Tuesday, January 21, 2025

GIẢI MÃ KÊNH ĐÀO PANAMA - KỲ 6: KÊNH ĐÀO PANAMA VỀ ĐẤT MẸ

Thế giới bước sang thập niên 1970 với tình hình Chiến tranh lạnh hết sức căng thẳng. Các phong trào đòi độc lập được khích lệ từ những chiến thắng trước đó, cũng như được sự hỗ trợ từ các lực lượng quốc tế mà nhất là Liên Xô.

Tổng thống Jimmy Carter và lãnh đạo Panama Omar Torrijos ký hiệp ước kênh đào Panama năm 1977 - Ảnh: Cơ quan Lưu trữ và quản lý hồ sơ quốc gia Mỹ

Những cuộc biểu tình đòi trả lại kênh đào cho Panama buộc Mỹ phải có giải pháp chính trị phù hợp, chứ không thể cử chiến hạm đổ bộ thêm binh lính phòng vệ "chủ quyền Mỹ" ở the Canal Zone như trước nữa.

Nỗ lực xoa dịu từ các đời tổng thống Mỹ

Nếu như Tổng thống Mỹ thứ 26 Theodore Roosevelt đã cho đào thành công kênh Panama và lấy quyền kiểm soát về Mỹ, thì tổng thống thứ 39 Jimmy Carter chính là người đã trả lại con kênh này sau gần 100 năm nó soi bóng ngọn cờ hoa.

Thật ra, những nỗ lực lẫn áp lực buộc phải thay đổi Hiệp ước Hay-Bunau Varilla năm 1903 trao quyền đào kênh và quản lý vĩnh viễn cho người Mỹ đã xuất hiện từ sớm trước nhiệm kỳ Tổng thống Jimmy Carter.

Sau cuộc biểu tình đẫm máu ngày 9-1-1964 được gọi là Ngày cảm tử của phong trào sinh viên Panama ở vùng kênh đào dẫn đến nhiều thương vong cho cả hai phía, Tổng thống Panama Roberto Chiari đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao hoàn toàn với Mỹ.

Tình hình căng thẳng buộc ông Lyndon B. Johnson phải có giải pháp xoa dịu bằng một hiệp ước mới "vừa lòng cả hai bên", nhưng nhiệm kỳ hơn năm năm từ 1963 đến 1969 của vị tổng thống thứ 36 nước Mỹ này đã không thể hoàn thành.

Nhiều người Mỹ phản đối trả lại kênh đào Panama vì cho rằng Mỹ đã đầu tư quá nhiều vào đây. Ảnh cổng âu tàu do kỹ sư Mỹ thực hiện đầu thế kỷ 20, giải pháp rất khó thực hiện và tốn kém lúc đó - Ảnh: Daily Mail

Cũng như người tiền nhiệm John F. Kennedy (bị ám sát chết ngày 22-11-1963 và Phó tổng thống Lyndon B. Johson lên kế nhiệm), ông đã bị áp lực từ chính nội tại nước Mỹ.

Nhiều nghị sĩ cầm lá phiếu đại cử tri đầy quyền lực ở cả hạ viện và thượng viện đều cho rằng việc hoàn trả kênh đào Panama là phản bội quyền lợi nước Mỹ. Nhiều người Mỹ có quyền lực được sinh ra ở chính vùng kênh đào Panama.

Trong đó có thượng nghị sĩ McCain sinh ngày 29-8-1936 tại Căn cứ Không quân Coco Solo thuộc the Canal Zone do Mỹ kiểm soát. Nhà tâm lý học người Mỹ gốc Phi Kenneth B. Clark nổi tiếng với phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và được giải Nobel hòa bình cũng sinh ra tại đây.

Những năm đầu thập niên 1970, Kissinger, một nhân vật đặc biệt của Chính phủ Mỹ, đã trực tiếp và gián tiếp liên quan đến sự thay đổi của nhiều cục diện địa chính trị thế giới, cũng tìm cách giải quyết "ân oán" với Panama xoay quanh chủ quyền con kênh đào.

Vị cố vấn an ninh - ngoại trưởng dưới hai nhiệm kỳ Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford đặc biệt quan tâm đến vấn đề Panama trong bối trong cảnh khu vực Trung Mỹ nhiều diễn biến phức tạp theo chiều hướng vượt khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Kissinger đã tiến hành đàm phán. Vị ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Panama Juan Antonio Tack đã ra được một tuyên bố chung về hướng giải quyết hòa bình, đồng thời bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở hai nước để tiếp tục đàm phán, nhưng kết cục cuối cùng phải chờ đến nhiệm kỳ Tổng thống Jimmy Carter đại diện cho Đảng Dân chủ.

Giải pháp cuối cùng của Jimmy Carter

Ngay sau khi đắc cử kế nhiệm Gerald Ford, Tổng thống Jimmy Carter đã đối diện nhiều vấn đề quốc tế phức tạp, trong đó có phong trào bền bỉ đòi chủ quyền kênh đào Panama, vụ khủng hoảng nghiêm trọng con tin tại Iran, vấn đề Israel và Ai Cập…

Lý do vị tổng thống thứ 39 của nước Mỹ nỗ lực giải quyết vấn đề Panama cũng không có gì lạ khi đây là một "điểm nóng" phản đối Mỹ dai dẳng suốt hàng chục năm mà nhiều đời tổng thống xứ cờ hoa không thể giải quyết thành công.

