Cá rô là loài cá nước ngọt sống nơi ao hồ, đồng ruộng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hàng năm, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu (khoảng tháng 4- 5 âm lịch), và các cánh đồng ngập xăm xắp nước thì lũ cá rô bố mẹ “vượt vũ môn” lên đồng để tìm kiếm thức ăn và duy trì nòi giống. Khoảng 2 tháng sau, khi cánh đồng ngập đầy nước, người dân lại điều chỉnh mực nước trong ruộng ra. Thế là, từng đàn cá rô non (còn gọi là rô bí, rô dăm), thân nhỏ xíu (dài cỡ 2 cm, ngang 1 cm) lại tìm đường “di cư” ra sông lớn.
Cá rô non (ảnh: BCT)
Trước hết, cá rô non đánh bắt được về (hay mua ở chợ) chọn cá còn tươi cho vào rổ. Lấy rơm khô (hoặc lá sả) chà xát vài lần với nước cho hết nhớt, rửa sạch để ra rổ cho ráo. Để nguyên con khi chế biến, (không cần đánh vảy, moi bỏ ruột, chặt bỏ đầu, đưôi gì cả, vì cá còn non, xương mềm). Tiếp đến, đổ dầu (mỡ) vào chảo thật nhiều, bắc lên bếp. Chờ mỡ sôi, thả cá vào ngập trong mỡ. Dùng xạng trở đều 2 mặt cá chín vàng, vớt ra dĩa. Cuối cùng, chuẩn bị một đĩa rau sống (rau thơm, dưa leo, cà chua, chuối chát, cải xà lách…), một đĩa bánh tráng nhúng, một dĩa bún, và làm một chén nước mắm chanh tỏi ớt là xong!
Đĩa cá rô non chiên giòn với màu sắc hài hòa bắt mắt. (ảnh: BCT)
Bữa cơm đạm bạc đã chuẩn bị xong. Đặt miếng bánh tráng trong lòng bàn tay, gắp một ít rau sống, bún, cùng vài con cá rô non chiên giòn vào cuốn lại chấm vào chén nước mắm chua ngọt đưa lên miệng nhai chậm rãi sẽ cảm nhận được vị béo, ngọt, giòn của cá; vị cay, thơm của rau sống…lan tỏa khắp giác quan. Thêm một “cốc bia lạnh” vào nữa khiến ta nhớ mãi món ăn dân dã nơi miền sông nước miền Tây này.
Ba Cần Thơ / Theo: Dân Việt
(*) Việc bắt cá rô non trên đồng, nay chỉ còn là hoài niệm vì nguồn cá rô non đã cạn kiệt do môi trường nước bị ô nhiễm (hóa chất, thuốc trừ sâu). Để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ của người dân, nhiều cơ sở ươm cá giống tại ĐBSCL tuyển loại cá rô non (con đực, kích cỡ nhỏ) đưa ra thị trường bán. (Giá tại chợ Cần Thơ là: 7.000 đồng/100 gram).
(**) Thời: Từ địa phương, chỉ dụng cụ đánh bắt cá phổ biến ở Tiền Giang, tương tự như cái lọp.
No comments:
Post a Comment