Ngày thứ bảy: “SA PA: CÔNG VIÊN HÀM RỒNG, THÁC BẠC, NÚI XẺ”
Nhà hàng trong Victoria Sapa Resort thật rộng và trang nhã, các quầy buffet nằm ở giữa, 2 đầu của nhà hàng có các gian bếp nhỏ, một bên làm phở và trứng ốp la ốp lết, một bên làm bánh cuốn và bánh xèo. Cô nhân viên mời chúng tôi vào một cái bàn cạnh cửa sổ, chúng tôi cám ơn bằng tiếng Việt, tôi thấy thoáng ngạc nhiên trên gương mặt cô, cô hỏi:”Cô chú có muốn order gì không?”. Bà xã tôi order bánh cuốn, tôi thì order bánh xèo. Lát sau một cô khác đến châm trà và cà phê, cách phục vụ rất tốt. Bánh cuốn và bánh xèo được bưng đến, dĩa bánh cuốn thì bình thường, còn dĩa bánh xèo thì theo kiễu miền Bắc, cái bánh nhỏ xíu chỉ chừng một gang tay. Vợ tôi lấy dĩa trái cây trong đó mấy trái hạnh, tôi nói ;”Em không sợ chua sau mà ăn trái hạnh”,vợ tôi nói;” thấy nó đề là quít mà”. Tôi bóc vỏ ăn thử, đúng là ngọt như đường dù hình dáng nhỏ xíu như trái hạnh. Tôi ra quầy trái cây lấy thêm mấy trái, thấy có táo Tàu nên lấy thêm một mớ. Táo thật ngon dòn và ngọt, bên Úc thì chưa thấy có, tôi chỉ ăn được một lần ở Trung Quốc, phải nói là táo Tàu tươi ngon lắm.
Ăn sáng xong chúng tôi ra lobby chờ, Doanh đến, chúng tôi cùng đi ra cửa. Không thấy xe, tôi hỏi: “Xe đâu?”. Doanh cười: “Công viên Hàm Rồng gần đây thôi nên mình chỉ đi bộ”. Tôi ngạc nhiên theo Doanh đi con đường bậc thang xuống phố, băng qua đường đi vào chợ Sa Pa rẻ trái, hồi tối có đi ngang nhưng không để ý. Có cái cổng chào “Khu du lịch núi Hàm Rồng”, bậc thang cao vút, hai bên là các cửa hàng bán đồ đủ thứ: đồ kỷ niệm nhưng nhiều nhất là các loại cây thuốc được lấy từ trên rừng. Người lên công viên rất đông nhưng người bản xứ lại nhiều hơn Tây. Hôm nay là Chúa Nhật nên rất đông. Chúng tôi đến “rừng Lan” nhưng không nhiều loại lan lắm (trong bụng tôi nghĩ Garden World của Úc còn nhiều chủng loại hơn). Doanh nói: “Cơn tuyết vừa qua đã làm Sa Pa xác xơ và hư hại, bây giờ đã khá lắm rồi”.
Công viên Hàm Rồng rất rộng, rộng cả một đồi núi, trong công viên có tượng của 12 con giáp đặt rải rác trong ấy, nhiều người chụp ảnh ở con giáp của mình, có người bày đồ ăn theo kiểu “picnic”, có một nhà hàng khi đi ngang qua thấy họ đang nướng gà, mùi thơm lừng trong không khí. Càng đi lên càng cao,một biểu tượng của Sa Pa là một bức vách trồng hoa kiểng tạo chữ SAPA thật lớn, ai cũng dành nhau chụp hình. Doanh nói, chữ Sa pa đỗi màu theo mùa đẹp lắm (vì được thay bông khác).
Một gian hàng trong khu công viên cho người ta mướn áo của người dân tộc để cho các cô cậu thanh niên tạo dáng chụp hình, cũng dễ thương với những kiểu cách cầm chiếc khèn của người H’Mong quơ qua quơ lại. Chúng tôi qua một nơi khác được tạo hình như kiểu sống của một gia đình người dân tộc đang nấu nước và nướng khoai trên bếp lữa. Doanh đưa chúng tôi đến một ngôi nhà sàn thật lớn. Em nói đây là nhà triễn lãm, phía trên là sân khấu biễu diễn văn nghệ dân tộc và show sẽ bắt đầu trong vài phút nữa. Chúng tôi vào và chọn hàng ghế đầu để chờ xem văn nghệ. Màn trình diễn kéo dài khoảng nửa tiếng, âm thanh, ca múa thật sống động cùng với thuyết minh để người xem hiểu được tính cách đa dạng của từng dân tộc đang sống tại Sa Pa.
Ở đây phải nói là sự học hỏi của kỹ nghệ du lịch VN rất tốt, chúng tôi đi Thái, Trung Quốc dù chỉ loe hoe mấy người khách nhưng show vẫn “go on” chứ không nhất thiết là phải có bao nhiêu người. Chúng tôi trở xuống và ra về. Người lên vẫn tấp nập để thấy người VN ngày nay cũng biết hưởng thụ một ngày nghỉ cuối tuần. Chúng tôi về khách sạn, Doanh nói sẽ trở lại đón chúng tôi khoảng 2 giờ đi một vài cảnh điễm và đưa chúng tôi ra Lào Cai để lên xe về Hà Nội.
Cho tới ngày hôm nay ở miền Bắc này, chúng tôi vẫn chưa thấy một người xin ăn nào có mặt ở những cảnh điễm đông người. Chúng tôi thu dọn hành lý và kéo ra lobby check-out nhưng vẫn gởi lại. Bà xã nói mỏi chân quá, chúng tôi ra ngoài đi ngang tiệm mát xa kế bên khách sạn, tôi nói mình vào đây mát xa chân cho đỡ mỏi. Tiệm mát xa không có người, anh chủ tiệm thấy chúng tôi vào mừng lắm vội điện thoại kêu người ngay. Chúng tôi được bóp chân trong nửa tiếng thấy cũng đỡ lắm.
Vợ tôi nói muốn đi ăn cơm vì mấy ngày nay không có ăn cơm qua. Chúng tôi lại cuốc bộ xuống phố rẻ trái tìm xem nhà hàng nào trông tươm tất, sạch sẽ mà vào. Menu được đưa đến, chúng tôi chọn:Thịt bò xào nấm Sapa, Gà xào sã ớt, cải bắp xào cà. Bà xã muốn có món canh, cô tiếp viên mời chúng tôi thử qua món đặc sản “canh cải Ozay”(?). Có lẽ cũng nhiều ngày không ăn cơm nên buổi cơm hôm nay ngon lạ. Nấm Sapa rất ngọt, món gà mặn mà và cay cay, cải bắp dòn ngọt có chút chua chua của cà, món canh ozay thì nhân nhẩn, chua chua nhưng hậu ngọt. Bữa ăn tuyệt vời và quá xá rẻ so với mấy món đặc sản khác mà chúng tôi đã ăn qua.
Doanh đến với chiếc 4WD, hành lý được mang lên xe, chúng tôi vào một hành trình mới. Doanh nói chúng ta sẽ lên thác Bạc trước. Xe chạy lên núi, càng lúc càng cao và con đường thì như vào một đường đèo. Trời đã trưa nhưng lên đây vẫn đầy sương cho nên có người gọi Sa pa là “Thành phố sương mù”. Ngoằn ngèo một hồi xe đậu lại cho chúng tôi xuống gần một địa điễm tham quan, xe không thể đậu ở đây. Chúng tôi băng qua đường, một tấm bảng dựng trước mặt cho chúng tôi biết đây là thác Bạc. Không nói cũng biết vì một dòng thác từ trên cao đổ xuống tiếng rì rào vang động.
