Sân bay Quốc tế Techno (Phnom Penh) dự kiến khánh thành vào năm 2025 là minh chứng cho tham vọng biến thủ đô thành trung tâm hàng không, du lịch hàng đầu khu vực của Campuchia. Chính phủ nước này xây dựng công trình nhằm thay thế cảng hàng không hiện tại và nâng khả năng xử lý lượng khách lên gấp 6 lần. Giai đoạn đầu tiên sắp hoàn thiện bao gồm nhà chính trung tâm và sân đỗ tàu bay được ngăn cách bởi một lối đi lấy cảm hứng từ cánh máy bay ở phía bắc, có sức chứa lên đến 13 triệu hành khách mỗi năm. Sân đỗ thứ hai với sức chứa 30 triệu hành khách sẽ được xây dựng vào giai đoạn tiếp theo. Ảnh: Foster + Partners.
Theo các kiến trúc sư tại công ty Foster + Partners, bên cạnh công năng đón, trả hành khách, công trình còn là một "trang trại năng lượng mặt trời" tự thân. Phần mái được đan vào nhau tạo ra những khe hở giúp thu hút ánh sáng tự nhiên vào bên trong tòa nhà. Kết xuất kỹ thuật số cho thấy vỏ thép lưới của cấu trúc sở hữu khả năng tự lọc ánh sáng ban ngày và chiếu sáng nội thất bên trong với hệ thống cây xanh nhiệt đới. Hành khách sẽ đến trực tiếp cổng lên tàu thông qua khu vực hai bên khu nhà chính lấy cảm hứng từ cánh máy bay. Ảnh: Foster + Partners.
Sau The Line (siêu thành phố kéo dài 117 km trên sa mạc), dự án tàu điện ngầm không người lái dài nhất thế giới Riyadhlà công trình khác khẳng định độ chịu chi của Saudi Arabia vừa được khánh thành vào tháng 11/2024. Riyadh có 6 tuyến phủ rộng cả thủ đô cùng tên, với sức chứa là 3,6 triệu hành khách/ngày. Một số tuyến trong tổng 85 nhà ga đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, ga ngầm được mong đợi nhất là Qasr Al Hokm (trong ảnh) vẫn chưa được khai trương. Ảnh: MIR.
Chợ cá Sydney mới ở vịnh Blackwattle, Australia, đang ngày càng "phình ra". Theo CNN, chợ cá lớn thứ ba thế giới sắp khai trương một khu vực mới rộng 3,6 ha vào năm 2025. Mục đích là thúc đẩy ngành hải sản địa phương. Công ty thiết kế 3XN Architects và công ty BVN của Australia hứa hẹn công trình sẽ mang đến "một trải nghiệm chợ cá đa giác quan" dành cho du khách. Trong đó, bộ phận vận hành sẽ được giấu dưới tầng hầm. Tầng trên là một hội trường rộng, tổ chức hoạt động trao đổi, mua bán và một phòng đấu giá cho chủ nhà hàng và nhà bán lẻ. Dự án cũng sẽ trẻ hóa một khu công nghiệp của bến cảng với các cửa hàng, nhà hàng, lối đi dạo và công viên đô thị. Mái nhà được thiết kế gợn sóng, nhấp nhô được đặt trên 350 tấm pin mặt trời hình tam giác. Ảnh: INSW.
Luxembourg sẽ sớm chào đón Trung tâm thương mại Skypark, một trong 2 tòa nhà gỗ lai lớn nhất nước trong năm nay. Diện tích sàn là 78.42 m2, 15.347 m khối gỗ (đủ để lấp đầy sáu hồ bơi chuẩn kích thước Olympic), mặt tiền bằng đồng được làm từ 80% kim loại tái chế. Theo CNN, công trình hưởng ứng chính sách xây dựng bằng gỗ của châu Âu. Pháp cũng góp mặt khi yêu cầu tất cả tòa nhà công cộng mới phải có ít nhất 50% gỗ. Ảnh: BIG.
Cầu Đan Giang (Danjiang), Đài Bắc (Trung Quốc) sẽ thông xe vào cuối năm nay, sau gần 9 năm. Công ty thiết kế tiếp tục thi công dự án của kiến trúc sư Zaha Hadid quá cố. Đây cũng là một trong số công trình cuối cùng trước khi cô qua đời vào năm 2016. Cây cầu dài 12.080 m kết nối 4 đường cao tốc chính qua cửa sông Tamsui, chảy qua thủ đô Đài Bắc của Đài Loan. Công trình có cấu hình mảnh mai "đáng ngạc nhiên", với toàn bộ cấu trúc được hỗ trợ chỉ bởi một cột bê tông duy nhất. Công ty cho biết điều này góp phần "giảm thiểu tác động thị giác" của cây cầu đối với môi trường xung quanh. Cầu Đan Giang sẽ trở thành cây cầu dây văng bất đối xứng một cột dài nhất thế giới khi khánh thành. Ảnh: negative.com/Zaha Hadid Architects.
Minh Vi / Theo: znews