Vào thời Tây Ngụy, một sự việc kỳ lạ đã xảy ra ở chùa Sùng Chân tại thành phố Lạc Dương. Khi đó, nhà sư Huệ Ninh trong chùa đã qua đời, thế nhưng sau 7 ngày lại sống lại. Mọi người khá ngạc nhiên, Huệ Ninh nói với họ: “Diêm Vương gia phát hiện ra rằng đã sai tên trong quá trình kiểm tra, vì vậy đã đưa ta trở lại dương gian”. Ông nói thêm rằng trong 7 ngày qua, cùng ở âm phủ với ông còn có 5 nhà sư khác, nhưng kết thúc của họ rất khác nhau.
Chân tu hay giả tu, Thần linh đều thấy rõ
Nhà sư đầu tiên là Trí Thánh từ chùa Bảo Minh, trong suốt cuộc đời của mình, ông chăm chỉ thiền định và ngộ ra Đạo, kiên định tu hành nên có thể lên Trời. Một nhà sư khác ở chùa Bát Nhã, ông ấy hết lòng vì kinh điển, lại có thể thành thục tụng niệm 40 quyển kinh Niết Bàn, nên cũng được lên cõi Trời.
Cả hai vị sư trên đều cống hiến cuộc đời mình cho con đường tu hành, không màng danh lợi nơi trần thế nên đã gieo được thiện quả là vào cõi Trời.
Nhà sư thứ ba là Đàm Mô Tối của chùa Dung Giác. Những người theo ông nghe giảng có hơn một nghìn người và ông có thể đọc thuộc lòng “Kinh Niết Bàn”, “Kinh Hoa Nghiêm” và các kinh sách khác. Thoạt nhìn thì thấy đạo hạnh thâm sâu, nhưng lại bị Diêm La Vương trách phát. Diêm La Vương nói: “Những người giảng giải kinh thư luôn cho rằng người khác thua kém mình, nhìn mọi thứ một cách kiêu ngạo, đối với các nhà sư đó là hành vi không đúng đắn nhất. Điều ta xem xét là liệu ngươi có thể hay không thực tâm tu hành, ngồi thiền, tụng kinh, chứ không phải là ngươi có thể hay không giảng được kinh thư!”
Đàm Mô Tối vội vàng giải thích: “Từ khi bần tăng bắt đầu tu hành, chỉ thích giảng kinh, thật sự không quen tụng kinh”. Cuối cùng, dưới sự áp giải của 10 quỷ sai mặc đồ đen, Đàm Mô Tối bị đưa đi vào một căn phòng tối đen ở phía Tây Bắc.
Tạc tượng Phật, xây dựng chùa nhưng đều bị đọa địa ngục
Vị sư thứ tư là Đạo Hoằng của chùa Thiền Lâm, ông đã tạc 10 bức tượng Phật trong cuộc đời của mình và tuyên bố đã truyền dạy cho 4 thế hệ thí chủ kế tiếp và cống hiến hết mình cho việc truyền bá Phật giáo. Nhưng Diêm La Vương lại nói: “Người xuất gia phải chuyên tâm giữ giới luật, hết lòng ngồi thiền và niệm kinh, không nên dính líu đến chuyện của thiên hạ, không làm ra những việc hữu vi. Ngươi tạo 10 pho tượng Phật trong đời, rồi muốn mượn cách này đoạt tài vật của người khác, thì tâm tham lam sẽ càng mạnh. Tâm tham lam đã sinh ra thì nghĩa là tam độc chưa trừ, tức là chưa hề tu thành!” Vì vậy, Đạo Hoằng cũng bị áp giải vào phòng tối.
Nhà sư cuối cùng là Bảo Minh của chùa Linh Giác, ông trước tiên bày tỏ rằng trước khi bản thân là một nhà sư, ông từng làm quan và cho xây dựng chùa Linh Giác. Sau đó, ông chọn từ bỏ chức quan để bước vào con đường tu hành. Diêm La Vương nghe xong liền tức giận nói: “Lúc ngươi còn làm chức Thái thủ, thường tham ô tiền bạc, phạm pháp và làm những điều phi lý. Giả mượn chiêu bài xây dựng một ngôi chùa, bóc lột người dân một cách bừa bãi, cho nên việc lập chùa Linh Giác tuyệt đối không phải là công lao của ngươi, ngươi không cần phải vội vàng tự nhận công lao!” Bảo Minh vốn tưởng rằng có thể chuộc tội, rốt cuộc nhận lấy kết cục là người thông minh nhưng lại bị người thông minh hại, đồng dạng cũng bị nhốt trong phòng tối.
Bài học cảnh tỉnh cho người thế gian
Câu chuyện của Huệ Ninh sau khi đến tai Ngụy thái hậu, bà liền sai người điều tra. Kết quả đúng như lời Huệ Ninh kể, những ngôi chùa này thực sự nằm ở phía Đông, Tây và Trung của Kinh Thành, và 5 nhà sư đó đều là người có thật.
Sau đó, Ngụy Thái hậu đã mời 100 nhà sư có thể ngồi thiền, đọc kinh và thỉnh cầu họ làm lễ trong cung điện một thời gian. Đồng thời, một lệnh đã được ban hành, không cho phép mọi người mượn danh làm tượng Phật để quyên góp tiền trên phố, nhưng cho phép làm tượng Phật bằng tiền túi của họ.
Kể từ đó, các nhà sư xung quanh kinh thành chuyên tâm ngồi thiền và tụng kinh, và không còn bị phân tâm vào các hoạt động khác. Nhà sư Huệ Ninh chết rồi sống lại này, cuối cùng đi vào trong núi Bạch Lộc, và bước vào con đường tu luyện xa rời thế tục.
Minh Tâm / Theo: Tinh Hoa