(Lai thị không ngôn khứ tuyệt tung)
Lai thị không ngôn khứ tuyệt tung,
Nguyệt tà lâu thượng ngũ canh chung.
Mộng vi viễn biệt đề nan hoán,
Thư bị thôi thành mặc vị nùng.
Lạp chiếu bán lung kim phỉ thuý,
Xạ huân vi độ tú phù dung.
Lưu lang dĩ hận Bồng sơn viễn,
Cánh cách Bồng sơn nhất vạn trùng.
無題四首其一
(來是空言去絕蹤)
來是空言去絕蹤
月斜樓上五更鐘
夢為遠別啼難喚
書被催成墨未濃
蠟照半籠金翡翠
麝薰微度繡芙蓉
劉郎已恨蓬山遠
更隔蓬山一萬重
Vô đề tứ thủ kỳ 1
(Mờ mịt tăm hơi hứa hẹn suông)
(Dịch thơ: Chi Nguyen)
Chàng đi, ước hẹn xa xăm.
Ánh trăng chênh chếch, canh năm trên lầu.
Biệt ly, mộng ước còn đâu ?.
Cánh thư biên vội, nhuốm mầu héo hon .
Nến soi, lồng gấm cung son.
Phù dung héo hắt, hương còn đâu đây !.
Bồng Lai cách trở chân mây.
Chàng Lưu ôm hận, bấy chầy ai mong ?
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Lý Thương Ẩn 李商隱 (813-858) tự Nghĩa Sơn 義山, hiệu Ngọc khê sinh 玉谿生, người Hà Nội, Hoài Châu (nay là Tầm Dương, phủ Hoài Khánh, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ sa sút. Thuở thiếu thời giỏi văn thơ, được giao du với các con của tể tướng Lệnh Hồ Sở 令狐楚, trong đó có Lệnh Hồ Đào 令狐綯. Bấy giờ trong triều có hai phe đối nghịch nhau, tranh quyền đoạt lợi, một phe là Ngưu Tăng Nhụ 牛僧孺, phe kia là Lý Đức Dụ 李德裕, hầu hết quan lại đều bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp ấy. Sở theo phe Ngưu. Năm Lý Thương Ẩn mười bảy tuổi (829), Sở tiến cử làm tuần quan mạc phủ. Năm hai mươi lăm tuổi (837), ông lại được Lệnh Hồ Đào khen ngợi, nâng đỡ nên đỗ tiến sĩ năm Khai Thành thứ 2. Năm sau ông được Vương Mậu Nguyên 王茂元, tiết độ sứ Hà Dương mến tài, dùng làm thư ký và gả con gái cho. Chẳng may, Vương thuộc phe Lý Đức Dụ khiến ông trở thành kẻ vong ân bội nghĩa, xảo quyệt vô hạnh trong mắt Lệnh Hồ Đào. Vương Mậu Nguyên chết, rồi Lý Đức Dụ thất thế, ông đến kinh sư nhưng không được làm gì cả. Sau nhờ Trịnh Á vận động, ông được làm chức quan sát phán quan. Trịnh Á bị biếm ra Lĩnh Biểu, ông cũng đi theo. Ba năm sau ông lại trở về, làm huyện tào tại Kinh Triệu. Ông nhiều lần đưa thư, dâng thơ cho Lệnh Hồ Đào để phân trần và xin tiến dẫn, nhưng vẫn bị lạnh nhạt. Tiết độ sứ Đông Thục là Liễu Trọng Hĩnh dùng ông làm tiết độ phán quan, kiểm hiệu Công bộ viên ngoại lang. Liễu bị bãi quan, ông cũng mất chức. Như thế là ông mắc kẹt giữa hai phái, chưa hề được đắc chí trên hoạn lộ, cứ bôn tẩu khắp nơi: Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Từ Châu nương nhờ hết người này đến người khác, long đong khốn khổ. Cuối cùng ông về đất Oanh Dương thuộc Trịnh Châu rồi bệnh chết năm 46 tuổi.
Nguồn: Thi Viện