Ngày thứ tám (ngày chót): “HÀ NỘI: 36 PHỐ PHƯỜNG”
Xe lửa đã đến ga Hà Nội, có lẽ đã quen nên không thấy mệt lắm, chúng tôi đã chuẩn bị hành lý đâu đấy rồi. Loa phóng thanh vang lên đã đến ga Hà Nội, xe dừng hẳn. Chúng tôi xuống xe và cả đoàn người kéo hành lý ra cổng. Nhưng lần này khỏi ra cổng, một dãy taxi đã đậu dài bên trong sân ga. Như đã được dặn trước, chúng tôi đến chiếc taxi Mai Linh đầu tiên đưa anh tài xế miếng giấy nhỏ mà tôi đã ghi sẵn địa chỉ khách sạn. “One hundred fifty thousand dong”, anh tài xế nói liền khi tôi chưa lên tiếng gì cả. Tôi cười nói: “Chưa chạy mà biết bao nhiêu tiền hả anh?”. Anh ta hố to, mắc cở “Tưởng là Đài Loan” . Rồi anh mở cốp để hành lý chúng tôi vào và mời lên xe. Chạy đâu khoảng 15 phút đã đến. Tôi trả anh 2 trăm ngàn, quá mừng và cám ơn rối rít, anh xách hành lý chúng tôi vào khách sạn. Con đường không một người vì mới 5 giờ sáng. Chúng tôi check-in, có người mang hành lý lên phòng. Vào phòng chúng tôi thay đồ và nằm nghỉ.
Chập chờn nhưng không ngủ được, đến khoảng hơn 9 giờ, chúng tôi xuống ăn sáng ở nhà hàng của khách sạn, cũng là buffet breakfast, chổ nào cũng na ná như nhau. Khách sạn chúng tôi tạm ở chỉ buổi sáng hôm nay có tên là Medallion Hanoi Boutique Hotel, ở đường Mã Mây, Quận Hoàn Hiếm, Hà Nội, nhỏ nhưng mới và sạch sẽ. Giờ đây phải cám ơn cô chủ dễ thương của Chang’s Travel ở Springvale (Melbourne), cô nói sẽ book khách sạn 3 sao thay vì 4-5 sao vì chúng tôi chỉ ở có vài tiếng đồng hồ và nó ở ngay phố cổ Hà Nội nên muốn đi mua sắm gì cũng gần và dễ đi.
Hồi sáng sớm không thấy gì cả, bây giờ ăn sáng xong ra khỏi cửa khách sạn thì ôi thôi thật ồn ào, rất đông người, đúng là như cái chợ. Chúng tôi đi qua ngỏ nào cũng vậy, rất đông, rất đông người, xe cộ qua lại, đường phố không rộng và cũng không sạch bằng khu chúng tôi ở khi mới đến Hà Nội. Sợ lạc, chúng tôi để ý bảng tên đường, bây giờ thì không còn đường gì nữa, chỉ có “phố” mà thôi. Tôi mới chợt nhớ ra mình đang ở phố cổ Hà Nội (old quarter) hay nôm na “Hà Nội 36 Phố Phường”.
Đi qua một phố khác, thấy có mấy chiếc xích lô bên đường như đang chờ khách. Nghe nói Sài Gòn bây giờ không còn xích lô mà sao Hà Nội lại có. Thấy tôi dòm dòm, ông già xích lô sỗ tiếng Anh “Hundred fifty thousand for one hour ride”. Tôi hỏi lại bằng tiếng Việt theo kiểu Bắc “Một trăm năm mươi nghìn cho một tiếng đồng hồ ?”. Ông già nói: “Tưởng anh chị là người nước ngoài. Đúng rồi 150,000 đồng cho một giờ xe đi vòng phố cổ”.
Chúng tôi lên xe, ông già đạp xe và tâm sự ngày xưa ông đi bộ đội có vào Nam và sau này giải ngũ. Đi đến đâu, ông cũng giải thích cho chúng tôi biết, tôi biết ông đang vui vì gặp một đồng hương và đang giảng giải cho đồng hương miền Nam (nước ngoài về) hiểu về phố cổ của ông. Ngang qua một phố bán bông, chắc phố hàng bông (?), ông đậu xe lại giữa đường, kêu chúng tôi đưa máy chụp hình để ông chụp cho chúng tôi một tấm. Loay quay trong 36 phố, ông già nói ở đây không dễ lạc vì tất cả các con đường đều chạy về hồ Hoàn Kiếm và ở đó chúng ta định vị để trở về nơi cũ.
Loanh quanh một hồi, đi gần ô Quang Chưởng, thấy có một tiệm mì có bảng hiệu chữ Hoa và gần đó ông già nói với chúng tôi là quán bán chả rươi ngon nhất Hà thành. Gần đến giờ, ông hỏi chúng tôi muốn đến đâu, tôi nói chợ Đồng Xuân, ông đưa chúng tôi đến ngay cửa chợ. Ông hỏi có cần ông đưa chúng tôi về khách sạn không, tôi nói chưa biết nhưng lấy số điện thoại của ông ấy và cho số điện thoại của tôi.
Chợ Đồng Xuân rất xưa ở Hà Nội nhưng bây giờ đã được trùng tu, có 3 tầng và cũng không kém những chợ ở miền Nam. Có lẽ chợ Đồng Xuân chỉ bán sỉ theo kiểu miền Nam gọi là “chợ đầu mối”, khi chúng tôi vào không thấy ai chào hàng hay mời gọi, có khi thấy người ta vác từng bao, bị hay từng bành hàng hóa, đa số là áo quần. Chợ Đồng Xuân kiểu cách giống một chút chợ An Đông nhưng không giống chút nào với chợ Bến Thành ở Sài Gòn.
Có một điễm mà tới bây giờ, ở bài cuối tôi mới nói: ở miền Bắc khi cần đi toilet ở ngoài, nhất là nơi công cộng, thì mọi nơi đều sạch và không hôi như ở miền Nam, hơn hẳn TQ ngàn lần. Ở TQ, trừ khách sạn và nhà hàng sang, còn ra ngoài dù trả hay không cần trả tiền, toilet vẫn hôi lắm, còn khi ra ngoại ô, thì tôi chấp nhận bị bịnh “đái đường” hơn là vào những nhà cầu mà nín thở rồi đái vẫn không ra. Bởi vậy khi thấy những tấm hình chê trách người đái bậy, tôi vẫn vui vì mình chưa bị chụp hình.
Đi vào những cửa tiệm thời trang nhưng đa số hàng TQ, người bán thì hơi kiêu kỳ, trên vách có mấy tấm bảng “XIN ĐỪNG MẶC CẢ” những cửa hàng khác cũng vậy người bán không biết chào hàng có lẽ nào họ tinh vi đến biết được người TA hay người NGOẠI, đoán được người mua hay không mua rồi đi vào kết luận chào hay không chào (?)
Phố cổ Hà Nội có rất nhiều gánh hàng rong, buôn gánh bán bưng là một việc bình thường ở VN hay những xứ khác nhất là vùng Đông Nam Á. Đó không có gì xấu và cũng không có gì hèn, đó chỉ là một hình thức bán buôn, theo tôi nghĩ nó đã trở thành một truyền thống trăm năm rồi, nó có thể là một văn hóa dân gian mà nếu mất nó nghĩa là mất đi một mãnh văn hóa của dân tộc. Vậy mà có một vài người “tội nghiệp” hay “buồn thương” than vãn. Xin đi các ngài, tất cả mọi nghề đều phải được tôn trọng và bình đẳng dù cho nó ở hang cùng. “Đừng tự nâng cao ta mà tội nghiệp người, người ta khốn cùng vẫn còn có cái để tự hào, hơn kẻ phong quang mà không có người tôn trọng.”
Chúng tôi vẫn còn quanh quẩn ở phố cổ, tiếng điện thoại reng, ông già hỏi chúng tôi có cần ông rước không, tôi cám ơn và nói đang về khách sạn. Tôi mua được vài cái áo, bà xã cũng mua vài món nhưng điều là hàng TQ, chúng tôi không đi mua hàng nữa vì quyết định nếu mua hàng TQ thì qua TQ mà mua vì nó sẽ chắc chắn rẻ hơn VN rất nhiều.
Tôi nói với bà xã: “kiếm cái gì ăn trưa đã”, dù không nói ra nhưng trong lòng tôi đã muốn đi đến quán “Mỳ Vằn Thắn” có mấy chữ Tàu trên bảng. Qua lại Hà Nội dù không nhiều nhưng những phố chính chúng tôi đã qua qua, lại lại nhiều lần để rồi mới kết luận không biết có đúng không: “Chữ Tàu chỉ thấy ở các câu liễn trong đền chùa, văn miếu, không bao giờ hay hiếm khi thấy thương hiệu chữ Hoa ở các cửa tiệm, cho tới hỏi Hà Nội có China Town không? Không có! Đó là đáp số”. Vậy mà quán “Mỳ Vằn Thắn” chơi mấy chữ Tàu thì nhất định là đặc biệt và tôi cũng muốn ăn thử “chả rươi” xem sao.
Tôi nói với bà xã ý định của tôi, được sự đồng ý ngay tức khắc vì gần hơn 8 ngày không có ăn món đồ Tàu nào hết ai cũng nhớ. Em hỏi tôi: “Anh biết đường không hay là kêu ông già xích lô ?”. Tôi nói: “Hồi nãy, anh đã ghi trong đầu nó ở gần Ô Quang Chưởng, đến đó sẽ thấy và về khách sạn cũng gần đâu đấy”. Không phải khoe nhưng tôi có một ký ức đặc biệt về địa lý, nơi nào đã đi qua là sẽ nhớ, lần sau đến lại như là đã quen. Tôi nghĩ là dường như ở hướng ngược lại. Chúng tôi quay lại, đến một góc đường hỏi một người đi đường “Xin hỏi bác cách nào đến Ô Quang Chưởng ?”. Ông ta nói: “Anh đi thẳng qua 2 con đường, đường thứ ba rẽ phải đi đến cuối sẽ thấy Ô Quang Chưởng”.
Vợ chồng tôi đi theo lời ông ấy chỉ, đúng là cuối đường là Ô Quang Chưởng, chổ này thì tôi quen lắm rồi. Chúng tôi thấy quán “Mỳ Vằn Thắn”, tôi đi đến góc đường hàng Thiếc, một cái quán nhỏ nhưng rất đông người chờ ăn chả rươi. Tôi vào mua mấy miếng chả rươi rồi vào quán Mỳ Vằn Thắn. Tấm băng quảng cáo đề “Bình Tây Phố Cổ” nhưng mấy chữ Tàu thì có lẽ người vẽ bảng hiệu “họa” lại theo mẫu viết tay của ai đó nên có chữ không đúng. Mấy chữ Tàu “云吞麵鮮蝦水餃” (vân thốn miến tiên hà thủy giáo) tức là mì hoành thánh, sủi cảo tôm tươi. Tôi tra tự điển Wikipedia mới biết người Nam gọi là “hoành thánh” nhưng miền Bắc gọi là “vằn thắn”.
Hai tô mì được bưng ra, thơm lừng có cái mùi quen thuộc của đồ Tàu, tô mì quá phong phú bởi kêu làm đặc biệt, hoàng thánh viên to, sủi cảo viên to, thịt, gan heo, mấy miếng chả và có cả trứng luộc. Còn chả rươi thì thơm và ngon vô cùng. Kỳ này cũng được bù qua đắp lại, không ăn được “rau sắng chùa Hương” nhưng lại ăn được “chả rươi Hà Nội”. Lúc đi vể khách sạn tôi thấy một bà gánh trái cây bán, tôi kêu lại mua sa-bô, trái thật to, 3 trái mà gần ký.
Về phòng chúng tôi gọt sa-bô ra ăn, thật ngọt ngon vô cùng, chúng tôi nghỉ một lác rồi gom đồ lại xuống trả phòng. Gần 2 giờ một chiếc xe đậu ngay cửa, một anh tài xế vào với tấm giấy có tên của chúng tôi, theo anh ra cửa, lên xe và chạy ra phi trường Nội Bài. Chạy qua ô Quang Chưởng, qua con đường trên đê Hà Nội, nhìn người và xe qua lại, ai ai cũng tất bật với cuộc sống, tạm biệt Hà Nội, ngàn năm Thăng Long.
Đến phi trường thủ tục gởi hành lý, lấy vé cũng y như ở các phi trường khác trên thế giới, thủ tục đơn giản, chúng tôi lấy luôn cả vé về Úc và không cần phải lấy hành lý ra khi xuống Tân Sơn Nhất, nhập trạm cũng đơn giản. Bên trong phi trường rất lớn, chúng tôi chờ khoảng một tiếng thì lên phi cơ vào Sài Gòn.
Ở phi trường Tân Sơn Nhất phải qua hải quan để làm thủ tục xuất cảnh thì phương pháp làm việc quá tệ. Mỗi người phải chờ 10-15 phút, khách Tây thì mau hơn, khách Việt thì dễ thương hay sao mà anh hải quan cứ nhìn lâu thế, có lẽ anh đang suy nghĩ mình có thể là bạn hay bà con lâu đời nhìn không ra, nhớ không ra một hồi mới chịu đóng dấu cho mình qua. Nếu phải chi cho một dàn hải quan toàn là người đẹp thì hay biết mấy, em nhìn tôi, tôi nhìn em mà nếu em không đuổi tôi cũng không muốn đi qua. Lúc đó chắc không ai than phiền vì phải chờ lâu.
Vì không có thời gian nên không thể ghé Sài Gòn đôi ba ngày, thật tiếc, nhưng những hình ảnh của Hà Nội, của Hạ Long, của Sa Pa vẫn lưu luyến trong tôi, chắc chắn là tôi sẽ trở lại miền Bắc nữa vì còn quá nhiều di tích, cảnh đẹp mà mình chưa có cơ hội tham quan. Tạm biệt miền Bắc và hẹn ngày gặp lại.
LKH
(Hà Nội Tour 23-30/12/2013)
(Tạm kết thúc, chờ chuyến đi tới)
Note: Các bạn nên xem video clip này để thấy Hà Nội-Hạ Long-Sa Pa quá đẹp mà người Việt Nam không thể không đi một lần cho biết.
No comments:
Post a Comment