Tuesday, September 13, 2022

YAKI-IMO: MÓN KHOAI NƯỚNG MANG HƯƠNG VỊ MÙA THU NGỌT NGÀO

Khi tiếng rao “Yaki-imo, Ishi Yaki-imo” từ các xe tải nhỏ bán khoai nướng vang lên trên khắp các con phố thì cũng là lúc một mùa thu nữa lại về trên đất nước Phù Tang.


Yaki-imo (焼き芋) – khoai lang nướng tuy đơn giản nhưng lại là một trong những món ăn biểu tượng của mùa thu và mùa đông ở Nhật Bản. Ngày xưa, Yaki-imo thường được bán trong những chiếc xe tải nhỏ chạy quanh thị trấn với chiếc loa phát ra lời gọi mời “Yaki-imo, Ishi Yaki-imo” đầy hấp dẫn. Những đứa trẻ nghe tiếng rao sẽ chạy đến để mua và thưởng thức những củ khoai lang nướng nóng hổi, thơm nức mũi, chỉ cần cắn một miếng là hương vị ngọt ngào lan tỏa khắp khoang miệng. Theo thời gian, chiếc xe tải nhỏ bán khoai ấy dần trở thành một nét đẹp văn hoá của Nhật Bản. Ngày nay, Yaki-imo dễ dàng mua được ở hầu hết các siêu thị và những chiếc xe tải nọ không còn xuất hiện thường xuyên trên đường phố nữa. Tuy vậy, chúng đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ đẹp đẽ đối với nhiều thế hệ người Nhật.

Yaki-imo là món ăn đặc trưng của mùa thu và mùa đông ở Nhật Bản. Ảnh: ed-ish.com

Thưởng thức hương vị của nhiều loại khoai lang nướng

Có khá nhiều giống khoai lang ở Nhật Bản, từ màu vàng, cam đến tím, mỗi loại lại mang hương vị đặc trưng quyến rũ riêng. Dưới đây là 6 loại khoai lang phổ biến, rất được ưa chuộng tại đất nước Mặt trời mọc.

Beni Haruka

“紅はるか – Beni Haruka” là loại khoai lang ngọt nhất và thường bán ở các siêu thị Nhật Bản. Chúng có phần thịt khá mềm, màu vàng tươi, hương vị ngọt ngào như mật ong toả ra khi nướng. Với những ai yêu thích khoai lang vị ngọt đậm đà, Beni Haruka là một gợi ý không thể bỏ qua.

Giống khoai lang Beni Haruka. Ảnh: macaro-ni.jp

Anno Imo
 
“安納芋 - Anno Imo” là khoai lang ruột màu cam, khi được nướng chín, chúng sẽ chuyển sang màu cam tươi và hương vị thoảng mùi mật ong. Chúng cũng thường được gọi là “khoai lang cao cấp”.

Giống khoai lang Anno Imo. Ảnh: aionline-japan.com

Murasaki Imo

Murasaki Imo (紫芋) hay còn được gọi là “パープルスイートロード – Purple Sweet Road” là loại khoai lang màu tím sặc sỡ nổi tiếng ở tỉnh Okinawa và được ưa chuộng trên khắp Nhật Bản. Đặc biệt, chúng có hương thơm đậm nhưng lại thuộc loại ít ngọt nhất trong các giống khoai lang hiện có ở Nhật. Khi nướng chín, Murasaki Imo có màu tím khá bắt mắt, ngỡ như đang phát sáng.

Giống khoai lang Murasaki Imo. Ảnh: macaro-ni.jp

Halloween Sweet

Halloween Sweet (ハロウィンスウィート) là giống khoai lang mới, một sự kết hợp độc đáo giữa hương vị của quả bí ngô và vị ngọt ngào, beo béo của khoai lang. Đây quả thật là trải nghiệm thú vị vào mùa thu ở Nhật, khi đúng vào thời điểm lễ hội Halloween diễn ra. 

Loại khoai lang Halloween Sweet. Ảnh: sweetpotatoes.jp

Naruto Kintoki Sato Musume

Loại khoai lang Naruto Kintoki Sato Musume được trồng ở vùng đất cát ven biển của tỉnh Tokushima. Ảnh: ja-town.com

Khác với những giống khoai lang trên, Naruto Kintoki Sato Musume (なると金時里むすめ) được trồng ở vùng đất cát ven biển giàu khoáng chất trong khí hậu ấm áp của thành phố Naruto, tỉnh Tokushima. Chúng có hương vị thơm ngon đặc trưng khác biệt, cùng phần thịt mềm, mịn. 

