Wednesday, March 9, 2016

TẠP GHI: LẦN ĐẦU ĐI DU LỊCH MIỀN BẮC (NGÀY 5)

LẦN ĐẦU ĐI DU LỊCH MIỀN BẮC
Ngày thứ năm: “EM ĐI CHÙA HƯƠNG”


Sáng nay phải gom hết đồ vào va-li vì phải trả phòng, chúng tôi không còn ở Mercure Hanoi La Gare Hotel nữa nhưng có thể gởi hành lý lại. Tối nay phải lên xe lửa đi Sa Pa và hôm nay trọn ngày sẽ đi thăm Chùa Hương như đã định. Đi chùa Hương không nằm trong lịch trình soạn sẵn ở Úc, qua đây mới đăng ký.

Ăn sáng xong, ra lobby chờ, chỉ có chúng tôi và 2 người Tây khác. Khoảng gần 9:00,một anh thanh niên đen thui đẩy cửa bước vào nhìn quanh một vòng và như biết trước, anh đi thẳng đến phía chúng tôi và hỏi: “Cô chú chờ đi tham quan chùa Hương”, tôi gật đầu, anh mở cặp lấy ra một danh sách và đưa tôi “Đây là tên cô chú” và đánh dấu vào, anh nói: “Cô chú đã có sẵn vé đi xe cáp và ăn trưa riêng, mời cô chú ra xe”.


Chúng tôi bước lên chiếc xe bus nhỏ, xe đã đầy người, có hai chổ phía trước để sẵn cho chúng tôi, ”Good morning” tôi và bà xã chào, ai cũng “good morning” lại. Hà, tên anh chàng tour guide, đen thui nếu không nói thì ai cũng tưởng anh là Thái hay Miên chứ không phải VN. “Let Go!” Hà lên tiếng và nói toàn tiếng Anh rất giỏi. Bắt đầu giới thiệu thì Anh có, Ý có, mấy người Canada, một gia đình 4 người Malaysia và chúng tôi, dân Úc, tổng cộng 18 người.

Nghe Hà nói thì chùa Hương trước kia thuộc Hà Tây nhưng sau này được sát nhập vào Hà Nội, xe chạy khoảng hơn tiếng thì tắp vào một cửa hàng bách hóa rất lớn theo kiểu cách mà chúng tôi đã ghé ở Chí Linh (Hải Dương), cửa hàng bán đủ mọi thứ và có cả một nhà hàng, người bên trong quá đông, ồn ào. Đủ mọi mặt hàng trưng bày nhưng phong cách tiếp thị của những người bán hàng cần phải được huấn luyện lại.


Bây giờ nói chơi chuyện cũ, hơn 30 năm trước, đi Bắc Kinh, Thượng Hải, những cửa hàng đều thuộc quốc doanh, người bán đứng như hình nộm, mua cũng được, không mua cũng chẳng chết ai. Tới tháng có lương là đủ. Ngày nay các tập đoàn tư bản dù là màu nào cũng được (trắng, đỏ, vàng, đen…), bắt buộc người bán phải biết cách và bán được hàng để có thêm tiền thưởng.

Xe tiếp tục chạy, có khi qua đường lớn khi qua đường nhỏ và cả đường đất, một hồi xa xa đã thấy núi, tôi biết là đã gần đến rồi. Xe chạy qua một thị trấn, quẹo vào đường nhỏ, tôi thấy một con sông phía dưới đậu rất nhiều xuồng, chạy dọc theo sông một đoạn ngắn, xe rẽ vào một bãi đậu xe, chúng tôi xuống xe và theo Hà đi ra mé sông. Hà cho biết đây là “suối Yến”, tôi hỏi Hà “Vậy đâu là bến Đục ?”, Hà nói bến Đục ở phía ngoài kia, đây là bến Yến. Hà xuống bến và gọi chúng tôi xuống xuồng, bây giờ mới nhìn kỹ, những chiếc xuồng làm bằng thiếc chớ không phải xuồng cây.


Tất cả đoàn chúng tôi xuống 3 chiếc xuồng. Xuồng được chèo chứ không gắn máy. Tôi hỏi Hà “Sao không gắn máy cho mau tới”. Hà nói địa phương muốn giữ nếp cũ, chỉ có tàu chuyên chở hàng mới dùng máy hoăc những tàu đi xa vào trong. Tôi ngồi trên xuồng, thấy cũng khăm khẳm, lo lo vì không có mặc áo phao và vì tôi không biết bơi.

Càng vào trong phong cảnh càng đẹp và không còn nhớ “cái lo lo” nữa. Cũng giống như Hạ Long, thế núi ở đây đẹp, mờ mờ ảo ảo, qua một đoạn đường lại biến đổi. Trên suối dọc hai bên, bông súng trổ hoa thật đẹp. Lâu lắm rồi mới thấy lại loại hoa dân dã quen thuộc của miền Nam, của vùng đồng bằng sông Cửu Long, của miệt vườn miền Tây VN quê hương tôi. Những bầy vịt nhởn nhơ trên mặt nước tạo thêm cảnh hữu tình, ai cũng chụp hình. Dọc ven suối Yến, khi có những cảnh điễm thì có bảng “voi phục, mâm xôi..” để mình chú ý. Xuồng cặp bến Thiên Trù, chúng tôi lên bờ. Một tấm bảng lớn vẽ bản đồ khu vực chùa Hương, chúng tôi đi theo con đường tráng xi-măng rộng rãi nhưng cũng thật dốc đi lên. Hai bên có rất nhiều hàng quán bán đồ kỷ niệm, thức uống, thức ăn nhẹ…có quán ăn, nhà hàng…


Tôi có xem một đoạn video về chùa Hương trong dịp lễ hội, hàng quán 2 bên treo đầy thịt chó, thịt thú rừng lủng lẳng làm mất đi cái trang nghiêm thành kính ở một di tích về đạo giáo. Hôm nay thì tôi không thấy vì không là dịp lễ hội, du khách cũng không đông lắm. Hà đưa chúng tôi vào một nhà hàng để ăn trưa. Bà chủ quán bảo Hà: “3 bàn của mày ở góc bên kia đấy”. Chúng tôi ngồi vào bàn, Hà chạy lại “Mời cô chú qua ngồi bên bàn này”, những người đồng hành ngồi ở 2 bàn kia. Và bây giờ tôi hiểu “ngồi ăn riêng” là như vậy. Thức ăn bưng ra bày lên 3 bàn y như nhau nhưng bàn tôi chỉ 2 vợ chồng ăn riêng. Thật sự làm tôi quá ngại, kỳ quá. Nghe bà chủ quán hỏi nhỏ Hà “Sao 2 người kia ngồi riêng?” Hà đáp: “Không biết, công ty bảo vậy, khách VIP đó.” Tôi kêu nhân viên của tiệm đến hỏi: “Bây giờ có rau sắng không em ?” Cô nhân viên trả lời: “Dạ không vì chưa đến mùa”.

“Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa” 
(Tản Đà)

Hôm nay tôi không ngại gì hết như cụ Tản Đà, tiền đò đã phải trả, đường xa cũng đã lặn lội tới mà cũng không ăn được. Âu cũng là duyên là phận.


Cơm nước xong xuôi, ai nấy đều được nạp thêm năng lượng, chúng tôi bước lên, càng lên càng dốc. Đứng trước ngôi chùa, Hà nói đây là chùa Thiên Trù nhưng chúng ta sẽ vào sau, bây giờ lên động Hương Tích trước. Đi thêm một khoảng nữa đến khu cáp treo, một vài người trong chúng tôi có vé, một vài người muốn thử sức nên lội bộ. Hà vẫn họ đến một ngỏ bảo họ cứ đi theo con đường mòn này sẽ đến đích. Bản thân tôi mà nói nếu không có cáp treo thì chắc tôi cũng không vào động Hương Tích vì đã mệt lắm rồi. Chúng tôi lên cáp treo, từ từ được kéo lên núi. Nhìn xung quanh thật đẹp, núi non hùng vĩ, mây là đà đẹp lắm. Xuống cáp treo, chúng tôi còn phải đi thêm một đoạn đường nữa mới tới động. Hai bên đường có vài quán bán nhang đèn, cây vàng, cây bạc…thức uống và có một xe bán nước mía.

