Friday, January 20, 2023

NGÂY NGẤT MEN SAY CÁC LOẠI RƯỢU TẾT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

Những ngày tết cổ truyền của đất Việt đang cận kề, những người con xa quê đang ngóng chờ từng ngày được tụ họp cùng gia đình bên mâm cỗ, đón thời khắc giao thừa, cùng mừng ngày đầu năm mới. Trong những ngày tết âm lịch, hay lễ hội, người dân Việt vẫn thường thưởng thức những loại rượu được ủ từ gạo, nếp truyền thống từ các miền đất nước. Cùng Mytour tìm hiểu những loại rượu tết thơm ngon dành cho mùa xuân 2015 - tết Ất Mùi nhé!


1. RƯỢU NẾP THƠM

Rượu nếp thơm là một trong những loại rượu truyền thống, và là rượu tết của người Kinh nói riêng. Rượu nếp thơm được làm từ chính gạo nếp được lên men, sau đó được đem đi chưng cất để ủ thành rượu.

Lu gạo nếp đang được lên men rượu dùng cho mùa lễ tết - Ảnh: sưu tầm

Rượu nếp thơm có màu trắng trong do được chưng cất nguyên chất nên hương vị rượu nếp có vị rất đặc trưng. Khi được thưởng thức những giọt rượu tết từ nếp, hẳn bạn sẽ nhớ mãi hương vị này. Rượu nếp có vị ngọt, đậm đà, hương nếp hòa cùng hương bắc và có vị cay nhẹ. Chính vì thế, người uống loại rượu này sẽ cảm nhận được hương vị ngọt ngào, tê say, càng uống lại càng ngất ngây.

Rượu nếp thơm đặc trưng cho ngày tết âm lịch ở Bắc Bộ - Ảnh: sưu tầm

Ngày nay, rượu nếp thơm là loại rượu tết phổ biến dùng trong ngày tết âm lịch. Xuất hiện ở những bàn tiệc truyền thống, rượu nếp vẫn được nhiều người thưởng thức và yêu thích. Vì thế, hãy nhấp thử ngụm rượu tết truyền thống để giữ những hương vị đặc trưng riêng cho mình nhé!

2. RƯỢU NẾP CÁI HOA VÀNG

Loại rượu nếp cái hoa vàng cũng là rượu được chế biến từ người Kinh ở khu vực Làng Vân - Bắc Bộ nổi tiếng bao đời nay, còn được gọi là rượu nếp ả hoặc rượu nếp hoa vàng.

Rượu được ngâm ủ theo công thức truyền thống giữa gạo nếp và men rượu với khoảng 35 vị thuốc bắc quý hiếm. Rượu có màu ánh vàng đặc trưng từ loại nếp cái hoa vàng. Vị rượu êm, đậm, nồng độ cồn không quá cao và đồng thời có vị hơi ngọt, cay nồng. Khi thưởng thức loại rượu tết này, bạn sẽ được lâng lâng, bồng bềnh, trôi giữa hương men và hương nếp hòa vào nhau.

Rượu tết nếp cái hoa vàng - Ảnh: Sưu tầm

Nghề nấu rượu tết - rượu nếp cái hoa vàng ngày càng phát triển đã đưa hương vị rượu đến với mọi người, từ mọi miền tổ quốc đến một số quốc gia trên thế giới. Ở đâu đó vẫn thoảng qua hương vị rượu nếp làng Vân qua câu ca dao sau:

“Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc
Chiến công Như Nguyệt rạng trời Nam.”

Vại rượu tết 3 lít dành cho gia đình - Ảnh: Ruoucutom

Khi đến vùng Kinh Bắc, bạn có thể chọn rượu nếp cái hoa vàng - rượu tết để làm quà tặng cho gia đình và bạn bè nhé! Tết Ất Mùi năm nay sẽ thêm ấm cúng, yên vui bên những loại rượu tết mang đậm nét ngày tết âm lịch ở mỗi gia đình.

3. RƯỢU NẾP NƯƠNG

Dân tộc Thái lâu nay vẫn nức tiếng với rượu hạ thổ nếp nương - đặc biệt dùng trong những ngày tết âm. Rượu nếp nương được dùng từ chính nguyên liệu nếp men và các thành phần thiên nhiên khác.

