Monday, January 20, 2025

GIẢI MÃ KÊNH ĐÀO PANAMA - KỲ 5: KÊNH ĐÀO VÀ HƠN 100 NĂM "ÂN OÁN" MỸ-PANAMA

Ngược dòng thời gian gần 120 năm trước, Tổng thống Theodore Roosevelt đã trực tiếp công du, thị sát công trình kênh đào Panama ngày 6-11-1906.

Sinh viên Panama bị cảnh sát trấn áp ở vùng kênh đào năm 1964 - Ảnh: Getty Images

Khoảnh khắc tổng thống thứ 26 của nước Mỹ ngồi lên chiếc xe xúc đất đã thể hiện rõ sự đặc biệt quan tâm con kênh đào dài 82km nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Tuy nhiên đây cũng chính là nguồn cơn "ân oán" giữa Mỹ và Panama xoay quanh thủy lộ này, thậm chí cả máu đã đổ xuống.

Nhượng địa vùng kênh đào

Thật ra, ngay từ năm 1903 khi ngoại trưởng Mỹ John Hay và kỹ sư Bunau Varilla làm đại diện cho chính phủ lâm thời Panama thỏa thuận Hiệp ước Hay-Bunau Varilla để trao quyền đào kênh và quản lý vĩnh viễn cho người Mỹ đã bị dân bản địa phản đối.

Nhiều ý kiến cho rằng bất công khi Mỹ trả cho Panama một gói 10 triệu USD và 250.000 USD mỗi năm để đổi lấy Mỹ được toàn quyền quản lý trực tiếp con kênh và dải đất rộng 5 dặm dọc hai bờ cũng là vùng kênh đào (the Canal Zone) như là nhượng địa của Mỹ.

Hàng ngàn người Mỹ, trong đó có cả những nhân vật quan trọng, đã sống như một quốc gia riêng trong the Canal Zone và có luật pháp riêng không chịu sự ảnh hưởng của luật pháp Panama.

Người dân Panama không được sống trong đây và có chuyện gì cần vào như đến làm việc thì họ phải xin phép như vào chính nước Mỹ.

Đặc biệt, nếu nhìn trên bản đồ Panama thì vùng kênh đào đã cắt ngang đất nước này từ Thái Bình Dương tới Đại Tây Dương, như vậy Panama đã bị chia đôi bởi dải đất 1.432km2 như là lãnh thổ thu nhỏ của Mỹ.

Ngoài những chỉ trích Mỹ được lợi quá lớn từ việc thu phí tàu bè qua kênh cùng diện tích đất quá rộng, còn có những phản đối về nền văn hóa của các dân tộc bản địa Panama đã bị "va chạm" bởi văn hóa Mỹ.

Với chế độ bổ nhiệm thống đốc quản lý vùng kênh đào mà ban đầu là các sĩ quan như George Whitefield Davis, Richard Lee Metcalfe, thực tế người Mỹ đã mạnh tay chi phối chính phủ nước Cộng hòa Panama non trẻ (mới được độc lập khỏi Colombia năm 1903) suốt thập niên thứ nhất và thứ hai của thế kỷ 20.

Đây là thời gian con kênh đang được đào (1904-1914) và thời kỳ đầu vận hành. Các sử gia cho rằng thời kỳ này Mỹ đã sử dụng cả sức mạnh quân sự, chính trị lẫn tài chính để tác động vào các cuộc bầu cử và phong trào nổi dậy của người dân Panama...

Sau đó, sự tác động này có thay đổi với chính sách Mỹ "không can thiệp" vào Panama bên ngoài the Canal Zone. Tuy nhiên những sự phản đối Mỹ vẫn không hề dừng lại dù lúc âm ỉ khi thì bùng nổ dữ dội.

The Canal Zone - Vùng kênh đào Panama do Mỹ kiểm soát là nguồn cơn khiến người Panama biểu tình đòi lại

Trong khi đó, khoảng từ thập niên 1930, Mỹ cũng đã tăng khoản chi cho Panama. Trong đó Mỹ tăng khoản thanh toán mỗi năm cho việc kiểm soát vùng kênh đào, đồng thời xây dựng một cây cầu bắc qua kênh, cũng như ban hành các quy định về điều kiện làm việc bình đẳng giữa người lao động Panama và người Mỹ.

Cụ thể, người lao động Panama đã được nhận tiền lương cao hơn trong vùng kênh đào.

Thế chiến thứ 2 bùng nổ, kênh đào Panama nhanh chóng là thủy lộ huyết mạch của Mỹ và phe đồng minh. Các chiến hạm và tàu chở hàng tiếp viện của Mỹ thường xuyên qua lại kênh đào Suez và kênh Panama để chiến đấu với quân Nhật ở Thái Bình Dương cũng như Đức ở Đại Tây Dương và chiến trường châu Âu.

Điều này buộc Mỹ phải tăng cường lực lượng quân sự bố phòng nhưng bị sự phản đối của người dân Panama

Trước tình hình nóng bỏng này, Tổng thống Panama Arnulfo Arias lại bị phái quân sự trong nước đảo chính cuối năm 1941. Tuy nhiên yêu cầu khẩn cấp thời chiến của Mỹ đã được tổng thống kế nhiệm Arias Ricardo de la Guardia đáp ứng trong bối cảnh người dân Panama vẫn không ủng hộ sự mở rộng quân sự của Mỹ tại quốc gia Trung Mỹ.