Tới rồi, nhưng qua cổng, một đường cầu thang thật dài và dốc, phải đi xuống để vào động. Bước xuống một khoảng thì thấy cửa động, thật âm u huyền bí, tôi có cái cảm giác như đi vào động Huyền Không ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).

Mời các bạn đọc một đoạn trong Wikipedia giới thiệu về động Hương Tích:

“Hương Tích là một động đẹp, trọng tâm của khu du lịch quốc gia Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức tỉnh Hà Tâynay thuộc thành phố Hà Nội, Việt Nam. Động Hương Tích cách Hà Nội gần 70 km về phía Tây Nam.


Trông động như là con rồng chúa đang há miệng vờn ngọc. Tháng ba năm Canh Dần(1770), Chúa Trịnh Sâmtừng thăm quan động và đặt tên cho động là "Nam Thiên đệ nhất động" tức động đẹp nhất trời Nam. Trong động có pho tượng Phật bà Quan Âm làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô với biết bao hình thù kỳ lạ: Bầu Sữa Mẹ, Hoa Phiền Não, Đụn Gạo, đụn Tiền, núi Cậu, núi Cô, Cây Vàng, Cây Bạc,...”

Ngay giữa là “Đụn Gạo”, vào trong là chổ thờ Phật, hôm nay có buổi tụng kinh của các cư sĩ, chúng tôi im lặng lạy Phật và đi xem những điễm khác nhưng trong động ánh sáng âm u tạo một vẻ huyền ảo linh thiên lắm. Ra bãi đất trống giữa động nhìn ngược trở lên cầu thang, đúng là dốc cao đến sơ., bây giờ mới thấy mấy ông bà Tây cùng đoàn lội bộ đến. Ai nấy đều “too tired”,”so tired”…Chúng tôi quay và chụp một số hình. Hà đến nói chúng ta có thể trở ra chổ cáp treo. Anh ta chạy trở vào bên trong động để cho người khác hay. Chúng tôi vừa đi, vừa chờ. Ở khu cáp treo, nhìn xuống nhất định bạn phải chụp thêm nhiều hình nữa. Tôi đang suy nghĩ không biết phải cám ơn ai, người đã chế ra cái digital camera cho mọi người thích chụp gì thì chụp để khi về coi lại, thích lấy, xấu bỏ không sợ tốn phim. Lượt về những người lội bộ lên đều mua vé đi cáp treo để trở xuống vì quá mệt.


Chúng tôi vào chùa Thiên Trù, cái cổ kính trang nghiêm của một ngôi chùa cổ, chúng tôi vào lạy Phật, xong mới ra ngoài chụp ảnh. Có một sơ lược về chùa Thiên Trù như sau, khi nào có dịp tôi sẽ kiếm đăng tài liệu cặn kẽ hơn:

“Chùa Thiên Trù tọa lạc trên thềm núi Lão được xây dựng từ năm Đinh Hợi (1467) đời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Quang Thuận thứ 8. Theo một số sử ký còn lưu lại có chuyện kể rằng: trong một chuyến tuần thú phương Nam lần thứ hai, Vua Lê Thánh Tông cùng tướng sĩ qua vùng núi Hương Sơn nghỉ lại ở thung lũng núi Lão và cho quân lính thổi cơm ăn. Trong lúc thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên, Vua xem thiên văn thấy vùng này ở vào vị trí của sao Thiên Trù (Bếp Trời - một sao chủ về ăn uống), nên nhân đấy nhà Vua đặt tên cho thung lũng này là Thiên Trù.”


