Minh họa hệ thống âu thuyền để nâng - hạ dần tàu khi vào - ra kênh đào Panama
Để đạt được thành tựu có thể nói là vĩ đại này, Pháp đã phải mất hơn 20 năm cuối thế kỷ 19 và trải qua hai thất bại, sau đó lại thêm 10 năm nỗ lực để hoàn tất của người Mỹ.
Ba thập niên và hàng chục ngàn sinh mạng
Gần 700 triệu đô la đã được "thả" vào con kênh đào này ở thời điểm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, mà nếu tính cụ thể thời giá đầu thế kỷ 21 thì đó là số tiền khổng lồ. Trong đó người Mỹ đã chi ra 400 triệu đô la, người Pháp đã chi gần 300 triệu đô la.
Khoảng hơn 300 triệu khối đất đá đã được đào qua các giai đoạn. Hàng trăm ngàn công nhân bản xứ lẫn từ các quốc gia khác đã làm việc vô cùng vất vả trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhiều bệnh tật nguy hiểm vùng núi rừng Panama.
Có những số liệu khác nhau về số người lao động bị thiệt mạng ở đây nhưng từ nguồn nào cũng lên đến hàng chục ngàn người.
Số liệu cao nhất theo nhà văn - sử gia Matthew Parker viết cuốn Panama Fever lên đến 500 người thiệt mạng trên 1km kênh đào, nghĩa là khoảng 41.000 người đã phải nằm xuống để hoàn tất được con kênh dài 82km này. Còn những nguồn số liệu thấp nhất cũng hơn 27.000 người chết.
Đặc biệt, ngoài số người chết nhiều nhất là công nhân còn có cả các kỹ sư, quản đốc, quản lý, công binh, binh lính, kể cả nhân viên y tế người Pháp, người Mỹ cũng phải thiệt mạng ở công trình khắc nghiệt này.
Các kỹ sư Mỹ và công nhân xây dựng âu thuyền ở kênh đào Panama - Ảnh: Daily Mail
Hàng triệu kg thuốc nổ cũng được sử dụng phá đá đào kênh mà người ta đã ví von nó đủ sử dụng cho một cuộc chiến lớn ở thời điểm đó.
Tính cụ thể phải mất 35 năm để hoàn tất kênh đào Panama dài 82km được khởi động từ năm 1879 khi tử tước người Pháp Viscount Ferdinand Marie de Lesseps lập Công ty Compagnie Universelle du Canal Interocéanique de Panama.
Trong khi đó cũng ông Lesseps chỉ phải mất 10 năm từ năm 1859 đến 1869 để đào con kênh Suez xuyên qua Ai Cập rộng hơn và cũng dài hơn gấp đôi kênh đào Panama.
Điều đó cho thấy việc thi công con kênh nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương ở eo đất hẹp Panama, Trung Mỹ khó khăn, vất vả, tốn kém lẫn thiệt hại nhân lực như thế nào.
Khánh thành ngày 15-8-1914, kênh đào Panama có 17 âu thuyền cùng hai hồ nhân tạo là nguồn cung cấp nước cho các âu thuyền. Trong tổng 82km chiều dài của kênh có khoảng 77km là do con người đào.
Và SS Ancon là chuyến tàu chở hàng đầu tiên thông dòng kênh này. Khác với những con tàu có thể hoạt động bình thường dễ dàng ở kênh đào Suez, Ai Cập, các tàu ra vào kênh Panama đều cần sự phối hợp chặt chẽ với người và máy móc trên bờ.
Kỳ quan "thép"
Bỏ phương pháp ban đầu của tử tước Lesseps là phải đào kênh đến độ sâu theo mực nước biển trong khi địa hình Panama mà kênh băng qua lại cao hơn mặt nước biển 26m, kỹ sư Mỹ thiết kế âu thuyền nâng - hạ ở hai đầu kênh giáp Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Thử thách của phương pháp này là việc thiết kế và vận hành các âu thuyền, trong khi khó khăn của phương pháp ban đầu là phải đào quá sâu để nước kênh bằng với mực nước biển thấp hơn rất nhiều.
Có thể hiểu một cách đơn giản rằng giải pháp của kỹ sư Mỹ là xây dựng các hệ thống âu thuyền để ngăn (hoặc xả) nước bằng những cánh cửa thép khổng lồ ở hai đầu kênh đào.
Người ta có thể ví von các âu thuyền này giống như "thang máy bằng nước" để nâng tàu từ cửa biển vào kênh và hạ xuống khi tàu từ kênh ra biển.
Chẳng hạn, khi tàu từ biển Thái Bình Dương vô kênh đào sẽ phải vào trong các âu thuyền này.
Hệ thống các cánh cửa thép do con người vận hành sẽ đóng lại để xả nước vào âu thuyền cho tàu lên cao dần theo từng âu đến khi bằng mực nước kênh vốn cao hơn mặt nước biển bên ngoài.
Tàu hàng ngày nay đang vào âu thuyền để vô kênh đào Panama - Ảnh: TRUNG NGHĨA
Sau đó, con tàu sẽ chạy bình thường để đến hệ thống âu thuyền kế tiếp cũng vận hành theo phương pháp này nhưng lại hạ dần mực nước để tàu có thể ra biển Đại Tây Dương có mặt nước thấp hơn kênh.
Mỗi lần một con tàu qua các âu thuyền này cần phải tốn 200 triệu khối nước ngọt có nguồn cung từ các hồ nhân tạo bên trong kênh. Trong khi đó, việc bảo trì các cánh cửa thép cũng cần phải thường xuyên và khá tốn kém.
Các kỹ sư phụ trách việc xây dựng âu thuyền đã diễn giải hệ thống âu thuyền này chính là sự khác biệt của kênh đào Panama so với các kênh đào khác trên thế giới, và chính vì vậy nó đã được các kỹ sư Mỹ công nhận là "kỳ quan thép" của nhân loại.
Thời gian một con tàu Mỹ băng qua kênh đào Panama khoảng 8-10 giờ, trong khi nếu đi đường vòng qua mũi Cap Horn ở cực nam Chile thuộc Nam Mỹ sẽ phải mất thêm hàng tuần với hải trình dài hơn 22.000km và đặc biệt là vùng biển này cũng nhiều hiểm nguy, trắc trở hơn.
Một âu tàu ở kênh đào Panama - Ảnh: Freightwaves
Cả thế giới được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ kênh đào Panama nhưng Mỹ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất. Với lưu lượng tàu bè mang cờ Mỹ qua kênh đào này nhiều nhất, khoảng 12% hàng hóa và dầu hỏa của Mỹ được vận chuyển bằng đường biển đã qua đây.
Trong Thế chiến thứ hai, cả Đức và Nhật đều muốn dùng không quân hoặc hải quân phá hoại con kênh có địa thế chiến lược nhưng họ đã không thể thực hiện được. Trong khi đó Mỹ cũng bố trí chiến hạm và các trận địa pháo để phòng vệ kênh.
Theo Hiệp ước Hay-BunauVarilla được Mỹ ký với Chính phủ Panama năm 1903, Mỹ được quyền sở hữu độc quyền vĩnh viễn đối với vùng kênh đào Panama.
Trong khi đó Panama được Mỹ thanh toán 10 triệu USD cùng khoản tiền 250.000 USD mỗi năm và bắt đầu từ chín năm sau khi ký hiệp ước. Thực tế sau đó khoản tiền Mỹ trả hằng năm cho Panama đã được tăng dần nhiều lần.
Theo Hiệp ước Hay-BunauVarilla, Mỹ không chỉ quản lý kênh đào Panama mà còn được quyền kiểm soát cả vùng kênh đào rộng hơn nhiều (bao gồm cả vùng đất rộng 5 dặm hai bên bờ kênh) như là tô giới có tổng diện tích 1.432km2 của Mỹ ở quốc gia này.Hàng triệu tấn hàng hóa và hàng ngàn tàu bè đã qua lại kênh đào Panama mỗi năm, nhưng gần đây nó cũng gặp trắc trở vì thiếu nước do biến đổi khí hậu. Trong khi đó quốc gia láng giềng Nicaragua dù gặp khó khăn vẫn không từ bỏ nỗ lực đào một kênh thứ hai nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Thống đốc quân sự đầu tiên của Mỹ ở vùng kênh đào là George Whitefield Davis. Đến khi con kênh được khánh thành năm 1914 thì George Washington Goethals được bổ nhiệm làm thống đốc dân sự.
Với địa thế cắt ngang như phân đôi Panama, vùng kênh đào do Mỹ kiểm soát chính là nguồn cơn nhiều vấn đề rắc rối của Mỹ với Panama, mà gần nhất là tuyên bố của Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức Donald Trump sẽ "lấy lại" kênh đào Panama.
Kỳ tới: Kênh đào và 100 năm "ân oán" Mỹ - Panama
Thùy Chi / Theo: TTO