Wednesday, January 25, 2023

DISNEYLAND PARIS VÀ NHỮNG KHÁC BIỆT VĂN HÓA ÂU-MỸ

Năm 2023 đánh dấu công viên Disneyland Paris - ốc đảo văn hóa Mỹ trong lòng nước Pháp - bước sang năm thứ 31. Được Walt Disney đầu tư kỹ lưỡng đến từng chi tiết để tạo nên một trong những "công viên đẹp nhất từng được xây dựng", nhưng lịch sử 3 thập niên phát triển của Disneyland Paris không phải lúc nào cũng đẹp như trong chuyện cổ tích.

Công viên giải trí Disneyland Paris tháng 10/2022. © RFI / Thùy Dương

Một kỳ vọng mang tên Euro Disneyland

Đến với Disneyland Paris là đến với những hình ảnh lung linh sắc màu, đẹp như trong chuyện cổ tích, nhất là vào mùa lễ hội Haloween và mùa Giáng Sinh, năm mới, những điệu nhạc vui tươi, rộn ràng từ sáng đến tối, các đoàn diễu hành của các công chúa, hoàng tử và những nhân vật bước ra từ thế giới phim hoạt hình Walt Disney, những màn bắn pháo hoa hoành tráng vào ban đêm. Thế nhưng đằng sau thế giới kỳ ảo đó là cả một chặng đường khó khăn của Disneyland Paris mà có lẽ Walt Disney đã không lường tới, có lẽ vì đã quá lạc quan mà không tính tới những nét khác biệt về văn hóa Âu - Mỹ.

Là công viên Disney duy nhất tại châu Âu, Disneyland Paris (tên lúc đầu là Euro Disneyland) hiện được xem là điểm đến du lịch hàng đầu của châu lục này. Khai trương năm 1992, Euro Disneyland là công viên Disney thứ tư trên toàn thế giới, sau công viên Disney ở Florida, California (Mỹ) và Tokyo (Nhật Bản).

Sau 4 năm xây dựng, với khoản tiền đầu tư 22 tỉ francs của Walt Disney, ngày 12/04/1992, Euro Disneyland đã mở cửa đón khách tại vùng Marne-la-Vallée, ngoại ô đông nam thủ đô Paris của Pháp, một sự kiện lớn hiếm có. Trên đài France Culture, ngày 09/04/2022, nhân dịp sinh nhật 30 năm của Disneyland Paris, nhà sử học Sébastien Roffat, chuyên gia về lịch sử phim hoạt hình, tác giả cuốn sách « Biến giấc mơ thành thực tế. Lịch sử Disneyland Paris » (NXB L’Harmatan) nhắc lại:

« Đó là một trong những chiến dịch marketing lớn nhất mà người ta chưa từng biết tới trong lịch sử. Quả thực, họ đã dành nhiều năm chuẩn bị tinh thần cho người dân châu Âu để họ đón nhận việc mở cửa Disneyland : các cửa hàng mua sắm Disney, các câu lạc bộ Disney, và có hàng tá chương trình truyền hình đã được chuẩn bị trong suốt một thời gian dài. Quả đúng là Disney đã chuẩn bị việc mở cửa Disneyland cứ như thể đây là lần đầu tiên họ tổ chức một sự kiện như vậy. Vả lại, đây cũng là dự án bất động sản cực kỳ lớn của nước Pháp vào cuối thế kỷ 20, chỉ sau khu trung tâm kinh tế tài chính La Défense.

Chính vì thế, đó là sự kiện khai trương không thể bỏ lỡ. Họ đã thực sự chuẩn bị tinh thần cho người dân châu Âu từ rất nhiều năm trước đó, và đỉnh điểm là buổi lễ ngày 11/04/1992. Trước đó vài ngày, đã có tới hơn 100.000 người đến thử các trò chơi, thử nghiệm cách tiếp đón quản lý khách tham quan xem mọi chuyện sẽ diễn ra thế nào … ».

Màn trình diễn tại công viên Disneyland Paris, mùa Haloween, tháng 10/2022. © RFI / Thùy Dương

Nghịch lý Disney : Khi thế giới không như trong mơ …

Ngoài các khu vui chơi, công viên còn là tổ hợp khu mua sắm, nhiều nhà hàng và 7 khách sạn. Độ tỉ mỉ trong từng chi tiết, vốn đã được đòi hỏi rất cao ở The Walt Disney Compagny đã được đẩy lên mức tối đa cho công viên tại Pháp, bởi công ty Mỹ nghĩ rằng người châu Âu vốn dĩ tinh tế, nên Euro Disneyland không thể được trang trí một cách rẻ tiền. Trước khi công viên ở Pháp mở cửa đón khách, ban quản lý đã tuyển dụng tới 10.000 nhân viên. Walt Disney kỳ vọng ngay trong năm đầu tiên, Disneyland Paris sẽ đón tới 11 triệu du khách.

Thế nhưng theo chuyên gia Sébastien Roffat, tác giả cuốn sách « Biến giấc mơ thành thực tế. Lịch sử Disneyland Paris », đến năm 1993,các con số thống kê đã khiến ban quản lý công ty phải hoàn toàn lo ngại : số tiền mỗi khách chi ra khi đến công viên, tỉ lệ khách đặt phòng khách sạn … đều thấp hơn so với các ước đoán ban đầu. Ông Sébastien Roffat giải thích thêm về một nghịch lý mang tên Disney :

« Trong cuốn sách, tôi đã cố gắng chỉ ra cho mọi người thấy có một nghịch lý khá là khác thường. Đó là một điểm đến du lịch hàng đầu châu Âu. Nếu nhìn bề ngoài thì đó là một thành công rất lớn. Khi tìm hiểu các tài liệu trong những năm 1980, trước khi Disneyland mở cửa, dự báo số khách đến thăm công viên cho thấy họ đã từng tưởng là Marne-la-Vallée sẽ trở thành Florida của châu Âu.

Họ nghĩ rằng số khách có thể sẽ nhiều gấp đôi so với ở Florida, bởi vì dân số châu Âu nhiều gấp đôi, mà diện tích công viên thì chỉ bằng một nửa. Và trong tất cả các tài liệu quảng cáo, họ đều nói là sẽ có đông khách hơn so với ở Florida, ở California, ở Nhật Bản. Họ đã nói là công viên « được thiết kế cho châu Âu » và đã tưởng tượng ra rằng sẽ có nhiều triệu khách đến mỗi năm. Thế nhưng, thực tế lại không hề giống như trong các dự báo. Công viên Disney ở châu Âu là một trong những công viên ít du khách nhất trong thế giới Disney ».

Một góc công viên Disneyland Paris, tháng 10/2022. © RFI / Thùy Dương

Một sai lầm văn hóa đắt giá

Trong bộ phim tài liệu The Inagineering Story (Disney+), được báo Le Point trích dẫn, ông Micheal Eisner, chủ tịch - tổng giám đốc The Walt Disney Compagny thời đó, thừa nhận : « Chúng tôi đã xây quá nhiều phòng khách sạn, chúng tôi đã tốn quá nhiều chi phí (…) Chúng tôi đã nghĩ rằng sẽ có thể khiến du khách ở Pháp chi nhiều tiền giống như khách hàng ở Florida. Nhưng nghĩ như vậy thực sự là xuẩn ngốc ».

Theo sử gia Roffat, một sai lầm khác của The Walt Disney Compagny là họ đã bê nguyên « hình mẫu Mỹ » đặt vào châu Âu :

« Đây lại một lần nữa là nghịch lý. Khi chúng tôi đặt câu hỏi cho người Mỹ là quý vị muốn đi nghỉ ở đâu, thì có đến 75% trả lời là họ muốn có một kỳ nghỉ trong một công viên vui chơi giải trí. Đó không phải là câu trả lời của dân châu Âu, người Pháp thì lại càng không. Người Pháp muốn đi nghỉ ở biển, về nông thôn hay là đi lên núi, chứ họ không muốn có một kỳ nghỉ ở công viên vui chơi giải trí. Đó chính là vấn đề mà Disney gặp phải. Họ cứ nghĩ rằng cách tiêu dùng của dân châu Âu cũng giống như người Mỹ. Nhưng người châu Âu không thể đi nghỉ 15 ngày trong một công viên vui chơi giải trí.

Có những người Mỹ có thể lưu lại 1 tuần, thậm chí 15 ngày trong công viên Walt Disney World ở Florida. Nhưng người ta đi thăm Disneyland Paris chỉ một ngày thôi. Vậy đấy, người Mỹ và người châu Âu không có chung một câu trả lời, họ thực sự có thói quen văn hóa hoàn toàn khác nhau. Và tôi tin rằng đó cũng là một vấn đề cơ bản, cốt lõi, không bao giờ có thể khắc phục được, tức là người châu Âu và người Mỹ không có cùng cách tiêu dùng giải trí giống nhau. »


Người châu Âu có nhiều ngày nghỉ hơn người Mỹ, nhưng chi tiêu ít hơn nhiều. Vé vào cửa, tiền ăn, tiền mua đồ lưu niệm … với người châu Âu, chi phí để trải nghiệm thế giới cổ tích ở Euro Disneyland là quá đắt đỏ, và quá … Mỹ. Một biểu tượng của cú sốc văn hóa Âu - Mỹ : trong các nhà hàng ở Euro Disneyland, khách hàng không được phục vụ cả rượu vang, lẫn bia, bởi trong thế giới Mickey không có chỗ cho đồ uống có cồn. Ấy vậy mà thế giới không rượu bia của chú chuột Mickey lại được đặt tại Pháp, xứ sở của rượu vang, của champagne. Và còn có nơi nào khác xứng đáng là xứ sở của bia hơn châu Âu ? Thế nên, rốt cuộc, « ốc đảo văn hóa Mỹ » trong lòng nước Pháp cũng đã phải nhượng bộ : rượu vang đã xuất hiện trong nhà hàng của Euro Disneyland.

Một góc công viên Disneyland Paris, tháng 07/2022. © RFI / Thùy Dương

Thế giới Mickey trong lòng thế giới Molière

Về phía Pháp, cho dù vào những năm 1980, tránh để dự án khổng lồ rơi vào đất Tây Ban Nha, Paris đã trải thảm đỏ mời gọi The Walt Disney Compagny đầu tư, thế nhưng, ngược lại, Euro Disneyland ngay từ đầu đã bị công chúng, kể cả giới văn nghệ sĩ, trí thức, chính trị gia Pháp, bài bác kịch liệt. Họ không thể mở lòng với « một thế giới Mỹ » ngay trong lòng nước Pháp, sát cạnh thủ đô Paris cổ kính, hoa lệ. Nhưng rồi, theo thời gian, Disneyland Paris cũng đã dần được tiếp nhận cởi mở hơn, hòa mình vào đời sống văn hóa, giải trí tại nước Pháp. Sử gia Sébastien Roffat nhìn nhận :

« Đúng là chúng ta thấy có một sự thay đổi hoàn toàn. Chẳng hạn, Jack Lang, với tư cách bộ trưởng Văn Hóa Pháp, đã từ chối đến khai trương công viên, cho dù ông đã được mời và được đề nghị đến. Ngay từ đầu, đã có một tâm lý thù ghét tại nước Pháp. Đã có những chỉ trích kiểu như : đó là cây đinh cuối cùng đóng vào quan tài chôn vùi văn hóa Pháp, đó là bang thứ 51 của nước Mỹ. Quả là rất lạ khi đọc được những điều như vậy. Và đúng là người ta còn nói đến một « thảm họa Tchernobyl về văn hóa ».

Có rất, rất nhiều những bài báo bài bác Mỹ, nhất là bài bác Disneyland, với những chỉ trích kiểu như chuột Mickey trèo lên tháp Eiffel, ăn mất tháp Eiffel. Hồi năm 1992, mọi người không hiểu tại sao lại phải Mỹ hóa thú giải trí. Thế nhưng, cũng rất nhanh sau đó Disneyland đã xâm nhập được vào văn hóa Pháp. Và khi đọc lại những ý kiến, xem lại những hình ảnh đó người ta lại thấy kỳ cục, buồn cười.

Thậm chí tổng thống Mỹ George Bush đã từng phải thúc ép tổng thống Pháp Mitterrand đến Disneyland chụp một bức ảnh hồi năm 1994. Trước đó, George Bush đã gọi điện cho chủ tịch - tổng giám đốc Disney và nói rằng « Tôi tin rằng ông cần tôi giúp một tay, rằng ông muốn tôi cùng vợ con tôi đến đó ». Và rồi, George Bush đã nói với Mitterrand « Nào, chúng ta sẽ đến dùng bữa ở nhà hàng Auberge de Cendrillon (Nhà trọ của nàng Lọ Lem) ». Sau đó, công chúng thấy ảnh của Mitterrand chụp tại công viên, nhưng ông ấy có vẻ chẳng mấy vui vẻ ở đó. Nhưng chí ít thì tổng thống Pháp Mitterrand cũng đã đến đó.

Dần dần, cuối cùng thì Disneyland cũng trở thành một phần của nước Pháp và các chính trị gia cũng tỏ ra hòa dịu hơn, các nhà trí thức cuối cùng cũng vậy. Ngày nay, các bài viết chỉ trích Disneyland cũng ít hơn nhiều và đối với các chính trị gia thì việc cho thấy điều đó cũng đã trở nên khá bình thường ».


Như vậy là, sau quãng đường dài 30 năm, những sai lầm trong tính toán, những khác biệt, thậm chí là cú sốc văn hóa, đã dần được lấp đi. Được đặt chân vào thế giới cổ tích Walt Disney tại vùng Paris vẫn là niềm ước ao không chỉ của trẻ nhỏ mà cả các bậc phụ huynh. Nay Disneyland Paris đã trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Âu, trước Covid, mỗi năm thu hút tới 15 triệu du khách. Tổng cộng, sau 30 năm, Disneyland Paris đã thu hút được 375 triệu lượt khách. Riêng đối với Pháp, Disneyland Paris mang lại 6,2% doanh thu cho ngành du lịch, sử dụng 60.000 lao động trực tiếp và gián tiếp. Nếu chỉ tính riêng số người làm việc ngay tại chỗ, Disneyland Parislà nơi sử dụng nhiều nhân công nhất châu Âu : 16.000 lao động.

Thùy Dương
Theo: RFI Tiếng Việt