Toàn cảnh khu âu thuyền thay đổi mực nước kênh đào Panama từ trên cao. Phíaxa là một con tàu chở đầy container đang tiến vào - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Đặc biệt, điểm nóng địa chính trị Panama nếu không giải quyết dứt điểm được sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người Mỹ tại vùng kênh đào mà còn là cớ "đẩy" các quốc gia khu vực ngày càng ngả vào quỹ đạo ảnh hưởng của Liên Xô.

Tốt nghiệp loại ưu ở Học viện Hải quân Mỹ và từng là sĩ quan phục vụ cho cả hai hạm đội Thái Bình Dương - Đại Tây Dương được kết nối bằng kênh đào Panama, ông Jimmy Carter nhận thức rõ Mỹ không thể từ bỏ thủy lộ chiến lược này.

Tuy nhiên tình hình thập niên 1970 của thế giới song cực Chiến tranh lạnh, Mỹ không thể dùng tiền hay áp lực chiến hạm để giải quyết vấn đề Panama như hồi đầu thế kỷ 20...

Trên nền tảng các đàm phán trước đó, ngày 7-9-1977 Tổng thống Jimmy Carter đã ký kết chính thức với Tư lệnh cảnh vệ quốc gia Panama Omar Torrijos có quyền hạn như một tổng thống (thực tế Panama giai đoạn này không có tổng thống chính thức) hiệp ước về việc trao trả lại kênh đào Panama.

Bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhưng khéo léo, ông Jimmy Carter nói rằng trên vị thế là một cường quốc hùng mạnh, Mỹ tôn trọng và đối xử công bằng với một quốc gia dù nhỏ hơn nhưng có chủ quyền và tự tôn dân tộc.

Thay đổi hoàn toàn so với hiệp ước đã ký năm 1903, hiệp ước mới này mang tính bước ngoặt: công nhận Panama có chủ quyền lãnh thổ trong the Canal Zone - vùng kênh đào, từ đây các hoạt động của người Mỹ khu vực này phải theo pháp luật Panama.

Tuy nhiên, hiệp ước vẫn cho phép Mỹ được quyền tiếp tục vận hành kênh đào thêm 22 năm nữa cho đến ngày chính thức trao trả 31-12-1999, đúng thời điểm bước sang thiên niên kỷ mới.

Điều đặc biệt là hiệp ước năm 1977 cũng quy định sự trung lập vĩnh viễn của kênh đào. Mỹ được quyền điều động quân đội nếu cần thiết để bảo đảm thủy lộ huyết mạch nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương luôn được vận hành thông suốt.

Đông đảo du khách trực tiếp chứng kiến tàu bè qua lại trạm Miraflores Locks thuộc kênh đào Panama - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Một ủy ban kênh đào gồm năm người Mỹ và bốn người Panama cũng được thành lập để kiểm soát kênh đào cho đến ngày được trao trả hoàn toàn. Có lẽ là do Mỹ rút kinh nghiệm từ sự kiện Ai Cập đóng cửa kênh đào chiến lược Suez suốt mấy tháng từ năm 1956 sang 1957 trong cuộc chiến với Israel...

Tuy nhiên thực tế hiệp ước đã không được thông qua dễ dàng trong chính nội tình nước Mỹ. Phe phản đối mà chủ yếu từ Đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ đã chịu thiệt thòi, trao một tài sản quá lớn do chính người Mỹ tạo thành (đào kênh) trong suốt 10 năm với số tiền và xương máu khổng lồ.

Đặc biệt là họ cũng không đồng tình việc Mỹ ký kết hiệp ước với tướng Omar Torrijos được cho là "nhà độc tài" đã tiếm đoạt quyền tổng thống hợp hiến của Panama.

Cuối cùng, cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện vẫn thông qua được hiệp ước của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter với tỉ lệ thắng sít sao chỉ đúng một lá phiếu. Vấn đề phức tạp 100 năm đến đây coi như đã được giải quyết, Mỹ chính thức đồng ý hoàn trả lại kênh đào cho đất mẹ Panama, dù thực tế việc thực hiện còn phải đợi thêm 22 năm nữa…
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và nhiều lãnh đạo các quốc gia đã được Panama mời tham dự lễ nhận lại kênh đào cuối năm 1999. Nhân vật đặc biệt đã ký kết hiệp ước hoàn trả kênh đào, ông Jimmy Carter phát biểu ngắn gọn: "Người Panama, kênh đào thuộc về các vị".

Trong khi đó, Tổng thống đương nhiệm Panama Mireya Moscoso kéo cờ lên tòa nhà quản lý kênh đào. Nhiều người dân quốc gia Trung Mỹ đã coi ngày vui này như là Ngày độc lập thứ hai của họ sau ngày Panama tuyên bố độc lập khỏi Colombia vào năm 1903.
Dự án mở rộng kênh đào Panama gặp khó khăn nhưng vẫn được hoàn thành. Tuy nhiên, thủy lộ chiến lược này lại gặp khó khăn lớn… từ ông trời vì hạn hán gây thiếu nước để vận hành.

Kỳ cuối: Kênh đào Panama lại gặp nạn trời

Thùy Chi / Theo: TTO