Sau năm 1945, Jose Antonio Remon, tư lệnh cảnh sát quốc gia Panama, thắng cử tổng thống. Thực hiện lời hứa với những người ủng hộ mình, ông đã quyết liệt đàm phán với Mỹ nhằm tiến tới ký một hiệp ước mới thay hiệp ước Hay-Bunau Varilla vốn bị chỉ trích là thiệt thòi cho Panama.

Mục tiêu của Jose Antonio Remon là giảm quyền kiểm soát của Mỹ với kênh đào và tăng tiền phải trả cho Panama. Tuy nhiên vị tổng thống này đã không thể thành công, ông bị ám sát năm 1953.

Đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh lạnh sau Thế chiến thứ 2, quân đội Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường vũ khí ở Panama, trong đó có cả bom hóa học mà về sau đã gây căng thẳng buộc Mỹ phải tháo dỡ.

Tàu ngầm Pháp chuẩn bị qua kênh đào Panama trong Thế chiến thứ 2 - Ảnh: Warfarehistorynetwork, Warhistoryonline

Từ quốc hữu hóa kênh đào Suez đến đòi kênh Panama

Một bước ngoặt mới là tháng 7-1956, việc Ai Cập vượt qua căng thẳng với Anh, Pháp để quốc hữu hóa thành công kênh đào Suez đã khích lệ phong trào đòi quyền kênh đào của người Panama.

Giữa bối cảnh nhiều quốc gia đòi độc lập với sự ủng hộ của Liên Xô, ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles dưới thời Tổng thống Dwight D. Eisenhower lại tuyên bố "khu vực kênh đào thuộc chủ quyền lãnh thổ của Mỹ" như đổ thêm dầu vào lửa.

Người dân mà đặc biệt là sinh viên Panama liên tiếp tổ chức biểu tình, yêu cầu Mỹ phải trả kênh đào. Năm 1958, phong trào sinh viên Panama thực hiện "Chiến dịch chủ quyền" bất bạo động cắm thành công 75 quốc kỳ Panama vào the Canal Zone, vùng kênh đào mà Mỹ xem như "lãnh thổ" của mình.

Ricardo Rios Torres, một thủ lĩnh sinh viên trong cuộc biểu tình này, đã nói rằng họ không sợ nữa, mà muốn chấm dứt "chế độ thực dân" khi bị người Mỹ ngăn cản vào the Canal Zone và nói rằng đây không phải là lãnh thổ người Panama.

Tàu từ biển vào hệ thống âu thuyền kênh đào Panama - Ảnh: Worldatlas

Tình hình căng thẳng đến mức Mỹ phải tăng cường quân đội đến bảo vệ the Canal Zone khi lực lượng biểu tình hăm he "xâm chiếm hòa bình" vùng đất kênh đào. Một hệ thống hàng rào kiên cố cũng được Mỹ tăng cường xây dựng khẩn cấp để đối phó với sự đe dọa.

Tuy nhiên những cuộc biểu tình vẫn liên tục bùng nổ và được gọi là Diễu hành yêu nước. Người biểu tình vẫn tìm cách xâm nhập vào the Canal Zone và xảy ra đụng độ với cảnh sát khiến nhiều người bị thương ở cả hai phía.

Để xoa dịu sự căng thẳng của những người biểu tình cầm cờ Panama, năm 1962 Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và Tổng thống Panama Roberto Chiari đã đồng ý cờ hai quốc gia cùng được treo trong các khu vực dân sự the Canal Zone vẫn do Mỹ kiểm soát...

Tuy nhiên đến đầu ngày 9-1-1964, đỉnh điểm căng thẳng lại bùng nổ khi học sinh Mỹ ở Trường trung học Balboa và những người Mỹ sống trong vùng kênh đào lại không chấp nhận cho treo cờ Panama như thỏa thuận cách đó hai năm của hai tổng thống.

Một cuộc biểu tình lớn lại xảy ra dẫn đến bạo động suốt mấy ngày làm 4 lính thủy đánh bộ Mỹ và 23 người Panama thiệt mạng cùng hàng trăm người bị thương. Người Panama đã gọi ngày này là Ngày cảm tử.

Du khách tham quan Bảo tàng về kêmh đào Panama - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Sự việc nóng bỏng đến mức Tổng thống Panama Roberto Chiari phải tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ. Và mãi 35 năm sau đó, sự "ân oán" xoay quanh kênh đào nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương mới thật sự kết thúc từ nỗ lực của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter từ năm 1977.
Sau khi bị Panama cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1964, các tổng thống Mỹ sau đó như Lyndon B. Johson đã nhận thức nếu leo thang căng thẳng hơn nữa, tình hình Panama và Trung Mỹ có lợi thêm cho Liên Xô đang ở thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Vị tổng thống này đã chuẩn bị cho việc ký kết một hiệp ước mới về kênh đào Panama nhưng không được hoàn thành.

Anulfo Arias tái đắc cử Tổng thống Panama năm 1968, kiên quyết đòi Mỹ trao trả hoàn toàn vùng kênh đào mà họ đang kiểm soát nhưng ông chỉ tại chức được 11 ngày vì bị giới quân sự đảo chính.
Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã vượt qua cuộc bỏ phiếu sát sao ở Thượng viện để hoàn trả kênh đào cho "đất mẹ" Panama năm 1999. Nhưng những trắc trở của thủy lộ nhân tạo này vẫn chưa kết thúc...

Kỳ tới: Tương lai nào cho kênh đào Panama

Thùy Chi / Theo: TTO