Thursday, January 19, 2023

NHẬN RA MÙI HƯƠNG NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN ĐANG ĐẾN

Chỉ còn ít ngày nữa, cả nước sẽ đón Tết cổ truyền Việt Nam, mừng một năm mới đến. Ra đường đâu đâu cũng thấy trang hoàng, người người nô nức đi sắm Tết, những bước chân có vẻ như vội vã hơn. Đã khi nào đứng giữa phố xá, ta hít hà không khí nhộn nhịp ấy và tự hỏi: Tết có mùi hương gì?

Tết có mùi hương gì? - Ảnh: vnpost

1. MÙI HOA TẾT

Những ngày cận Tết, là những ngày hoa tràn vào phố. Từ các loại cây cảnh như đào, mai, quất, cam, bưởi… đến những chậu hoa cúc đủ màu, thược dược, lay ơn, ly… hay những gánh hàng hoa mà mọi người tranh nhau mua về cắm trong nhà.

Hoa đào đón xuân về - Ảnh: Nam Chấy

Trăm loại hoa, cây cảnh đó ngoài những màu sắc tô điểm cho phố phường thì cũng mang hương thơm về với chốn thị thành. Mỗi loài lại có hương sắc riêng, cùng với nhau tạo nên một mùi hương đặc trưng khó quên của ngày Tết. Có phải khi đi qua con đường bán hoa Tết, bạn sẽ chầm chậm lại mà ngắm nghía, hít hà?

Hoa xuân trên đường phố - Ảnh: mecuteo

2. MÙI BÁNH TRÁI, ĐỒ ĂN NGÀY TẾT

Đi qua phố kẹo mứt, trái cây thấy mùi ngọt thơm từ đầu phố. Qua khu chợ, thấy những hàng chuyên đăt bánh chưng, giò nem, chả lụa… phục vụ Tết thơm nức mũi. Tết cổ truyền được thể hiện trên mâm cỗ cúng, trong bữa cơm Tất niên, trong khay bánh kẹo mời khách đến chơi nhà… Chính vì thế, Tết lại càng được các cô các mẹ chuẩn bị kỹ càng về khâu thực phẩm.

Chuẩn bị cho Tết - Ảnh: toixedich

Mùi của bánh trái, các món ăn đăc trưng ngày Tết dễ khiến người ta dù không đói nhưng bụng vẫn cồn cào. Nghĩ đến việc cắn ngập răng miếng bánh chưng xanh, lách chách hạt dưa, nhấm nháp ô mai… trong mấy ngày Tết đã đủ hấp dẫn. Mùi Tết ở đây chứ đâu xa.

Mứt tết - Ảnh: meongao

3. MÙI HƯƠNG KHÓI

Đất nước mà tôn giáo chính là Phật giáo như Việt Nam ắt hẳn không thể thiếu những bàn thờ ông Công ông Táo, bàn thờ tổ tiên, ông Địa, Thần Tài trong nhà. Thêm vào đó là những ngôi chùa, đền tháp rải rác khắp nơi, mang tín ngưỡng của người dân về những điều tốt lành no ấm. Bởi vậy, không có gì lạ khi bạn xuống phố mà ngửi thấy mùi hương khói thơm nhè nhẹ tỏa ra từ bất kỳ đâu.

Mâm cơm cúng Giao thừa ngày 30 Tết - Ảnh: tinmoi

Đó cũng là điều đặc biệt của những ngày giáp Tết. Các ban bệ thờ cúng nghi ngút hương khói bên lễ vật thành kính tự trong tâm. Người ta khấn vái cầu an, cầu lộc, cầu tài, cầu hạnh phúc cho năm mới, giải hạn, xí xóa vận đen năm cũ trong mùi hương khói thanh tịnh, như làm khoan khoái tâm hồn.

Đi chùa ngày Tết - Ảnh: vovworld

4. MÙI CỦA NHỮNG THỨ MỚI MẺ

Đi làm quanh năm ai cũng mong một cái Tết sung túc. Tết là dịp để sắm sửa vật dụng mới, quần áo mới, quà cáp mới, đồ ăn thức uống mới… Người ta mua đồ mới để chưng diện dịp Tết cũng hàm ý rằng năm mới đến mang theo may mắn, đẹp đẽ như chính những gì họ sắm sửa.

Tết đến mong muốn những điều mới mẻ - Ảnh: tinmoi

Trẻ con thì mong quần áo mới, người lớn thì mong tình yêu, sự nghiệp, khoản lương thưởng cuối năm tựa như cần những điều mới mẻ cho năm mới. Ai chẳng mong thế, và cái mùi hương của trăm thứ mới đó chắc cũng chỉ người ta cảm nhận được. Dạng như trẻ con hít hà mùi vải thơm trên quần áo đẹp, còn người lớn ngắm nghía đồ dùng mới tinh, bóng lộn mới được đem về nhà dịp cuối năm.

Sắm Tết - Ảnh: tin8

5. MÙI CỦA TIẾT TRỜI VÀO XUÂN

Tiết trời vào xuân lạ lắm. Dù mưa hay nắng, lạnh hay ấm thì người ta cũng vẫn cảm nhận được trong không khí có mùi của mùa xuân. Là hoa cỏ, là thức ăn, là đồ dùng mới hay là hương nhang khói bình yên? Không chỉ thế thôi đâu, là tất cả chúng, đặt trong không gian mùa xuân tràn đầy năng lượng.

Đường phố tấp nập rộn ràng - Ảnh: tinmoi

Tiết trời vào xuân - Ảnh: Nam Chấy

Có khi ngồi trên tầng thượng một quán café, ngắm nghía dòng người qua lại phía dưới đang hối hả tất bật, có mưa bay, có lá me đôi khi rụng lả tả, bỗng buột miệng “Nghe như mùi của Tết”. Thế mà thật, không có khái niệm, tiêu chuẩn rõ ràng, chỉ cảm tính phỏng đoán thôi nhưng chuẩn xác mùi của Tết. Xuân là vậy đó, tự ta cảm nhận được chứ chẳng cần đến dự báo thời tiết cho mùa xuân.

Chợ hoa Tết - Ảnh: Nguyễn Văn Dũng

Mùi vị của Tết Việt Nam có lẽ không to tát, không cao sang thậm chí rất bình dị thôi; nhưng lai đặc biệt lắm. Người Việt sống xa nhà đón Tết phương xa có thể tự chuẩn bị vài món ăn ngày Tết, làm cho khéo, cho giống, nhưng chắc có lẽ họ vẫn thèm lắm được đi sắm Tết ở các con phố Việt, đi chùa cầu an, đi chợ hoa Tết lựa lên lựa xuống những cây cảnh, nhành hoa đem về chưng trong nhà, và hơn thế nữa là hương vị của Tết quê nhà. Giữa phố xá, bạn có cảm nhận được mùi Tết của riêng mình có gì đăc biệt?

Hoa Cát / Theo: Mytour



No comments: