Có một câu nói nổi tiếng, ngụ ý rằng: “Trên đời này không có bữa ăn nào là miễn phí”. Vì xem phim miễn phí trên ứng dụng điện thoại, bạn phải chịu đựng độ phân giải hình ảnh và chất lượng âm thanh kém cùng hàng loạt quảng cáo tràn màn hình; để có được một bộ mỹ phẩm dùng thử miễn phí, bạn phải cung cấp thông tin cá nhân cho người bán; để nhận được quà tặng miễn phí từ ngân hàng, bạn phải tham gia một loạt trò chơi ở đây; vì muốn ngồi xe đưa đón miễn phí từ siêu thị để đi làm, bạn phải dành nhiều thời gian để đợi xe...
Vậy nên, cái gọi là “miễn phí” thực ra là dùng một phương thức khác để trả phí.
Mỗi khi nhìn thấy những người chỉ vì lấy một hộp trứng miễn phí mà xếp hàng dài, hãy nhắc nhở bản thân: “Đừng bao giờ sống như thế”.
Thực ra không phải vì thái độ nặng nhẹ, chỉ là mỗi người đều có một cách nhìn nhận khác nhau về thời gian.
Ở ngân hàng, sẽ luôn có những khách hàng luôn hỏi về quà tặng miễn phí của ngân hàng trước khi quyết định đăng ký bất kỳ dịch vụ nào. Ngay cả khi món quà miễn phí kia chỉ có giá trị rất nhỏ, họ vẫn sẽ rất vui vẻ.
Nhưng nếu không có quà tặng miễn phí, họ sẽ tỏ ra coi thường, sau đó sẵn sàng đi bộ cả nửa tiếng đồng hồ đến một ngân hàng khác có quà tặng miễn phí. Đến một ngày nào đó, họ sẽ quay lại với gương mặt đắc thắng và bảo rằng mọi ngân hàng đều có quà tặng miễn phí, chỉ có ngân hàng này là không.
Tuy nhiên, một món quà tặng miễn phí ấy không làm cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn, mà món quà miễn phí đó đã lấy đi 30 phút quý giá trong cuộc đời bạn.
Có thể một số người sẽ nói: “Tôi chẳng có gì cả, nhưng tôi có rất nhiều thời gian”.
Nhưng điều này sai rồi. Thời gian không là của riêng ai cả. Thời gian luôn lạnh lùng, vô tình nhưng rất công bằng. Nó không vì điều đẹp đẽ hay điều xấu xa mà dừng lại, thậm chí luôn trôi vô cùng nhanh, chớp mắt đã không theo kịp.
Thời gian có thể khiến bạn trở nên tốt hơn nhưng cũng có thể khiến bạn trẻ nên tầm thường, vô dụng.
Có một câu triết lý rất đúng, đó là: “Khi thời gian của bạn bắt đầu có giá trị, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ miễn phí đều là lãng phí thời gian”.
Trong kinh tế học có một thuật ngữ gọi là “chi phí cơ hội” để chỉ mức giá tối đa bạn đã từ bỏ để có được một thứ nào đó.
Ví dụ như tối nay bạn muốn học tiếng Anh, nhưng đến tối bạn lại thấy mệt và quyết định đi chơi game. Như vậy, giá trị lớn nhất mà bạn đã từ bỏ để chơi game chính là việc học tiếng Anh.
Từ góc độ này có thể thấy, với bạn, việc chơi game cũng quan trọng ngang với việc học tiếng Anh, vì chơi game, bạn sẵn sàng từ bỏ việc học tiếng Anh và rất có thể việc chính là lí do khiến khả năng tiếng Anh của bạn luôn ở mức kém.
Tương tự như vậy, có rất nhiều người đang chạy theo chủ nghĩa miễn phí. Với họ, thời gian, sức lực, khả năng tập trung, thậm chí là cả sức khỏe đều có thể đem ra làm chi phí cơ hội để có được những món đồ miễn phí.
Trước đây, báo chí đã từng đưa tin về một vụ việc khiến ai cũng phải chết lặng. Trước buổi buffet, một người đàn ông đã nhịn ăn trước 2 ngày để có thể ăn thật nhiều, để tận dụng tối đa số tiền đã trả cho bữa ăn này. Tuy nhiên, vì ăn quá nhiều mà người đàn ông này đã gặp vấn đề tiêu hóa, kết quả phải nằm viện điều trị hết hàng chục triệu đồng.
Nhiều khi những thứ nhìn có vẻ là miễn phí nhưng thực tế lại khiến bạn mất nhiều hơn được. Vậy nên, mỗi khi đưa ra chọn lựa, hãy cân nhắc đến giá trị lớn nhất mà bạn phải từ bỏ vì lựa chọn hiện tại là gì và điều này có thực sự xứng đáng không.
“Để biết một người ra sao, đừng nghe những lời anh ta nói, hãy xem anh ta dùng thời gian của mình làm gì”.
Những người xếp hàng lấy trứng miễn phí đều có lý do của họ, nhưng việc bỏ ra cả buổi sáng để xếp hàng dài thực sự là một việc lãng phí thời gian. Thời gian học tập, làm việc trong một buổi sáng của một người đáng giá hơn một hộp trứng nhiều lần.
Khi bạn xem một bộ phim dài tập miễn phí trên mạng, bạn phải chịu đựng những quảng cáo dài đến 2 phút; khi bạn nhờ quan hệ của bạn bè để được hưởng những tiện ích miễn phí, bạn đang tự khiến mình mắc nợ người ta; vì không muốn trả phí cao tốc mà đi đường vòng, bạn đang tốn thêm tiền xăng và lãng phí thời gian của mình.
Đến cuối cùng, những thứ miễn phí đều được đánh dấu bằng những mức giá bạn không nhìn thấy được. Vậy nên, cái gọi là “miễn phí” thực ra đều là dùng một phương thức khác mà trả phí. Cứ suy nghĩ kĩ, bạn sẽ thấy, những thứ lúc đầu miễn phí, về sau đều phải trả bằng mức giá đắt nhất.
Thiên An
Theo: Nhịp sống kinh tế