Naruto Kintoki Sato Musume có hương vị đặc trưng khác biệt. Ảnh: akanean.com

Ninjin Imo

Ninjin Imo có màu cam rất giống với cà rốt. Ảnh: blog.livedoor.jp

“にんじん芋 - Ninjin Imo” là một giống khoai lang bản địa lâu đời của tỉnh Kagoshima. Tên gọi của chúng xuất phát từ thành phần chứa nhiều β-carotene, chất có trong cà rốt nên thịt của chúng có màu cam gần giống với màu của củ cà rốt. Điểm đặc biệt là Ninjin Imo lại giàu β-carotene hơn cả cà rốt. Khi được nướng lên, khoai có màu cam sẫm, mùi carotene nhẹ nhàng giống với cà rốt, phần thịt mềm, ngọt, không bở.

Ninjin Imo khi được nướng lên sẽ có màu cam và hương thơm giống với cà rốt. Ảnh: yakiimo.sonotega.com

Xe tải Yaki-imo, ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của bao người Nhật

Ngày nay, có thể mua Yaki-imo ở nhiều nơi như siêu thị và các cửa hàng. Tuy nhiên, vào thời Showa (1929 – 1989), những xe tải nhỏ bán Yaki-imo (焼き芋のトラック – Yaki-imo no Torakku) rất phổ biến và trở thành một dấu ấn đặc biệt của thời kỳ này. Một xe tải Yaki-imo nổi bật với chiếc đèn lồng ghi chữ “焼き芋 – Yaki-imo”, chạy quanh các con phố với tiếng rao: “焼き芋 〜 、 石焼き芋 〜 、 やきたて 〜 - "Yaki-imo, ishi yaki-imo, yakitate!", nghĩa là "Khoai lang nướng, khoai lang nướng đá, mới nướng đây!" Cùng với đó, các xe tải Yaki-imo cũng được trang bị một tấm biển giới thiệu loại khoai sẽ bán, cùng với giá của chúng.

Xe tải Yaki-imo của vợ chồng anh Okuno. Ảnh: livejapan

Mặc dù các xe tải Yaki-imo ngày càng hiếm dần theo thời gian, nhưng vẫn có nhiều người Nhật chọn kinh doanh chúng để bảo tồn nét văn hoá này. Anh Okuno cùng vợ đã mở một xe tải Yaki-imo mang tên Annou Haruka, chạy ở nhiều nơi như quận Katsushika, quận Edogawa, quận Sumida, quận Adachi ở Tokyo; thành phố Ichikawa, thành phố Matsudo của tỉnh Chiba; thành phố Misato, thành phố Yashio thuộc tỉnh Saitama. Xe tải Yaki-imo này mở cửa từ 14h đến 20h vào cuối tuần và các ngày lễ trong năm, từ tháng 11 đến tháng 4 hằng năm.

Để làm nên những củ khoai nướng Yaki-imo thơm ngon, anh Okuno chia sẻ với trang LiveJapan rằng cần kiểm soát nhiệt độ và thời gian nướng vì chúng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của khoai. Đầu tiên, Okuno bọc các củ khoai lang bằng giấy bạc, sau đó đặt chúng vào lò nướng chất đầy đá, chạy bằng gas ở phía sau xe tải của mình. Anh cũng dùng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ của khoai lang. Theo anh Okuno, nhiệt độ lý tưởng để khoai chín thơm là từ 70-80 độ C và trung bình thời gian nướng vào khoảng 90-100 phút. Trong khi những xe tải Yaki-imo khác nướng ở nhiệt độ cao với thời gian ngắn hơn, thì anh Okuno tin rằng nướng trong thời gian dài ở nhiệt độ thấp sẽ mang lại những củ khoai nướng ngon nhất.

