Tuesday, September 20, 2022

CÂU CHUYỆN TRUNG NGHĨA ĐẰNG SAU CUỘC CHIẾN TẠI THÀNH BÌNH ĐỊNH

Câu chuyện cảm động dưới đây xảy ra vào gần cuối cuộc chiến tranh giữa quân Nguyễn và quân Tây Sơn, ghi dấu vào lịch sử sự trung nghĩa của hai vị tướng quân, khiến người ta không khỏi cảm thán.

Một góc thành Bình Định (trước là thành Đồ Bàn) còn tồn tại tới ngày nay. (Ảnh từ nghiencuulichsu.com)

Nội bộ nhà Tây Sơn chia rẽ

Khi Quang Trung mất, vua Cảnh Thịnh lên nối ngôi, nhưng không thể ổn định được nội bộ Tây Sơn vốn đã chia rẽ.

Năm 1793, Nguyễn Phúc Anh cho quân vây đánh thành Quy Nhơn của Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc. Bị vây suốt 3 tháng, không còn cách nào khác, Tây Sơn Vương đành phải cầu viện vua Cảnh Thịnh dù mối quan hệ hai bên lúc đó chẳng tốt đẹp gì.

Vua Cảnh Thịnh sai Ngô Văn Sở và Phạm Công Hưng đến giải vây cho thành Quy Nhơn, Nguyễn Phúc Ánh phải cho quân rút về Phú Yên.

Dù Nguyễn Nhạc đã sai mang vàng bạc ra khao thưởng cho quân Phú Xuân nhưng Phạm Công Hưng vẫn chiếm cứ thành Quy Nhơn, ngang nhiên kê biên kho tàng tài sản. Thấy gia tài để lại cho con cháu bị tước đoạt, lại thấy quân Phú Xuân không còn kỷ cương, ngang nhiên cướp bóc coi mình chẳng ra gì, Nguyễn Nhạc uất hận thổ huyết rồi qua đời.

Năm 1799, Nguyễn Phúc Ánh cho quân lần thứ 2 tiến đánh thành Quy Nhơn. Cuộc chiến quyết liệt diễn ra tại núi Hàm Long phía Nam thành Quy Nhơn. Dù đây là nơi hiểm yếu nhưng quân Tây Sơn bị trúng kế “điệu hổ ly sơn” nên bị đánh bại. Tướng Võ Đình Tú là một trong “Tây Sơn thất hổ tướng” bị tử trận. Dãy núi Cung Quăng phía Bắc cũng bị quân Nguyễn chiếm.

Thành Quy Nhơn bị vây khốn, nhưng đây là thành dễ thủ khó công, nên quân Nguyễn đánh mãi cũng không vào được thành. Nhà Tây Sơn cử hai tướng là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đến giải vây cho thành Quy Nhơn.

Mặt khác, vua Cảnh Thịnh nghe lời nịnh thần nên mật lệnh cho Vũ Văn Dũng giết Trần Quang Diệu. Vũ Văn Dũng thấy Trần Quang Diệu là tướng tài theo Tây Sơn từ ngày đầu có công lao lớn, hành động như vậy là vô lý, nên nói hết sự việc cho Diệu biết. Trần Quang Diệu liền cho đại binh quay trờ về Phú Xuân để dẹp hết bọn nịnh thần.

Trong khi đó, tướng Tây Sơn là Lê Văn Thành trong thành Quy Nhơn chờ mãi không thấy viện binh, lương thực đã cạn nên đầu hàng.

Nguyễn Phúc Ánh liền cho đổi tên thành Quy Nhơn thành thành Bình Định, giao cho Võ Tánh cùng Ngô Tùng Châu giữ thành rồi về lại Gia Định.

Năm 1800, Trần Quang Diệu sau khi đã dẹp hết bọn nịnh thần trong triều liền quyết định cùng Vũ Văn Dũng tiến quân lấy lại thành Bình Định. Quân chia làm thủy bộ, Trần Quang Diệu chỉ huy quân bộ 5 vạn, Vũ Văn Dũng chỉ huy thủy quân 2,4 vạn.

“Không giữ được thành thì phải chết với thành”

Trần Quang Diệu cho quân đánh thành Bình Định. Võ Tánh đưa quân chống lại nhưng vì yếu hơn nên phải cho quân vào trong thành cố thủ.

Thành Bình Định dễ thủ khó công, nên Trần Quang Diệu không cho quân đánh vào thành mà vây bên ngoài chờ quân Nguyễn hết lương tất phải đầu hàng. Ông cho đắp lũy dài với chu vi hơn 4.000 trượng bao bọc thành. Vũ Văn Dũng cũng cho thủy quân trấn giữ tại đầm Thị Nại. Trong khi đó, Võ Tánh cho người về Gia Định báo tin.

Nguyễn Phúc Ánh nhận tin liền quyết định đến cứu thành Bình Định. Quân Nguyễn quyết định đánh thủy quân Tây Sơn ở đầm Thị Nại trước (Xem bài: Trận thủy chiến hỏa công bậc nhất sử Việt vào đầu thế kỷ 19). Vũ Văn Dũng giữ Thị Nại không được, thua trận chạy đến cùng Trần Quang Diệu ngăn không cho quân Nguyễn giải vây.

Lúc này Nguyễn Văn Thành nhắc Nguyễn Phúc Ánh về kế “thí xe bắt tướng” đã bàn từ trước, là tạm thời bỏ qua thành Bình Định mà tiến thẳng ra kinh thành Phú Xuân. Nhưng Nguyễn Ánh không muốn bỏ rơi Võ Tánh nên cho quân đánh lên giải vây thành Bình Định.

Quân Tây Sơn từ trên cao đặt các trọng pháo bắn xuống ngăn quân Nguyễn, nên dù Nguyễn Phúc Ánh đã cố vài lần cho quân tiến lên nhưng lần nào cũng bị đẩy lui.

Thành Bình Định bị vây đã lâu, Trần Quang Diệu cũng muốn kết thúc nhanh nên vây thành rất chặt, cắt mọi đường tiếp tế lương thực, tình thế trong thành hết sức nguy ngập, binh sĩ hết lương không còn sức để trụ thêm được nữa.

Nguyễn Phúc Ánh cho người bí mật vào thành đưa thư lệnh cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tìm cách bỏ thành chạy ra hướng biển để hạm đội bên ngoài đón.

Võ Tánh viết thư trả lời phân tích rằng hiện tại đại quân Tây Sơn đang tập trung vây thành Bình Định, nên quân ở Phú Xuân (Huế) còn rất mỏng. Ông nói:

“Điều đó nghĩa là ở kinh đô Phú Xuân đang bỏ ngỏ, nếu lúc này quân ta chuyển hướng ra Phú Xuân ắt sẽ chiếm được, từ đó sẽ giúp thay đổi đại cuộc và kết thúc chiến tranh. Phận thần, làm tướng mà không giữ được thành thì phải chết với thành, đó là lẽ hiển nhiên, huống hồ cái chết của thần sẽ góp phần thống nhất sơn hà, vậy hà cớ gì không thể mỉm cười nơi chín suối. Thánh thượng là thiên tử, không được vì tình riêng mà quên đi đại cuộc. Xin thánh thượng hãy cho chuyển hướng đại binh ra Bắc đánh chiếm Phú Xuân”.

Võ Tánh nỗ lực cố thủ trong thành, trong giờ phút hiểm nghèo vẫn nghĩ đến đại sự chứ không lo cho bản thân mình, khuyên Nguyễn Ánh không cần cứu mình mà chiếm lấy Phú Xuân, quả là hiếm có.

