Friday, September 9, 2022

BÁNH "ĐÓN TRĂNG" TRUYỀN THỐNG Ở CHÂU Á

Trong mâm cỗ Trung thu của các nước châu Á vào ngày rằm tháng 8 âm lịch không thể thiếu những chiếc bánh “đón trăng” truyền thống. Tuy đều được lấy cảm hứng từ mặt trăng, mang ý nghĩa đoàn viên, sung túc, hạnh phúc nhưng mỗi nước có một loại bánh đặc trưng, khác nhau cả hình lẫn vị. Chung một ngày lễ nhưng mỗi nước lại có phong tục, văn hóa ẩm thực riêng, thể hiện rõ trong chiếc bánh trung thu.


1. Bánh nướng, bánh dẻo (Việt Nam)

Bánh nướng, bánh dẻo là 2 loại bánh “đón trăng” truyền thống của người Việt Nam. Bánh dẻo có vỏ màu trắng, thường được làm bằng bột nếp trộn với đường ngọt lịm. Vỏ bánh nướng là bột mì để lên men, trộn với trứng gà và rượu rồi nướng vàng ươm.


Bánh có 2 loại, nhân hoặc không nhân. Phần nhân thập cẩm đặc trưng với hạt sen, thịt mỡ, vừng, lạp sườn, đậu xanh, lá chanh. Các nguyên liệu hòa quyện vào nhau, dậy mùi thơm ngậy, ngọt ngào và là hương vị “nhớ nhung” của thế hệ trước 8X. Cái thời bao cấp nghèo đói, từng miếng bánh trung thu hay viên kẹo bi cũng là một món quà “xa xỉ” vì thế, nhớ miếng bánh trung thu truyền thống không chỉ là nhớ về một món ăn đơn thuần mà còn là nhớ đến tuổi thơ, không khí sôi động, háo hức mong chờ Tết Trung thu khi còn là những cô nhóc, cậu nhóc bé xíu.


Bánh trung thu truyền thống của Việt Nam còn được gọi là bánh Nguyệt hay Nguyệt Đoàn. Bánh có hình tròn, tượng trưng cho vầng trăng ngày rằm, thể hiện khát vọng hạnh phúc, đoàn viên. Ngày nay, bánh trung thu vẫn là một món quà ý nghĩa mà con cháu dùng để biếu tặng ông bà, cha mẹ trong ngày rằm tháng tám.


Bánh trung thu Việt Nam hiện đại có nhiều màu sắc, hương vị mới đáp ứng khẩu vị phong phú của người tiêu dùng

Ngày nay, bánh trung thu Việt đã có thêm nhiều hương vị, hình dạng, được làm theo nhiều cách khác nhau nhưng cặp bánh nướng, bánh dẻo lúc nào cũng là mặt hàng được nhiều người tìm mua để dâng lên ban thờ trong ngày trăng tròn tháng tám.

2. Bánh Tsukimi Dango (Nhật Bản)

Bánh trung thu truyền thống của Nhật Bản có hình tròn, vỏ bánh màu trắng mịn và có tên là Tsukimi Dango, thường được gọi chung là Dango. Dango là từ dùng để chỉ các loại bánh làm từ bột gạo, khá giống bánh gạo mochi, có nhiều hình dạng khác nhau, nhưng phổ biến nhất là hình tròn.


Cách làm bánh Tsukimi Dango gần giống bánh trôi nước, sau đó nướng sơ qua cho nóng giòn rồi quết một lớp mật ngọt lên bề mặt bánh.

Giống với người Việt Nam, người Nhật Bản cũng thường uống trà khi ăn bánh trung thu. Ngoài ra người Nhật cũng uống nước bột đậu nành, đậu đỏ khi ăn bánh, phá cỗ đêm trăng.

Có nhiều sự tích về bánh Tsukimi Dango. Truyền thuyết phổ biến nhất là trong một lần vi hành xuống trần gian, Ngọc Hoàng vô tình gặp một chú thỏ ngọc. Ngọc Hoàng đói quá nên đã hỏi xin chú thỏ thức ăn. Nhưng vì không có thức ăn bên người, chú thỏ đã nhảy vào đống lửa, biến mình thành món ăn để Ngọc Hoàng qua cơn đói bụng. Cảm động với tấm lòng chú thỏ, Ngọc Hoàng đã đưa thỏ lên cung trăng. Từ đó trở đi, vào mỗi ngày Tết Trung thu, thỏ lại giã bánh Dango rồi phát cho mọi người dưới trần gian.

Do đó, người Nhật tin rằng nếu ăn bánh Tsukimi Dango vào ngày rằm tháng 8 thì có thể nhìn thấy thỏ ngọc.

Theo phong tục, bánh Tsukimi Dango được xếp thành hình tháp trên một kệ gỗ. Mỗi “tháp bánh” có khoảng 15 chiếc, bánh trên cùng được trang trí như mặt thỏ. Bên cạnh “tháp bánh” là bình cỏ susuki và cũng có thể bày thêm một số loại hoa quả khác.


Trong ngày rằm, tháp bánh Tsukimi Dango được đặt ở cửa sổ hoặc hiên nhà, nơi có ánh trăng chiếu vào rõ nhất, để dâng những tinh túy lên thần linh, tổ tiên và cầu mùa lúa sắp tới sẽ được bội thu.