Trên đường trở về bến Yến, Hà qua ngồi chung xuồng với tôi, hai chiếc xuồng kia cũng được chèo bên cạnh. Em nói lớn cho mọi người cùng nghe những câu chuyện cổ huyền thoại VN. Tôi chỉ Hà một cây ở ven sông có phải là cây Gòn không? Em nói ở ngoài Bắc gọi là cây Gạo, em nói thêm truyền thuyết dân gian có câu:

“Thần cây Đa, ma cây Gạo” 

hoặc

“Cây Gòn có ma, cây Đa có thần”


Xuồng về bến Yến, gần 5:00 giờ, tôi hỏi em có về Hà Nội trước 7:00 giờ không vì chúng tôi phải kịp ra chuyến tàu đi Sa Pa, em có thể bỏ chúng tôi xuống khách sạn trước. Em nói chắc kịp. Trong bụng tôi hơi lo lo. Xe chạy một hồi, nắng đã tắt, trời đã tối và đường đã lên đèn. Bà xã tôi hỏi: “Kịp không anh?”. Tôi nói :”Chắc không sao, có gì thì mình tự ra ga xe lửa”. Nhưng đã đến khách sạn lúc gần 7:00 giờ. Tôi vào khách sạn nhận lại hành lý. Bây giờ thì không có thời gian để ăn cơm tối. Tôi hỏi bà xã:”Có đói bụng chưa”. “Chưa còn no lắm”. Tôi nói: “Em chờ người rước, anh qua quán bên kia đường mua chút đồ ăn”. Vào tiệm, tôi cứ bóc nào chips, nào khô bò, khô mực, bánh… trả tiền rồi lẹ lẹ chạy về khách sạn.

Một lúc sau, công ty du lịch VN đã đưa người đến đón và 5 phút sau, chúng tôi đã đến ga Hà Nội.

Vào phòng chờ đợi cũng rất đông người, có một đoàn thật đông, ai cũng đội nót kết trắng có chữ Việt Travel (?) , tôi nghĩ đây có thể là đoàn du lịch trong nước. Đến giờ lên tàu, tôi cứ nghĩ là ra cửa sẽ lên xe lửa nhưng không dè, xe lửa đậu ở ngoài xa, mọi người phải kéo hành lý băng qua mấy tuyến đường rầy mới tới để lên xe. Chúng tôi book first class của Livitrans Express Tourist Train nên toa gần đầu tàu. Lên xe mỗi toa có 5 cabin, 2 đầu toa là nhà vệ sinh. Mỗi cabin có 2 giường 2 tầng, cho 4 người. Chúng tôi bao nguyên cabin nên chỉ có 2 vợ chồng tôi trong cabin này vì không muốn chung đụng với người không quen.


Trong cabin có lẽ rộng khoảng 3m dài hơn 2m, có cái bàn ở giữa, trên bàn có 4 chai nước suối, 4 cái ly, hộp giấy. Máy điều hòa không khí chạy nguyên đêm. Môt lác có nhân viên hỏa xa đến mời dùng trà hay cà phê. Có tiếng rao bán hàng, tôi mở cửa gọi mua một bao lớn hạt dẻ rang gần cả ký. Như vậy là tối nay dù không có cơm ăn nhưng cũng không đói. Trong bị của tôi còn mấy lon bia, còn bánh, còn trái cây và mới mua chips, khô bò, khô mực cũng tạm no lòng.

Xe lửa đã bắt đầu chạy, lúc còn trong nội ô Hà Nội, qua cửa sổ, chúng tôi vẫn còn thấy phố xá, xe cộ, chạy một hồi thì không còn thấy gì hết, tiếng xình xịch, xe lắc qua lắc lại làm sao mà ngủ được. Hai vợ chồng ngồi ăn hạt dẻ, ăn khô, ăn chip, vừa chơi game. Bà xã ôm cái Ipad, tôi ôm cái tablet, vừa chơi game vừa uống bia, một hồi mệt nên mơ mơ màng màng ngủ lúc nào không biết.

LKH

(Còn tiếp – Ngày thứ sáu: “ SA PA ĐẶC SẢN & BẢN TẢ VAN”)


No comments: