Friday, January 13, 2023

"NHẤT GÁI HƠN HAI, NHÌ TRAI HƠN MỘT" KHÔNG PHẢI NÓI TUỔI AI NHIỀU HƠN AI

Nếu chúng ta đang sắp lấy vợ hoặc được gả chồng thường nghe tới câu nói này, nhưng ý nghĩa thực sự lại không hoàn toàn đơn giản nói về tuổi nam nữ, ai nhiều hơn ai…

Băn khoăn biết chọn chàng tuổi tác thế nào đây?

Gái hơn 2 trai hơn 1 có nghĩa là như thế nào?

Người ta còn có thể khuyên bạn rằng: “Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một”. Thậm chí trên nhiều trang web cũng như từ trước tới nay, người ta thường tự giải thích bằng cách hiểu như thế này:

+ “Gái hơn 2” tức là con gái thì nên lấy chồng hơn mình 2 tuổi, hoặc là con trai thì nên lấy vợ hơn mình 2 tuổi (hiểu phổ biến hơn là cô vợ hơn anh chồng hai tuổi).

+ “Trai hơn 1” tức là con trai thì nên lấy vợ hơn mình 1 tuổi (hoặc có người hiểu là con gái thì nên lấy chồng hơn mình 1 tuổi).

Bản thân câu nói đã mâu thuẫn

Đó là một cách hiểu thông thường của mình rồi đem cách giải thích hơi nông cạn đó làm câu cửa miệng khuyên người khác.

Bản thân một câu nói với hai cách khuyên trái ngược nhau trên đã mâu thuẫn nhau rồi.


Chẳng lẽ các cụ lại tự làm cho câu nói của chính mình thành dở hơi khi cho rằng “trai thì nên lấy cô gái hơn mình 2 tuổi” trong khi đó lại còn khuyên “gái thì nên lấy chồng hơn mình 1 tuổi”.

Vậy cuối cùng chẳng ai lấy được ai cả đúng không?

Kỳ thực là câu nói về tuổi cập kê

Chúng ta biết đến từ chỉ cô gái mới lớn thời xưa bước vào tuổi biết e thẹn với từ quen thuộc là tuổi “cập kê”.

– Con gái thông thường đến tuổi thứ 13 thì bắt đầu dậy thì và có thể (bắt đầu) bước vào độ tuổi cập kê (biết yêu) có thể lập gia đình và sinh hài tử.

Tuy nhiên, nếu tính từ lúc bắt đầu dậy thì thì phải khoảng 2 năm sau mới gả chồng và có thể sinh nở là tốt nhất, bởi lúc này các cơ quan trên dưới, các tuyến nội tiết mới đủ chín và nảy nở.

– Còn con trai thì thường phát triển chậm hơn, đến năm 16 tuổi mới phát triển giới tính nam. Và cũng tương tự, phải sau khoảng 1 năm thì sự phát triển đó mới đủ chín, có thể bắt đầu biết yêu, có thể cưới cho cô vợ.

Trai khôn lấy vợ, gái lớn gả chồng…

Nữ thập tam, nam thập lục

Sau khi tìm hiểu từ rất nhiều người cao tuổi và bản thân cũng tự chiêm nghiệm thì có thể ý người xưa như thế này:

Lời các cụ xưa thường nói rằng: “Nữ thập tam (tức 13 tuổi), nam thập lục (tức 16 tuổi). Đây là độ tuổi mà nam và nữ bắt đầu cập kê.

Và tính từ cái mốc này, gái thì cứ hơn 2 tức 13 + 2 = 15 tuổi, trai thì hơn 1 tức là 16 + 1 = 17 tuổi là có thể cho chúng gặp nhau, yêu nhau, tìm hiểu thảo luận về nhau, thậm chí có thể bước vào tuổi lập gia thất được rồi.

Điều này hoàn toàn khớp với lứa tuổi cập kê trong những lời dạy khác của người xưa, và theo thiển ngộ của người viết, thì đó mới là nguồn gốc và ý nghĩa thực sự của câu nói này.

Lời bàn

Do cách nói của người xưa thường súc tích theo kiểu “ý tại ngôn ngoại” nên quen miệng nói: “Gái hơn 2, trai hơn 1” và không cần phải nói rõ, giải thích rõ nó như thế nào, nên theo thời gian, cùng với sự học ngày càng mất dấu, internet chưa phát triển, lại bằng truyền khẩu là chính, nên ngữ nghĩa cứ sai lạc dần, người đời cứ hiểu sai dần.

Bây giờ chắc ta đã hiểu nhiều khía cạnh của câu ‘gái hơn hai, trai hơn một’ là như thế nào rồi chứ?

“Nhất gái lớn 2 nhì trai lớn 1” hóa ra là như thế

Chúng ta hẳn là không thể áp dụng máy móc lấy vợ thì hơn 2 tuổi, còn nếu lấy chồng thì nên hơn 1 tuổi và sẽ chẳng được ai nếu đều hiểu theo lý như thế!

Bây giờ thì nữ phải đủ 18 tuổi, nam phải đủ 20 tuổi trở lên mới được cho phép lập gia đình, yêu đương ân ái. Nhưng xét cho kỹ thì nên sau khi học xong cao đẳng – đại học hoặc có nghề nghiệp, hoặc và công ăn việc làm đàng hoàng tử tế hãy lập gia đình.

Đành rằng vẫn có rất nhiều trường hợp “gà ri gáy sớm” nhưng đó là ngoại lệ. Theo bạn nam – nữ nên yên bề gia thất ở tuổi nào là phù hợp nhất?

Thái An
Theo: bonphuong