Bánh ép giản dị không ngờ
Chỉ cần nghe tên gọi đã phần nào biết được cách làm món bánh này. Tuy nhiên, làm bánh ép lại không dễ, đòi hỏi vật liệu công phu và sự tỉ mỉ của người làm. Nguyên liệu chính của bánh ép là bột lọc và nhiều thứ nhân khác nhau, như thịt bò khô, ba tê, tôm, thịt, trứng... tất cả được sơ chế riêng lẻ. Sau khi đặt khuôn bánh trên bếp than ở nhiệt độ thích hợp, người chế biến sẽ đặt một viên bột lọc ép chặt xuống cho đến khi cán thành lớp mỏng. Nhân bánh được đặt lên phía trên, thêm một lớp trứng mỏng rồi tiếp tục ép xuống. Nhiệt độ nóng từ khuôn sẽ khiến bánh chín đều, dậy mùi thơm và giòn rụm. Có lẽ chính bởi công đoạn làm bánh mà món có gọi tên là bánh ép.
Công đoạn rắc nhân vào bánh ép.
Khi làm bánh, bột lọc được cắt thành hình vuông, sau đó cho vào dụng cụ ép bánh là hai tấm gang nóng trên lò than cháy đỏ rực. Trong lúc ép bánh, người ta cho nhân, hành lá để tạo màu sắc và cuối cùng là thêm một muỗng trứng sống để tạo độ giòn cho viền bánh. Vừa ép vừa nghe tiếng xì xèo của bánh đang chín tới, thơm phức xông vào mũi, nghe thôi đã đủ cồn cào bao tử. Sự tỉ mỉ của người ép bánh là rất quan trọng vì chủ quán phải có đôi tay khéo léo để ép từng chiếc bánh chín mỏng cùng với nhân, dùng đũa đảo đi đảo lại chiếc bánh cũng như canh khoảng thời gian chín để bánh có độ giòn, dai, chín đều mà không bị cháy.
Bánh ép hấp dẫn khi ăn nóng.
Hương vị khó tả
Món bánh ép này chỉ ngon khi ăn nóng và phải được ăn kèm với đồ chua ngọt, dưa chuột thái lát và rau răm. Với người Huế, nước chấm ăn kèm với bánh ép phải có nhiều ớt, vị cay nồng thì mới đúng điệu. Tuy nhiên, nếu khách không ăn được cay thì cũng hãy yên tâm, vì hầu hết các quán đều để sẵn nguyên liệu để khách có thể tự pha chế một chén nước mắm ưng ý. Khi ăn, rau sống và đồ chua được cuộn tròn trong bánh rồi chấm với nước mắm, tạo hương vị thật khó tả, béo béo thơm thơm rất tuyệt. Hơn thế, vị giòn của bánh, đậm đà của thịt, trứng, cay của ớt, chua ngọt của nước chấm hòa quyện rất hấp dẫn, ăn nhiều vẫn không thấy ngán. Tuy vậy, nếu chỉ có thế thì cũng chưa thể khiến người ăn “chưa ăn hết cái này đã phải gọi cái khác” bởi ngoài món chính là bánh ép nóng hổi thì các món phụ ăn kèm cũng góp phần không nhỏ để kích thích người ăn muốn ăn tiếp.
Đây là thức quà thích hợp lót dạ vào buổi chiều tối hay ăn khuya. Thoạt nhìn sẽ thấy bánh ép có phần giống bánh tráng nướng nhưng mùi vị và cách chế biến rất khác nhau nhờ kết hợp nhiều hương vị, dai dai của bột lọc, giòn giòn của viền trứng, chan chát của rau răm, cay cay của ớt, vị chua ngọt của nước mắm. Tất cả đã tạo nên hương vị rất “lạ” của món bánh ép, làm phong phú thêm sự đa dạng về ẩm thực Huế.
Bá Dũng