Nguyễn Phúc Ánh nhận được thư liền cùng các tướng lĩnh họp, nhiều người bàn nên cho quân đánh Phú Xuân trước, thành Bình Định giải cứu sau. Tuy nhiên Nguyễn Phúc Ánh không đồng ý nói:

“Võ Tánh theo ta từ những ngày đầu lập nghiệp, trải qua biết bao nhiêu khó khăn gian khổ, nay nghiệp lớn chưa thành, một ngày vinh hoa chưa hưởng. Ta đi đồng nghĩa với việc đưa Võ Tánh vào chỗ chết, sau này làm sao có thể ngẩng mặt nhìn thiên hạ mà trị vì?”

Nhưng không ai nghĩ ra kế sách vẹn toàn để giải vây cho thành Bình Định, hơn nữa Trần Quang Diệu là một tướng tài không dễ đối phó. Tả quân Lê Văn Duyệt thay mặt các tướng đứng ra can ngăn rằng:

“Là tướng võ, mong muốn của Võ Tánh là được chết theo thành – nhờ đó xoay chuyển được đại cuộc. Nay nếu thánh thượng vì cứu Võ Tánh mà đi sâu vào giao chiến với đại binh của Tây Sơn, cứu được Võ Tánh rồi không biết đến bao giờ chiến tranh mới kết thúc. Một đằng được chết cho non sông vươn lên, một đằng là vì sự sống của mình mà kéo dài chiến tranh. Liệu rằng điều đó có công bằng cho Võ Tánh? Xin thánh thượng lắng nghe lời Võ Tánh: người là thiên tử, nhất định phải gạt bỏ tình riêng mà vì thiên hạ”.

Không còn cách nào khác, Nguyễn Phúc Ánh giao cho Trần Quang Thành ở lại kiềm chân Trần Quang Diệu với hy vọng mong manh sau khi chiếm xong Phú Xuân sẽ quay lại cứu Võ Tánh.

Năm 1801, thủy binh quân Nguyễn rời Thị Nại tiến đánh Phú Xuân. Trước khi rời đi Nguyễn Phúc Ánh hướng đến thành Bình Định chắp tay, chứng kiến cảnh này ai cũng thấy ngậm ngùi.

Trung nghĩa bi hùng

Thành Bình Định lúc này cũng kiệt quệ. Trong “Tây Sơn bi hùng truyện” mô tả rằng quân trong thành bắt được một người lính ra khỏi trại cướp của dân. Võ Tánh nói rằng: “Chúng ta còn giữ thành được tới ngày hôm nay là do lòng dân vẫn còn ủng hộ, nếu trộm cắp của dân như vầy thì quân ta như phường giặc cướp hay sao? Mang ra chém!”

Tên lính này kêu khóc rằng: “Thưa tướng quân, lương trong thành hết sạch mấy ngày nay, quân ta phải làm thịt ngựa mà ăn. Nay ngựa đã hết chúng tôi đói không chịu được nên bất đắc dĩ mới ra ngoài cướp của dân tìm cái ăn lót dạ. Xin tướng quân thương tình tha mạng.”

Võ Tánh liền nói đó là tội của mình rồi ra tha cho cho tên lính này. Lúc này quân sĩ kiệt sức nằm ngổn ngang. Võ Tánh ứa nước mắt nói rằng: “Các ngươi chớ lo, ta đã có kế, ngày mai các người sẽ được cơm gạo mà ăn”.

Rồi Võ Tánh cho người làm lầu Bát Giác, viết lá thư tuyệt mệnh gửi lại cho tướng quân Trần Quang Diệu. Lúc này Võ Tánh nghe tin Ngô Tùng Châu đã uống thuốc độc tự sát, liền sai Võ Văn Lượng ra ngoài thành kéo cờ trắng đầu hàng rồi lên lầu Bát Giác phóng hỏa tự thiêu.

Võ Văn Lượng ra ngoài kéo cờ trắng đầu hàng, trở vào thấy Võ Tánh đang tự thiêu trong lầu Bát Giác liền hét lên một tiếng rồi nhảy vào trong lửa chết theo cùng chủ tướng.

Trần Quang Diệu vào thành, nhận thư của Võ Tánh viết: “Phận làm tướng, ta không giữ được thành lẽ hiển nhiên phải chết theo thành. Chỉ một mong muốn sau cùng, anh em binh sĩ không có tội tình gì, xin ngài hãy vì đức lớn mà đừng làm hại, cũng như ngày trước khi chiếm được thành Quy Nhơn, quân Nguyễn đã không giết hại những binh sĩ Tây Sơn giữ thành”.

Đọc xong thư Trần Quang Diệu sai người phát lương thực cho hàng binh, đồng thời cho tẩm liệm thi hài Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tử tế. Lễ mai táng có cả quân sĩ hai bên rất trang nghiêm, Trần Quang Diệu cảm động bước đến bên linh cữu Võ Tánh rồi cúi đầu từ biệt vị tướng trung dũng của quân Nguyễn.

Lăng mộ Võ Tánh (phải) và Ngô Tùng Châu (trái) trong thành Bình Định. (Ảnh từ nghiencuulichsu.com)

Sau lễ mai táng Trần Quang Diệu cho tập hợp hơn 1 vạn hàng binh ở bãi cát bên cửa Thị Nại, quân Nguyễn nhiều người khóc vì nghĩ rằng đưa ra đây để giết họ rồi vứt xác xuống biển.

Trần Quang Diệu nói:

“Các ngươi may mắn có được một chủ tướng kiên trung mà cả dân chúng lẫn đối thủ đều kính phục. Nay theo mong muốn tướng Võ Tánh. Các người có thể ở lại Quy Nhơn này lập nghiệp, trở lại quê nhà làm ăn, thậm chí có thể quay trở về với Nguyễn Ánh chống lại ta. Ta đảm bảo mạng sống cho các ngươi rời khỏi thành.”

Đám hàng binh đều quỳ lạy nói: “Xin đáp ơn tướng quân mở lượng hiếu sinh”

Khung cảnh thật trang nghiêm, tuy nhiên không một ai muốn gia nhập vào quân Tây Sơn, tất cả đều tự ra đi. Nhiều người hỏi Trần Quang Diệu sao không giết họ, vì thả đi như thế có thể họ lại gia nhập quân Nguyễn đánh Tây Sơn.

Trần Quang Diệu đáp rằng: “Họ không theo ta là do nhà Tây Sơn ta đã mất lòng dân. Nếu giết họ thi lại càng mất lòng dân hơn nữa. Được thua là ở lòng trời, sinh linh có tội tình gì ta nỡ đâu giết hại”.

Tướng quân Trần Quang Diệu biết rõ, Tây Sơn ngày càng suy sụp, đánh mất hẳn lòng dân, nhưng ông vẫn phục vụ cho nhà Tây Sơn đến cùng hẳn là vì tấm lòng trung nghĩa.

Các binh sĩ khi rời đi hầu như đều trở lại bản quán sinh sống, không ai về gia nhập quân Nguyễn chống lại Tây Sơn.

Võ Tánh và Trần Quang Diệu dù phò tá cho chúa khác nhau, nhưng đều là những bậc trung nghĩa.

Tượng thờ Trần Quang Diệu trong Điện thờ Bảo tàng Quang Trung, Bình Định. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Từ câu chuyện này người dân Bình Định lưu truyền câu hát sau: 

“Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên: 
Cảm thương quan Hậu thủ thiềng (thành) ba năm!”

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh đánh bại Tây Sơn, lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long. Ông phong cho Võ Tánh tước Quốc Công, bài vị cũng được đặc cách thờ tại Thế Miếu – nơi chỉ dành riêng cho hoàng tộc.

Mộ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu được vua Gia Long xây dựng lại ngay chính tại vị trí mà Trần Quang Diệu chôn cất khi xưa.

Trần Hưng / Theo: trithucvn