Nếp nương trồng ven sườn núi - Ảnh: rungvantaybac

Do rượu ủ từ loại nếp chuyên trồng trên nương rẫy, ven sườn núi nên khi hạ thổ dưới lòng đất khoảng hơn 1 năm, từng giọt rượu hạ thổ sẽ chứa đựng cả tinh hoa của con người và đất trời Tây Bắc. Đồng thời, các tạp chất có trong rượu tết cũng được loại bỏ trong quá trình hạ thổ. Rượu có sắc trắng, sáng và có vị ngọt, thanh, dễ uống. Hơn nữa, bạn còn có thể uống lạnh để được tận hưởng những vị ngon lạ lùng của rượu nếp nương - một loại rượu tết phổ biến vùng cao.

Loại rượu tết của dân tộc Thái - rượu nếp nương hạ thổ - Ảnh: Anh Tuấn

Lên Tây Bắc đừng quên thưởng thức rượu nếp nương - rượu tết cho mùa xuân 2015 cùng đồng bào dân tộc Thái nhé!

4. RƯỢU NẾP CẨM

Nhắc đến rượu tết, chúng ta lại nhớ về đồng bào dân tộc Mường có loại rượu nếp cẩm. Ngày tết năm nay, nếu có dịp đến du lịch xuân cùng dân tộc Mường, bạn hãy nếm thử hương vị rượu tết nơi đây nhé!

Rượu nếp cẩm là thứ rượu ủ, không chưng cất. Rượu được làm từ hạt gạo nếp cẩm màu đen, màu nâu đỏ có giá trị dinh dưỡng cao và men rượu - làm nên hương vị riêng của rượu nếp cẩm. Trong đó, men rượu được ủ từ sa nhãn và thiên nhiên kiện, cùng một số vị khác từ rễ, củ, lá của một số loại cây.

Rượu tết - rượu nếp cẩm được xuất khẩu sang thị trường Nhật - Ảnh: Sưu tầm

Nếu ai đã có dịp thử qua rượu nếp cẩm - loại rượu tết đặc trưng hẳn đều nhận ra rằng, rượu nếp cẩm có màu tím vừa óng vừa ánh như mật. Rượu có vị ngọt, thơm và dịu, đậm đà vị lạ nhưng lại rất quen thuộc. Vừa nếm những ngụm rượu đầu tiên, hẳn bạn sẽ cảm nhận tê tê ở đầu lưỡi, nhưng càng uống lại càng thấy ngọt, ấm bụng và say hơi men cùng hương vị rượu tết thơm ngon này.

Đặc sản rượu tết đất Việt trở thành rượu vang - Ảnh: nemchuathanhhoa

Rượu nếp cẩm nổi tiếng khắp nơi, không chỉ là loại rượu tết thơm lừng mà nó còn là bài thuốc trị bệnh và bổ máu huyết, tốt cho tim mạch và kích thích tiêu hóa. Vì thế, người Mường luôn dành những bát rượu nếp cẩm trong những dịp lễ hội, ngày Tết âm hay cả trong bữa cơm gia đình quan trọng. Có rượu nếp cẩm cho xuân 2015 này thì còn gì bằng!

5. RƯỢU SAN LÙNG

Rượu San Lùng là loại rượu đặc sản - rượu tết của đồng bào dân tộc Dao đỏ ở thôn San Lùng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đồng thời, đây cũng là loại danh tửu được nhiều người thưởng thức nổi tiếng vùng cao Tây Bắc.

Rượu San Lùng - Bát Xát đặc sản tỉnh Lào Cai - Ảnh: Sưu tầm

Nếu như các loại rượu nếp khác được ủ lên từ gạo nếp các loại, thì điểm đặc biệt của rượu San Lùng là được ủ từ chính những hạt thóc còn lẫn mùi đất cùng với men của khoảng 15 các loại lá rừng.

Rượu San Lùng thơm ngon, đậm đà vị thóc nương, giữ được hương thơm tinh khiết, nhẹ nhàng vị ngọt dịu và hơi ngậy. Khi thưởng thức, người uống sẽ thấy lâng lâng sảng khoái, không quá say cũng chẳng u mê. Bạn có thể dùng rượu tết San Lùng cùng các món ăn đặc trưng vùng cao để hòa quyện những tinh hoa của vùng núi này như món thịt trâu sấy khô lùi tro nóng, cá suối sấy khô nướng than…

Mọi người quây quần bên chén rượu tết San Lùng - Ảnh: blogspot

Rượu tết được ủ từ chính những bàn tay thủ công của người Dao đỏ dâng lên tổ tiên, trời đất, mang tâm linh đầy ý nghĩa và nét văn hóa đặc trưng của đồng bào người Dao và xứng đáng là loại rượu tết dành cho mùa xuân 2015.

6. RƯỢU NGÔ

Với rượu tết - rượu ngô, người ta thường gắn với mảnh đất Bản Phố, Bắc Hà của người Mông. Rượu ngô là đặc sản nổi tiếng mang hương vị núi rừng Tây Bắc. Khi đến vùng núi cao này, bạn sẽ có dịp được ngắm nhìn thứ rượu danh tửu được bày bán nhiều ở khu chợ rượu của chợ phiên Cán Cấu, Bắc Hà. Khi xuân đến, khu chợ rượu tết âm lịch lại còn nhộn nhịp, sầm uất hơn cả.

Những chai rượu ngô ngất ngây lòng người - Ảnh: Sưu tầm

Rượu ngô Bản Phố đã trở thành một thương hiệu riêng bởi chính hương vị thơm ngon không lẫn vào đâu được. Rượu ngô được nấu từ ngô, cùng với men hồng mi, nguồn nước từ núi đá và không thể thiếu tình cảm của của người dân Bản Phố quyện chặt vào từng giọt rượu.

Để có được rượu ngô cho ngày xuân 2015, người nấu phải dành ra ít nhất vài tuần ủ rượu, thậm chí đến cả năm, rồi vài năm. Chính sự khác biệt về thời gian đó cũng làm cho rượu có các hương vị khác nhau, càng lâu lại càng ngon. Mọi người thường đặt rượu tết từ rất sớm để thời gian ủ rượu đủ lâu để có hương vị ngon nhất.

Từng giọt rượu đong đầy tình cảm của người nấu - Ảnh: Sưu tầm

Rượu ngô có màu trong suốt, thơm nồng. Những giọt rượu đầu sẽ làm tê tê cay nồng nơi đầu lưỡi, rượu trượt xuống cổ họng thì vị nóng lan tỏa khắp cơ thể - giúp người dân giữ ấm cơ thể giữa những cơn giá rét vùng núi. Sau đó, bạn lại cảm thấy êm dịu, thanh thanh.

Du khách có dịp ghé thăm tỉnh Lào Cai, hãy đến Bản Phố hoặc các chợ phiên để tận hưởng hơi men đặc trưng của núi rừng nhé! Rượu tết âm lịch năm nay ở các tỉnh Tây Bắc hẳn sẽ không thể thiếu rượu ngô đấy!

7. RƯỢU MẪU SƠN

Rượu Mẫu Sơn là loại rượu ngon đặc sản - rượu tết của người Dao trên đỉnh Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn, chứa đựng những tinh túy của đất trời Mẫu Sơn.

Rượu Mẫu Sơn - rượu tết là sản phẩm từ việc chưng cất thủ công từ chính hạt gạo sạch, trắng đều truyền thống miền núi và nguồn nước tinh khiết của con suối chảy trong khe núi với loại men lá rừng hơn 30 vị thảo dược quý (rễ, trầu nước, dây nước, dây ngọt…). Rượu Mẫu Sơn trong vắt như nước của dòng suối, có hương vị nồng, thơm ngon, êm dịu, không quá cay cũng không nhạt, mang đặc trưng của lá và rễ cây thuốc miền núi, khi uống vào lại thấy mát rượi.

Rượu Mẫu Sơn - Ảnh: Vinh Nguyên Xuân

Đối với xứ Lạng, loại rượu tết này như một cách chào ngày mới lạ lùng. Buổi sáng, trong tiết trời lạnh giá, người dân địa phương sẽ thưởng thức những bát rượu ngây ngất, lan tỏa hương rượu ngào ngạt mê say cả xóm làng.

Đồng thời, do được nấu cùng với các thảo dược, nên rượu Mẫu Sơn còn giúp chữa các bệnh bổ máu, đau khớp, đau lưng nên người Dao ở đỉnh Mẫu Sơn dùng rượu để lấy tinh thần sảng khoái bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng.

Rượu Mẫu Sơn trong bữa tiệc nhỏ - Ảnh: sưu tầm

Bạn có muốn thưởng thức loại rượu tết trên đỉnh núi cao này không nào? Hãy đến Mẫu Sơn để cảm nhận hương vị khác biệt khi thưởng thức đặc sản giữa núi rừng bạt ngàn Tây Bắc trong tết âm lịch nhé!

8. RƯỢU BÀU ĐÁ

Rượu Bàu Đá là đặc sản nức tiếng trong các loại rượu tết của tỉnh Bình Định - miền Trung. Xưa kia, rượu Bàu Đá được xem là ngự tửu dâng vua, hoàng tộc trong dịp lễ long trọng, là loại rượu tết được ưa chuộng vào thời phong kiến Việt Nam.

Rượu Bàu Đá chủ yếu nấu bằng gạo lức hoặc nếp nên rượu đã ủ thường có màu trắng đục. Hương vị rượu rất đặc trưng, có nồng độ cao, thơm ngào ngạt khiến những ai không quen uống rượu sẽ dễ say hơi men ngất ngây này.

Rượu tết Bàu Đá - Ảnh: Sưu tầm

Những người thích rượu Bàu Đá - rượu tết Bình Định đã rất thích thú trước từng ngụm rượu nguyên chất sủi bọt li ti khi vừa được rót ra và những trong thời gian ủ rượu, người nấu còn cảm thấy vui sướng, tự hào với những tiếng lách tách phát ra từ các chum, vại rượu. Vì thế, nấu rượu và uống rượu tết Bàu Đá không chỉ thỏa mãn nhu cầu say hơi men mà còn là thú vui đặc trưng của người miền Trung trong tết âm lịch.

Rượu Bàu Đá - quà tặng ý nghĩa cho ngày tết Ất Mùi - Ảnh: tamtuu

Ngày nay, cả du khách trong nước và quốc tế mỗi khi du xuân tại quê hương của rượu Bàu Đá đều dành ít thời gian để thưởng thức hương rượu tết thơm nồng, tê tái đầu lưỡi!

9. RƯỢU ĐẾ

Về đến miền Tây Nam Bộ, hẳn ai cũng nhớ đến hình ảnh chiều chiều người nông dân ở các nông trường lại ngân nga câu hò và chuyền tay nhau những ly rượu màu trắng. Đó chính là loại rượu đế nổi tiếng bao đời nay, trong đó rượu đế Gò Đen của tỉnh Long An được xem là đệ nhất tửu của miền sông nước.

Nhãn hiệu rượu Gò Đen được thiết kế đẹp lung linh - Ảnh: Trần Hoài Anh

Người Gò Đen, hay người miền Tây chủ yếu chỉ dùng nếp để nấu rượu theo cách truyền thống, đó có thể là nếp than, nếp mỡ, nếp mù u, nếp hương, nếp than đen tuyền… tùy vào từng nơi nấu rượu. Rượu có nồng độ khá cao, vị cay nồng nhưng lại thơm lừng. Những giọt rượu đế được uống vào sẽ làm cho mọi người cởi mởi, gần gũi và tâm tình chuyện xóm làng sau một ngày đồng áng vất vả và là loại rượu tết sum vầy gia đình.

Rượu tết Gò Đen bên mâm cỗ - Ảnh: tieudao

Ở vùng đất Nam Bộ qua bao thế hệ, rượu đế vẫn được người dân truyền tay nhau, phát huy cách nấu rượu truyền thống từ cái tâm của người nấu, chắt lọc cùng thời gian để tạo ra hương vị đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long để những ngày lễ, ngày tết mọi miền đều được thưởng thức rượu tết. Nếu là người thích thưởng thức các loại rượu tết thì đừng bỏ qua rượu đế - đặc sản ẩm thực và văn hóa lâu đời Nam Bộ nhé! Tết âm năm nay hãy cùng Mytour đắm say hơi men rượu tết âm lịch Ất Mùi mừng cho một năm thật nhiều may mắn bạn nhé!

Bên cạnh những loại rượu tết truyền thống, các loại rượu đặc sản như Rượu Cần, sản phẩm bia rượu từ các quốc gia phương Tây và các nước khác trên thế giới vẫn du nhập vào Việt Nam, đáp ứng nhu cầu, sở thích khác nhau của nhiều người. Tuy nhiên, những bia rượu hảo hạng đấy vẫn không thể thay thế giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc hương vị rượu tết gắn liền với từng hạt nếp, hạt thóc nông nghiệp Việt Nam.

Mỹ Phượng - Mytour.vn