Lý Bạch từng nói: “Nhân sinh quý tương tri, hà tất kim dữ tiền”, nghĩa là: sống ở đời quý ở chỗ có thể hiểu nhau, cần gì phải bận tâm đến vàng bạc. Quả thật, nếu bạn có thể có một người bạn tâm giao, người ấy chân thành giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn, vui mừng khi bạn thành công, đây chẳng phải là điều may mắn lớn trong cuộc đời hay sao? Tuy nhiên, thật quá khó để có một người bạn như vậy.
Bạn đã bao giờ có trải nghiệm như thế này chưa: bạn đối xử với mọi người bằng cả trái tim và sự chân thành, nhưng những người khác chỉ trò chuyện với bạn theo kiểu xã giao?
Chúng ta có thể có nhiều bạn bè trên mạng xã hội, nhiều người ngay lập tức ấn nút “like” hình ảnh của bạn khi bạn đăng lên; nhưng khi thực sự xảy ra chuyện thì bạn lại không có lấy một người đủ tin tưởng để tâm sự. Theo tháng năm, một vài mối quan hệ bạn bè cứ nhạt dần rồi trở nên xa cách. Cuối cùng từ trò chuyện đủ thứ chuyển sang không có gì để nói.
Kỳ thực, bất kể là mối quan hệ nào, chúng ta cũng cần phải đối đãi với nó bằng cả trái tim. Tuy nhiên, đôi khi, không hiểu vì sao, một số người bạn lại rời xa ta ngay cả khi chúng ta luôn tâm sự rất thật lòng với họ. Bởi vậy, cho dù mối quan hệ bạn bè có thân thiết đến đâu, chúng ta cũng không thể bỏ qua những quy tắc “vàng” trong giao tiếp để có thể duy trì được tình bạn lâu bền.
1. Chú ý đến cảm xúc của nhau, không tuỳ tiện tâm sự quá sâu
Khi còn học đại học, tôi có quen với một cô bạn cùng lớp. Mối quan hệ của chúng tôi, không thân thiết, chỉ đôi khi mỉm cười chào hỏi. Tuy nhiên, tôi có thể nhận thấy, cô ấy là một người rất nhiệt tình và tính cởi mở có vẻ thái quá.
(ảnh: Thongdiepcuocsong)
Cô ấy đối xử với một số người bạn trong nhóm như với những người bạn thân. Tức là cô không chỉ thích tiết lộ những chuyện riêng tư của bản thân, mà còn chia sẻ những bí mật nhỏ của một số người khác với những người bạn đó. Cô ấy cũng có tính tọc mạch, khi trò chuyện luôn muốn truy cứu đến tận cùng những mối quan hệ riêng tư của những người bạn trong nhóm.
Mặc dù là một người cực kỳ sôi nổi, nhưng trong bốn năm đại học, cô ấy không thể có một người bạn thân nào. Bởi nhiều người ban đầu có vẻ thân thiết với cô ấy, nhưng lâu dần họ lại xa lánh cô. Vào một ngày, cô ấy đăng trên mạng xã hội dòng trạng thái: “Tôi đối xử với mọi người bằng cả trái tim và tâm hồn, tại sao mọi người không đối xử chân thành với tôi?”.
Cô ấy không biết rằng bản thân đã vi phạm ranh giới giao tiếp xã hội; rằng cô luôn tâm sự quá sâu về đời tư của mình, cũng như can thiệp quá sâu vào đời tư của người khác.
Có thể chúng ta nghĩ rằng, mình có thể sẽ thân thiết hơn với người này bằng cách tiết lộ những chuyện riêng tư của mình hoặc chuyện riêng tư của người khác với họ. Nhưng, chúng ta lại không để ý xem người bạn đó có tiếp nhận câu chuyện của chúng ta hay là họ cảm thấy phiền phức và phản cảm?
(ảnh: Baocantho)
Việc chia sẻ những bí mật nhỏ của người khác với bạn bè sẽ củng cố lòng tin của họ vào bạn hay đối phương sẽ nghĩ: “Cô ấy có thể nói xấu người khác với mình, thì cũng có thể kể xấu mình với những người bạn khác”.
Khi người ta im lặng vì ngại ngùng và dè chừng, bạn vẫn cứ liên tục đặt câu hỏi cho người ta. Có thể bạn không biết rằng, bản thân mình đang xâm nhập quá sâu vào vùng riêng tư của người khác.
Người Trung Quốc có câu: “Bạn tốt nhất giống như trà ngon. Nhẹ mà không chát, thơm mà không nồng. Luôn chậm rãi trôi, giống như một dòng nước dài”. Trà cần có thời gian để ngấm vị, tình bạn cũng cần thời gian gieo trồng như những hạt giống.
2. Bạn bè không thể thân thiết hơn người thân
Cổ nhân từng nói: “kính cận bất đắc chí”, có nghĩa là người ngoài không nên tham gia vào việc của những người trong cuộc thân thiết với nhau. Câu nói cổ xưa này đã được lưu truyền hàng ngàn năm, nhưng nhiều người vẫn hết lần này đến lần khác dẫm lên vết xe đổ này.
Chính tôi, cũng đã từng mắc sai lầm. Tôi đã giới thiệu một bạn nam cùng lớp cho người bạn thân nhất của mình và cả hai người họ đã đến với nhau. Một lần, họ cãi nhau to vì một chuyện vặt vãnh, họ đã tìm đến tôi để ca thán về nhau. Vì muốn hòa giải cho hai người nên tôi đã nói với bạn nam đó rằng, bạn thân của tôi hơi ích kỷ, nếu có thể hãy bao dung cho cô ấy. Tôi cũng nói với cô bạn gái rằng người bạn nam cùng lớp của tôi vốn tính cục cằn từ hồi cấp III, không phải với riêng cô ấy, hãy thông cảm cho anh ta.
(ảnh: Lichngaytot)
Buổi tối đôi vợ chồng trẻ hòa giải, sau khi trò chuyện thì thấy tôi nói xấu cả hai với hai người. Họ không những không đánh giá cao sự hòa giải của tôi mà còn cho rằng tôi cản trở, có ác ý.
Vợ chồng là những người cùng một nhà, dẫu có mâu thuẫn, họ vẫn có mối liên kết gắn bó chặt chẽ với nhau. Dù bạn thân có tốt đến đâu cũng không thể hơn được người nhà. Là một người bạn, chúng ta nên đặt mình đúng chỗ, thận trọng và lý trí hơn, bớt tự cao tự đại khi nhận xét về chuyện gia đình của người khác.
Khi một người bạn tâm sự với chúng ta về những vấn đề gia đình, chúng ta có thể an ủi họ, nhưng đừng cố tỏ ra hiểu biết để giúp đỡ. Khi bạn bè của bạn chỉ trích người thân trong gia đình họ, bạn có thể lắng nghe, nhưng đừng nói quá nhiều, hãy để họ tự giải quyết vì có lẽ họ chỉ trong cơn tức giận mà không thể kìm chế cảm xúc. Bạn biết đấy, “một giọt máu đào cũng hơn ao nước lã”, vấn đề của họ, họ có thể tự giải quyết một cách kín kẽ. Ý tốt của bạn chưa chắc đã khiến bạn bè hài lòng.
3. Đùa giỡn quá trớn sẽ thành bất lịch sự
Em họ tôi kể cho tôi nghe về kinh nghiệm ngăn chặn bạn thân của cô ấy. Rằng ban đầu, hai người họ là bạn tốt của nhau, nhưng vấn đề là người này luôn thích đùa giỡn trong bất kể hoàn cảnh nào.
Trong tiệc cưới của chị họ cô ấy, cô ấy lôi chuyện xưa của người chị và anh bạn trai cũ ra trêu đùa. Người anh rể thực sự tức giận, nhưng người bạn trai cũ của chị họ cô ấy lại nói: “Làm trò cười giữa bạn bè thì có gì sai, anh thật nhỏ mọn”.
Đùa giỡn thái quá là bất lịch sự vì chúng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn (ảnh: Mangthuvien)
Điều quan trọng nhất để bạn bè hòa hợp là sự đồng cảm và tôn trọng lẫn nhau. Nếu bạn cho rằng bạn đang có quan hệ tốt với bạn bè của mình, nên có thể đùa giỡn bất kể ranh giới. Biết đâu đấy, đối phương sẽ cười xoà cho qua một hai lần, nhưng về lâu dài, họ sẽ xa lánh bạn.
Cổ ngữ có câu: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Dù mối quan hệ giữa bạn bè có tốt đẹp đến đâu thì chúng ta cũng đừng quên dùng những lời nói nhẹ nhàng ấm áp để duy trì tình cảm của nhau.
4. Càng là bạn tốt thì càng phải tính toán rõ ràng
Nếu chúng ta cảm thấy là bạn bè của nhau mà tính toán quá rạch ròi thì phải chăng mình chi li quá? Nhưng thông thường là bạn mà càng biết cách tính toán thì tình cảm lại càng bền lâu. Chuyện tiền bạc không rõ ràng, minh bạch thì tình bạn sớm muộn cũng rối tung lên.
Vài năm trước, một vài người bạn thân của tôi từ thời trung học phổ thông qua buổi họp lớp mà thành lập một nhóm. Chúng tôi cùng nhau đi ăn uống, vui chơi vào cuối tuần khi rảnh rỗi. Lúc đầu, mọi người rất nhiệt tình, đến lúc tính tiền cũng không rõ ràng lắm, ai muốn trả thì người đó trả.
Không lâu sau, mọi người dần dần bắt đầu quan tâm, có người thanh toán mấy lần, có người không thanh toán nhiều, có người thanh toán số tiền lớn, có người chỉ tiêu một số tiền nhỏ. Chúng tôi đều đã trưởng thành, ai cũng ngầm hiểu, dần dần lấy cớ “quá bận” để trốn tránh bữa tiệc. Cuối cùng nhóm bạn đã tan rã.
Tính toán sòng phẳng, công bằng là điều kiện cần cho một tình bạn lâu dài (ảnh: Dci)
Kỳ thực, vấn đề này rất dễ giải quyết, nếu mọi người cùng chia nhau trả ngay từ đầu, hoặc mỗi người cùng góp một khoản kha khá để thành lập quỹ giao cho một người quản lý tài khoản. Như vậy đã chẳng có sự hơn thiệt.
Tất nhiên sẽ có những người gian dối, miệng họ nói ra không để ý nhưng trong lòng lại có tính toán nhỏ nhặt. Thay vì không rõ ràng, không sòng phẳng, tốt hơn là cởi mở và nói rõ. Chúng ta cũng sẽ cảm thấy tủi thân vì bị bạn bè lợi dụng, tình cảm bạn bè cũng có thể vì chuyện tiền nong không hợp lý mà thương tổn. Hạch toán sòng phẳng thì lòng sẽ thanh tịnh, hòa thuận thoải mái thì tình thân bền lâu.
5. Có một loại chỉ số EQ cao, được gọi là che giấu cảm giác vượt trội
Tôi từng nghe một tin tức trên mạng như sau: một người mẹ đã bị cho ra khỏi nhóm “họp lớp” sau khi gửi thư nhập học của con gái mình vào Đại học Thanh Hoa vào nhóm.
Hóa ra người mẹ này có một cô con gái thông minh, năng động và luôn đứng đầu trong học tập. Có lần lớp học cũ của bà tổ chức họp lớp, bà mẹ này luôn miệng khen ngợi cô con gái ưu tú của mình. Những người bạn khác cũng vì lịch sự mà gửi mấy lời khen tặng. Cũng vì vậy, người mẹ này, sau khi về nhà đã thường xuyên khoe giấy khen, giấy chứng nhận của con gái mình cho nhóm bạn cùng lớp.
Vào ngày con gái được nhận vào Đại học Thanh Hoa, ngay lập tức, cô ấy chụp ảnh thông báo và đăng trong nhóm và tự hào nói: “Thông báo nhập học của Đại học Thanh Hoa, thật tuyệt vời!” . Nhưng thứ mà cô ấy nhận được là thông báo“bị xóa khỏi cuộc trò chuyện nhóm“.
Nhiều khi giao tiếp với bạn bè, chúng ta thường phạm phải điều tối kỵ là “nói một mình”. Nhóm bạn cùng lớp toàn những người cùng tuổi, nếu con bạn thuộc hàng xuất sắc nhất, nhất định sẽ có một số đứa bị điểm kém, nếu con bạn được nhận vào Đại học Thanh Hoa, một số đứa nhất định phải thi không tốt. Những người thường thích thể hiện cảm giác vượt trội của mình sẽ không có bạn bè.
Bỏ bớt cái tôi để hoà cùng với cái chúng ta (ảnh: Baogialai)
Mặc dù kết bạn rất dễ nhưng để duy trì tình bạn lại không hề dễ dàng, nó có nhiều quy tắc không thành văn nhưng trên hết vẫn là chân thành và tôn trọng lẫn nhau.
Bảo Ngọc / Theo: Aboluowang
No comments:
Post a Comment