Saturday, January 21, 2023

MÓN NGON TRÊN MÂM CỔ NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN Ở HƯNG YÊN

Người Việt luôn quan tâm chăm chút mâm cỗ Tết để trước cúng ông bà, sau cả nhà quây quần thưởng thức trong những ngày đón xuân. Ở Hưng Yên, mâm cỗ ngày xuân không thể thiếu những món ăn đặc sản dưới đây.
Món ngon trên mâm cỗ ngày Tết cổ truyền ở Hưng Yên


Giò lây

Cái tên giò lây được đặt theo nguyên liệu ngon ở Hưng Yên – thịt lợn lây (thịt ba chỉ). Để làm món này còn cần thêm các gia vị như: nước mắm, hạt tiêu, bột canh, hạt nêm, mì chính. Thịt lợn lây trải lên miếng bao tải dứa được cắt vuông vức, có lót tấm lá chuối rồi thêm gia vị, hạt tiêu lên trên.

Giò lây. Ảnh: Bắc Vị.

Tiếp theo dùng lực và sự khéo léo của đôi tay để cuốn tròn miếng thịt lại để trông giống giò lụa. Giò cuốn xong thì buộc chặt, cho vào nồi luộc 3 đến 3,5 giờ. Khi chín thì vớt ra để nguội. Món giò lây có vị béo ngậy, đậm đà của gia vị, thơm nức mùi thịt. Giò lây ăn ngon nhất là với dưa hành muối chua, giải ngấy tốt cho dịp Tết.

Ảnh: Phương Lam.

Giò bì Phố Xuôi

Để có được những chiếc giò bì thơm ngon, người Phố Xuôi rất cầu kỳ trong các công đoạn làm giò. Thịt nạc heo phải thật sạch, thơm, dẻo. Bì heo luộc chín vừa phải, cắt thật mỏng như sợi chỉ. Thịt nạc được cho vào cối giã, sau đó trộn cùng với bì thái chỉ, thêm nước mắm.

Những gói đặc sản giò bì Phố Xuôi. Ảnh: Báo Hưng Yên.

Lá chuối gói giò cũng cần chọn lá to bản, rửa sạch và hơ qua lửa để dễ gói hơn. Khi chín những chiếc giò nóng thơm, để nguội giò giòn và dai, ăn vào ngon ngậy. Về Phố Xuôi, Hưng Yên dịp Tết sẽ là thiếu sót nếu chưa thưởng thức món giò bì trong mâm cỗ truyền thống.

Giò bì. Ảnh minh họa: Trang thông tin đối ngoại tỉnh Hưng Yên.

Bánh tẻ

Bánh tẻ Hưng Yên được làm từ những nguyên liệu: lá dong, gạo, thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương… Gạo làm bánh tẻ là gạo tẻ đem xay với nước vôi trong. Bột gạo được đảo đều trên bếp lửa cho bột mềm, mịn, không vón cục và bột không được chín hoặc khê, đây là công đoạn “ráo bột”.

Bánh tẻ được gói xong. Ảnh: Phương Lam/Vnexpress.

Nhân bánh tẻ là hành khô phi thơm, mộc nhĩ và thịt băm xào, nêm thêm nước mắm nhĩ ngon để nhân bánh đậm đà. Người ta còn phải léo chọn những chiếc lá dong mềm dai, xanh tươi thì bánh thành phẩm mới đạt chuẩn.

Bánh có màu xanh đẹp mắt. Ảnh: Phương Lam/Vnexpress.

Chả gà Tiểu Quan

Cách làm chả gà rất cầu kỳ, người ta phải lọc thịt gà nạc, tách bỏ hết da, xương, đặc biệt phải có sức khỏe để giã chả được mịn, dai. Người giã phải biết ước lượng thời gian giã. Lúc giã thì cho trứng gà, gia vị vào giã cùng. Ngoài ra còn có vỏ quýt khô để món ăn thêm vị thơm thoang thoảng.

Chả gà Tiểu Quan.

Giã xong chả người ta lấy miếng mo cau phết thịt lên phên vỉ nướng bằng tre. Chả gà Tiểu Quan được nướng bằng than của những cành cây hay gốc nhãn lồng khô để chả có mùi vị thơm ngon nhất. Trong quá trình nướng, người làm chả thường quết thêm dầu ăn để món chả không bị quá khô.

Gà Đông Tảo

Nói đến những món ngon vật lạ của Hưng Yên, không thể bỏ qua đặc sản gà Đông Tảo với ấn tượng đặc biệt về đôi chân “khủng”. Đây còn là món quà biếu rất được yêu thích mỗi dịp Tết vì theo truyền thống có gà để cúng trong đêm giao thừa thì mới làm ăn phát đạt, êm ấm.

Chân gà Đông Tảo nướng.

Với một con gà Đông Tảo, người Hưng Yên có thể chế biến được hàng chục món ăn cho mâm cỗ ngày Tết như chân gà tiềm thuốc bắc, đùi gà hấp lá chanh, dồi gà, da gà trộn thính, chả nướng, nem gà, thịt gà quạt chả, dồi gà, gà xào ớt, lòng gà xào đậu, xôi gà, rượu trứng gà, giả cầy, xương gà hầm rau củ…

Gà Đông Tảo hầm sả. Ảnh: Nhà hàng Quá Ngon.

Những món ăn trên đây vừa là đặc sản, vừa đóng vai trò quan trọng trong dịp Tết cổ truyền. Nấu những món ăn ngon không chỉ giúp cỗ bàn được tinh tươm, mà còn là dịp quây quần bên nhau cùng thưởng thức bữa ăn sum vầy đượm tình thân.

Theo iVIVU

No comments: