhị vận, tam phong thuỷ", vậy đâu là chìa khoá để thay đổi vận mệnh con người?

Trong Luận Ngữ - Nhan Uyên có viết: “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên", nghĩa là con người ta sinh ra trên đời sống chết đều có số mệnh, sướng khổ đều do trời định. Tuy vậy Phật gia có câu: “Vạn sự tuỳ tâm".

Vậy đâu là chìa khoá để thay đổi vận mệnh con người? (Ảnh qua soundofhope)

MỆNH

Tự cổ chí kim, bất luận là người có tin vào Thần Phật hay người không tin vào Thần Phật, nhưng đối với “mệnh" thì họ lại vô cùng tin tưởng. Vậy “mệnh" này do ai an bài? Chính là thiên định.

Trong văn hoá của người phương Đông, thường thì mọi người đều coi trọng bát tự (Giờ, ngày, tháng, năm sinh) bởi bát tự đối ứng với vận mệnh, mệnh hung cát khác nhau, bát tự cũng sẽ khác nhau.

Lấy một ví dụ, bất luận là thời cổ đại hay ngày nay, mọi người đều cho rằng đọc sách là cách tốt nhất để cải biến vận mệnh của mình: “Thập niên hàn song vô nhân vấn, nhất cử thành danh thiên hạ tri". - Ý tứ là: “Mười năm đèn sách không ai hỏi, một sớm thành danh lắm kẻ tường”.

Ngoài ra có một số người không tin nhân quả, không tin thiện ác hữu báo, sẵn sàng thay đổi vận mệnh bằng mọi giá, miễn là có thể đưa mình đến “thành công" thì họ sẵn sàng bất chấp thủ đoạn. Và đương nhiên phần lớn những người này cuối cùng đều thân bại danh liệt, hoặc giả tổn thọ, mạng vong, cái được gọi là “thành công" đó cũng chẳng ích gì.

LÀM SAO ĐỂ THAY ĐỔI VẬN MỆNH

Chuyện kể rằng: vào triều đại nhà Minh, có một thư sinh tên là Tôn Hậu, gia đình bần cùng đành phải vượt sông đi dạy học để kiếm sống. Về sau, Tôn Hậu lại đến gia đình nhà họ Trương ở Đường Tây làm công việc ghi chép để đổi lấy miếng ăn.

Một hôm, đêm đã khuya, tỳ nữ nhà họ Trương vụng trộm chạy đến gian phòng mà Tôn Hậu đang ngủ. Tôn Hậu biết rõ ý tứ của tỳ nữ này nên đã lớn tiếng nói: “Trong Thái Thượng cảm ứng thiên nói rằng: “Tam Thai, Bắc Đẩu, Tam Thi Thần lúc nào cũng theo sát chờ đợi sẵn, để ghi chép lại hết sai lầm của từng người. Tưởng rằng, đêm khuya tĩnh lặng không người mà Thượng Thiên không biết hay sao?”, Tôn Hậu đã nghiêm khắc cự tuyệt.

Tuy nhiên sự việc này lại bị vị thầy giáo dạy học của nhà họ Trương nhìn thấy. Ông ta liền lén lút gọi mời tỳ nữ này đến gặp gỡ để tư thông.

Đến tết Đoan Ngọ, ông thầy giáo đó đột nhiên phát bệnh ung nhọt, toàn thân đau nhức, không có cách nào chữa trị. Lúc này, chủ nhà đành phải mời Tôn Hậu lên làm thầy giáo đứng lớp chính.

Một hôm, Tôn Hậu gặp người chú của mình tại Giang Khẩu. Người chú này kinh ngạc nói: “Bởi vì con trai của ta bị bệnh nên ta đến miếu thờ Thành hoàng cầu nguyện. Đến lúc trời tối, ta ngủ luôn ở đó, không ngờ mơ thấy Thần thành hoàng ngồi trên điện. Sau đó, vị Thần thành hoàng kêu thuộc hạ dâng cuốn sổ ghi chép những người có mệnh bị chết đói lên để sửa đổi. Từng tên từng tên được đọc lên, khoảng chừng mười mấy người thì ta nghe thấy có tên của cháu. Ta hỏi vị quan sứ: “Vì sao mà Tôn Hậu lại được cải sửa?”

Vị quan sứ nói: “Trong bổn mệnh của người này, vào năm 46 tuổi sẽ bị chết đói nơi đất khách quê người. Nhưng bởi vì vào đêm ngày 18 tháng Tư năm nay anh ta đã nghiêm khắc cự tuyệt thông dâm với một tỳ nữ, cho nên sẽ kéo dài tuổi thọ của anh ta thêm 24 năm. Đồng thời sửa lại số mệnh phải chịu đói khát thành được hưởng bổng lộc”. Nói đến đây, người chú này liên tục chúc mừng Tôn Hậu.

Về sau, học sinh theo học Tôn Hậu càng ngày càng đông, mỗi năm tiền học phí mà Tôn Hậu thu được lên đến hơn 100 lượng vàng. Đến năm 36 Vạn Lịch, Tôn Hậu 46 tuổi, quả nhiên năm đó mất mùa, giá gạo vô cùng đắt đỏ, những người nghèo hầu như không có tiền mua, người chết đói vô cùng nhiều. Nhưng Tôn Hậu không những tránh được kiếp nạn này mà cuộc sống cho đến cuối đời vẫn hết sức giàu có, Tôn Hậu thọ đến năm 70 tuổi, không bệnh mà qua đời. Ứng nghiệm với lời nói năm xưa ở miếu Thần hoàng.

Anh ta đã nghiêm khắc cự tuyệt thông dâm với một tỳ nữ, cho nên sẽ kéo dài tuổi thọ của anh ta thêm 24 năm. (Ảnh chụp phim Tam Tự Kinh)

VẬN

Cam La 12 tuổi làm tể tướng, Khương Thượng 80 tuổi mới gặp Văn vương. Vận ở đây có thể hiểu là một loại từ trường từ tiên thiên mang lại. Vận thế cũng còn được gọi là vận khí, ứng với sự biến hoá của thiên thể vũ trụ, ví như khí hậu bốn thời xuân hạ thu đông, nam bắc khác biệt.

Mạnh Tử từng nói: “Đạt tắc kiêm tế thiên hạ, cùng tắc độc thiện kỳ thân". Ý tứ là: khi vận thế tốt thì nên giúp đỡ người khác, khi vận thế không hay thì nên chăm sóc lấy mình.

Bản tính tiên thiên của chúng ta mang theo vận khí của chính mình, vậy nên vận cũng mang ý nghĩa chuyển động, 10 năm thì vận lớn, 5 năm vận nhỏ. Ngoài ra còn cần phải căn cứ theo thiên can, địa chi và sự liên đới với sinh thần tương sinh tương khắc của mỗi người, ta sẽ thấy được vận khí mỗi năm mỗi khác, mỗi người mỗi khác.

CẢI VẬN

Vận là một loại từ trường mang theo tự thân của mỗi người. Mặc dù vận thế là do thiên định an bài tuy nhiên chúng ta có thể cải đổi từ trường của chính mình. Trong những mối quan hệ thường ngày chúng ta dễ nhận thấy rằng có một số người khiến ta vừa gặp đã mến, có người lại khiến ta có cảm giác khó chịu, đây chính là từ trường hai bên tạo thành.

Một người nếu như luôn giữ tâm thái hoà ái, biết cảm ơn và yêu thương người khác, thường xuyên tươi cười, độ lượng, suy nghĩ tích cực sẽ dần dần chuyển biến năng lượng từ trường của bản thân theo hướng tích cực. Suy nghĩ tiêu cực, nhỏ nhen, oán giận, độc ác sẽ dần dần thay đổi năng lượng từ trường của chúng ta theo hướng xấu đi.

Tâm thái tích cực không chỉ chuyển biến từ trường xấu thành tốt cho bản thân mà còn hấp thụ những người khác có cùng từ trường tốt đến với mình, tạo nên những mối quan hệ tốt. Và đương nhiên vận cũng nhờ đó mà đổi thay, cơ hội tốt sẽ đến nhiều hơn. Vậy nên, thái độ tích cực chính là cách tốt nhất để cải vận.

PHONG THỦY

Phong thuỷ có nguồn gốc từ rất sớm, được bắt nguồn từ thời Ngụy Tấn, trong Táng Thư của Quách Phác, trong sách Quách Phác đã đưa ra định nghĩa về Phong Thủy như sau: “Táng giả, Tạng dã, Thừa sinh khí dã… khí thừa phong tắc tán, giới thủy tắc chỉ, cổ nhân tụ chi sử bất tán, hành chi sử hữu chỉ”. Quách Phác đã đưa ra khái niệm về “khí”, đồng thời đưa ra những phát hiện ngắn gọn về biểu hiện của hai loại nhân tố Phong và Thủy, từ đó nhận thức về sự xuất hiện và kết thúc của “khí”.

Do tác giả trong cuốn Táng Thư đã lần đầu tiên đưa ra danh từ Phong Thủy, cũng như đặt ra cái khung lý luận cho Phong Thủy, cho nên được coi là ông tổ trong giới Phong Thủy.

Có câu: “Địa linh nhân kiệt, nhất phương thuỷ thổ dưỡng dục nhất phương nhân", người phương đông chúng ta đối với phong thuỷ có sự nghiên cứu thâm sâu, các bậc thầy phong thuỷ nghiên cứu ra rằng mỗi vùng đất sẽ nuôi dưỡng ra mỗi kiểu người khác nhau. Đặc biệt là các bậc cao tăng ẩn sĩ khi xưa, thường chọn những danh sơn địa linh để cư ẩn, và trên thực tế phần lớn các danh sơn trên thế giới đều có các bậc tu hành cư ngụ.

Các bậc cao tăng ẩn sĩ khi xưa, thường chọn những danh sơn địa linh để cư ẩn. (Ảnh: Miền công cộng)

Một người có thể tìm được cho mình một khu vực có phong thuỷ tốt để sinh sống sẽ phần nào hỗ trợ tương sinh với vận mệnh của mình. Tuy nhiên đứng từ một góc độ cao hơn mà xét thì vạn vật tùy tâm, tất cả đều do tâm người mà định. Phong thuỷ dẫu tốt nhưng tâm người bất chính thì cũng vô ích, Thần đất, địa linh cũng sẽ rời đi. Ngược lại nếu một người tâm tính thiện lương, thì dù có sống ở đâu cũng là bảo địa phong linh.

Chuyện kể rằng, vào thời Bắc Tống, viên quan Phạm Trọng Yêm có xử lý một vụ kiện cáo về phân chia đất của hai người nhà. Trong đó có một miếng đất có tảng đá chỉ ngay trước cửa nhà gọi là “Vạn tiễn xuyên tâm", cả hai nhà đều không ai dám nhận mảnh đất đó nên tranh chấp phát sinh. Phạm Trọng Yêm nói: “Không sao, ta sẽ lấy miếng đất đó, ta sẽ đổi cho các ngươi”. Kết quả là sau khi đổi cho hai người họ không lâu, một hôm có trận mưa to gió lớn, nước cuốn ầm ầm, cuốn tất cả đá trong khu vực đó dồn về chỗ tảng đá trước trước cửa. Địa thế trước đây vốn dĩ là “Vạn tiễn xuyên tâm" nay lại thành “Vạn hỗ triều thiên”, biến thành bảo địa cát tường.

Phong thuỷ quan trọng nhưng lòng người hướng thiện còn quan trọng hơn, có câu: người thiện phúc tự tìm.

THIỆN LƯƠNG

Thiện ác hữu báo, tuy mệnh, vận, phong thuỷ đều là những nhân tố then chốt trong cuộc đời chúng ta, nhưng có một điều còn quan trọng hơn cả ba thứ trên gấp trăm ngàn lần, đó chính là lòng thiện lương. Cổ nhân có câu: “Người thiện lương không cần xem phong thuỷ", tại sao? Bởi Phật gia thường giảng: “Phật nhìn nhân tâm", một người tâm địa hiền hoà thì ở đâu trời đất cũng dung hoà.

Nhân sinh tại thế, đời người chính là trường lựa chọn, người chọn thiện lương trời cao ắt có an bài, một niệm khác nhau, kết quả cũng khác nhau. Trong cuộc sống, những gì bạn làm cho người khác cũng chính là làm cho bản thân mình. Bạn cho yêu thương, sẽ gặt hái yêu thương; trao hy vọng, bạn sẽ thu về hy vọng. Vậy nên, nếu bạn muốn được yêu thương, thì trước tiên hãy yêu thương người khác, nếu bạn muốn người khác đối xử tốt với mình, trước tiên hãy đối xử tốt với họ.

Người chọn thiện lương trời cao ắt có an bài. (Ảnh: Shutterstock)

Sinh mệnh của con người cũng tựa như một tiếng vọng, bạn dành lương thiện cho người khác, cuối cùng thiện lương lại quay trở về bên bạn. Dù bạn đối xử tốt với ai, thì nhìn xa hơn thực ra lại là tốt với chính mình. Khi bạn phát hiện thấy từng nhành cây, ngọn cỏ, từng bông hoa đều đang mỉm cười với bạn; khi bạn phát hiện ra rằng mọi chuyện đều hanh thông thuận lợi; khi bạn phát hiện ra những người xung quanh ngày càng yêu mến bạn, thì đó chính là tiếng vọng lại của thiện lương.

Phật gia giảng: “Mọi phúc lành đều không tách khỏi chữ Tâm”.

Đúng vậy, trên mảnh đất trái tim nếu chúng ta ươm xuống những hạt giống lương thiện, thì sẽ có một ngày chúng kết trái đơm hoa. Làm người ta chọn thiện lương, dẫu phúc chưa đến hoạ đã rời xa. Khi bạn trao đi thiện lương, có thể bạn sẽ không nhận được sự báo đáp ngay lập tức; nhưng nhất định vào một thời điểm khác, trong một hoàn cảnh khác, Trời xanh đã tự có an bài…

Minh Vũ / NTDTV-eMagazine
Theo: soundofhope