Friday, January 17, 2025

HƯƠNG SẮC BỐN MÙA NHẬT BẢN TRONG TỪNG CHIẾC BÁNH WAGASHI

Wagashi là loại bánh xinh xắn người Nhật luôn yêu thích dùng trong các buổi trà đạo, tiệc cưới và làm quà tặng cho bạn bè, người thân.


Wagashi có tên phiên âm tiếng Việt là Hoa quả tử, nghĩa của cái tên này là “vẻ đẹp tự nhiên”. Wagashi là tên gọi chung của bánh kẹo Nhật Bản cổ truyền, dùng để phân biệt với bánh kẹo phương Tây Yogashi. Từ những nguyên liệu tươi ngon tự nhiên, vận dụng các kỹ thuật làm bánh truyền thống, người thợ làm Wagashi luôn tha thiết truyền tải cảm xúc, phô diễn sức sáng tạo và tô điểm cho Wagashi, biến chúng thành những đoá hoa muôn hương ngàn sắc trong địa đàng ẩm thực Nhật Bản.

Muốn cảm thụ Wagashi, phải thưởng thức bằng cả 5 giác quan: nghe tên gọi bằng tai, nhìn bằng mắt, chạm bằng tay, ngửi bằng mũi, và nếm bằng miệng. Dường như cả tinh thần của Xứ sở Phù Tang đều ẩn chứa trong loại bánh này.

“Mùa nào thức ấy”, Wagashi không chỉ được chế biến từ những nguyên liệu đặc trưng theo mùa, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật cầu kì

Nguyên liệu để chế biến bánh Wagashi chính là bột nếp, hoa quả và nhân đậu đỏ. Sự xuất hiện của bánh đã giúp cho những bữa tiệc trà đạo của người dân Nhật trở nên đậm đà và có ý nghĩa hơn. Theo một số tài liệu, nguồn gốc của loại bánh này bắt nguồn từ thời Jomon (14.000 TCN - 300 TCN), khi người dân Nhật Bản sử dụng gạo, đậu và trái cây để làm bánh cúng tế thần linh. Trải qua nhiều thế kỷ, Wagashi đã phát triển và thay đổi theo thời gian, mang đậm dấu ấn văn hóa và lịch sử của mỗi triều đại.

Wagashi không ngừng thay hình đổi sắc, lúc hóa thành một cánh hoa anh đào chớm nở

Mùa xuân nổi bật với Sakura Mochi, bánh gạo nếp hình hoa anh đào có nhân đậu đỏ tượng trưng cho sự khởi đầu mới và vẻ đẹp mong manh. Mùa hè là Mizugashi từ thạch mát lạnh làm vị trái cây giúp giải nhiệt cơ thể trong thời tiết nóng bức. Mùa thu thì Kaki no Yokan, loại bánh thạch đậu đỏ hình quả hồng mang ý nghĩa sung túc và thu hoạch bội thu của mùa thu.

Ở Wagashi, nét sống động như gói trọn cả trời đất rộng lớn vô cùng vào chiếc bánh nhỏ bé vô cùng

Cuối cùng, mùa đông bánh gạo nếp Uiro dẻo dai được yêu thích, nó có nhiều hương vị khác nhau như trà xanh, hoa anh đào… mang đến cảm giác ấm áp và ngọt ngào trong những ngày lạnh giá.

Wagashi không còn là một món ăn, mà đã trở thành một nét văn hóa hấp dẫn của Nhật Bản

Vì Wagashi làm từ các lọai đậu, ngũ cốc, rong biển và các loại thảo quả sấy khô, các nguyên liệu truyền thống nên người thưởng thức có thể cảm nhận được mùi vị thiên nhiên thanh khiết với vị ngọt nhẹ nhàng, mát lạnh như tan ra trên đầu lưỡi. Chưa hết, khi cầm trong tay chiếc bánh bạn sẽ cảm nhận sự mềm mại, độ ẩm, độ giòn khi cắt, cảm nhận độ tan của bánh trong miệng, tất cả mang lại cho bạn cảm giác tươi ngon và sự độc đáo của một tác phẩm ẩm thực.

Theo thời gian, đôi lúc bánh Wagashi bị ảnh hưởng bởi văn hóa nước ngoài nhưng nhìn chung, chúng vẫn giữ được những nét văn hóa riêng của Nhật Bản

Mỗi loại Wagashi đều mang hương vị lẫn hình dáng riêng biệt. Dần dà, càng có nhiều món bánh hấp dẫn được sáng tạo, thậm chí là theo từng tháng trong năm. Loại bánh này thường được chia thành các nhóm nhỏ, có thể gọi tên như Namagashi. Nhóm này bao gồm các loại bánh tươi có độ ẩm trên 30%. Namagashi có những dạng thức chế biến đặc thù như dạng bánh Mochi (Mochimono), bánh hấp và bánh chiên. Trong đó, bánh dạng Mochi là những loại bánh có nguyên liệu chính là gạo nếp hoặc gạo tẻ được chế biến theo phương pháp làm bánh Mochi.

Người dân Nhật Bản vốn có quan niệm mỹ học rất sâu sắc, do đó cái đẹp trở thành chuẩn mực hàng đầu trong mọi lĩnh vực của đời sống Nhật Bản

Ngoài ra còn có Hannamagashi, là các loại bánh có độ ẩm khoảng 10 - 30%. Hannamagashi có hai dạng thức chế biến đặc thù là Anmono và Okamono, trong đó Anmono là những loại bánh có lớp vỏ ngoài khá mỏng, điểm hấp dẫn nằm ở phần nhân đậu nghiền nhão (An), còn Okamono là loại bánh có sự kết hợp giữa các thành phần được chế biến độc lập nhau.

Vậy nên nếu có dịp ghé thăm quốc gia này vào bất kỳ thời điểm nào, đừng bỏ lỡ món “bánh hoa” vừa thơm ngon vừa bắt mắt. Thưởng thức Wagashi không chỉ là thỏa mãn cơn thèm ngọt mà còn để cảm nhận sự tinh tế của thiên nhiên và văn hóa Nhật Bản.

Khánh Linh / Theo: travellive