Saturday, January 7, 2023

"THẢM HỌA TIẾNG ANH" NƠI CỬA KHẨU

Lâu nay, dư luận xã hội nói nhiều việc dùng tiếng Anh tùy tiện, lỗi chính tả trong bảng hiệu các cơ quan, bảo tàng, điểm tham quan, bệnh viện, các khẩu hiệu, ấn phẩm… Nhưng sai sót trầm trọng ở các cửa khẩu quốc tế khó mà chấp nhận.

Những bảng hiệu sử dụng tiếng Anh tùy tiện ở Việt Nam - Ảnh: Internet

Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất hiện nay của thế giới; là ngoại ngữ chính, sau tiếng mẹ đẻ của hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là ngành du lịch.

Bảng xếp hạng “Chỉ số thông thạo tiếng Anh toàn cầu” (Education First English Proficiency Index - EF EPI) năm 2021 có sự góp mặt của 112 quốc gia và vùng lãnh thổ (tiếng Anh không phải bản ngữ). Việt Nam xếp hạng 66. Top 4 thế giới là Hà Lan, Áo, Đan Mạch, Singapore. Ngạc nhiên nhất là Trung Quốc hạng 49 và Thái Lan hạng 100.

“Education First” (EF, Thụy Sĩ) thành lập năm 1965, là tổ chức giáo dục lớn nhất thế giới tập trung vào ngôn ngữ, học thuật và trải nghiệm văn hóa, thực hiện việc xếp hạng tiếng Anh trên thế giới từ năm 2011. Năm 2021, hơn 2.000.000 người đã tham gia trực tuyến với bài đánh giá Anh ngữ kiểm tra kỹ năng đọc và nghe, theo 6 cấp độ do khung châu Âu (CEFR) dành cho người trên 18 tuổi.

EP EPI chỉ kiểm tra kỹ năng đọc và nghe, chưa kiểm tra kỹ năng nói và viết nên bảng xếp hạng chỉ mang tính tham khảo để các nước nhìn lại mình và hoạch định chiến lược, chính sách phù hợp trong việc phát triển tiếng Anh nói riêng và các ngoại ngữ nói chung. Theo thống kê chưa đầy đủ, thế giới hiện có khoảng 7.139 ngôn ngữ đang được sử dụng.

Bảng xếp hạng EF EPI các nước và vùng lãnh thổ châu Á 2021 - Ảnh chụp màn hình

Hai quốc gia có nhiều ngôn ngữ nhất là Papua New Guinea 820 (dân số chưa tới 9.000.000 người) và Indonesia 742. Mỹ có 337, Việt Nam có 110. Tiếng Anh của học sinh và những người làm việc trong các hoạt động liên quan tới du lịch Việt Nam cao hơn nhiều so với bảng xếp hạng của EP EPI (dành cho người Việt trên 18 tuổi và bất kỳ).

Các cửa khẩu quốc tế, cả đường bay, đường bộ, đường thủy đều là bộ mặt quốc gia, cửa ngõ đầu tiên chào đón khách. Mặc nhiên, tiếng Anh là ngôn ngữ chính với du khách nước ngoài.

Tuy nhiên, lâu nay dư luận xã hội nói nhiều việc dùng tiếng Anh tùy tiện, lỗi chính tả trong bảng hiệu các cơ quan, bảo tàng, điểm tham quan, bệnh viện, các khẩu hiệu, ấn phẩm… Nhưng sai sót trầm trọng ở các cửa khẩu quốc tế khó mà chấp nhận.

Hơn 5 năm trước, thầy tôi - chủ doanh nghiệp lữ hành - đang làm tư vấn du lịch cho một tỉnh Tây Nam Bộ. Trong chuyến khảo sát để làm bộ sản phẩm tour liên kết, thầy ngạc nhiên vì bảng hiệu ghi bằng tiếng Anh ở cửa khẩu đường bộ quốc tế của tỉnh. Thầy nói, ban đầu tưởng là cá biệt nhưng "hỡi ôi đó là mẫu bảng hiệu chung xuất hiện ở nhiều nơi".

Những bảng hiệu sử dụng tiếng Anh tùy tiện ở Việt Nam - Ảnh: Internet

Tưởng thầy đùa vui nên mọi người chỉ cười. Thầy mở điện thoại, mời xem ảnh chụp bảng hiệu lệnh ở một cửa khẩu quốc tế thì mọi người ai cũng lặng người và cảm thấy “đau lòng”. Thầy bảo, phải chụp lén khi ngồi trong xe (vì cửa khẩu Việt Nam cấm chụp hình nơi làm việc và các biển hiệu). Thầy nói rằng đã báo với lãnh đạo tỉnh nhờ góp ý để sửa lại.

Tháng trước, tham gia đoàn Famtrip caravan về miền Tây. Chương trình có đến khảo sát, giao lưu, chào cờ tại cửa khẩu đường bộ quốc tế. Đoàn hơn 60 người, ai cũng hớn hở “check-in” cảnh quan hữu tình biên giới hai nước. Sực nhớ chuyện thầy kể, tôi ngỡ ngàng với biển hiệu lệnh cửa khẩu cũng tương tự và có vẻ như mới làm.

Mấy chục người nhưng không ai để ý. Tôi có chỉ cho một số thành viên trong đoàn. Họ chỉ tỏ vẻ hơi ngạc nhiên. Hình như ai cũng xem đó là “việc nhỏ” và có vẻ không liên quan đến mình, hoặc sợ “phật ý” chủ nhà đã đón tiếp chu đáo mấy ngày qua.

Bảng hiệu có 3 thứ tiếng Việt - Khmer - Anh. Tiếng Việt là “Tắt máy - Xuống xe - Dẫn bộ - Xuất trình giấy tờ” và tiếng Anh ghi: “Car Down - Shutdown - Leading Ministry - Presentation of Papers”. Loại bảng hiệu này luôn thống nhất toàn quốc, từ kích cỡ bảng, kiểu chữ đến nội dung, hình thức và vị trí ở các cửa khẩu đường bộ quốc tế.

Bảng hiệu được chụp tại một cửa khẩu - Ảnh: Bảo Linh

Tôi không nghĩ cán bộ, nhân viên các lực lượng biên phòng, hải quan, y tế… cửa khẩu không ai biết bảng hiệu sai. Có ý kiến cho rằng, họ biết nhưng không nói ra hoặc không góp ý…

Đúng là viêc nhỏ, rất nhỏ nhưng lại cực kỳ quan trọng. Dù bất cứ lý do gì, những bảng hiệu thế này xuất hiện ở cửa khẩu quốc tế thì cần phải được sửa ngay. Bởi nếu không, khách quốc tế - nếu để ý và thắc mắc - các hướng dẫn viên du lịch Việt chắc cũng khó trả lời.

Bảo Linh (28/12/2022)
Theo: 1thegioi.vn