Tuesday, January 21, 2025

TỔNG THỐNG MỸ CÓ QUYỀN LỰC ÂN XÁ THẾ NÀO

Tổng thống Mỹ có quyền ân xá cho bất cứ công dân nào phạm tội, nhưng chỉ áp dụng ở cấp liên bang và có thể phải trả giá chính trị nếu sử dụng không phù hợp.


Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/12 thông báo đã ký lệnh ân xá "toàn diện và vô điều kiện" cho Hunter Biden, đồng nghĩa con trai ông sẽ không bị truy tố hay lĩnh án vì "những hành động đã hoặc có thể đã thực hiện trong giai đoạn từ ngày 1/1/2014 đến 1/12/2024", tránh được các bản án dự kiến được tuyên trong tháng này.

Ân xá là một trong những đặc quyền của tổng thống Mỹ được quy định trong hiến pháp. Điều 2, Mục 2, Khoản 1 hiến pháp Mỹ ghi "Tổng thống có quyền hoãn thi hành án và ân xá với các tội danh chống lại nước Mỹ, ngoại trừ những trường hợp bị luận tội".

Tổng thống Mỹ có thể thực hiện quyền ân xá bất cứ khi nào trong nhiệm kỳ, nhưng họ thường tận dụng đặc quyền này để miễn hình phạt cho bạn bè, nhà tài trợ, đồng minh chính trị trong ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, hay còn gọi là "lệnh ân xá lúc nửa đêm".

Một số ông chủ Nhà Trắng đã ân xá cho người thân, nhưng ông Biden là lãnh đạo Mỹ đầu tiên dùng quyền này với con trai. Ông cũng là một trong số ít tổng thống Mỹ ký lệnh ân xá cho người thân không phải vào ngày cuối nhiệm kỳ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 1/12. Ảnh: AFP

Tòa án Tối cao Mỹ mô tả quyền ân xá của tổng thống là "toàn diện", tức có phạm vi khá rộng và thường không chịu sự điều chỉnh của quốc hội. Tuy nhiên, quyền này có một số hạn chế là chỉ áp dụng với người phạm tội liên bang, không áp dụng cho các vụ kiện dân sự và không thể can thiệp vào các vụ truy tố cấp bang.

Người bị kết tội thường sẽ gửi đơn đến Phòng Ân xá thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, bộ phận hỗ trợ tổng thống thực thi quyền này. Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu người xin ân xá phải chờ ít nhất 5 năm sau khi lĩnh án hoặc đã ra tù trước khi nộp đơn.

Phòng Ân xá sau đó sẽ đưa ra khuyến nghị có chấp thuận đơn hay không, dựa trên các yếu tố như cách họ hành xử sau khi lĩnh án, mức độ nghiêm trọng của tội danh và đã chịu trách nhiệm thế nào. Công tố viên phụ trách vụ truy tố tương ứng cũng sẽ được đề nghị tham gia quy trình.

Phòng Ân xá gửi báo cáo cho Thứ trưởng Tư pháp để bổ sung ý kiến, trước khi chuyển đến Nhà Trắng, nơi Tổng thống ra quyết định cuối cùng. Thời điểm ân xá thường là gần Lễ Tạ ơn hoặc Giáng sinh.

Tổng thống Mỹ cũng có thể ký lệnh ân xá trước khi người đó bị kết tội, trường hợp được áp dụng đối với Hunter.

Trong nhiệm kỳ, ông Biden đã ký một số lệnh ân xá theo khuyến nghị từ Bộ Tư pháp nhằm thực hiện các đợt trao đổi tù nhân với nước ngoài, giảm án cho hơn 6.500 người bị kết án vì tàng trữ cần sa.

Tuy nhiên, quyền ân xá cũng là "con dao hai lưỡi", có thể gây hệ lụy chính trị đáng kể, đặc biệt là nếu dùng cho những vụ án gây tranh cãi hoặc tội phạm tai tiếng. Đây là lý do "lệnh ân xá lúc nửa đêm" ra đời, khi tổng thống Mỹ chờ đến những giờ phút cuối cùng của nhiệm kỳ để ân xá cho ai đó thuộc nhóm này.

Cựu tổng thống Gerald Ford và Bill Clinton là những người đứng sau một số lệnh ân xá gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. ( AP, Reuters: Gary Cameron )

Ngày 20/1/2001, vài giờ trước khi chuyển giao quyền lực cho ông George W. Bush, ông Bill Clinton đã ký lệnh ân xá cho 140 người, trong đó có em trai cùng mẹ khác cha Roger Clinton Jr.. Roger lĩnh án tù vì tàng trữ và buôn bán ma túy năm 1985. Lệnh ân xá của ông Clinton giúp em trai xóa án tích và đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ dùng quyền này với người trong gia đình.

Trường hợp thứ hai là khi ông Donald Trump ân xá cho ông thông gia Charles Kushner, bố của con rể Jared Kushner, vào tháng 12/2020. Ông Charles Kushner từng lĩnh án hai năm tù năm 2005 cho 18 tội danh, trong đó có trốn thuế và mua chuộc nhân chứng. Quyết định ân xá của ông Trump đã giúp ông thông gia xóa án tích.

Hiến pháp Mỹ không quy định trường hợp tổng thống tự ân xá. Vấn đề làm dấy lên tranh cãi sau khi ông Trump nhắc đến khả năng này vào những ngày cuối nhiệm kỳ tháng 1/2021, nhằm tránh bị truy tố sau khi rời Nhà Trắng. Lịch sử Mỹ cũng chưa ghi nhận trường hợp tổng thống nào tự ân xá.

Một số chuyên gia pháp lý nói câu trả lời là "không", trích quan điểm của Bộ Tư pháp Mỹ trước khi ông Richard Nixon phải từ chức vì bê bối Watergate năm 1974. Cơ quan này cho rằng ông Nixon không thể tự ân xá vì "nguyên tắc cơ bản là không ai được phép làm thẩm phán trong vụ kiện của chính họ".

Ông Nixon sau đó được ân xá bởi người kế nhiệm Gerald Ford, quyết định đến nay vẫn gây tranh cãi. Một số cho rằng ông Ford đã có lựa chọn khó khăn nhưng đúng đắn, số khác nói hành động này khiến ông thất cử năm 1976.

Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu ở Washington ngày 13/11. Ảnh: AP

Ông Trump năm 2023 đối mặt 4 vụ truy tố, gồm hai vụ cấp bang và hai vụ cấp liên bang, một lần nữa làm dấy lên câu hỏi về quyền tự ân xá của ông chủ Nhà Trắng. Cựu tổng thống từng trả lời phỏng vấn NBC News rằng "tự ân xá là điều sau cùng ông muốn làm".

Sau khi ông Trump đắc cử, công tố viên đặc biệt Jack Smith đã từ bỏ hai vụ truy tố cấp liên bang mà ông phụ trách. Trong khi đó, hai vụ truy tố cấp bang khả năng cao sẽ tạm dừng cho đến khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ hai.

Như Tâm (Theo AP, ABC News)
Link tham khảo: