Thursday, March 31, 2016

HOA SƠN LUẬN KIẾM (華山論劍)

Mấy hôm nay tôi post hơi nhiều về những cảnh đẹp có thật trong tiểu thuyết của Kim Dung và nhắc nhở nhiều về Hoa Sơn phái và Hoa sơn luận kiếm.


Thời biết đọc tiểu thuyết kiếm hiệp, nhờ 2 tiệm cho mướn sách ở gần nhà nên tôi đọc nhiều lắm cho tới nay vẫn không quên. Bây giờ qua xứ người mần mò học thêm chút ít chữ Hán Việt nên có thể so sánh qua 2 mạng Việt và Hoa để tìm tài liệu post lên giới thiệu cho các bạn.
 
Các bạn trẻ thì không biết nhưng các bạn già thì nhất định phải mê vài bộ kiếm hiệp của Kim Dung hay Cổ Long mà phần nhiều do Hàn Giang Nhạn dịch. Nói qua , nói lại cũng để muốn nhắc lại một phần trong truyện võ hiệp Kim Dung mà nếu quên hay không biết "võ lâm ngũ bá" và "Hoa sơn luận kiếp" thì coi như hơi mù mờ trong lúc đọc tiểu thuyết của ông.

"Hoa sơn luận kiếm" đã xảy ra 3 lần nhưng trong truyện dịch ở VN, mình gọi là "võ lâm ngũ bá" nhưng theo bên Hoa ngữ thì họ gọi là "Thiên Hạ Ngũ Tuyệt" và lần đầu trong phần thượng của "Xạ điêu anh hùng truyện" còn bên VN thì lần đầu xảy ra trong bộ "võ lâm ngũ bá" nhưng thế nào đi nữa, phân đoạn ra bao nhiêu phần vẫn là dịch từ tiểu thuyết nguyên thủy của Kim Dung.



Chúng ta hãy cùng nhau ôn lại 3 lần "luận kiếm". (LKH)

HOA SƠN LUẬN KIẾM
華山論劍
 
Thiên hạ ngũ tuyệt, Càn khôn ngũ tuyệt hay Võ lâm ngũ bá là những tên gọi khác nhau để chỉ cùng một nhóm năm người được coi như võ công cao nhất trong Xạ Điêu Tam Bộ Khúc của Kim Dung. Năm người sẽ đại diện cho năm phương hướng đông, tây, nam, bắc và trung tâm. Nhóm này được bầu ra thông qua một cuộc Hoa Sơn luận kiếm.
 
Hoa Sơn luận kiếm là một sự kiện đặc biệt trong võ lâm đương thời. Trong đó những cao thủ có tiếng tăm nhất sẽ được mời đến núi Hoa Sơn, thi thố võ nghệ. Năm người mạnh nhất sẽ được gọi là Thiên hạ ngũ tuyệt (天下五绝). Trong thời đại Xạ Điêu tam bộ khúc (射鵰三部曲), có tổng cộng ba lần Hoa Sơn luận kiếm.


Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất:
 
Cuộc luận kiếm lần thứ nhất diễn ra trước khi câu truyện Anh hùng xạ điêu bắt đầu. Vào thời điểm này, trên giang hồ đang tranh giành quyết liệt bí kíp võ học Cửu Âm chân kinh (九阴真经). Vô số cao thủ, bang phái bị cuốn vào vòng tranh đoạt, gây ra rất nhiều tổn thất. Những cao thủ võ công bậc nhất quyết định tụ họp trên đỉnh Hoa Sơn để định ra ai là người mạnh nhất. Người đó sẽ được giữ Cửu Âm chân kinh vì theo lí luận của họ, chẳng kẻ nào dám đến cướp bí kíp võ học trong tay người mạnh nhất võ lâm.
 
Sau nhiều người thi thố võ công, cuối cùng Thiên hạ ngũ tuyệt (天下五绝) cũng được bầu ra gồm năm người:

Đông Tà Hoàng Dược Sư (東邪 黃藥師) hay còn gọi là Hoàng Lão Tà (黃老邪): Đảo chủ đảo Đào Hoa, tính tình quái dị, thường hành sự theo ý mình, coi thường thiên hạ. Ông có 6 đệ tử tài năng, nổi tiếng với tuyệt kỹ Đạn chỉ thần thông (彈指神通), Lạc Anh thần kiếm chưởng (落英神劍掌), Ngọc Tiêu kiếm pháp (玉蕭劍法).
 
Tây Độc Âu Dương Phong (西毒 歐陽鋒) còn được mọi người gọi là Lão Độc Vật (老毒物): Chủ nhân núi Bạch Đà ở Tây Vực, độc ác, xấu xa, tham lam, xảo quyệt. Y nổi danh với tuyệt kỹ Hàm mô công (蛤蟆功), Linh xà trượng pháp (靈蛇杖法) và khả năng pha chế ra những loại độc dược chết người, không ai giải nổi.


Nam Đế Đoàn Trí Hưng (南帝 段智興) còn được gọi là Đoàn Hoàng Gia: Hoàng đế nước Đại Lý ở phương Nam. Gia tộc của ông nhiều đời luyện võ. Ông nổi tiếng với tuyệt kỹ gia truyền Nhất dương chỉ (一陽指) và tuyệt kỹ Tiên Thiên Công (先天功) có thể đả thông kỳ kinh bát mạch do Vương Trùng Dương chỉ dạy. Về sau khi đi tu mang pháp hiệu là Nhất Đăng Đại Sư(一灯大師).
 
Bắc Cái Hồng Thất Công (北丐 洪七公) còn được người đời gọi là Lão Ăn Mày: Bang chủ thứ mười tám của Cái Bang, tham ăn tham rượu nhưng hào hiệp, trượng nghĩa. Võ công của ông rất cao. Hồng Thất Công thường sử dụng Giáng Long thập bát chưởng (降龍十八掌) và Đả cẩu bổng pháp (打狗棒法).
 
Trung Thần Thông Vương Trùng Dương (中神通 王重陽): Chưởng môn tổ sư Toàn Chân phái (全真派), vốn là một lãnh tụ chống Kim, sau thất bại quay về núi Chung Nam lập ra môn phái. Ông có bảy đệ tử rất giỏi giang nổi tiếng với Thiên cang bắc đẩu trận được giang hồ ca tụng gọi là Toàn Chân thất tử (全真七子). Môn võ công đắc ý của ông là Tiên thiên công (先天功) có thể giúp mọi người đả thông kỳ kinh bát mạch.
 
Vương Trùng Dương được coi là người mạnh nhất, nên ông được giữ Cửu Âm chân kinh. Trong cuộc luận kiếm này có hai sự vắng mặt được cho là đáng tiếc đó là: Bang chủ Thiết Chưởng bang (鐵掌幫) (không phải Cừu Thiên Nhận 裘千仞) là Thượng Quan Kiếm Nam (上官剑南) và nữ hiệp Lâm Triều Anh (林朝英) của phái Cổ Mộ (古墓派).


Hoa Sơn luận kiếm lần thứ hai:
 
Cuộc luận kiếm thứ hai diễn ra sau lần thứ nhất 25 năm vào cuối tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu (射雕英雄传). Lần luận kiếm này khá vắng vẻ chỉ có Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư, Âu Dương Phong và Quách Tĩnh tham gia. Đoàn Trí Hưng (khi này đã đi tu, đổi là Nhất Đăng đại sư), Cừu Thiên Nhận (裘千仞), Chu Bá Thông (周伯通) có đến nhưng không tham dự. Vì vậy cuộc luận kiếm này không bầu ra Thiên hạ ngũ tuyệt.
 
Lần này, do Quách Tĩnh (郭靖) là hậu bối so với Bắc Cái và Đông Tà nên Hoàng Dung (黃蓉) bày ra quy củ, hai người lần lượt thi đấu với Quách Tĩnh, trong 300 chiêu, ai hạ chàng trước thì thắng. Còn nếu sau 300 chiêu mà không ai đánh bại Quách Tĩnh thì chàng sẽ là người chiến thắng. Cả hai vị cao thủ đều biết ý Hoàng Dung muốn người yêu của mình thắng nên đều không đánh hết sức ngay từ đầu, không ai hạ chàng sau 300 chiêu. Đúng lúc đó Âu Dương Phong xuất hiện. Y vốn bị Quách Tĩnh đưa bản Cửu Âm chân kinh giả và Hoàng Dung chỉ dẫn tu luyện sai đường nên tẩu hỏa nhập ma, kinh mạch hỗn loạn, trở nên điên cuồng. Nhưng vô tình điều này lại khiến cho võ công của y tăng tiến vượt bậc. Tuy vậy thiên hạ đệ nhất võ công lại có thể là Chu Bá Thông (周伯通).
 
Hoa Sơn luận kiếm lần thứ hai kết thúc mà không bầu ra Thiên hạ ngũ tuyệt.


Hoa Sơn luận kiếm lần thứ ba:
 
Cuộc luận kiếm lần thứ ba diễn ra vào cuối tiểu thuyết Thần Điêu Hiệp Lữ (神鵰俠侶). Bấy giờ, Vương Trùng Dương, Hồng Thất Công, Âu Dương Phong đều đã qua đời nhưng cao thủ mới xuất hiện cũng rất nhiều. Lần luận kiếm này có khá đông cao thủ tham gia: Hoàng Dược Sư (黃藥師), Nhất Đăng đại sư (一燈大師), Quách Tĩnh (郭靖), Hoàng Dung (黃蓉), Dương Quá (楊過), Tiểu Long Nữ (小龍女), Chu Bá Thông (周伯通). Tuy vậy lần này mọi người không trực tiếp giao đấu mà chỉ tự phân chia thứ bậc thông qua hiểu biết về võ thuật của nhau. Cuối cùng Thiên hạ ngũ tuyệt được bầu ra gồm có.
 
Đông tà Hoàng Dược Sư (東邪 黃藥師)
 
Tây cuồng Dương Quá (西狂 楊過): Cao thủ trẻ tuổi có biệt danh là Thần điêu đại hiệp (神鵰大俠). Chàng võ công rất cao, tu tập từ nhiều môn phái. Môn võ công nổi tiếng nhất của chàng là Ảm Nhiên Tiêu Hồn chưởng (黯然銷魂掌).


Bắc hiệp Quách Tĩnh (北侠 郭靖): Đại hiệp trấn giữ thành Tương Dương, là một vị anh hùng đương thời.Võ công cực kỳ thâm hậu. Môn võ công nổi tiếng nhất của Quách Tĩnh là Giáng Long Thập Bát chưởng (降龍十八掌).
 
Nam tăng Nhất Đăng Đại Sư (南僧 一燈大師).: Chính là Nam Đế Đoàn Trí Hưng khi xưa, giờ đã đi tu.
 
Trung Ngoan Đồng Chu Bá Thông (中顽童 周伯通): Sư đệ của Trung Thần Thông Vương Trùng Dương, tính nết như trẻ con, hay nghịch ngợm, chơi đùa, say mê võ học. Võ công nổi tiếng nhất của ông là Không Minh quyền (空明拳) và thuật Song thủ hỗ bác (雙手互搏).
 
Đây là lần Hoa Sơn luận kiếm cuối cùng. Từ đó về sau trong tiểu thuyết của Kim Dung không thấy có cuộc bầu chọn thiên hạ vô địch nào nữa.

(Sưu tầm trên mạng)

TRUYỀN THUYẾT ĐẬU HỦ THỐI

Lần đầu tiên đi Hong Kong năm 1990, lúc đó phần nhiều chỉ là shopping, có lần đi Tống thành (宋城) giống như vào movie world thời đó, xem xong đi ra ngữi thấy mùi là lạ như ống cống hay cầu tiêu bể, đi thêm đến góc đường rẻ qua thì thấy môt chiếc xe bán rong mà nhiều người đang đứng đợi mua "tàu hủ thúi", tôi đi ngang qua và nhìn thì giống tàu hủ chiên dòn, rồi lè lẹ đi ra khỏi khu vực này.
Lần thứ hai đi Trương Gia Giới, lên Avatar coi phong cảnh, ngang qua khu vực bày bán đồ ăn, một mùi thúi kinh khủng, khi đi ngang những miếng tàu hủ đen xì bốc mùi được chiên lên và nhiểu người đang chờ đợi để mua. Chạy mau.
Lần thứ ba, đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng vì coi qua mấy clip phim tây,. Tây ăn được mình sẽ ăn được. Đi chợ đêm ở Đài Loan, vào chợ đã ngữi mùi, thấy nhiều chỗ bán, mua xong không dám ăn vì chịu không nỗi, đành liệng bỏ.
Vậy chớ người ăn được thì nói là ngon thơm quá chừng, giống như người VN, thích ăn mắm thì mắm thơm và ngon, nếu không thích thì sẽ như tôi chịu thua và không dám thử.


Nhưng "Tàu Hủ Thúi" từ đâu mà ra thì chăc ít người biết được cái sự tích này:

'TRUYỀN THUYẾT ĐẬU HỦ THỐI'
Hằng năm, Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan có hàng chục ngàn vụ khiếu nại dân sự, trong đó có một phần không nhỏ vụ kiện liên quan đến đậu hũ thối.
Tại sao món ăn được coi là một trong những nét độc đáo nhất của ẩm thực Trung Hoa lại bị “kỳ thị” như vậy? Nguyên nhân chính vì đã ngửi nó một lần thì không thể nào quên. Bắt nguồn từ một truyền thuyết.
Đậu hũ thối (stinky tofu hoặc chou dofu theo cách gọi của người Trung Quốc) là một loại đậu được ủ lên men có mùi khá lạ. Là món ăn vặt phổ biến ở Đông Á và Đông Nam Á, đặc biệt là Hong Kong, Đài Loan, Indonesia và Trung Quốc, đậu hũ thối thường được bán ở chợ đêm hoặc quán lề đường, nhưng cũng có lúc được bán trong các cửa tiệm vào buổi trưa.


Đậu hũ thối có một lịch sử phát triển khá kỳ thú. Tương truyền vào đời vua Khang Hy, có một thư sinh nghèo đi thi mấy lần vẫn không đỗ đạt. Lộ phí đã cạn, anh không thể về nhà và phải ở lại kinh thành chờ kỳ thi năm sau. Để mưu sinh, anh quyết định làm đậu hũ bán. Tuy nhiên khi mùa hạ tới, đậu hũ bị ế nhiều khiến anh vô cùng lo lắng. Anh chợt nảy ra ý định cắt nhỏ đậu hũ cho vào một cái chum và ướp muối.
Thật bất ngờ, vài ngày sau mở ra thấy đậu hũ tỏa một mùi vị khó tả, sau khi mạnh dạn nếm thử anh cảm thấy rất ngon và bắt đầu mang loại đậu hũ đặc biệt đó ra bán. Kể từ đó đậu hũ thối được lan truyền rộng rãi.
Không biết truyền thuyết trên có bao nhiêu phần đúng, song ngày nay đậu hũ thối đã trở thành món ăn gây nghiền cho rất nhiều người.
Một số người so sánh đậu hũ thối với fromage xanh (blue cheese) của phương Tây. Một số khác lại cho rằng nó có mùi thịt ôi. Nhưng đối với những người ghiền đậu hũ thối thì mùi hương này lại là tiêu chuẩn đánh giá mức độ ngon của món ăn: càng nặng mùi càng ngon.


Một tên gọi, trăm cách chế biến
Ở mỗi vùng miền, quốc gia, đậu hũ thối lại có biến thể khác nhau. Chỉ nói chuyện màu sắc, tại Chiết Giang người ta chiên vàng đậu hũ thối, còn ở Hồ Nam đậu hũ thối có màu đen. Đậu hũ thối của Trường Sa và Thiệu Hưng cùng được ưa chuộng như nhau (đây cũng là món ăn hợp khẩu của chủ tịch Mao Trạch Đông lúc sinh thời), nhưng lại rất khác nhau về phương pháp chế biến cũng như hương vị.
Bí quyết của các cửa tiệm đậu hũ thối nổi tiếng nhất Trường Sa là chọn đậu nành thật tốt, làm ra thứ đậu hũ mềm, mịn tuyệt hảo, ủ với nước cốt được chế biến từ măng tre, nấm đen… trong sáu tháng, rồi vớt ra để ngoài không khí trong sáu giờ (nếu vào mùa hè) và hai ngày (nếu vào mùa đông) cho tới khi đậu hũ nổi mốc và chuyển thành màu xám.
Sau đó, người ta rửa sạch đậu hũ bằng nước tinh khiết, để khô tự nhiên và bắt đầu mang ra bán. Thứ đậu hũ “thiên hạ đệ nhất thối” này được chiên ngập trong chảo dầu và dùng kèm với nước tương (được hâm nóng) và cải bắp muối. Mùi vị khi thưởng thức khác hẳn đậu hũ thối bán tại Thiên Tân (chủ yếu được chế biến theo kiểu Nam Kinh), có mùi hương nhẹ hơn.


Tại Hong Kong, đậu hũ thối là món ăn khoái khẩu của nhiều người, tương tự như bong bóng cá và philê bò. Người Hong Kong thích thưởng thức đậu hũ thối theo phong cách đường phố với cách chế biến khá đơn giản, chỉ cần chiên giòn và rưới 2-3 loại tương lên, rồi vừa đi dạo vừa ăn.
Đậu hũ thối ở đây được bán theo xiên, bỏ vào túi giấy tiện lợi, tuy nhiên các bác sĩ thường khuyến cáo không nên dùng quá nhiều vì chứa khá nhiều dầu mỡ.
Đậu hũ thối được ưa chuộng ở Hong Kong tới nỗi có quá nhiều người bán. Điều này dẫn đến hệ lụy là người bán thường bị khiếu nại hoặc bị phạt tiền vì tội làm… ô nhiễm không khí.
Trong khi đó tại Đài Loan, đậu hũ thối được coi là một đặc sản bình dân, có thể tìm thấy dễ dàng ở quán lề đường hoặc chợ đêm. Đậu hũ thối ở Đài Loan thường được chiên giòn (ăn kèm với các loại tương và Rau cải muối chua), nướng hoặc cắt nhỏ làm nguyên liệu cho một số món ăn Tứ Xuyên. Đài Loan còn là “quê hương” của loại đậu hũ thối chay nổi tiếng, với thành phần đậu hũ ủ với nước cốt gồm lá mù tạt tươi, măng tre và hơn 10 loại thảo dược Trung Quốc.
Vẻ ngoài tầm thường, chế biến cầu kỳ!


Cách chế biến đậu hũ thối khá cầu kỳ. Thông thường, người ta làm đậu hũ từ đậu nành, rồi ủ cùng với nước cốt gồm sữa, rau (thường là rau cải) và thịt trong khoảng sáu tháng cho lên men.
Ngoài ra, nước cốt ủ đậu hũ thối có thể là tôm khô, mù tạt xanh, măng tre và thảo dược Trung Quốc.
Đậu hũ thối trông bề ngoài tầm thường nhưng nguyên liệu chế biến lại là những gia vị tươi ngon nhất nên giá thành không quá rẻ. Vì thế một số gian thương đã làm đậu hũ thối giả bằng cách cho thuốc súng, cá ươn hoặc các thực phẩm đã ôi thiu vào ủ đậu hũ, gây hại sức khoẻ thực khách.
Cách ăn đậu hũ thối cũng rất đa dạng, có thể ăn tươi (sống), hấp, tiềm, cắt nhỏ như đậu phụ bình thường để làm các món xào hoặc phổ biến nhất là chiên ngập trong chảo dầu. Khi đậu hũ thối vàng rộm, người ta vớt ra khỏi chảo, để cho ráo dầu và ăn kèm với tương ớt, tương đen, đậu đen xắt nhỏ, kim chi… Ngon nhất là thưởng thức đậu hũ thối với loại sốt được pha chế đặc biệt từ nước tương, giấm và dầu ớt.
Đậu hũ thối thậm chí trở thành đề tài nghiên cứu khoa học quen thuộc của các sinh viên, giảng viên chuyên ngành hóa học ở Trung Quốc.


Trường đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) đã tiến hành xét nghiệm một mẫu đậu hũ thối trong phòng thí nghiệm và phát hiện hơn 15 loại vi khuẩn có lợi trong thành phần của nó, tương tự các loại vi khuẩn tìm thấy trong sữa chua (yogurt). Còn các nhà nghiên cứu Hong Kong tìm được 21 loại hợp chất hóa học vô hại trong đậu hũ thối, chỉ có duy nhất một loại không tốt cho sức khỏe nhưng không đáng kể.
Nguồn Người Lao Động
(đăng trong mạng Mùi Vị)

ĂN CÁ NÓC TRÊN ĐẤT PHÙ TANG

Trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản, món đặc trưng nhất là "sashimi" tức hải sản được ăn sống và trong đó món 'cá nóc' là cầu kỳ trong các cao lương mỹ vị của Nhật. Món cá này để chắc chắn không trúng độc một cách vô lý thì nên qua Nhật vào những nhà hàng có licence mà ăn.


Theo Wikipedia: "Họ Cá nóc (danh pháp khoa học: Tetraodontidae) là một họ thuộc bộ Cá nóc. Chúng vẫn được coi là động vật có xương sống độc thứ hai trên thế giới, chỉ sau ếch độc phi tiêu vàng. Các nội tạng như gan, và đôi khi cả da của chúng có chứa nhiều độc tố. Tuy nhiên thịt của một số loài trong họ Cá nóc được coi là cao lương mỹ vị tại Nhật Bản (河豚 nghĩa là "lợn sông"), Hàn Quốc (bok), Trung Quốc (河豚), Việt Nam gọi là cá đùi gà, thường được chế biến bởi những đầu bếp giàu kinh nghiệm, biết được bộ phận nào an toàn để ăn.
Họ Cá nóc gồm ít nhất 120 loài thuộc 26 chi. Phần lớn các loài sinh sống ở vùng nhiệt đới, khá là hiếm gặp ở vùng ôn đới và hoàn toàn vắng bóng ở địa cực. Chúng có kích thước từ nhỏ đến vừa, mặc dù một vài loài có thể dài đến quá 100 cm."


Tôi chưa có cơ hội ăn loại này nhưng một người bạn đã thử qua thí nói là ngon lắm, thịt rất ngọt,dòn và thơm, chấm nhẹ qua nước tương pha wasabi thì rất tuyệt. Hy vọng có dịp qua Nhật để ăn còn bây giờ thì tạm thưởng thức qua bài viết sau. (LKH)

ĂN CÁ NÓC TRÊN ĐẤT PHÙ TANG
Mùa đông Tokyo, những người khách quý phương xa đến Nhật sẽ được mời tôi đi ăn cơm ở những quán ăn truyền thống. Trong những món ăn mà người dân xứ Phù Tang cho là quý hiếm có Rau mọc trên núi và cá quý dưới biển, đặc biệt, món cá nóc sống được xem như cao lương mỹ vị .
Món ăn được dọn ra, bên cạnh nhiều chén nhỏ đựng nào là hành xắt, củ cải nghiền, ớt đỏ xay nhuyễn, chén giấm là một đĩa lớn được bày ở giữa, có in hình cô gái mặc kimono. Nhìn kỹ lắm mới thấy rõ là trên mặt đĩa có xếp một lớp cá sống có thịt màu trắng rất ngon
Nhấp một ngụm sake nóng, chúng tôi gắp lát cá sống nhúng vào chén giấm có hành, củ cải, ớt đỏ băm nhỏ - còn gọi là giấm ponzu - đưa vào miệng nuốt chậm mà cảm nhận vị lành lạnh thơm ngát ngọt ngào của món cá sống.
Mấy anh bạn Nhật giới thiệu đây là cá fugusashi, tức cá nóc ăn sống. Tôi quá sức kinh ngạc vì đó là loại cá nước mình đang khuyến cáo - nếu không nói là cấm - không nên ăn.


Fugu tức cá nóc, là một trong những món ăn thuộc loại cao lương mỹ vị và đắt tiền ở Nhật Bản. tại các nhà hàng nổi tiếng, mỗi suất ăn món fugu giá từ 100-200 USD, tuy nhiên tại các nhà hàng bình dân thì chỉ từ 15-20 USD. Fugu được chế biến thành nhiều món ăn và được giới sành ăn đánh giá cao như fugusashi, fugu - zõsui, hiezake, chiri-nabé... trong đó, fugusashi là món cá nóc ăn sống, là món fugu cao cấp nhất và được trình bày rất mỹ thuật.
Fuguchiri: là món cá nóc ăn cùng mì sợi, lá hoa cúc, bắp cải, cà rốt, nấm, ăn kèm với xốt giấm ponzu. Fugu - zõsui: là món cháo cá gồm có: cơm, trứng, nước dùng - ăn kèm với xốt giấm ponzu. Hirezake: là món thức uống làm từ vây cá nóc phơi khô, rồi đem nước cho đến khi ngả màu vàng hơi cháy, sau đó ngâm vào rượu sake rồi uống nóng.
Anh bạn người Nhật giải thích, con cá nóc chứa đựng điều nghịch lý. Món cá này tuyệt hảo, ngon từ trong ra ngoài. Xương thì chiên lên để ăn, da thì cắt vào trong món sashimi. Thế nhưng Gan, buồng trứng và một số cơ quan khác của nó chứa chất độc gây chết người.
Cá nóc có tên khoa học là Diodon holacanthus, nó chứa một số lượng Tetrodotoxin là một chất độc thần kinh rất mạnh, chỉ cần liều lượng bằng đầu kim đã có thể gây ngộ độc và cướp đi mạng sống của một người rất khỏe mạnh. Chất này độc hại hơn Cyanide gấp 1.200 lần và một con cá nóc chứa đủ chất động để giết chết 30 người.


Doanh Nhân Sài Gòn cho biết, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật, có hơn 100 loài cá nóc và tất cả đề có chứa chất độc. Có năm, gần 100 người Nhật đã chết vì độc tố của con cá lạ lùng này, hầu hết xảy ra nơi những vùng không được huấn luyện để chế biến loại cá độc này.

Một trong những người nổi tiếng nhất của Nhật về bộ môn Kabuki là nghệ sĩ Mitsugoro Bando VIII, đã bị chết bởi độc tố của cá nóc. Cá nóc là một món ăn duy nhất không được phép phục vụ Nhật hoàng.
Trong cuốn tự điển cổ của Nhật Bản, người ta gọi cá này là huku, là một loài “thủy trư”, từ này còn có một nghĩa khác là hạnh phúc. Các nhà nghiên cứu xác nhận rằng văn hóa ăn cá fugu đã có từ 2.000 năm trước.
Vào thời Minh Trị Thiên hoàng, món cá nóc bị cấm ăn, ai mà lén lút ăn, khi bị phát hiện sẽ chịu phạt nặng, đặc biệt là các Samurai (hiệp sĩ) thì bị khai trừ và phạt nặng hơn dân thường. Cho đến giữa thế kỷ XIX, Thủ tướng Ito Hirofumi đã bãi bỏ lệnh này.
Trong những năm cầm quyền, một lần Thủ tướng Ito Hirofumi đến thành phố Shimonoseki thuộc tỉnh Yamaguchi, đã ghé dùng bữa tại nhà hàng Shupanro, tại đây ông được người bếp trưởng chế biến món cá nóc “để đãi khách quý”.
Là người sành ăn, ông phát hiện vị ngon đặc biệt của con cá nóc và thấy việc loại bỏ nó như lâu nay là phí của trời. Từ đó, chính phủ cho dân chúng được ăn cá nóc nhưng kèm theo nhiều luật lệ quy định nghiêm khắc như chỉ có những đầu bếp được đào tạo qua trường lớp, có thời gian thực tập lâu dài mới được phép chế biến.


Trải qua hơn một thế kỷ, nhà hàng Shunpanro ở Yamaguchi ngày càng nổi tiếng vì món ăn chế biến từ cá nóc và tính lịch sử của nó. Nhờ vậy mà chính phủ sau đó ban hành luật cho phép ăn cá nóc. Ngày nay, có rất nhiều chi nhánh nhà hàng Shunpanro ở các thành phố lớn của Nhật Bản, thực khách hầu hết là giới thượng lưu hoặc chính khách nổi tiếng tiếp đãi khách quý.

Xem ra con cá có độc tố dữ dằn lại là nguồn cảm hứng của văn học. Người Nhật thường nhắc đến một thành ngữ xa xưa mang ý nghĩa triết lý thâm sâu: “Tôi muốn ăn fugu, nhưng tôi không muốn chết”.
Hay con cá nóc thể hiện một cách lãng mạn hơn qua những câu thơ haiku của Buson - một thi sĩ nổi tiếng của Nhật Bản: “Tôi không thấy nàng đêm nay /Tôi đành buông thả nàng / Nên tôi đi ăn cá nóc”
Khó mà hiểu hết ý nghĩa của thơ haiku, nhưng có thể hiểu đại ý rằng vì đau buồn, thất vọng trong tình yêu, chàng đã đi tìm sự quên lãng hình bóng nàng trong hương vị tuyệt vời của món cá nóc. Mà cũng có thể biết đâu vì không thể quên được hình bóng nàng, nên chàng si tình đi ăn cá nóc cho chết để quên nàng vĩnh viễn!
Dù sao những giai thoại như vậy cũng cho thấy người Nhật rất hiểu về tác hại của chất độc chết người từ con cá nóc.
Tỉnh Yamaguchi, đặc biệt là thành phố Shimonoseki thuộc đảo Honshu, nổi tiếng vì cá fugu mà dân trên đảo gọi là cá huku theo cổ ngữ. Ở đây có một chợ đặc biệt chỉ chuyên bán cá nóc. Chợ bắt đầu họp từ 3 giờ sáng, chỉ có những người đàn ông hiểu rành về con cá nóc mới được vào đây. Cá nóc được bán sống và không niêm yết giá. Việc mua bán diễn ra rất lạ lùng, các cuộc mặc cả giá không diễn ra bằng lời mà bằng các ra dấu bằng tay. Điều lạ lùng là người mua và người bán cùng luồn tay vào trong cái ống bằng vải màu đen được che kín để... mặc cả. Đắt nhất và cũng ngon nhất là tigerfugu (cá nóc cọp), giá hơn 100 USD một con.


Tại chợ Haedoman ở Shimonoseki, chỉ riêng cá nóc, doanh số bán đã lên đến 40 triệu USD mỗi mùa đông.
Ngay cả người Nhật, có dịp đến Yamaguchi thường ngạc nhiên không hiểu món fugusashimi là món cá nóc ăn sống rất đắt tiền lại bày bán tại siêu thị bình dân. Thành phố này nổi tiếng nhờ cá nóc đến nỗi người ta dùng con cá này để làm biểu tượng cho thành phố.
Ngày nay, vì nuôi cá nóc có lợi nhuận cao nên nhiều vùng biển ở tỉnh Mie bên cạnh Osaka, ngư dân đã bỏ nuôi ngọc trai để chuyển qua nuôi cá nóc.
(theo bài đăng trên mạng MÙI VỊ)
(Sưu tầm trên mạng)

Wednesday, March 30, 2016

ĂN CƠM CHƯA ? (食飯未 ?)

Tôi là người gốc Triều Châu nhưng từ nhỏ đến lớn chỉ học tiếng Việt và chỉ giao du với bạn VN và ngay cả cái nhà tôi ở cũng ngay trung tâm thành phố (ngay trước Hội Đồng Xã Tân An - Cần Thơ) và xung quanh là nhà của các công chức VN. Vốn liếng tiếng Tiều của tôi lúc đó rất ít nhưng lớn lên, cho đến giờ tôi vẫn có một suy nghĩ: tại sao người ta gặp nhau hay hỏi "Anh khỏe không?", "How are you?" "你好嗎?" nhưng duy nhất thời đó người Triều Châu ở VN găp nhau lại hòi "食飯未?" (chẹ bừng quề) có nghĩa là "Ăn cơm chưa?"
Nghe bà nội tôi kể: hồi đó bên Tàu nghèo lắm, nhất là ở quê hương của bà, không đủ cơm ăn, một nắm gạo nấu nước, người lớn uống nước cháo, gạn xác cháo cho con ăn đỡ dạ. Có lẽ đó là lý do tại sao rất nhiều người Triều Châu bỏ nước ra đi làm cu-li hay bất cứ công việc vất vả nặng nhọc vì chỉ mong tìm chút tiền để gởi về giúp đỡ gia đình và cho đến bây giờ trên thế giới, doanh gia người Hoa thành công lớn và giàu có trong thương nghiệp, đa số đều gốc gác Triều Châu.
Sau tháng 4 năm 1975, thời gian đầu, không đủ gạo, gia đình tôi phải ăn cơm độn. Với anh em tôi thì không thấy gì, không để ý mà còn thấy lạ, còn thích nữa là đằng khác (có lẽ vì chưa đói qua) nhưng tôi thấy bà nội tôi khóc. Bà nói không muốn trở lại thời kỳ đói khổ bên Tàu, nhưng cũng chỉ tạm có mấy tháng rồi thôi, không bao giờ có màn cơm độn lần nữa.
Tôi cho tới giờ vẫn còn bâng khuâng đó nên vẫn muốn tìm hiểu tại sao người Tiều ở VN gặp nhau hay hỏi "Ăn cơm chưa?" mà không bao giờ hỏi "Khỏe không?", vẫn không thấy gì giải thích đặc biệt trên mạng nhưng lại tìm được một truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc. Đọc hết câu chuyện trong bài viết, tôi cảm thấy nghẹn ngào, rưng rưng có lẽ nó bây giờ đã giải đáp dù cho chưa thỏa mãn nhưng cũng đáp ứng phần nào cho chút suy tư của tôi. Mời các bạn:

ĂN CƠM CHƯA ? (食飯未 ?)
của Bình Nguyên Lộc
Bà sơ rút nhiệt kế ra khỏi nách tôi, chăm chú đọc nhiệt độ, mặt lộ vẻ ngạc nhiên như không tin ở điều mà bà đọc thấy. Bà dòm mặt tôi, đoạn đọc lại một lần nữa.
Tôi đang hồi hộp vì đoán rằng có chuyện không hay thì bà đã nhảy ra khỏi phòng, làm cho tôi hốt hoảng đến cực điểm.
Tôi mắc chứng thương hàn, sốt mê man mấy tuần nay, vừa tỉnh lại chứng kiến sự bối rối của con người áo đen bé loắt choắt ấy, làm tôi ngỡ, tôi chết đến nơi.
Nhưng gương mặt tươi của bác sĩ Chaput hiện ra nơi khung cửa, giúp tôi an lòng lại ngay. Giờ ấy còn sớm quá, bác sĩ, chắc mới đến nhà thương, chưa kịp mặc áo choàng, còn vận thường phục.
Bà sơ theo sau nói:
- Hắn không còn nhiệt độ nữa, chắc hắn phải lạnh lắm, vì sự thay đổi đột ngột nầy, tôi cho hắn uống Potion de Todd, bác sĩ nhé!
- Phải đấy.
Đoạn bác sĩ hỏi tôi:
- Ông nghe thế nào?
- Như vừa tái sanh, thưa bác sĩ.
- Tốt! Mới nghe, tôi hoảng lắm,vì nhiệt độ xuống thình lình, có thể là triệu chứng của sự chảy máu ruột… nếu ông lén ăn gì.
Tôi cười, một cái cười héo hon của con người sốt liên miên hăm tám ngày, mà không ăn uống gì cả trong thời gian đó. Bác sĩ dặn thêm, trước khi rời buồng tôi:
- Vài hôm nữa là thèm ăn, nhưng phải nhịn, ăn là lủng ruột ngay. Ngoan lên nhé!
Quên nói rõ, là tôi mắc bịnh nầy trước chiến tranh, vào thuở mà loài người chưa tìm ra thuốc trị thương hàn. Nhà thương cứ để vậy, tiêm thuốc nâng đỡ cho trái tim khỏi lụy, rồi ai kháng chết được, thì sống, ai yếu lắm, là đi.


Như vừa được tái sanh! Tôi nói không quá lố lắm đâu. Vi trùng thương hàn phá rối sinh lý con người một cách kỳ lạ lắm. Tôi nghe yêu đời ghê hồn và dòm ra sân nhà thương tỉnh Bình Dương (bấy giờ là Thủ Dầu Một), tôi thấy khóm bông gừa, thứ bông hèn ấy, sao mà hôm nay lại đẹp lạ lùng.
Trưa hôm đó, bác sĩ Chaput khoe với tôi rằng, ở trại bố thí III, một con đồng bịnh với tôi cũng vừa khỏi. Ông ta sung sướng về chuyện ấy lắm,vì con bịnh các trại bố thí chết nhiều quá, khiến dân chúng hiểu lầm, nhà thương bỏ bê người nghèo khó. Sự thật, thì sở dĩ, số tử ở đó lên cao theo tỷ lệ, vì các con bịnh nghèo, thường để thật nguy kịch mới vào nhà thương và khi vào điều trị, không có người nhà theo để săn sóc, nhà thương chỉ vừa đủ người lo thuốc men thôi. Còn những sự săn sóc (rất cần) phải được người nhà lo lấy mới mong lành bịnh.
Tôi yêu đời, và cố nhiên, yêu kẻ đồng bịnh vừa khỏi cùng một lượt với tôi. Ba hôm sau, được nuôi dưỡng bằng nước xúp và bột Ý, tôi đã chống gậy đi được, và mục tiêu phiếm du đầu tiên của tôi là trại III.
Kẻ đồng bịnh với tôi là một cô gái Trung Hoa, hai mươi tuổi, con gái đang thì, cái ngực tất phải to, thế mà tôi trông cô ta xẹp lép như con khô hố. Cái mền cô ta đắp, như dán sát vào chiếu nhà thương.
Người bạn đồng bịnh với tôi, đi không được như tôi. Trong cơn nóng sốt không ăn, người nhà tôi có mua Sérum Glucosé cho bác sĩ bơm vào tôi, nhờ thế mà tôi không suy lắm. Con bịnh nghèo nầy, thì khỏi hưởng món xa xí phẩm ấy, mà nhà thương không sắm được, vì kém tài chánh.

Tuy nhiên, nhìn sơ cô gái, tôi cũng thấy là cô ta đẹp lắm. Hoa tàn kia mà còn mang dấu vết thời tươi thắm thay, huống chi đây chỉ là một đóa hoa thiếu nước lọ trong chốc lát thôi… Cứ theo người cùng trại với Á Lìl, thì cô ta là một đứa bé “mua”. Chú Xừng Hinh, chủ tiệm chạp phô ngoài chợ, năm xưa về thăm quê quán bên Tàu, gặp mùa lụt lội, đói kém, đã mua đứa bé ấy ba mươi đồng bạc. Bạc Trung Hoa với bạc Đông Dương thuở ấy tương đương giá với nhau, thì các bạn biết, con bé ấy rẻ là dường nào.


Chú Xứng Hinh cũng khá, xem Á Lìl như con chú, chớ nhiều thằng khác, nó nuôi những con bé “nước lụt” ấy cho đến thời trổ mã, bắt làm lụng cho bù với số tiền mua, rồi lại hưởng luôn chúng là khác.
Như chủ nó, Á Lìl là người Triều Châu. Phụ nữ Triều Châu để rìa tóc phủ lên trán, xem rất ngây thơ và có duyên. Họ lại đẹp người hơn tất cả các thứ người Trung Hoa khác. Á Lìl lại là gái dung nhan có hạng trong thứ người đẹp nầy, nên tình thương kẻ đồng bịnh của tôi, bỗng nhiên, tăng lên gấp bội, vì tôi mới có hăm ba tuổi.
Nếu như ở ngoài, chắc không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện yêu một ả nô tỳ, cho dẫu là nó đang đẹp lộng lẫy. Nhưng ở đây, nó là con bịnh, đồng hạng với tất cả con bịnh khác.
Một ngày, tôi chống gậy xuống trại III đến hai lần, lần nào tới nơi, tôi cũng đứng lại nơi cửa trại, để thở dốc một hơi, rồi mới vào được.
Á Lìl đoán biết tình cảm của tôi đối với nó, nên lần nào, mắt nó cũng sáng lên, khi nghe tiếng gậy của tôi nện cồm cộp trên gạch.
Từ năm lên chín, mãi đến bây giờ, nghĩa là từ năm bị bán và đưa sang nước “An Nam”, con nô tỳ nầy chưa được ai nói ngọt với nó lời nào cả. Bây giờ, bỗng nhiên có một dân mặc bi-da-ma riêng, lân la thăm hỏi nó, thì làm sao nó không rưng rưng lệ sung sướng được.
Mặc dầu chỉ được uống nước cháo với đường hạ, con ở Á Lìl cứ càng ngày càng hồng hào ra. Con gái, dường như, có dự trữ trong người những sức mạnh gì như cứ chực vùng lên, không cần ăn gì cho bổ lắm, họ cũng cứ béo tốt ra.
Má Á Lìl cạn dần lên, trông ngon như hai trái đào ở bảy phủ Triều Châu mà Á Lìl thường ca tụng với tôi.
Trông Á Lìl, tôi nghĩ ngay đến những phi tần bên Tàu ngày xưa, cũng tuyển lựa trong đám dân “nước lụt” như vầy. Thì ra, con gái Trung Hoa, ngàn đời, vẫn đẹp và vẫn để mà tiếp tế cho các cung tần. Á Lìl sẽ làm bé chú chệt già đại phú nào đây, một ngày kia.
Hôm ấy, Á Lìl ngồi dậy được, nhưng còn phải ăn cháo hoa với hàm-yũu. Cháo với vị mặn giúp Á Lìl tươi tỉnh hẳn ra. Nó tiếp tôi bằng một bài hát gì đó, tôi không hiểu, nhưng rất thích nghe. Cái giọng mũi của người Triều Châu, khi hát lên, nghe líu lo rất dễ yêu, nhứt là dễ thương, nghe như là họ khóc cảnh sống lầm than của họ.


Á Lìl cắt nghĩa cho tôi biết rằng, bài hát ấy nói đến cái mặt trăng nho nhỏ và tròn tròn. Nó mới giải thích tới đó, thì người nhà chú Xừng Hinh mang cho nó một gàu-mên cơm. Mắt con Lìl sáng hơn là khi tôi mới vào thăm nó nữa. Tôi hỏi:
- Nhà đem cơm từ bao lâu rồi?
- Ngóa thèm quá, chỉ mới nhắn đem vô lần đầu thôi.
- Lìl không nên ăn cơm vội. Bác sĩ không có dặn gì sao?
- Bác sĩ nói tiếng Tây, ngóa đâu có hiểu. Bà Sơ biết chút ít tiếng Annam, dặn đừng cho ăn đồ cứng, ăn thì lủng ruột chết liền.
Á Lìl nói xong cười ngặt nghẹo, một hơi, rồi tiếp:
- Đời thuở nào, ăn cơm lại chết. Chỉ có không ăn cơm mới chết thôi.
- Lìl không hiểu, chớ ruột Lìl đã bị vi trùng làm cho mỏng lắm rồi đó.
Á Lìl lại cười một giây nữa, mà rằng:
- Bị thuốc của thằng Tây làm cho mỏng thì có. Thầy biết sao không? Hổm nay ông Tây chích cho ngóa chết mà ngóa không chết, nên ổng bỏ đói cho ngóa chết đó.
Á Lìl nói rồi vừa kéo gàu-mên cơm lại, vừa nói:
- Ăn cơn với ngừng (gừng) nấu dấm thì tốt lắm, như người Annam ăn với muối tiêu vậy mà, chết sao được.
Tôi bối rối quá. Hôm ấy có Má Mẹ, người cai quản các bà Sơ, từ Sàigòn lên Bình Dương thanh tra, nên bà Louise bận tiếp đón bà Mẹ Bề Trên ấy, không còn ai cho tôi cầu cứu để thuyết lý Á Lìl. Các thầy khán hộ thì đã dặn con bịnh cữ kiêng xong là nghe tròn bổn phận, không theo dõi họ để ngăn cản gì nữa. Còn tôi, tôi ngại một điều, mà cũng chẳng khỏi.
Khi tôi giựt lấy gàu-mêm cơm, thì Á Lìl giận dỗi trách:
- Cố lứ nói thương ngóa, sao không cho ngóa ăn cơm?
- Vì thương mới không cho ăn.
Thật thế. Nếu Á Lìl chỉ là một cô gái xấu xí, tôi cũng không nỡ để cho nó tự tử một cách gián tiếp như vậy. Huống chi trong mấy ngày vui mừng tái sanh ấy, tôi lại điên dại mà yêu đứa nô tỳ nầy.
Lìl cười gằn hỏi:
- Thương gì lại bỏ đói?
- Vì ăn thì chết ngay.
- Đời thuở nào, ăn cơm lại chết. Chỉ có không ăn cơm mới chết thôi.
Á Lìl lập lại câu hồi nãy, rồi khóc mùi mẫn.
Thật là em nhỏ, mất miếng ăn một cái là khóc bù lu, bù loa. Nhưng không sao, tôi sẽ dỗ em nhỏ, thì em nhỏ nín chớ gì.
Tôi định bụng như thế, nhưng tôi lầm.
Lần đầu tiên, tôi rờ đến Á Lìl. Tôi vuốt tóc trán nó và nói rằng:
- Lìl nín đi, rán nhịn, rồi vài bữa khỏi hẳn, tôi sẽ đưa Lìl đi ăn tửu lâu Triều Châu Đại La Thiên ở Chợ Lớn, có nhiều món ngon bằng một vạn thứ cơm gừng dấm nầy. Ở Đại La Thiên có chè thịt heo nè, có cù lao nè.
Nhưng Á Lìl cứ khóc, khóc như mẹ chết không bằng, lâu lắm nó mới nói được trong tấm tức, tấm tưởi:
- Ngóa nhớ tía má của ngóa quá. Tía má ngóa vì không có cơm ăn nên chết. Tía ngóa chết đi được một tháng, thì má ngóa bán ngóa cho Xừng Hinh lấy tiền mua gạo cho mấy em của ngóa ăn. Nhưng cả nhà ăn giỏi lắm được mười ngày, chắc rồi cũng chết hết. Cơm sao lại giết người? Không cơm mới nguy chớ!


Nghe Á Lìl nhắc tới nguồn gốc nó, tôi đau xót vô cùng. Cơm là giấc ác mộng của người Trung Hoa từ mấy ngàn thế hệ nay, cho đến đỗi họ gặp nhau, chào nhau bằng câu: “Ăn cơm chưa?”
Nhưng làm thế nào cho con bé dại dột nầy hiểu rằng, không cơm thì chết đã đành, mà có cơm, lắm khi cũng chết.
Vả, Á Lìl không cả quyết ăn vì thèm nữa, mà ăn để trả thù sự chết đói của cả nhà nó, thì làm sao mà thuyết phục nó được. Có lẽ nó đang nhìn cơm, mà nói thầm: “Ừ, ngày xưa, cha mẹ tao không có mầy nên chết, bây giờ gặp mầy đây, tao có dung tha đâu! Tao ăn cho sống dai, mặc kệ lũ nó bày điều, đặt chuyện”.
Biết nói làm sao cũng không xong, tôi xách gàu-mên mà đi; sau lưng tôi, Á Lìl chửi rủa om sòm bằng tiếng Tàu. Nếu nó mà rượt theo được, chắc nó một mất, một còn với tôi, để cướp cơm lại.
Chiều hôm ấy, tôi trốn luôn, đến sáng ngày hôm sau mới dám chống gậy qua trại III.
Á Lìl vắng mặt trên giường. Thấy tôi ngơ ngác tìm quanh, một bà lão vừa ho sù sụ, vừa nói:
- Nó chết đêm rồi thầy à, hồi năm giờ sáng, người ta đã khiêng nó xuống nhà xác.
- Trời ơi! Sao lại chết? Tôi giậm chân mà hỏi câu ngớ ngẩn ấy.
Người khán hộ ở đâu sau lưng tôi đáp hộ bà lão:
- Chảy máu ruột!
- Sao lại chảy máu ruột?
- Vì ăn!
- Trời ơi!
Bà lão ho, rồi lại nói:
- Thầy giựt cơm của nó mà trốn đi, thì chiều lại, người nhà nó đem cơm vô nữa. Nó ăn xong, tối lại kêu đau bụng, vằn vật tới khuya mới chết.


- Sao bà không mời bác sĩ dùm nó?
- Có, tôi có cho bà Sơ hay, bả có kêu thầy đây.
Bà chỉ vào thầy khán hộ, thầy ta lắc đầu thở ra và giải thích:
- Tôi có tiêm thuốc cho nó, nhưng không gọi bác sĩ...
- Sao vậy?
- Vô ích. Chỉ có sang máu mới có một chút xíu hy vọng cứu nó. Nhưng ai sẽ cho máu nó? Còn thuê người để lấy máu thì tiền đâu?
Là con trai, tôi không khóc được. Nhưng lòng tôi đã tơi bời như áo mục phơi dưới gió to. Đứng tần ngần giây lâu, tôi hỏi bà lão:
- Nó có nói gì hay không bà, lúc nó hấp hối?
- Có. Nó có kêu thầy...
- Kêu tôi? Có nhắn gì hay không ?
Nó kêu khóc rằng: “Thầy hai ơi, té ra, quả thật không cơm cũng chết, mà ăn cơm cũng chết. Ngóa nghèo dốt, biết đâu. Trước kia tía má của ngóa nghèo nên không ăn cơm, ngày nay ngóa nghèo nên không biết, hai lần đều chết. Thầy hai ơi, ở lại mạnh giỏi nhá!”
Tôi không còn là con trai nữa, nhưng tôi không khóc tiếc thương một cô gái đẹp. Tôi chỉ khóc vì một gia đình sống không tên, không tuổi bị thảm kịch cơm làm tuyệt nòi, chỉ còn một mống thôi. Mống ấy trôi dạt đi xa ngàn dặm, qua cái xứ có cơm nhiều nầy, mà lại cũng không thoát khỏi thảm kịch cơm.
Ngày nay, mỗi khi nghe một người Trung Hoa chào ai: “Ăn cơn chưa?”, tôi bâng khuâng nhớ lại mối tình yêu đầu và nao nao buồn mối tình thương đầu của tôi.
BÌNH NGUYÊN LỘC

NÉM ĐÁ

Cái cười của thánh nhân:
NÉM ĐÁ
Jésus đang giảng đạo giữa đám đông... Bỗng có nhiều nhà trí thức và tu sĩ lôi đến một dâm phụ bắt tại trận. Sau khi ném người đàn bà tội lỗi ấy giữa đám đông, họ nói với Jésus:
- Thưa ông, mụ gian phụ này đã bị bắt quả tang trong khi phạm tội. Theo luật Moise, thì phải bị ném đá. Vậy ông nghĩ thế nào?
Jésus không nói gì cả, lấy ngón tay viết trên cát: Bọn giả dối!
Nhưng bọn ấy cứ chất vấn mãi... Jésus, không thể làm thinh được nữa bèn ngước mặt lên, nói:
- Trong tất cả mọi người ở đây, ai là người chưa từng làm tội lỗi có quyền ném viên đá đầu tiên!
Khi nghe lời phán ấy, dân chúng bắt đầu tản lần từng người một. Sau cùng chỉ còn có Jésus và người đàn bà tội lỗi giữa công trường mà thôi.
Jésus bèn hỏi người đàn bà:

- Những kẻ tố cáo đi đâu cả rồi? Không một ai lên án ngươi cả sao?
Người đàn bà thưa:
- Không ạ!
Jésus nói:
- Ta cũng vậy! Thôi về đi.
***********
LỜI BÀN:
U mặc tế nhị làm sao câu nói bất ngờ của Jésus!
Người ta thường quan niệm rằng người đạo đức là người rất ghét người tội lỗi. Càng ghét tội lỗi bao nhiêu càng tỏ ra mình đạo đức bấy nhiêu. Dân chúng tin rằng Jésus là người đạo đức rất cao, phen này mụ gái dâm loàn kia phải một phen điêu đứng
Bất ngờ thay, Jésus lại bênh vực dâm phụ bằng cách không lên án, còn trở lại lên án tất cả: Ai chưa từng tội lỗi, được quyền ném viên đá đầu tiên

Trong bài văn không thấy nói ai là người đầu tiên đã bỏ ra đi, nhưng chắc chắn những kẻ đầu tiên đã bỏ ra đi là những cụ già, nhất là những cụ già đầu bạc như thúng bông, thứ đến là những nhà trí thức tài cao học rộng, rồi các vị tu sĩ đạo mạo nghiêm trang mà trước đây đã hằn học lên án tử hình người đàn bà dâm dật này...
Nhưng biết tự xét và dám tự nhận là mình đã từng làm nhiều tội lỗi và có đủ liêm sĩ ra đi không dám gian dối ném viên đá đầu tiên, kể ra cái xã hội mà Jésus cho là giả dối ấy vẫn còn là xã hội hết sức lương thiện rồi! Đáng yêu không biết chừng nào.
(Sưu tầm trên mạng)

HOA SƠN (華山)

Trong Ngũ Nhạc kiếm phái, theo Kim Dung, Hoa Sơn phái là gần như mạnh nhất trong 5 phái. Lần lược trong các tác phẩm của ông chúng ta đều thấy ông thường hay nhắc đến Hoa Sơn và 3 lần "Hoa Sơn luận kiếm" (華山論劍) trên đỉnh núi để tuyển chọn ra "Thiên hạ ngũ tuyện" (天下五绝), "càn khôn ngũ tuyệt" (乾坤五绝) hoặc còn gọi là "Võ lâm ngũ bá" (武林五霸).


Thời đó tôi bắt đầu đọc từ bộ "Anh hùng xạ điệu", đọc rất hay nhưng không hiểu về "Bắc cái", "Đông tà", "Tây độc", "Nam đế", rồi "Vương Trùng Dương" sư huynh của Châu Bá Thông...nên sau đó phải chạy đi mướn cuốn "Võ Lâm ngũ Bá" để đọc thì lúc sau này mới rành rọt hết khi Kim Dung nhắc về ai trong truyện.
 
Ba lần "luận kiếm" trên đỉnh Hoa Sơn theo truyện dịch ở VN là:
 
- Lần nhất trong bộ "Võ Lâm Ngũ Bá" (武林五霸)

- Lần nhì trong bộ "Anh hùng xạ điêu" (射鵰英雄傳)

- Lần ba trong bộ :Thần Điêu đại hiệp" (神鵰俠侶)
 
Bây giờ mình tìm hiểu về Hoa sơn theo wikipedia. (LKH)



HOA SƠN (華山)
 
Hoa Sơn (華山) là một trong năm ngọn núi thuộc Ngũ Nhạc Danh Sơn của Trung Quốc. Ngọn núi mang trong mình một ý nghĩa lịch sử to lớn về tín ngưỡng. Năm 1990,Hoa Sơn được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
 
Hoa Sơn là một ngọn núi thuộc đoạn đông dãy Tần Lĩnh ở phía nam tỉnh Thiểm Tây (陕西省), cách thành phố Tây An (西安市) khoảng 100 km về phía đông. Hoa Sơn có năm đỉnh núi chính, trong đó đỉnh cao nhất Nam Phong (ở phía nam) có tên Lạc Nhạn ("落雁") cao 2.154,9 m. Ngọn núi bao bọc bởi toàn đá hoa cương, từ xa vọng về, hình núi dựng đứng như một bông hoa và vì vậy mà có tên là Hoa Sơn, đỉnh chính cao 2.083m, gọi là Thái Hoa Sơn (太華山) hoặc Tây Nhạc. Hoa Sơn nổi danh là nơi hiểm nguy, thử thách tài nghệ của những dũng sĩ leo núi.
 
Dáng vẻ của năm ngọn núi nổi tiếng này cũng thật phong phú không giống nhau hay trùng lặp. Thái Sơn như tọa (ngồi), Hành Sơn như phi (bay), Tung Sơn như ngọa (nằm), Hằng Sơn như hành (đi), Hoa Sơn như lập (đứng).


HOA SƠN PHÁI THEO TIỂU THUYẾT CỦA KIM DUNG
 
Hoa Sơn xuất hiện nhiều lần trong tiểu thuyết Kim Dung, và thường được đề cập đến với cụm từ Hoa Sơn luận kiếm (華山論劍). Kim Dung đã biến Hoa Sơn thành một địa điểm đầy uy lực trong giới võ lâm Trung Nguyên, khi miêu tả đây là ngọn núi để các cao thủ võ lâm tìm đến so tài cao thấp, giành lấy ngôi vị “Võ lâm chí tôn” (武林至尊) .
 
Nếu là tín đồ của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, bạn sẽ chẳng ngạc nhiên với những lần “Hoa Sơn luận kiếm” của Đông tà Hoàng Dược Sư (東邪 黃藥師), Tây độc Âu Dương Phong (西毒 歐陽鋒), Nam đế Đoàn Trí Hưng (南帝 段智興), Bắc cái Hồng Thất Công (北丐 洪七公) và Trung Thần thông Vương Trùng Dương (中神通 王重陽) trong bộ “Anh hùng xạ điêu” (射鵰英雄傳).


Hay khi tỉ thí võ công rồi kết tình bằng hữu giữa Âu Dương Phong (歐陽鋒), lúc này đã nhận Dương Quá (楊過) làm con nuôi, với Hồng Thất Công (洪七公) giữa tuyết lạnh trong bộ Thần điêu hiệp lữ (神鵰俠侶).
 
Hoa Sơn nằm ở ngoại ô thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, với năm đỉnh núi chính, trong đó đỉnh cao nhất (2.154,9 m) là ngọn Nam Phong (ở phía Nam) hay còn được gọi là Lạc Nhạn.
 
Toàn bộ ngọn núi được cấu tạo bằng đá hoa cương, với hình dáng dựng đứng và xòe rộng như một bông hoa nên được đặt tên là Hoa Sơn. Đỉnh chính của dãy Hoa Sơn cao đến 2.083m.
 
Có thể do địa hình quá hiểm trở mà Kim Dung đã chọn Hoa Sơn là nơi tỷ võ chọn Đệ nhất võ lâm Trung Nguyên, vì chỉ có những bậc võ nghệ cao thâm mới có thể vượt qua những dãy núi cheo leo này để lên được đến đỉnh.


Trong Tiếu ngạo giang hồ (笑傲江湖), phái Hoa sơn có bản doanh nằm trên dãy Hoa Sơn, nổi danh trên võ lâm với 2 chiêu thức là Hoa Sơn kiếm pháp (華山劍法) và Tử Hà thần công (紫霞神功).
 
Đây cũng là nơi đầy ắp kỷ niệm của Lệnh Hồ Xung (令狐冲) cùng với Nhạc Linh San (岳靈珊), con gái chưởng môn phái Hoa Sơn.
 
Khi tới thăm ngọn núi này, bạn có thể tận mắt ngắm dòng chữ “Hoa Sơn luận kiếm” (華山論劍) do chính tay Kim Dung tiên sinh (金庸先生) chấp bút.


Hoa Sơn cũng là một trong những địa điểm đặt khóa tình yêu nổi tiếng của giới trẻ.
 
Đến thăm Hoa Sơn, giữa mây núi bềnh bồng như tiên cảnh, du khách sẽ được lạc vào thế giới kiếm hiệp huyền ảo, tưởng chừng nghe cả tiếng binh đao luận kiếm giành ngôi Minh chủ võ lâm vang vọng đâu đây… Chính vì vậy, Hoa Sơn từ lâu đã trở thành địa danh thu hút du khách gần xa, đặc biệt là những “fan cuồng” của Kim Dung.

(Sưu tầm trên mạng)



NIỀM TIN GIẢN ĐƠN

Tìm được bài này trên mạng, đọc xong thấy dường như hiểu được một ít gì đó:

Cách đây vài năm, một giáo viên phổ thông được thuê để dạy riêng cho những học sinh phải nằm viện. Nhiệm vụ của cô là kèm cặp cho các em khỏi mất bài, để có thể theo kịp chúng bạn khi xuất viện.


Ngày nọ, một cú điện thoại giao việc gọi tới. Như thường lệ, cô ghi lại tên học sinh, địa chỉ bệnh viện, số phòng và nghe giáo viên đầu dây bên kia dặn dò:
– Hiện lớp chúng tôi đang học bài Danh từ và Trạng từ. Tôi rất biết ơn nếu cô kèm em làm hết bài tập về nhà để đừng bị bỏ quá xa.
Mãi tới lúc đừng trước cửa phòng cậu bé, cô giáo mới biết em thuộc khoa phỏng của bệnh viện. Không ai báo trước cho cô biết điều gì đang chờ mình đằng sau cánh cửa đóng im ỉm, chỉ thấy người ta bắt cô phải mặc áo choàng và đội mũ kín mít để phòng tránh vi trùng. Y tá còn dặn dò cô đừng chạm vào người hay giuờng của bệnh nhân, chỉ được đứng gần và nói qua chiếc mặt nạ. Chuẩn bị xong xuôi, cuối cùng cô hít một hơi thật sâu rồi hồi hộp bước vào. Toàn thân cậu bé lở loét khủng khiếp, lộ vẻ đau đớn thảm khóc. Cô giáo kinh sợ đến nỗi không thốt nên lời, nhưng đã quá muộn để quay lại và bỏ chạy. Cố gắng mãi cô cũng mấp máy được vài lời:
– Cô là giáo viên biệt phái của bệnh viện, cô giáo của em nhờ cô tới giúp em học bài Danh từ và Trạng từ.

Cô cảm tưởng như hôm đó là một trong những buổi dạy tệ nhất trong đời mình.
Sáng hôm sau cô quay lại. Một chị y tá hỏi:
– Cô đã làm gì với cậu bé tội nghiệp đó vậy? – Rồi không để cô kịp thanh minh hay xin lỗi, chị tuôn luôn một tràng – Cô không hiểu hết đâu, chúng tôi đang lo sốt vó lên vì cậu bé, nhưng sau buổi học hôm qua thì thái độ của em thay đổi hoàn toàn. Em đã chịu tuân theo sự chữa trị của bác sĩ, không nổi loạn nữa và có vẻ muốn sống.


Sau này chính cậu bé ấy giải thích rằng trước khi gặp cô giáo cậu đã tuyệt vọng ghê gớm, chỉ ước được chết thôi. Mọi biến chuyển đều bén rễ từ một nhận thức vô cùng đơn giản. Với những giọt nước mắt sung sướng nhạt nhòa trên má, cậu bé bị phỏng nặng đến nỗi mất hết cả nghị lực ấy lý giải như thế này:
– Có bao giờ người ta phái cô giáo đến dạy Danh từ và Trạng từ cho một cậu bé đang hấp hối đâu, phải không ạ?
(Sưu tầm trên mạng)

KHAI BÌNH ĐIÊU LÂU 開平碉樓

Cả tháng nay đang theo bộ phim "Công Công Xuất Cung" (公公出宮) của TVB-HK, tôi không muốn nói về chuyện phim nhưng muốn nói đến khung phối cảnh trong phim nó giông giống như một bài post mà tôi đã post qua năm ngoái:

Trước khi tiếp tục đọc bài post này, xin các bạn xem những tấm hình bên dưới rồi cho tôi biết các bạn nghĩ nó được chụp ở đâu ?
Xem hết chưa, đoán ra ở đâu không ? Trông rất giống như những lâu đài ở Âu châu lắm phải không các bạn ? Những ngôi nhà này được xây dưng ở TQ đó. Nó gọi là:
KHAI BÌNH ĐIÊU LÂU
開平碉樓

Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Điêu lâu Khai Bình của Trung Quốc là Di sản văn hóa thế giới năm 2007.


Điêu lâu Khai Bình là các tháp nhiều tầng được xây dựng bằng bê tông tại Khai Bình (開平), Giang Môn (江門), Quảng Đông (廣東) của Trung Quốc. Các tháp này được xây dựng vừa để ở đồng thời là các tháp canh phòng, chống thổ phỉ, trộm cướp.


Hầu hết các điêu lâu ở Khai Bình được xây dựng trong khoảng thời gian từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 và do các Hoa kiều làm chủ. Hiện nay, Khai Bình còn khoảng 1.800 điêu lâu vẫn tồn tại và được bảo quản, duy trì trong tình trạng khá tốt. Kể từ thời nhà Minh, tại Khai Bình việc xây dựng các tháp cao để chống trộm cướp đã rất phổ biến và trở thành truyền thống của vùng này


Khai Bình được thành lập năm 1649 dưới đời nhà Thanh, cho đến nay đây vẫn là một trong những nơi có nhiều người di dân ra nước ngoài nhất của Quảng Đông. Theo thống kê, Hoa kiều tại vùng này chiếm hơn nửa tổng số dân của vùng. Những người này trở về từ 67 quốc gia khác nhau trên thế giới, từ Bắc Mỹ, Châu Úc và cả Đông Nam Á. Sau khi kiếm được tiền và trở về quê hướng, những Hoa kiều này muốn người ở quê biết được sự giàu có của họ, từ đây các tháp cao lần lượt xuất hiện. Các tháp được xây dựng không chỉ phục vụ mục đích sinh hoạt hàng ngày mà còn phòng chống trộm cắp và phô trương của cải. Các tháp được xây dựng theo nhiều kiến trúc khác nhau, độ cao cũng khác nhau nhưng có 1 điều đặc biệt là ở tầng nào cũng có bếp. Sở dĩ như vậy bởi vùng Khai Bình trước kia rất hay ngập lụt, kiểu xây này dự phòng khi nước dâng lên tới 1-2 tầng bên dưới thì cuộc sống sinh hoạt hàng ngày vẫn có thể được đảm bảo.


Một điểm chung nữa là các điêu lâu tại Khai Bình được xây dựng với rất nhiều cửa sổ nhỏ, đây là những ô cửa được dùng cho việc quan sát khi thổ phỉ xâm nhậm vào lãnh địa, bên cạnh đó còn giúp lưu thông không khi trong tháp. Trên các tầng thượng thường có chỗ để quan sát, như kiểu đài quan sát, nếu thổ phỉ đến gần, người dân sẽ từ trên cao ném đá xuống để xua đuổi.


Các điêu lâu tại Khai Bình được xây dựng nhiều nhất vào khoảng thời gian từ năm 1842 đến 1864, sau Hòa ước Nam Kinh dẫn tới cuộc chiến thuốc phiện lần thứ nhất. Thời điểm này Khai Bình xảy ra trên 100 án mạng, và hàng nghìn vụ bắt cóc, hàng trăm vụ cướp. Vì lý do đó mà các Hoa kiều đã cho xây dựng gấp rút cơ ngơi phòng thủ của mình, dù rằng người ra ước tính chỉ có khoảng 10- 20% Hoa kiều hồi hương thực sự có tiền.


Tuy có độ cao và kích thước khác nhau nhưng chủ sở hữu những điêu lâu hầu hết là người giàu có do vậy những tháp này được thiết kế rất nhiều phòng. Chủ luôn luôn ở tầng trên, người giúp việc ở bên dưới, sân thượng là đài quan sát, với một số tháp lớn sân thượng còn được xây dưng như pháo đài phòng thủ.




Các điêu lâu được xây dựng bằng nhiều vật liệu khác nhau từ gạch xám, đất nén, bê tông cho đến đá…tùy vào mức độ giàu có và quy mô mà người chủ muốn. Trong số khoảng 1.800 điêu lâu còn lại hiện nay, nhiều nhất là các điêu lâu được xây dựng bằng bê tông và đá. Khác với các công trình khác tại Trung Quốc đều có kiến trúc dân tộc đặc trưng, điêu lâu Khai Bình là những biệt thự mang dáng dấp Châu Âu. Lý do bởi sở hữu những điêu lâu này gần như 100% là Hoa kiều, những người đã từng có thời gian dài sống và làm việc tại nước ngoài, họ đã mang ảnh hưởng từ quốc gia khác về xây dựng công trình kiến trúc tại quê hương mình. Vì thế mà nếu như chưa được giới thiệu, du khách nào khi đến Khai Bình cũng đều ngạc nhiên bởi sự tồn tại của hàng loạt các công trình mang dáng dấp phương tây bên cạnh những đồng ruộng.



Điêu lâu Khai Bình được Unesco công nhận theo tiêu chí (ii), (iii), (iv).
Tiêu chí (ii): Các điêu lâu tại Khai Binh là đại diện cho sự kết hợp giữa văn hóa bản địa với kiến trúc phương tây do những người dân di cư mang về quê hương họ.
Tiêu chi (iii): Điêu lâu Khai Bình được xây dựng phục vụ mục đích sinh hoạt và phòng thủ là những đại diện cho sự phát triển của Khai Bình trong một thời gian.



Tiêu chí (iv): Điêu lâu Khai Bình không chỉ là những công trình kiến trúc đẹp mà còn thể hiện sự hòa hợp giữa cộng đồng Trung Quốc với những cộng đồng khác trên thế giới khi những người dân của đất nước này di cư tới những quốc gia khác sinh sống và bị ảnh hưởng văn hóa của vùng đất mới.
(Sưu tầm trên mạng)