Sunday, January 22, 2023

MÓN ĂN TẾT NHẬT BẢN, MÓN ĂN TRUYỀN THỐNG CHỈ CÓ THỂ ĂN VÀO DỊP TẾT CỔ TRUYỀN

Osechi Ryori là những món ăn tết truyền thống đặc biệt hầu như chỉ được nấu vào ngày tết nguyên đán Nhật Bản, truyền thống này đã có từ thời kỳ Heian (794-1185). Những món ăn có đầy đủ màu sắc khác nhau, chỉ nhìn thôi đã thấy đẹp mắt, sau khi nấu xong Osechi đẽ được đựng trong các hộp đặc biệt gọi là "jubako", giống như hộp bento. Mỗi món ăn đều mang những ý nghĩa, thông điệp khác nhau để chào đón năm mới tới.

Hộp món ăn tết Nhật Bản Osechi Ryori
Còn có một ý nghĩa sâu xa hơn cho hộp những món ăn tết Osechi Ryori, đó là những món ăn này thường có thể bảo quản và sử dụng dần trong vòng 3 ngày năm mới, giúp cho những người nội trợ trong gia đình đỡ mệt hơn khi liên tục phải chuẩn bị những món ăn cầu kì và số lượng món khá nhiều, không bị phụ thuộc vào những cửa tiệm, nhà hàng trên khắp nước Nhật Bản đã đóng cửa nghỉ tết. Các thực phẩm, nguyên liệu để làm hộp đồ tết Osechi có thể được chuẩn bị sẵn trước đêm giao thừa, có nghĩa là trước thời khắc chuyển giao năm mới, sau đó để ở nơi thoáng mát trong vòng vài ngày không bị hư hỏng. Một phần truyền thống nấu Osechi trước với số lượng nhiều đủ dùng trong 3 ngày tết bắt nguồn từ quan niệm rằng, các vị Thần linh dịp tết đến cũng sẽ ghé thăm gian bếp của mỗi gia đình, vì vậy có phong tục kiêng không nấu nướng trong vong 3 ngày từ mùng 1 đến 3/1 đầu tiên của năm mới.

I. Chi tiết về Osechi Ryori – Món ăn tết Nhật Bản

Giống với những hộp đựng cơm "bento", các món trong Osechi Ryori thường được đựng những chiếc hộp sơn mài "ojubako", phổ biến bây giờ là những hộp"ojubako" có từ 3-5 tầng để đựng đồ ăn mà mỗi tầng đồ ăn thì mang một thông điệp, ý nghĩa khác nhau từ tượng trưng cho hy vọng rằng hạnh phúc giàu có,… Cả gia đình sẽ quây quần cùng nhau thưởng thức một hộp "ojubako" vào ngày đầu năm mới.

Các món ăn sẽ được sắp xếp theo quy tắc, ứng với từng tầng riêng: tầng hộp đầu tiên là các món hầm và món luộc để ăn khai vị cùng với cá; tầng hộp thứ hai gồm các món ăn kèm, ăn nhẹ thường là sẽ có vị hơi và tầng hộp cuối cùng, tầng dành cho các món chính như món hầm nước hoặc kho. Các món trong Osechi được nấu nướng cầu kì mang đầy đủ cả vị mặn, chua, vị ngọt và được bảo quản cẩn thận trong tủ lạnh để dùng trong suốt ba ngày tết ở Nhật Bản.

Hộp đựng Osechi Ryori từ 3 đến 5 tầng, mỗi tầng các món mang một ý nghĩa khác nhau
Đây không chỉ là món ăn đặc biệt về hình thức, về hương vị, mà còn đặc biệt cả về ý nghĩa của những nguyên liệu làm ra món ăn đi kèm với lời chúc mà người Nhật Bản muốn dành cho nhau nhân dịp những ngày đầu năm mới.

Ví dụ tiêu biểu như cá tráp đại diện cho sự may mắn, rong biển tượng trưng cho những niềm vui sẽ tới, muốn đông con cháu hơn thì có món trứng cá trích, trường thọ như tôm và nhiều tài nhiều lộc như rau mắc,…. Mỗi một hộp món ăn tết Nhật Bản Osechi là một tổ hợp những món ngon kết hợp hài hòa đặc điểm từng vùng miền của đất nước Nhật Bản.