Bí quyết của anh Okuno là nướng khoai lang ở nhiệt độ tầm 70-80 độ C trong khoảng 90-100 phút. Ảnh: livejapan

Loại khoai lang mà anh Okuno đang sử dụng là Beni Haruka của thương hiệu Inoue Satsuma, được trồng ở thành phố Chikusei, tỉnh Ibaraki. Okuno bán Yaki-imo với giá 400 yên (khoảng 82.000 VND) cho 1 củ khoai lang cỡ vừa và 500 yên (khoảng 100.000 VND) cho một củ khoai lang lớn. Khách hàng sẽ dễ dàng tìm thấy cửa hàng của anh trên mạng xã hội như Twitter và trang website riêng annou-haruka-silksweet.jimdo. Vì vậy, bên cạnh việc bán trực tiếp ở các tuyến đường phố quen thuộc, Okuno còn nhận được nhiều đơn hàng trực tuyến và anh sẵn sàng chạy xe đến để giao cho họ.
 
Những biến tấu từ khoai lang nướng Yaki-imo

Khoai lang nướng Yaki-imo có hương vị thơm ngon, quyến rũ được người Nhật sáng tạo thành nhiều loại bánh cũng như rượu độc đáo. Sau một thời gian dài nghiên cứu và phát triển, công ty Meirishurui chuyên sản xuất Sake, Shochu, rượu mận… đã thành công ra mắt rượu mang hương vị của khoai lang nướng “酔う焼き芋 – You Yaki-imo”. Từ giống khoai lang Silk Sweet (シルクスイート) của tỉnh Ibaraki nổi tiếng với hương vị ngọt ngào và phần thịt mềm, rồi cho thêm một chút mật ong, loại rượu You Yaki-imo đã được làm ra, mang hương vị độc đáo và chỉ 20% nồng độ cồn. You Yaki-imo có giá 980 yên (khoảng 200.000 VND), được mở bán tại các siêu thị, cửa hàng rượu và cả online tại website của công ty Meirishurui Co., Ltd. từ ngày 19/10/2020.

Rượu làm từ khoai lang nướng You Yaki-imo. Ảnh: grapee

Tại tỉnh Kagoshima, quê hương của khoai lang, cửa hàng Minamikaze Noukasha đã trồng 150 loại khoai lang tại trang trại của họ ở bán đảo Osumi và chọn ra 3 loại gồm: Konashi Imo, Aya Murasaki và Beni Hayato để làm nên món Toro-ri Yaki-imo (とろ ~ り焼芋), khoai lang dẻo kết hợp với sữa. Để tăng thêm hương vị cho món tráng miệng này, cửa hàng còn lấy lớp vỏ được nướng chín, xay nguyễn và rắc thêm vào sản phẩm. Một set Torori Yaki-imo gồm 3 hộp được bán với giá 900 yên (khoảng 184.000 VND) đã bao gồm thuế và 5 hộp có giá 1.500 yên (khoảng 300.000 VND) đã bao gồm thuế.

Món Toro-ri Yaki-imo, khoai lang nướng dẻo kết hợp với sữa. Ảnh: moshimoshi-nippon.jp

Khoai lang từng là cứu tinh của người Nhật

Ít ai biết rằng, khoai lang lại giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử Nhật Bản khi trở thành thực phẩm cứu người dân Nhật thoát khỏi nạn đói vào giữa thế kỷ 18. Trong tiếng Nhật, từ “芋 – Imo” mang nghĩa là củ khoai và khi được ghép với các từ khác sẽ tạo nên tên gọi của một loại khoai cụ thể. Chẳng hạn như, “里芋 – Sato-imo” là khoai môn, “山芋 – Yama-imo” chỉ khoai mỡ và khoai lang là “さつま芋 – Satsuma-imo”. Chữ “Satsuma” trong tên gọi chính là nơi đầu tiên khoai lang được du nhập vào và trồng với số lượng lớn ở Nhật Bản. Miền Satsuma (phía Nam đảo Kyushu, tỉnh Kagoshima ngày nay) có khí hậu cận nhiệt đới với đất đai canh tác màu mỡ.

