Người Mỹ đã đem nhiều máy móc đến đào kênh nhưng vẫn có rất nhiều công nhân thiệt mạng - Ảnh: Daily Mail
Và rồi họ lại tiếp tục thiệt mạng vì bệnh dịch, muỗi độc, rắn rết, sạt lở vùi lấp. Năm 1904, người Mỹ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn khi thay Pháp thực hiện dự án thủy lộ vĩ đại dài 82km băng qua eo đất hẹp nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Người Mỹ lại sa lầy bệnh tật, tai nạn
Để giảm bớt khối lượng khổng lồ trong việc bạt núi, đào đất làm kênh Panama dài 82km có độ sâu theo mực nước biển mà tử tước người Pháp Viscount Ferdinand Marie de Lesseps đã chọn, kỹ sư Mỹ theo giải pháp mới là làm hệ thống nhiều âu thuyền nâng - hạ ở hai đầu kênh.
Tàu từ biển vô kênh đào sẽ vào hệ thống âu thuyền có các cửa thép đóng lại để xả nước vào nâng dần độ cao đến khi bằng mặt nước trong kênh (vốn cao hơn nước biển trung bình 26m)...
Đầu thế kỷ 20, phương pháp này vẫn là bài toán khó nhưng các kỹ sư Mỹ đã giải quyết xuất sắc trong 10 năm. Vấn đề phức tạp nhất mà họ đối mặt lại vẫn là khâu đào kênh - điều người Pháp đã sa lầy khi có quá nhiều công nhân bị thiệt mạng làm đình trệ tiến độ công trình và tốn kém vượt xa kế hoạch.
Khí hậu Panama có mưa nhiều suốt sáu tháng rồi lại oi bức, đầy côn trùng độc hại và dịch bệnh đã quật ngã hàng loạt công nhân phải ngày đêm làm việc chốn núi rừng.
Đây chính là bài toán nan giải nhất mà tử tước người Pháp Lesseps đã không giải quyết thành công trong cuối thế kỷ 19 như 30 năm trước đó ông từng đào kênh Suez thành công ở Ai Cập.
Khi công trình kênh đào Panama được tiếp tục với người Mỹ, họ đã nối thêm tuyến đường sắt từ thành phố Gamboa để chở nhân công và vật liệu thi công đến gần công trình.
Tuy nhiên sau đó công nhân vẫn phải mang vác thiết bị nặng nề băng qua các núi đồi, rừng rậm lúc nhúc rắn rết và muỗi mòng độc hại gây bệnh nguy hiểm.
Ghi chép lại trong nhật ký, kỹ sư Rufus Forde trực tiếp làm việc tại công trình kể nhiều khi không nhìn thấy mặt trời suốt hai tuần. Người rất mệt mỏi, khó chịu vì quần áo ẩm ướt không thể nào phơi khô. Còn rắn độc thì ở khắp nơi. Vị kỹ sư này kể đã tận mắt nhìn thấy 27 người qua đời đau đớn vì bị rắn độc cắn trúng chỉ trong khoảng thời gian gần ba tháng.
Hàng loạt kiểu chết chóc khác nhau cũng được ghi chép, từ chết dần vì bệnh sốt rét, sốt vàng da cho đến những tử nạn bất ngờ do bị đất đá sạt lở vùi lấp, lũ quét...
Kỹ sư trưởng Wallace ghi trong sổ nhật ký công việc hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng Hàng hải San Francisco rằng phần nhiều công nhân bỏ trốn vì không thể chịu nổi điều kiện sống và làm việc quá vất vả, nặng nhọc trong khi thực phẩm lại thiếu thốn. Mùa mưa kéo dài, nhiều khi suốt mấy tuần công nhân chỉ ăn khẩu phần nghèo nàn với xúp củ cải và bánh mì.
Kỹ sư trưởng này còn kể chính ông đã nhiều lần phải năn nỉ dân bản xứ bán những con la để họ xẻ thịt cải thiện bữa ăn quá nghèo chất. Tuy nhiên dân bản địa hay từ chối, bởi loài vật cần mẫn và có sức khỏe này rất hữu hiệu trong việc thồ hàng hóa giúp dân bản địa di chuyển trên địa hình rừng núi phức tạp...
Wallace còn kể chuyện bi thảm rằng ông ta đã đặt mua từ quê hương là nước Mỹ chiếc quan tài kim loại để nếu mình chết ở hoang địa Panama thì thi thể còn có thể được chở về chôn cất tại quê nhà, chứ không đến nỗi phải vùi lấp ở núi rừng xứ lạ.
Thực tế ngay từ khi người Pháp lần đầu đào kênh trong hai thập niên cuối cùng của thế kỷ 19, chính nhiều kỹ sư, đốc công, quản lý là người Pháp cũng bị bệnh tật và tai nạn chết tại công trình như công nhân trực tiếp đào kênh. Chiếc quan tài mà Wallace đặt mua cho mình về sau cũng được đưa về Mỹ nhưng bên trong là thi hài người bạn ông ta.
Các kỹ sư, đốc công Mỹ làm việc cùng công nhân tại công trình kênh đào Panama giai đoạn 1904-1914 - Ảnh: Daily Mail
Chết vì muỗi độc truyền bệnh
Vị kỹ sư trưởng này bế tắc đến mức phải sớm rời công trình kênh đào Panama. John F. Stevens là kỹ sư thay thế Wallace. Tìm hiểu nguyên nhân liên quan vệ sinh môi trường có thể dẫn đến các vấn đề bệnh tật, ông Stevens đã giao bác sĩ công trình là William Crawford Gorgas tìm cách giải quyết.
Cho rằng muỗi mòng độc hại chính là thủ phạm, Gorgas đã yêu cầu xử lý vấn đề một cách cơ bản như phòng chống dịch.
Ông cho rắc vôi bột quanh các dãy nhà ở công nhân rồi đổ dầu lửa vào các vũng nước tù đọng. Những tấm vải mỏng cũng được sử dụng để che chắn lối cửa ra vào và các sửa sổ... nên giảm bớt được bệnh sốt vàng da.
Để tiếp tục giảm thiểu bệnh sốt rét khiến 80% công nhân phải nhập viện ít nhất một lần vào năm 1906, bác sĩ Gorgas còn yêu cầu như mệnh lệnh bắt buộc tất cả người làm việc tại công trình phải ngủ mùng chắn muỗi.
Khi ra ngoài làm việc họ còn bôi dầu hỏa lên người và được cấp thuốc Quinine miễn phí. Những nỗ lực chuyên môn y tế đã tỏ ra hiệu quả rõ rệt sau khi các loại bệnh tật đã giết chết gần 3.000 người.
Sau đó các phương pháp phòng chống bệnh này của bác sĩ Gorgas cũng được áp dụng ở nhiều nơi khác. Điều trước đây không hề có khi hầu hết quản lý công nhân xây dựng kênh đào Panama, kể cả nhân viên y tế, đều nghi ngờ nguyên nhân từ rác thải thối rữa, những nhà vệ sinh lộ thiên cùng các loại vi khuẩn phát sinh từ độ ẩm do mưa nắng rừng rậm.
Họ còn khuyên nhai lá coca nhưng cách chữa bệnh truyền thống của người bản xứ không hề hiệu quả trên công trình khổng lồ lúc nào cũng có hàng chục ngàn lao động làm việc trong điều kiện quá vất vả...
Ngoài sức người, công trình kênh đào Panama còn được sử dụng nhiều thuốc nổ để phá núi, đào kênh - Ảnh: Daily Mail
"Hẻm núi địa ngục"
10 năm người Mỹ đào kênh Panama từ 1904 đến 1914 thì những năm đầu họ đã tạm giải quyết được vấn đề bệnh tật với người lao động. Tuy nhiên tai nạn rình rập công nhân vẫn luôn là bài toán nan giải khi công trình nguy hiểm lúc thì bị mưa lũ quét dữ dội, lúc thì phải đào khoét các dãy núi đá chênh vênh có thể đổ ập bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, một đoạn dài 15km đi qua hẻm núi Culebra, được gọi "hẻm núi địa ngục", là nỗi khiếp sợ của tất cả công nhân cũng như người quản lý phải làm việc ở đây năm 1909. Đoạn kênh qua đây được đào sâu 12m, rộng 100m, dài 15km xuyên qua "hẻm núi địa ngục" đã làm hơn 100 công nhân thiệt mạng bất ngờ do đá rơi, đất lở, kể cả bị nổ mìn.
Hàng chục ngàn tấn thuốc nổ đã được các kỹ sư Mỹ sử dụng để phá núi đá cứng này và trở thành nguyên nhân khiến nhiều công nhân chết. Trước đó nhiều người đã bị chứng ù tai do thuốc Quinine trị sốt rét cũng như phải thường xuyên nghe tiếng nổ mìn.
Khi các quản lý công trình phát lệnh trú ẩn để nổ mìn thì họ không nghe được hiệu lệnh nên bị đá văng trúng, kể cả những khối lượng đất đá khổng lồ ập xuống mà không thể nào tìm thấy thi hài.
Antonio Sanchez, một công nhân ở đây, đã biên thư kể với con trai mình rằng vô số lao động bị thương rất nặng, thậm chí phải cắt cụt chân tay. Các trạm xá ở đây giống như những bệnh viện dã chiến. Còn các công nhân đi vào làm việc ở "hẻm núi địa ngục" này được xem như đi vào... vùng chiến sự.
Theo tác giả Matthew Parker (viết cuốn Panama Fever), từ năm 1904 đến năm 1914, Mỹ có 5.855 công nhân thiệt mạng để hoàn thành kênh đào Panama. Nếu cộng thêm số công nhân bị thiệt mạng giai đoạn đầu người Pháp làm dự án này thì mỗi km kênh đào đã có khoảng 500 người phải nằm xuống, trong đó nhiều nhất là công nhân nhưng cũng có cả các kỹ sư, đốc công, quản lý người Pháp, người Mỹ... Như vậy đã có hơn 40.000 người thiệt mạng cho thủy lộ dài 82km nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.Kỳ tới: Con kênh đào vĩ đại
Thùy Chi / Theo: TTO