II. Những món ăn phổ biến nhất trong Osechi Ryori

1. Datemaki (Sweet Rolled Omelette) – Trứng cuộn

Thường được được phục vụ trong một "jubako" (hộp hình vuông giống như hộp ăn trưa), Datemaki là món trứng tráng có vị ngọt một chút và cũng món ăn Tết rất nổi tiếng của Nhật Bản. Được yêu thích với hình dáng tạo hình cũng cầu kì không kém, mở đầu cho những món ăn ngon ngày tết Nhật Bản.

Trứng cuộn đẹp mắt
2. Kuri Kinton (Candied Chestnut with Sweet Potatoes) – Bánh khoai lang hạt dẻ

"Kuri Kinton" có nghĩa là "bánh hạt dẻ vàng", kurikinton tượng trưng cho tài lộc, sự phát triển của kinh tế và sự giàu có. Nó rất quan trọng trong bữa ăn năm mới để mang lại may mắn và thịnh vượng. Nếu bạn muốn thử làm món ăn này, thì nhớ chú ý là bạn nên sử dụng loại khoai lang của Nhật Bản nhé, vì loại khoai này có màu vàng tươi rất đặc trưng. Không những vậy chúng còn ngọt hơn khoai lang thông thường, bạn cũng biết đất màu vàng là màu sắc tốt lành cho năm mới.

Bánh khoai lang hạt dẻ
3. Namasu (Daikon & Carrot Salad) – Salad cà rốt, củ cải

Namasu là tên tiếng Nhật của món salad củ cải trắng và cà rốt, được ngâm trong giấm ngọt một khoảng thời gian ngắn. Món ăn này xuất hiện ở Nhật Bản vào khoảng những năm 700, từ người Trung Quốc và cho đến bây giờ nó trở thành món đặc biệt được trong mâm cỗ ngày tết Osechi mà người Nhật thưởng thức trong dịp năm mới. Món mang 2 màu màu đỏ và trắng được coi là màu sắc kỷ niệm ở Nhật Bản, bạn sẽ thấy những màu này được sử dụng trong nhiều nghi lễ truyền thống. Món salad này rất dễ làm và có thể được chuẩn bị xong nhanh chóng trước bữa ăn.

Salad cà rốt, củ cải chua ngọt
4. Chikuzenni / Nishime (Simmered Chicken & Vegetables) – Gà om rau củ

Chikuzenni hay gà om(hầm) rau củ là món cổ truyền trong ngày tết truyền thống Nhật Bản, nhưng món ăn nay rất ngon lại bổ dưỡng nên thường xuyên xuất hiện trong bữa cơm hàng ngày của gia đình Nhật. Vào tết, các loại rau được cắt tỉa thành hình dạng lạ mắt để ăn mừng dịp này.

Gà om rau củ
5. Tazukuri (Candied Sardines) – Cá mòi rang bọc sốt ngọt

Được làm từ cá mòi rang & phủ một lớp nước sốt tương ngọt, Tazukuri là một món ăn phổ biến khác cho Osechi ryori. Người Nhật ăn Tazukuri vào ngày tết năm mới vì nó tượng trưng cho một vụ mùa bội thu. Món ăn dai dai, ngọt ngọt cực hấp dẫn này là món ăn kèm lý tưởng nhé.

Cá mòi Tazukuri
6. Kuromame (Sweet Black Soybeans) – Đậu đen ninh

Kuromame có nghĩa là đậu đen trong tiếng Nhật và nó thường được phục vụ vào ngày đầu năm mới như một phần của Osechi Ryori. Đậu đen tạo nên một màu sắc tương phản tuyệt đẹp với chiếc hộp đựng jubako mang màu sơn mài đỏ, nơi chứa đựng tất cả các món ăn ngon mà chỉ cần mở ra thôi cảm giác như một thế giới ẩm thực thu nhỏ đang mời bạn khám phá và thưởng. Ăn đậu đen cũng được coi là tốt cho sức khỏe của bạn cho năm mới. Nếu như bạn muốn nấu món ăn đơn giản bổ dưỡng này tại nhà thì bạn có thể rút ngắn thời gian nấu bằng cách sử dụng nồi áp suất nhé.

Kuromame - Đậu đen ngọt
7. Kazunoko (Herring Roe) – Trứng cá trích

Người Nhật thưởng thức Kazunoko vì trứng cá trích mang màu vàng óng ả này vào ngày Tết năm mới với ý nghĩa và cầu mong cho sự phú quý, thịnh vượng sẽ tới với gia đình trong năm mới. Cá trích được đánh giá cao cùng kết cấu giòn độc đáo, là một trong những món ăn phổ biến nhất trong Osechi Ryori.

Trứng cá trích đại diện cho sự thịnh vượng
8. Kamaboko (Fish Cake with Salmon Roe) – Chả cá và trứng cá hồi

Với cách trình bày tinh tế, trang nhã, món chả cá và trứng cá hồi là sự bổ sung ấn tượng, nâng tầm cho hộp đồ ăn tết của bạn. Bạn sẽ rất bất ngờ khi biết rằng rất dễ để thực hiện nó, vừa đơn giản, tinh tế, nhưng mang lại vẻ thanh lịch bất ngờ. Bạn chỉ cần khía những đường khe nhỏ trên chả cá rồi kẹp vào đó lá tía tố và trên cùng thì dải thêm lớp trứng cá hồi vàng.

Món chả cá đơn giản
9. Ebi no Umani (Simmered Shrimp) – Tôm hầm

Tôm được nấu trong nước tương dashi (là một loại nước dùng cho việc nấu, hầm hay chế biến trong nước soup cho mỳ,… của người Nhật Bản) và ngâm qua đêm, món ăn tuyệt đẹp này sẽ làm tăng thêm màu sắc tươi sáng và hương vị thơm ngon cho Osechi Ryori của bạn.

Tôm hầm
10. Shake no Kobumaki (Salmon Kombu Roll) – Cá hồi cuộn tảo bẹ

Cá hồi được cuộn trong tảo bẹ - kombu và gắn với kanpyo, cá hồi cuốn tảo bẹn là một món ăn truyền thống của Nhật Bản cho năm mới đặc trưng cho bí quyết sống khỏe, trẻ lâu và thọ, bạn sẽ muốn ăn nhiều hơn là một cuộn là chắc chắn đó, cá hồi và tảo bẹ đều là những nguyên liệu rất tốt cho sức khỏe

Cá hồi cuộn tảo bẹ giòn giòn
11. Kikka Kabu (Pickled Chrysanthemum Turnip) – Củ cải ngâm

Những nét trang trí, tạo hình đơn giản được thể hiện thông qua các loại rau có thể biến một món ăn từ bình thường trở thành đặc biệt. Những miếng củ cải ngâm được cắt, tạo hình hoa,… sẽ đưa Osechi Ryori của bạn lên một tầm cao mới. Những kĩ thuật để cắt cơ bản thì không khó đâu nên tất nhiên luyện tập một chút là bạn có thể tạo nên các tác phẩm bắt mắt của riêng mình

Củ cải ngâm được tỉa cắt vô cùng tỉ mỉ
12. Tataki Gobo (Pounded Burdock Root) – Rễ cây ngưu bàng

Được phủ trong một lớp nước sốt mè, rễ cây ngưu bàng là món ăn kèm thường xuyên được xuất hiện trong hộp món ăn tết Nhật Bản, người ta quan niệm rằng ăn món này sẽ đem lại may mắn cho năm mới.

Rễ cây ngưu bàng sốt mè
13. Su Renkon (Pickled Lotus Root) - Củ sen muối

Được ngâm, tẩm ướp cùng với nước giấm ngọt, củ sen muối là món ăn kèm khác, vị chua ngọt hòa quyện, mang đến cảm giác thanh và giúp tăng thêm độ ngon cho những đồ ăn chính khác, đây chính xác là món ăn phụ cho những ngày đầu năm mới.

Củ sen muối
14. Fresh Homemade Mochi – Bánh mochi

Bánh Mochi đã có từ rất lâu đời, đây là món ăn không thể thiếu trong dịp lễ tết, sum họp gia đình của người Nhật Bản. Mochi không chỉ được ưa chuộng bởi người Nhật mà nó còn rất nổi tiếng trên quốc tế, hỏi bánh gạo mochi ai cũng sẽ gật gù biết là 1 loại bánh của Nhật Bản, bạn đã từng xem cách họ làm bánh chưa, một video ngắn ghi lại cách những nghệ nhân nhào bánh, đập bánh với tốc độ "ánh sáng", sự phối hợp ăn ý phải đạt đến cảnh giới, lệch một chút thôi thì…

Bánh mochi nhân đậu đỏ
Trong 3 ngày đầu năm mới, mochi là một món được dâng cúng lên thần linh, tượng trưng cho ước nguyện một cuộc sống đầy may mắn, ấm no cho gia đình. Người ta cũng tin rằng, ăn bánh mochi sẽ đem lại cho họ một năm mới dồi dào sức khỏe.
Tự tay chuẩn bị một món bánh tráng miệng nổi tiếng của Nhật Bản, bánh mochi đầy ngọt ngào là hoàn hảo và hoàn thiệt cho Osechi, hộp món ăn tết Nhật Bản ngon chất lượng.

