Về ý nghĩa ngôn ngữ, người ta liên tưởng hình ảnh mặt trăng tròn đầy (“viên”) với cảnh quây quần (“đoàn viên”) của các gia đình cùng bên nhau thưởng nguyệt. Vầng trăng dịu dàng tượng trưng cho nguyên lý âm, chủ về nữ giới. Vào đêm rằm Trung Thu, phụ nữ thường bày tiệc cúng trăng với hương đèn và mâm ngũ quả, đặc biệt nếu có dưa hấu thì không nên bổ đôi mà phải lấy dao tỉa thành hoa sen (người xưa kiêng cữ ý niệm “phân qua”, tức là chia rẽ phân ly). Tục này từ phương Bắc truyền tới Việt Nam, trở thành tục bày cỗ thưởng nguyệt với nhiều thứ bánh trái hoa quả trong mùa. Đặc biệt, phụ nữ trong nhà có dịp trổ tài nữ công bằng cách gọt đu đủ thành các thứ hoa nhuộm phẩm sặc sỡ, hay nặn bột thành những con giống như tôm, cua, cá.
Trong các lễ vật cúng trăng, bánh trung thu tượng trưng cho sự may mắn và đoàn viên. Dưới vầng trăng sáng trong, các gia đình lại cùng nhau gặp mặt đoàn tụ, ăn bánh thưởng trăng. Bánh trung thu theo âm Hán Việt còn được gọi là Nguyệt Bính, Hồ Bính, Cung Bính, Tiểu Bính, Đoàn Viên Bính… Từ thời cổ đại, đây là vật phẩm dâng cúng Thần Phật để bày tỏ sự tôn kính. Dần dần theo dòng lịch sử, nó đã trở thành món ẩm thực không thể thiếu mỗi dịp tết đoàn viên.
Theo ghi chép trong các tài liệu lịch sử thì từ thời nhà Ân, Chu, có một loại bánh là “Thái Sư Bính” dùng để tưởng nhớ thái sư Văn Trọng. Đây được coi là nguồn gốc xa xưa nhất mà chúng ta biết về bánh trung thu. Khi Trương Khiên thời nhà Hán đi sứ sang Tây Vực, vừng và hồ đào đã được thêm vào nhân bánh, từ đó xuất hiện loại bánh có nhân hồ đào hình tròn, gọi là “Hồ Bính”.
Nguyệt Bính Trung Thu
Vào thời nhà Đường, trong dân gian xuất hiện những nghệ nhân làm bánh, ở kinh thành Trường An cũng bắt đầu xuất hiện các loại bánh nhân ngọt. Trong thời Đường Cao Tổ, đại tướng quân Lý Tĩnh đánh bại quân Hung Nô và giành chiến thắng, đúng ngày 15/8 thì trở về. Khi đó có một thương nhân Thổ Nhĩ Kỳ đã dâng bánh cho hoàng đế nhà Đường để chúc mừng thắng lợi. Cao Tổ Lý Uyên nhận hộp bánh tuyệt đẹp với những chiếc bánh tròn nhỏ nhắn bên trong, bèn cười và chỉ lên ánh trăng trên trời mà nói: “Nên lấy Hồ Bính mời thiềm cung”. Theo quan niệm của người xưa, những vết đen trên mặt trăng là con cóc nên gọi mặt trăng là “thiềm cung”. Đường Cao Tổ nói xong liền lấy bánh chia cho quần thần cùng thưởng thức. Lúc này, “Hồ Bính” không khác gì chiếc bánh trung thu hiện nay.
Người ta nói rằng trong khi thưởng nguyệt vào một đêm Trung Thu nọ, Đường Minh Hoàng và Dương Qúy Phi nhìn chiếc bánh Hồ Bính và cùng cho rằng tên gọi này không đẹp. Dương Qúy Phi đã nhìn lên ánh trăng sáng vằng vặc, trong lòng trào dâng cảm xúc mà đặt tên bánh là “Nguyệt Bính”. Từ đó tên gọi Nguyệt Bính dần lưu truyền trong dân gian.
Đường Huyền Tông và Dương Quý phi đứng trên sân thượng ngắm cảnh. (Tranh của họa sĩ người Nhật, Kano Eitoku)
Đến đời Minh, những chiếc bánh Nguyệt Bính đã vô cùng thịnh hành và được gọi là Đoàn Viên Bính. Tương truyền, tập tục này được lưu truyền rộng rãi đến nay có liên quan tới Chu Nguyên Chương – vị hoàng đế sáng lập nhà Minh. Đó chính là câu chuyện lịch sử ‘khởi nghĩa bánh trung thu đoạt thiên hạ’ của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.
Nhân dịp tết trăng tròn, chúng ta hãy cùng xem Minh Thái Tổ đã dùng bánh trung thu đoạt lấy thiên hạ như thế nào.
Dùng bánh trung thu đoạt thiên hạ
Vào đầu thế kỷ 14, Trung Quốc bắt đầu chịu sự xâm chiếm và nằm dưới sự cai trị hà khắc của triều đình nhà Nguyên – Mông.
Trong bao nhiêu năm, từng nhóm nhỏ người Hán nổi lên chống phá đều bị dẹp tan, mãi về sau mới có Chu Nguyên Chương dựng cờ khởi nghĩa. Lúc đầu, ông chiêu tập binh mã và đạt được nhiều thắng lợi. Nhưng về sau ông gặp rất nhiều trở ngại khi muốn công phá thành Tô Châu để làm đầu cầu tiến đánh Nam Kinh. Chu Nguyên Chương rất buồn phiền nhưng quân sư của ông là Lưu Bá Ôn đã đưa ra một kế sách…
Lưu Bá Ôn. (Ảnh: Wiki)
Mọi người tin rằng, nếu muốn thoát khỏi ôn dịch này thì Trung Thu năm ấy phải mua bánh thưởng nguyệt. Nhân cơ hội đó, Lưu Bá Ôn lệnh cho thủ hạ nhét mảnh giấy thông báo về cuộc khởi nghĩa vào trong nhân bánh. Những người mua bánh sẽ phát hiện trong đó có mảnh giấy với dòng chữ: “Đêm Trung Thu, sát Thát tử, nghênh nghĩa quân”. Lưu Bá Ôn lại sai người thông tin tới các đoàn quân, cổ vũ mọi người cùng nhau đứng lên khởi nghĩa vào đêm 15/8. Đến ngày 15/8, quả nhiên từ khắp các ngả đường từng đoàn quân đồng lòng hưởng ứng, cuộc khởi nghĩa giống như đốm lửa nhỏ dần lan tỏa khắp cả nước. Rất nhanh sau đó, Từ Đạt đã đánh hạ Nguyên đại đô và cuộc khởi nghĩa thành công vang dội.
Tin tức được truyền đến, Chu Nguyên Chương rất vui mừng nhanh chóng ra khẩu dụ: lấy “phương tiện truyền thông tin” là bánh Nguyệt Bính làm món điểm tâm ban tặng cho quần thần và binh lính dịp Trung Thu. Sau này khi ông trở thành vị hoàng đế kiến lập nhà Minh, phong tục ăn bánh trung thu càng được coi trọng. Mỗi năm vào dịp này, quần thần và binh lính đều được phân phát bánh và thưởng trăng.
Về sau người Trung Quốc lấy việc thưởng thức bánh trung thu vào ngày rằm tháng Tám để kỷ niệm sự kiện ấy. Từ đó phong tục ăn bánh trong ngày tết Trung Thu dần dần đã được lưu truyền cho tới ngày nay.
Kiên Định biên dịch / ĐKN
Theo: Kknews
Link tham khảo: