Wednesday, March 9, 2016

TẠP GHI: LẦN ĐẦU ĐI DU LỊCH MIỀN BẮC (NGÀY 6)

LẦN ĐẦU ĐI DU LỊCH MIỀN BẮC
Ngày thứ sáu: “ ĐẶC SẢN SA PA & BẢN TẢ VAN”


Tôi giật mình thức dậy vì có tiếng loa văng vẳng, tôi hỏi bà xã: “Nó nói gì vậy em?”, “Dường như gần tới rồi”. Tôi nhìn đồng hồ đã 8:30 sáng. Sao lạ vậy vì theo đúng lịch trình, chúng tôi sẽ đến ga Lào Cai khoảng 5 giờ sáng. Bà xã tôi nói:”Hình như hồi khuya xe ngưng lại cũng lâu lắm, nghe tiếng nói chuyện bên ngoài, chắc xe hư hay sao đó”. Tôi đi rửa mặt rồi về phòng thu dọn hành lý.


Chiếc xe lửa từ từ dừng lại, tiếng loa nói đã đến ga Lào Cai, chúng tôi lôi hành lý đi theo đoàn người ra hướng cửa. Bên ngoài quá đông người, người đón thân nhân, những tour guide giơ cao tấm bảng tên khách được đón. Tôi nhìn quanh quẩn, thấy tấm bảng tên tôi ở đàng xa, tôi ngoắc nhưng có lẽ anh thanh niên không thấy. Tôi và vợ cố kéo va-li đến gần anh ta. Tôi nói” Hello”, anh ta quay lại: “Good morning”. Tôi nói:”Anh đến đón chúng tôi phải không?”. “Hai bác là người Việt à!” lại cũng ngạc nhiên. Anh lẹ làng xách va-li của chúng tôi và nói “Hai bác theo con”. Theo anh chúng tôi ra khỏi bãi đậu xe của ga Lào Cai, băng qua đường vào khu phố trung tâm, hai bên toàn là nhà hàng, khách sạn và bar rượu, tiệm cà phê. Anh dẫn chúng tôi vào nhà hàng, anh nói: “Đúng ra thì mình sẽ đi Sa Pa lấy phòng rồi 2 bác ăn sáng ở khách sạn nhưng vì tàu hỏa đến trể quá nên xe đã về rồi. Hai bác ăn sáng ở đây rồi chờ xe đến đưa hai bác về Sa Pa.”


Chúng tôi kêu phở và cà phê đá. Trong lúc ăn, tôi hỏi: “Nghe nói Sa Pa có món đặc sản là cá Tầm, ở đâu có bán ?”. Doanh nói: “Nhà hàng nào cũng có, khách sạn bác ở ngay trung tâm thị trấn nên có nhiều nhà hàng, có làng ẩm thực cũng gần đấy”. Khoảng nửa tiếng sau, một chiếc 4WD đậu ngay trước cửa, anh tài xế vào chào chúng tôi, anh nói chuyện với Doanh. Doanh nói:” Hai bác là Việt kiều Úc đấy”. Chúng tôi lên xe, anh tài bắt đầu lái xe ra khỏi thành phố, anh nói huyên thuyên còn hơn anh chàng tour guide nữa.


Xe chạy một đoạn và bắt đầu lên dốc cao, anh chàng tái xế nói: “Hai bác nhìn xuống thung lũng xem sao”. A đây rồi! Những mẫu ruộng bậc thang, trước đây chỉ thấy trong hình, bây giờ mới thấy ngay trước mắt. Đẹp lắm! Bây giờ chắc đã qua vụ mùa nên chỉ thấy ruộng nước. Doanh nói:”Đẹp nhất là mùa lúa chín, nguyên cả đồi vàng óng ả, nhưng mùa nào Sa Pa cũng đẹp nhưng năm nay Sa Pa xác xơ qua cơn tuyết mấy tuần trước. Lúc đó dân Hà Nội lên đây xem tuyết đông lắm”. Dọc theo ven đường một bên là nhà, một bên nhìn xuống thung lũng trùng trùng đồi núi, ruộng bậc thang, lâu lâu lại thấy mấy con trâu lang thang ven đường.


Doanh nói đã vào thị trấn Sa Pa rồi, phố xá ở đây khang trang hơn, con đường chính có một công viên ngay giữa, Doanh chỉ :”Đây là nhà thờ Đá, khách sạn của các bác trên đồi ngang nhà thờ. Xe chạy lên dốc ngoằn ngoèo, 2 bên cũng có vài cửa tiệm tạp quá bán nước uống và đồ mỹ nghệ, có mấy tiệm mát-xa, xe chạy vào bãi đậu xe ngay trước cửa khách sạn. Doanh xuống mở cửa xe: “Mời 2 bác vào trong check-in, hành lý sẽ có người mang vào”.

Chúng tôi book khách sạn Victoria Sapa Resort và chỉ ở đây một đêm, khách sạn rất rộng và đẹp, bên ngoài sân một cây thông noel cao 4-5 thước, bên trong thì lộng lẫy màu sắc và hình ảnh giáng sinh và một lò sưởi củi cháy rực rỡ làm ấm cả lobby. Doanh nói: “2 bác về phòng nghỉ ngơi và sau khi ăn trưa con sẽ trở lại khoảng 2:00 giờ. Chiều nay chúng ta sẽ đi thăm bản.


Chúng tôi đi theo một hành lang lớn, bên ngoài cỏ xanh rì và những hàng thông được cắt tỉa rất khéo, nhìn xuống dưới đồi có thể thấy được cái nhà thờ Đá. Phòng thật rộng, đẹp lắm, máy điều hòa đã được mở sẵn nên vào là ấm ngay, tôi đi đến cửa sổ, kéo màng ra, một khu công viên thật đẹp, có băng đá, bồn phun nước, thì ra cửa sổ là một loại cửa kéo ngang để đi ra ngoài.

Theo lịch trình, sáng nay chúng tôi sẽ đi làng Y Linh Ho của người H’Mong, làng Lao Chai của người Tày và Dao, làng Tả Van ngôi làng đẹp nhất vùng nhưng bây giờ đã tùm lum hết rồi. Không biết chiều đi đâu. Tắm rữa xong tôi nói với bà xã: “Bây giờ cũng gần 12 giờ rồi, thôi mình xuống chợ chơi một lát rồi đi kiếm gì ăn”.


Chúng tôi đi ra khỏi khách sạn và đi ngược lại con đường khi nãy, con đường thật dốc, đi xuống tới dưới nhìn qua bên kia là nhà thờ Đá, bên trái là công viên khi nãy, còn bên phải là một khu ăn uống có tấm bảng “Ẩm thực Sa Pa”. Chúng tôi rẻ trái, nguyên dãy đường là nhà hàng,quán rượu, nhà hàng nào cũng có khách. Chúng tôi qua đường vào công viên ở giữa,bên kia đường có bưu điện khá lớn, các cửa tiệm, nhà hàng. Góc bên là nhà thờ Đá, trước nhà thờ là một sân tròn rất lớn nằm sâu xuống tôi nghĩ có thể là một sân khấu lộ thiên (?). Và ở đây một số người dân tộc H’Mong đang bày bán nón, váy, khăn, đồ thủ công…


Ở đây băng qua đường là làng ẩm thực, vào cổng là ngửi ngay được mùi thịt nướng thơm lừng, chúng tôi đứng ở ngoài nhìn quảng cáo của từng tiệm, thì đại khái thực đơn gần như giống nhau ở mấy món đặc sản là “cá tầm, cá hồi, lợn cặp nách, thắng cố, gà đen”. “Bây giờ mình vào quán này, tối qua quán kia”, tôi nói với bà xã, “Em cũng nghĩ vậy, đâu biết quán nào ngon mà lựa” bà xã tôi trả lời..


Vào quán, tôi hỏi cô tiếp viên:”Thắng cố là thịt gì vậy em”. “Dạ, ngựa ạ!”. Tôi không dám ăn, tôi có đăng một bài nói về món thắng cố, các bạn có thể xem lại. Cá hồi (Salmon) thì ở Úc thiếu gì, tôi kêu một cái lẩu cá tầm, thịt lợn cặp nách nướng, 2 khúc cơm nướng ống tre. Cá tầm rất ngọt mùi giống cá hồi nhưng có sụn chớ không phải xương, lợn cặp nách nướng thơm nhưng dai dai, cơm ống tre cũng thơm nhưng hơi khô.

Từ trước tới giờ chưa ăn nhưng nghe qua tiếng tăm của món trứng cá caviar ở Âu châu rất ngon và cũng rất đắc tiền, bây giờ mới biết đó là trứng của con cá tầm ướp muối. Sa Pa là nơi đầu tiên ở VN nuôi được giống cá này và rất thành công, bây giờ nghe nói ở Đà Lạt cũng nuôi được. Tôi cũng có đăng một bài sưu tầm về loại cá này mấy tháng trước.


Ăn xong, chúng tôi lại lội bộ trở lên dốc về khách sạn. Hồi đó đi Đà Lạt, dốc cũng có nhưng không dốc nhiều và cao như ở đây. Gần 2 giờ Doanh đã trở lại với chiếc Taxi, Doanh nói: “ anh tài xế khi sáng có việc khác nên chúng ta sẽ đi Taxi xuống bản và lúc về xe sẽ đến rước”.


Lên xe, Doanh hỏi tôi:”Bác có ăn cá tầm chưa?”.”Rồi.” “Ngon không?” Tôi nói: “Cũng được”. Doanh nói vì lịch trình đã bị xáo trộn nên chiều nay chúng ta sẽ đi thăm bản Tả Van, sáng mai mới đi bản khác”.


Xe đậu vào một nơi ngắm cảnh, xe vừa dừng lại, một đám các em người dân tộc chạy ào đến mời mua đồ thêu, khăn thêu…tôi nói không mua nhưng các em vẫn cứ theo năn nỉ hoài. Đứng ở đây nhìn xuống thấy thật sâu, nhìn thật xa những mẫu ruộng bậc thang thật đẹp xen vào là những nóc nhà. Doanh nói: “Chúng ta sẽ đi bộ xuống bản đi một vòng và ra ở phía bên kia, thời gian hơn 2 giờ”. Vợ chồng tôi nghe xong là đã thấy mệt. Bên Úc ra khỏi cửa là lên xe, ít đi bộ trừ khi đi shopping bây giờ phải đi bộ trong 2 tiếng đồng hồ nghe thấy sợ.


Rồi chúng tôi cũng thả bộ chầm chậm xuống dốc nên cũng được, con bé người dân tộc trên lưng cỏng đứa bé nhỏ xíu, còn tiếp tục đi theo nài nỉ. Tôi hỏi Doanh: “Con bé còn trẻ quá khoảng 15-16, cỏng đứa nhỏ là con nó à”. Doanh nói”Không biết nhưng có thể vì người dân tộc còn tục tảo hôn nên cưới hỏi cũng sớm lắm”. Xuống đến ven bản thì khá hơn đường đất thì bằng phẳng hơn và có những đoạn tráng xi măng rộng khoảng 2m. Hai bên đường là những căn nhà của họ, có một vài của hiệu chuyên bán đồ đá điêu khắc, tiệm bán quần áo, đồ thêu, tranh thêu…Doanh dẫn chúng tôi vào một căn nhà nói là điễm du lịch, do công ty du lịch và người chủ nhà hợp tác, họ sửa căn nhà lại, làm gác và để nệm nguyên dãy dài, phía trên mỗi nệm có cái mùng cho thuê. Doanh nói thêm khách du lịch Tây rất thích thiên nhiên và những khu sinh thái như ở Sa Pa, họ ở đây rất rẻ, họ sống chung và làm theo sinh hoạt của người bản địa, họ thích lắm, có người ở mấy tuần. Đi ngang một khu khác thấy có trường học, bên cạnh là một khu chợ nhỏ, mấy cái bàn bán thịt, bán rau cải bày bán lưa thưa, một cái tiệm tạp hóa…Ở đâu một bầy trâu đi đến chận hết đường, tiếng chuông cột ở cổ “leng keng” nghe cũng vui tai, chúng tôi lánh qua một bên chụp hình tụi nó và chờ qua hết rồi mới tiếp tục đi nữa.


Bận lên thật mệt vì phải lên dốc, leo lên con đường ở phía trên. Vợ tôi suýt té mấy lần vì ra khỏi bản là đường đất gồ ghề, ổ gà lởm chởm. Lên được phía trên trong lúc chờ xe đến, tôi hỏi Doanh: “Mai mình đi đâu em?” Doanh nói: “Đi bản Lao Chai và Y Linh Ho”. Tôi hỏi: “Bộ không có đi công viên Hàm Rồng à?” “Không có bác ạ, lịch trình chỉ sắp xếp đi bản buổi sáng, chiều đi Thác Bạc, Núi Xẻ “. Tôi nói: “Nghe người ta nói ra Sa Pa mà không đi công viên Hàm Rồng có nghĩa là chưa đến Sa Pa, một bản Tả Van là đủ rồi, tôi chỉ muốn đổi đi Hàm Rồng”. Doanh nói: “Cũng được thôi, do bác quyết định, vì tưởng bác là người nước ngoài nên công ty sắp chương trình tham quan theo kiểu khách Tây.”

Xe đến chúng tôi về khách sạn, Doanh nói: “Nếu đi Hàm Rồng thì không gấp, 2 bác có thể nghỉ trưa một chút, con đến đón lúc 9:30 sáng mai.” Doanh cũng chỉ tôi nếu muốn xuống chợ chỉ cần đi một cầu thang từ một con hẻm kế bên khách sạn là xuống ngay phía dưới.


Tối đến chúng tôi xuống chợ theo con đường cầu thang thì thấy gần lắm, xuống tới dưới nhìn quanh, một Sa Pa khác hẳn, muôn màu, ánh sáng lấp lánh toàn khu vực. Từ nhà thờ Đá, khu công viên, khu ẩm thực đều rực rở, người đi bộ rất đông, đa số là du khách Tây, dù buổi tối nhưng tôi có cảm giác rất bình yên. Tôi bước theo họ, qua khu công viên, bước xuống nữa thì ra phía sau nhà thờ Đá mới thật sự là vào chợ Sa Pa, con đường phía sau rất đông du khách, các bảng hiệu lấp lánh, nào là nhà hàng quán rượu, mát xa, tiệm thời trang, nói chung là đủ thứ món ăn chơi phục vụ du khách. Bên ngoài vĩa hè, những người dân tộc bày hàng của họ bán nhưng không thấy có người mua.


Ở đây mới đúng là trung tâm chợ Sa Pa, qua mấy con đường thật đông đúc náo nhiệt, chúng tôi vòng trở lại làng ẩm thực, chọn một quán khác và kêu món lẩu “gà đen”, họ đem một cái lẩu, một dĩa “gà ác” chặt miếng, rất nhiều rau cải, tôi chỉ nhận ra được “xà lách son” còn mấy thứ kia có lẽ là rau rừng (?) nhưng ăn cũng được lắm. À còn kèm theo cái dĩa để mấy bao mì gói nữa.

Nhìn qua nhìn lại rất đông người, tình cờ thấy có người đã biết, cặp vợ chồng trẻ người Ý hôm qua cùng đi chung chuyến du lịch chùa Hương.

LKH

(Còn tiếp – Ngày thứ bảy: “SA PA: CÔNG VIÊN HÀM RỒNG, THÁC BẠC, NÚI XẺ”)