III. Những món ăn kèm và món tráng miệng đi kèm với Osechi Ryori

1. Ozoni (phong cách Kanto)

Ozoni, là một món canh nấu cùng bánh gạo mochi, nước dùng Dashi, thịt gà và rau củ (rau bina) được ăn vào mỗi dịp năm mới của người Nhật Bản. Đây là một món ăn không chỉ bổ dưỡng mà rất ngon nữa. Đây là cách nấu theo phong cách Kanto, bạn nên phân biệt với phong cách Kansai mình giới thiệu ngay dưới đây nhé. À thêm một điều để phân biệt nữa là phong cách Kanto được chuộng ở những nơi xung quanh Tokyo thì Ozoni được nấu với bánh gạo dày hình vuông, trong khi các nơi xung quanh chuộng "style Kansai" sử dụng bánh gạo tròn và nước dùng Miso

Ozoni nấu kiểu Kanto có nước dùng trong
Ozoni phong cách Kanto và phong cách Kansai
2. Ozoni (phong cách Kansai)

Ozoni kiểu Kansai này là một món soup miso được thưởng thức vào buổi sáng trong những ngày Tết. Soup bao gồm mochi (bánh gạo), và vài nguyên liệu rau củ khác nhau tùy thuộc vào công thức nấu của từng vùng miền khác nhau. Phổ biến thì bạn có thể nấu nó cùng với các loại rau xanh bổ dưỡng.

Ozoni kiểu Kansai được nấu từ nước dùng miso
3. Toshikoshi Soba

Chào đón năm mới tốt đẹp hơn bằng một bát mì soba nóng hổi – một món mỳ truyền thống của Nhật Bản được biết đến với tên gọi là Toshikoshi Soba. Đây đơn giản là một món mỳ dễ làm, bổ dưỡng cho sức khỏe, sẽ khiến những khó khăn, vất vả hay những điều chưa tốt ở năm cũ trôi đi, tiếp sức cho bạn về hành trình trong năm mới thành công tốt đẹp hơn.

Mỳ Toshikoshi Soba đơn giản với mỳ soba và hành lá
Món mì soba được phục vụ vào đêm giao thừa này thường được nấu với công thức ở dạng đơn giản nhất - mì soba kiều mạch được phục vụ trong nước dùng dashi nóng với hành lá xắt nhỏ. Nhưng cũng có thể được gia tăng thêm phần topping cho món mỳ như thêm tempura, chả cá hoặc một quả trứng sống (mình thích điều này, giúp tăng thêm vị béo ngậy cho nước dùng

Mỳ Toshikoshi Soba thêm Tempura, chả cá
Có một series phim rất nổi tiếng của Nhật Bản tên là "Midnight Dinner" nói về một quán ăn Nhật chỉ mở cửa sau nửa đêm, ở tập 10 phần 1 của series phim đã mô tả về món mỳ này dưới tên gọi gần gũi "New Year's Eve Noodles – Món mỳ trước thềm năm mới", món mỳ bất kì người Nhật nào cũng ăn trong thời khắc sắp chuyển giao.

4. Mochi (Bánh gạo Nhật Bản)

Đa dạng nhân ngọt cho đến các loại nhân mặn, từ đó mà có rất nhiều loại mochi (bánh gạo Nhật Bản) khác nhau mà chúng ta có thể thưởng thức ở Nhật Bản. Đối với các món ăn mặn, mochi được sử dụng làm topping cho Ozoni (món canh mình vừa giới thiệu bên trên), mỳ udon nóng hoặc làm phần nhân bên trong Okonomiyaki (một loại được coi như là bánh xèo phiên bản Nhật Bản). Đối với các món ăn ngọt, bạn sẽ tìm thấy kem Mochi, Zenzai (Oshiruko – món soup đậu đỏ ngọt), dâu Daifuku (dâu được bọc trong một lớp bánh mochi, mochi nhào với bột đậu nành, mochi chấm đường…Vì vậy, đi du lịch Nhật Bản dịp năm mới, đây chắc chắn là thời điểm tuyệt vời để bạn có thể thưởng thức hết các món ăn hấp dẫn này.

Daifuku, bánh mochi nhân dâu
5. Sweet Red Bean Paste – Đậu đỏ nghiền

Đậu đỏ nghiền được sử dụng rất nhiều trong nấu ăn, như là để làm phần nhân cho bánh Mochi, nhân cho bánh bao,…linh hoạt. Nó như là một món tráng miệng vô cùng nhẹ nhàng lại không làm bạn bị no khi ăn thêm, cũng rất tốt cho sức khỏe của bạn nữa.

Đậu đỏ nghiền thanh ngọt, mát, dễ ăn
6. Cucumber Wrapped Sushi – Dưa chuột cuốn sushi

Những món sushi được gói ngoài bằng một lát dưa chuột tươi mát này có thể được dùng làm món khai vị tươi mới trong bữa ăn những ngày năm mới của bạn.

Cuộn sushi dưa chuột bắt mắt
7. Otoro Sushi

Mặc dù nó không phải là một phần của hộp đồ ăn tết Osechi Ryori, sushi được coi là một món đặc trưng ở Nhật Bản vào hầu hết các ngày lễ, từ những cuộn sushi truyền thống đến các cuộn sushi được kết hợp theo những cách tươi mới, lạ lẫm hơn. Năm mới của Nhật Bản là một dịp đặc biệt để thưởng thức sushi otoro, phần sushi với phần bụng cá ngừ đáng thưởng thức nhất.

Sushi cá ngừ
8. Hosomaki (Thin Sushi Rolls)

Hosomaki là những cuộn sushi rất đơn giản, nguyên liệu vô cùng cơ bản và dễ làm. Bạn chỉ cần có cá ngừ, dưa chuột thái sợi, rong biển cùng với gạo Nhật, cuộn lại là hoàn chỉnh cho một cuộn sushi Hosomaki nhé.

Hosomaki, sushi nhỏ, đơn giản
9. Futomaki (Thick Sushi Rolls)

Loại sushi truyền thống Futomaki này lại thường được cuộn với phần nhân đầy đặn hơn rất nhiều so với Hosomaki, đa dạng nhân, đa dạng rau mà bạn thích, tăng thêm cả phần màu sắc hài hòa, hoàn hảo cho những dịp đặc biệt để thưởng thức, nhất là trong ngày tết cổ truyền ở Nhật Bản

Sushi cuộn thịt, cá ngừ,...
10. Zenzai (Red Bean Soup with Rice Cakes)

Zenzai là một món tráng miệng với phần soup, phần cốt sánh đặc, được làm từ đậu đỏ và đi kèm với bánh gạo mochi (loại bánh gạo đã được nướng). Mặc dù chỉ là một món ăn kèm ngoài cạnh Osechi Ryori, nhưng đây lại là một món ngon rất được ưa chuộng vào mùa đông của người Nhật Bản

Đậu đỏ và bánh gạo nướng
11. Mizu Yokan

Đây là một món thạch đậu đỏ, Mizu Yokan là món ngọt truyền thống. Có hình dạng như một khối hình chữ nhật, kết cấu vững, bên trong thạch còn có hạt dẻ nhìn thôi đã thấy vẻ hài hòa và đẹp mắt vô cùng. Nếu như bạn chưa biết, món ăn này cũng có thể trở thành món quà mà bạn có thể tặng cho bạn bè và người thân rất lý tưởng nhé

Thạch Mizu Yokan từ đậu đỏ và hạt dẻ
12. Nanakusa Gayu – Cháo 7 loại thảo mộc

Sau khi thưởng thức những đồ ăn, những bữa tiệc mừng thì món cháo thảo mộc Nanakusa Gayu được thưởng thức vào ngày 7 tháng 1 tại Nhật Bản sẽ cho phép dạ dày và cơ thể của bạn được nhẹ nhàng đi rất nhiều. Món cháo này được nấu tư gạo với 7 hương liệu thảo mộc đó là: Seri – một loại rau cần; Nazuna – rau tề; Gogyo – một loại cải cúc; Hotokennoza; Hakobera – loại cây thuộc họ cây tinh thảo; Suzushiro – củ cải; Suzuna – của cải tròn.

7 nguyên liệu thảo mộc để nấu cháo
Cháo luôn là món giúp làm thanh, món ăn khiến ta cảm thấy được thanh lọc, nhất là cùng thảo mộc rất lợi cho sức khỏe của bản thân bạn và những thành viên trong gia đình.

Cháo Nanakusa Gayu bổ dưỡng
Đó mới chỉ là những món tiêu biểu nhất về những món ăn tết truyền thống của người Nhật Bản, nếu có cơ hội và đang chuẩn bị cho tour du lịch tết Nhật Bản thì hãy note lại và học thêm những câu chúc tết tiếng Nhật thú vị để tìm hiểu về phong tục, không khí đón tết ở Nhật Bản có khác với tết Việt Nam không nhé.

Tạ Thư / Theo: Cattour