3. Bánh mặt trăng (Trung Quốc)


Bánh trung thu của người Trung Quốc có tên yue bing (bánh mặt trăng), có nơi còn gọi là bánh đoàn viên vì có hình tròn xoe như ánh trăng rằm tháng 8. Mỗi vùng miền ở Trung Quốc có cách làm bánh trung thu khác nhau.

Ở Trung Quốc chỉ có bánh nướng, không có bánh dẻo như Việt Nam. Bù lại, nhân bánh trung thu truyền thống của Trung Quốc khá phong phú, được làm từ nhiều nguyên liệu: thịt quay, xá xíu, đậu xanh, đậu đỏ, khoai môn, trà xanh, hạt sen, khoai môn, trà xanh, hải sản... Bề mặt bánh thường in các chữ có ý nghĩa tốt lành, như lời chúc và cầu may.

Người Trung Quốc còn có loại bánh trung thu “da tuyết”, giống bánh dẻo của Việt Nam nhưng vỏ bánh mỏng hơn, được làm từ các loại bột nếp, bột gạo và bột mì. Loại bánh này được giữ lạnh sau khi làm và ăn lạnh.


Bánh “đón trăng” của Trung Quốc ngày nay cũng được biến tấu với nhiều loại nhân phong phú

Ngày nay, bánh trung thu ở Trung Quốc cũng được biến tấu với nhiều kiểu nhân và hình dáng như nhân kem, socola, phomai, hình con giống, hình vuông...

4. Bánh nửa vầng trăng Songpyeon (Hàn Quốc)


Bánh trung thu của Hàn Quốc lại có hình trăng khuyết chứ không phải hình tròn như như Việt Nam, Trung Quốc. Vì người Hàn Quan niệm rằng, trăng khuyết mới là hình ảnh lý tưởng của hạnh phúc, viên mãn vì “trăng khuyết rồi sẽ tròn”, ngụ ý nói về sự sinh sôi nảy nở, hạnh phúc ngày càng vẹn toàn, cầu cho mùa màng bội thu.

Bánh có tên là Songpyeon (bánh gạo hình bán nguyệt), được làm bằng bột gạo nhồi kỹ với nước nóng. Cách làm bánh Songpyeon khá giống với bánh trôi của người Việt Nam. Sau đó, người ta sẽ nhồi nhân đậu xanh, mè đen, hạt dẻ hoặc các loại nhân khác rồi hấp chín. Ngoài bánh màu trắng, người còn làm bánh màu hồng từ trái dâu, màu xanh đậm từ lá ngải cứu, màu vàng từ bí đỏ,...


Khi bánh Songpyeon chín, người ta rải lên mặt bánh một lớp lá thông tươi để bánh giữ nguyên hình dạng và có vị lạ. Bánh thành phẩm dẻo, dai, ngọt thanh, nhẹ nhàng và mang hương vị của lá thông tươi.

5. Bánh hopia (Philippines)


Bánh trung thu Philippines được gọi là Hopia, là những chiếc bánh nướng đơn giản thoạt nhìn hơi giống bánh pía của Việt Nam. Tuy hình dáng không cầu kỳ, nhiều màu sắc hay lớp vỏ được trang trí hoa văn cầu kỳ nhưng nhân bánh rất đa dạng, thơm ngon. Nhân bánh hopia có thể là đậu xanh, đậu đỏ, thịt lợn, khoai lang tím… Vỏ bánh xếp lóp được nướng giòn, khi bẻ đôi để lộ ra phần nhân rất hấp dẫn.

6. Bánh dẻo nhân sầu riêng (Singapore)

Là đất nước giao thoa giữa các nền văn hóa, nhưng Singapore chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa Á đông, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy vậy, trong tục đón Tết Trung thu, chiếc bánh “đón trăng” truyền thống của Singapore có nhiều thay đổi, khác biệt so với Trung Quốc.


Trong số các loại bánh trung thu ở Singapore thì bánh dẻo nhân sầu riêng là đặc trưng và được nhiều người dân yêu thích. Bánh dẻo nhân sầu riêng là biến tấu từ bánh “da tuyết” của Trung Quốc. Bánh Trung thu lạnh có lớp vỏ được làm bằng bánh dẻo, cùng phần nhân là viên chocolate có thạch trái cây thơm mát, ngọt nhẹ. Khi ăn, lớp vỏ bánh tan trong miệng, mát lạnh, mang đến cảm giác dịu ngọt dễ chịu.


Thông thường, màu của vỏ bánh được “phối" phù hợp với loại nhân bên trong. Như bánh màu vàng là nhân sầu riêng, bánh màu xanh có nhân trà xanh, màu hồng cho nhân khoai môn... Bánh “da tuyết” có vị thanh, ít dầu mỡ và tốt cho sức khỏe.

7. Bánh trung thu ngàn lớp (Đài Loan)


Ngoài kiểu bánh nướng giống Trung Quốc, người Đài Loan hay ăn một loại bánh trung thu khác có hình dạng khá kỳ lạ, độc đáo. Bánh có hình tròn như bánh bao nhưng được xếp lớp.


Các lớp vỏ bánh cuộn lại với nhau nên được gọi là bánh trung thu ngàn lớp. Nhân bánh thường được làm bằng đậu đỏ, khoai môn.

Thu Thủy (t/h)