Miền Satsuma, nay là tỉnh Kagoshima, là nơi đầu tiên ở Nhật trồng khoai lang. Ảnh: aimukagoshima.co.jp

Khoai lang được cho là có nguồn gốc ở các vùng khí hậu nhiệt đới của châu Mỹ, sau đó được du nhập vào Philippines bởi thực dân Tây Ban Nha. Chúng được mang đến tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc rồi tiếp tục du nhập vào Vương quốc Ryukyu (琉球王国), nay là tỉnh Okinawa, bấy giờ vẫn là một quốc gia độc lập với Nhật Bản. Vào năm 1705, một thuỷ thủ tên Riemon sau một chuyến đi đến Vương quốc Ryukyu đã mang khoai lang tại đây về miền Satsuma và trồng quanh thị trấn cảng Yamakawa. Khi ấy, Satsuma thường xuyên phải đối mặt với những vụ lúa thất bát do địa hình núi lửa và nhiều trận bão xảy ra. Tuy nhiên, khoai lang lại phát triển rất tốt trong khí hậu cận nhiệt đới ở đây, giúp người dân trong vùng ấm no hơn. Khoai lang được Vương quốc Ryukyu và dân ở miền Satsuma gọi là “唐芋 – Kara-imo”, nghĩa đen là “khoai đến từ Trung Quốc”. Từ “Kara” là một thuật ngữ dùng để chỉ Trung Quốc vào thời điểm đó.

Suốt nhiều năm liền, các vụ lúa ở Nhật đều mất mùa, nhất là tại vùng Kanto và cả đảo Kyushu. Tuy nhiên, nhờ vào việc trồng khoai lang mà khu vực Yamakawa đã có một vụ mùa khoai lang bội thu, giải quyết được vấn đề đói kém. Yamakawa trở thành tấm gương cho các khu vực khác ở miền Satsuma noi theo, nhờ vậy mà thoát được nạn đói. Tin tức về vụ mùa khoai lang bội thu này nhanh chóng lan đến chính quyền Mạc phủ ở Edo (Tokyo ngày nay). Tại vùng Kanto khi ấy, hơn 12.000 người chết vì đói, bạo loạn xảy ra khắp nơi.

Aoki Konyo, người đã mang khoai lang Satsuma-imo trồng khắp Nhật Bản, cứu người dân Nhật khỏi nạn đói giữa thế kỷ 18 và được tôn thờ là "Thần khoai lang của Edo". Ảnh: blog.goo.ne.jp

Tuy vậy, vùng Kanto vào thời điểm đó lại được cho là quá lạnh, không phù hợp với sự sinh trưởng của khoai lang. Nhưng Aoki Konyo (青木昆陽), một học giả Nho giáo, Hà Lan học (Rangaku), triết học, khoa học phương Tây đã chứng minh điều ngược lại. Ông Aoki đã nhiều lần thử nghiệm trồng khoai lang tại các khu vườn ở Kanto và gặt hái thành công. Ông cũng chính là người đã gọi chúng bằng cái tên “Satsuma-imo”, nghĩa là khoai đến từ Satsuma; đây trở thành tên gọi chính thức của khoai lang ở Nhật Bản. Nhờ vào nỗ lực của Aoki, khoai lang nhanh chóng được trồng ở Kanto, nhất là khu vực phía Bắc Edo (nay là tỉnh Saitama) đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mất mùa. Chỉ sau vài năm, Satsuma-imo trở thành lương thực thay thế cho lúa, cứu người dân Nhật thoát khỏi nạn đói và ông Aoki Konyo được tôn thờ là “Thần khoai lang của Edo”.

Satsuma-imo có vỏ màu đỏ tía, phần thịt màu kem nhạt, khi nấu chín sẽ chuyển sang màu vàng bắt mắt. Thời bấy giờ, Satsuma-imo đã được người Nhật chế biến thành nhiều món khác nhau, như cơm khoai lang, khoai lang hấp, các món đồ ngọt, trong đó nổi bật nhất là Yaki-imo, khoai lang nướng. Nó đã trở thành một món ăn giàu dinh dưỡng, đặc trưng của mùa thu và mùa đông ở Nhật Bản.

Kết

Khoai lang là một loại củ ngon, vô cùng bổ dưỡng, chứa nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin A, chất xơ, khoáng chất, carotenoid…. Những thành phần dinh dưỡng này giúp hỗ trợ phòng và chữa nhiều bệnh như kiểm soát bệnh đái tháo đường, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch, hỗ trợ tiêu hoá, tăng cường giảm cân, cải thiện làn da, mái tóc. Bên cạnh hương vị thơm ngon, ngọt ngào, có thể nói đây cũng là lý do mà khoai lang, nhất là khoai lang nướng Yaki-imo rất được yêu thích tại Nhật Bản, vốn nổi tiếng là quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới.

Rin / Theo: kilala