Chúng tôi đi vào, một bên lên và một bên xuống, có một cầu thang nhân tạo để du khách dễ dàng lên. Doanh chỉ cho chúng tôi thấy những tác hại của cơn tuyết vừa qua, những cành cây gãy đổ vì tuyết bám dầy nặng nên gãy cành, tuyết phủ đầy nên nhiều loại hoa cỏ chết, nhất là tác hại lên cây “thảo quả”, một loại cây mà Doanh nói là “vàng đen” của Sa Pa. Những người trồng cây thảo quả rất giàu vì có bao nhiêu là TQ cũng thu mua hết. Nó là một loại gia vị và cũng là một loại thuốc. Lúc về Úc, tìm tài liệumới biết thảo quả chỉ dùng nhiều với người VN, TQ và Ấn Độ, trong món phở phải có thảo quả, vào tiệm tạp hóa Tàu ở Úc, một bao thảo quả không quá 2 đô với khoảng hơn 10 hột.
Thác Bạc rất cao, càng lên cao thế nước càng mạnh vang rền, có mấy cái đình cho du khách nghỉ chân, chúng tôi đứng giữa cầu bắc qua 2 bên thác, nhìn lên nước cuồn cuộn đổ, nhìn xuống như con suối tuôn trào và xa xa đồi núi ngút ngàn, một cảnh quan không thể tả cái tâm trạng của mình trong lúc ấy.
Xe đưa chúng tôi qua khu du lịch Núi Xẻ, bên dưới là thác Tình Yêu và đây cũng là một điễm khởi hành cho những người muốn chinh phục Fansipan, ngọn núi cao nhất VN trong dãy Hoàng Liên Sơn. Doanh nói trong những ngày tốt trời, chúng ta có thể thấy ngọn Fansipan nhưng hôm nay nhiều sương quá nên mờ mờ chỉ thấy dãy Hoàng Liên Sơn xa xa đó. Em cũng chỉ cho chúng tôi khu vực nuôi cá Tầm và cá Hồi ở vùng này.
Trở lại xe, chúng tôi bắt đầu rời khỏi khu vực này, rời khỏi Sa Pa núi rừng cao nguyên tuyệt vời của vùng Tây Bắc, rời khỏi những mẫu ruộng bậc thang mà trước đây chỉ xem được hình, rời khỏi những bản làng dân tộc vẫn còn đơn sơ vất vả nhưng trong lòng vẫn có mong muốn một ngày trở lại.
Xe đến Lào Cai, chúng tôi vào nhà hàng hôm trước. Doanh nói chúng tôi có thể dùng cơm tôi ở đây và chờ đến khoảng 7 giờ thì vào ga. Em chạy đi lấy vé cho chúng tôi sau đó chào tạm biệt vì phải theo xe trở về Sa Pa. Chúng tôi ở lại nhà hàng, dường như đây là một điễm tụ tập của công ty du lịch, mỗi lúc một đông mà phần đông là khách Tây. Tôi kêu anh chủ quán lại hỏi: “Nghe nói thảo quả là gia vị đặc sản của Sa Pa, anh có món gì mà có để thảo quả vào không?”, anh cười nói: “Thịt heo xào thảo quả”, tôi đồng ý thử, kêu thêm gà “rô ti” và món canh, có lẽ món canh không có trong thực đơn nên anh nói để nấu món canh thập cẩm. Hai món kia : gà và canh thì bình thường nhưng với món heo xào có “thảo quả” thì ngồ ngộ, mùi nồng nồng, thông mũi nhưng không cay, ngon thì không ngon nhưng chê thì không chê, có lẽ ăn nhiều lần sẽ quen và thấy thích (?).
Đến giờ, chúng tôi nhập trạm, người cũng quá đông, chúng tôi cũng lên cabin bao hết 4 chổ giống như bận đi. Xe lửa cũng xình xịch, cũng lắc qua lắc lại. Lẩn này về Hà Nội không có người đón. Trong lịch trình ghi sẵn: “Early morning about 4:05 + 1: arrive at Hanoi train station. Take meter taxi to hotel (We recommend you to take Mai Linh taxi as it is reliable)”.
Không biết như thế nào, mai mới tính.
LKH
Phụ chú: Về tới Úc tôi tìm hoài mà không có thông tin nào vể "cải ozay", tôi nghĩ có lẽ mình nghe lầm "rau đay" thành "ozay".
(Còn tiếp – Ngày chót: “HÀ NỘI: 36 PHỐ PHƯỜNG”)