Đêm trăng rằm ngập tràn ý nghĩa với chiếc bánh Trung thu và câu chuyện cảm động
Hồi đó, ở cù lao quê tôi ai cũng nghèo, dân quê lam lũ đồng ruộng cũng chỉ lo được cho con cái miếng cơm, manh áo. Các bạn đồng trang lứa với tôi phần lớn bỏ học để phụ mẹ trông em hoặc ra đồng mót lúa. Tôi may mắn được sống trong tình thương yêu của mẹ, tuy nghèo khó nhưng gia đình tôi luôn xem trọng chuyện học hành. Mẹ thường tâm sự với chị em tôi: “Đời mẹ vì không biết chữ nên chỉ biết lao động chân tay, mẹ mong các con sau này được học hành để không còn cực khổ nữa”.
Nhớ lời mẹ dạy, chị em tôi chăm chỉ học hành với mong muốn sẽ đỡ đần cho gia đình bớt cực nhọc. Sau những mùa vụ, mẹ tôi nhận làm cỏ thuê cho những gia đình có đất vườn nhiều. Thời đó ở quê, trẻ con được đi học là điều may mắn, đâu có điều kiện được vui chơi giải trí như lũ trẻ bây giờ. Từ nhỏ, tôi cũng từng nghe người ta nói về Tết Trung thu, về những câu chuyện thú vị trong đêm hội trăng rằm. Trẻ nhỏ thích tò mò, khám phá, chị em tôi mong muốn được đi chơi trăng, được ăn bánh Trung thu dù chỉ một lần.
Chiếc bánh Trung thu giản đơn nhưng chứa đựng tình cảm thiêng liêng của mẹ
Lần đầu tiên tôi được ăn bánh Trung thu là khi học lớp 3. Và đó cũng là mùa trăng mà tôi nhớ nhất, ghi dấu kỷ niệm trong những năm tháng khốn khó cùng mẹ ở chốn thôn quê. Tôi còn nhớ như in vào Tết Trung thu năm đó, chị em tôi nói với mẹ là muốn ăn bánh Trung thu thử xem hương vị thế nào. Mẹ tôi chỉ cười trừ rồi lấy dao, đội nón tiếp tục đi làm cỏ mướn ở vườn nhà bên cạnh. Tôi cứ tưởng, cũng như bao lần khác, cái bánh Trung thu chỉ có trong suy nghĩ mà thôi, bởi mẹ đâu có thời gian đi chợ.
Chiều đến, mẹ tất tả trên chiếc xe đạp cũ kỹ đạp vội vào nhà, trên ghi đông xe đạp có treo cái túi màu đỏ. Mẹ mừng rỡ mở túi đưa cho tôi chiếc bánh hình tròn và bảo: “Đây là bánh Trung thu, mẹ thưởng cho hai con đấy!” Rồi mẹ xẻ bánh ra làm đôi, chị em tôi mỗi đứa một nửa mà không để phần mình. Nói với chúng tôi là đã ăn rồi nhưng tôi biết, mẹ nhường cái bánh ấy cho chị em tôi. Ôi, cái bánh nghĩa tình chứa chan tình cảm thiêng liêng của mẹ. Cả đời mẹ hy sinh vì chúng con mà không tiếc đến bản thân mình. Cắn miếng bánh thơm ngon trong miệng mà tôi lưng tròng nước mắt. Nghĩ lại mà thương mẹ biết bao nhiêu!
Rồi mẹ kể, ngày xưa khi con người cất công tạo hình và nướng phần vỏ bánh thì nhân bánh lợi dụng cơ hội đó mà bỏ đi chơi. Nhân bánh được ví như người con còn phần vỏ là mẹ. Lần đầu tiên được con người nhào nặn, nhân bánh bị thu hút bởi thế giới rộng lớn bên ngoài. Vì mải rong chơi, thích thú với những gì mình nhìn thấy mà nhân bánh Trung thu nghĩ rằng mình không cần ở lại cái nơi cái nơi nóng bức, nhỏ bé mà mình đã được tạo ra nữa, nó có thể tự do vẫy vùng ở vùng trời mới mà vui vẻ hơn, muốn làm gì cũng được, không bị mẹ vỏ bánh quản thúc hay la mắng.
Lồng đèn ông sao trong đêm Trung thu
Nhân bánh cứ thế rong chơi hết ngày này đến ngày kia mặc kệ sự lo lắng, trông ngóng của mẹ vỏ bánh. Rồi một ngày, giữa cơn mưa xối xả của đời, nhân bánh không được sự chở che, bảo bọc của mẹ vỏ bánh nên nó đã dần tan ra. Dù nhân bánh Trung thu có được kết từ những thành phần cao cấp như vi cá, hải sâm, bào ngư hay hạt sen thì dưới cơn mưa nặng hạt ấy nó sẽ bị tan chảy và hòa cùng với dòng nước vô tình của cuộc đời. Những tưởng, nhân bánh sẽ bị cuộc đời làm cho hỏng nát, nhưng lúc đó, mẹ vỏ bánh đã đến nơi tìm gặp và chở che cho đứa con nhân bánh thơ ngây.
Người mẹ ấy sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ nhân bánh trước biển đời dâu bể. Dù đau đớn, cực khổ thậm chí hy sinh, vỏ bánh vẫn kiên cường để bảo vệ con tạo nên chiếc bánh Trung thu hoàn hảo. Câu chuyện của mẹ tôi nói về tình mẫu tử thiêng liêng khiến mắt tôi rưng rưng vì xúc động. Đó cũng là mùa trăng đầu tiên tôi được ăn bánh Trung thu và cũng là lần đầu tiên tôi nghe được câu chuyện về chiếc bánh “mẫu tử” trong ngày hội trăng rằm.
Đêm trăng rằm năm ấy vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức
Thời gian vật đổi sao dời, đôi khi con người ta quên bẵng đi những tình cảm ngọt ngào mà những người thân yêu đã dành cho những ngày thơ ấu. Nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ câu chuyện về chiếc bánh Trung thu “mẫu tử” của mẹ mà chợt thấy nao lòng.
Hoàng Lê
No comments:
Post a Comment