Wednesday, March 9, 2016

CAO LẦU

Hôm nay về sớm đài TVB-HK không có gì coi vì hiện nay thời gian sai biệt với HK là 3 tiếng và VN là 4 tiếng, Mình mở Youtube trên TV coi, lựa một chương trình giới thiệu về món ăn VN (Vietnamese cuisine). Trong clip video này 2 người giới thiệu chương trình nói tiếng Anh (không biết dân Anh,Mỹ hay Canada) giới thiệu về những món ăn bình dân và món ăn đường phố. Ngon hay không thì không biết nhưng 2 người khen đáo khen để làm mình cũng thấy thèm. Có một lần mình kể cho cán bạn nghe lúc mình ra Hà Nội, kêu thử bánh xèo mà thấy có bưng ra thêm một đĩa bánh tráng, mình hỏi để làm gì thì cô tiếp viên cười nói là để cuốn bánh xèo. Mình là lạ trong bụng nghĩ không biết phải vậy không vì mình chưa từng ăn và cũng chưa thấy ai ăn như vậy.

Hôm nay đã có bằng chứng để trả lời cho cái thắc mắc
của mình. Người miền Nam mình lấy lá xà lách, lá cải xanh để gói bánh xèo với rau sống nhưng clip video hôm nay cho thấy không phải chỉ ở miền Bắc, miền Trung cũng vậy, họ lấy bánh tráng (thấy khô queo không có nhúng nước nhưng có lẽ dẻo) để cuốn bánh xèo (Vietnamese Pancake) với kim chi, rau, thậm chí lấy bánh tráng cuốn luôn chả giò và gần như ăn cuốn thì phải lấy bánh tráng mà cuốn. Mình thấy 2 người giới thiệu ăn mà không biết họ có nhai nỗi hay không mà vẫn cứ nói very good, very delicious..Đến đoạn họ vào một cái quán nhỏ ăn một món gọi là "khao lau", cách phát âm của họ làm mình không biết là món gì chỉ thấy giống như mỳ mà họ nói là "very delicious and only in Họi An". Họ gắp một cọng lên, thấy nó lớn hơn cọng mỳ, ăn sực sực có lẽ dòn. Mình đã quê một lần vì lầm mỳ Quảng là mỳ Quảng Đông nên cố nhớ coi món "khao lau" này là gì mà chỉ có ở Hội An. Ăn xong họ nói món "khao lau" này rất ngon và rất rẻ, 2 tô "khao lau" 2 ly nước uống chỉ có 35 ngàn đồng VN.

Sau khi coi xong chương trình này, mình lên mạng để tìm xem món gì là đặc sản duy nhất chì có ở Hội An. Tìm ra đáp án. Đó là món "Cao Lầu". Có bạn nào biết chưa, chưa biết thì đọc bài sau đây để biết Cao Lầu là gì ?


CAO LẦU


Cao lầu là tên một món mỳ ở Hội An. Đây được xem là món ăn đặc sản của thị xã Hội An. Món mỳ này có sợi mỳ màu vàng, được dùng với tôm, thịt heo, các loại rau sống và rất ít nước dùng. Sợi mỳ màu vàng là do được trộn với tro một loại cây ở địa phương.


Cao lầu, món ăn độc đáo gắn liền với phố cổ Hội An. Mới nhìn cao lầu trông giống như mỳ, nhưng không phải mỳ. Người ta ít biết đến cao lầu không phải vì nó không ngon mà vì món ngon này khiêm nhường. Nhiều người cho rằng món này của người Hoa, nhưng Hoa kiều ở đây lại không công nhận nó. Còn người Nhật thì cho rằng nó giống mỳ udon của họ nhưng khác về hương vị và cách chế biến.

Tinh túy của món cao lầu là sợi mỳ, thường được chế biến rất công phu. Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù lao Chàm, đảo cách Hội An 16 km, khi ngâm mới tạo ra được sợi mỳ có độ giòn, dẻo, và khô. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột; nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm làm cách đây cả ngàn năm, mới được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh. Tiếp tục dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa cô, xắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mỳ. Qua nhiều lần xử lý như vậy nên dù cao lầu có để qua đêm cũng không sợ ôi thiu.

Người ta thường ăn cao lầu với giá trụng nước sôi nhưng không được quá mềm. Thêm ít rau sống, được lấy ở làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng ở Hội An. Giá trụng đổ ra tô, xếp mỳ lên trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tép mỡ (da heo chiên giòn) và một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò nước. Với thịt xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc và nước của nó mới có vị ngọt. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mỳ, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của mắm, bột thơm, nước tương... và tép mỡ vỡ tan trong miệng.

Nhiều người cũng có tham vọng làm cao lầu ở nơi khác, nhưng tất cả đều thất bại. Có người nói rằng chính nước giếng Bá Lễ và tro của cù lao Chàm và rau sống Trà Quế mới làm nên món ẩm thực đặc trưng này.

Một đặc trưng khác của cao lầu là muốn ăn món này phải leo lên lầu cao của quán. Khi xưa các doanh nhân buôn bán nơi phố cảng vì muốn trông coi hàng hóa của mình nên thường leo lên lầu cao của quán. Điều này có thế thấy ở các quán cao lầu Hội An. Ngồi trên lầu cao ngắm cảnh đẹp và thưởng thức món ngon, đây có thể là xuất phát của tên gọi cao lầu.

Ngày nay cao lầu có ở Pháp, Anh, Úc hay Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn nhưng nhiều người ăn vào vẫn thấy như không phải. Thậm chí cao lầu được làm ở Hội An, gửi máy bay đến các nơi nhưng dường như ăn ở Hội An thì mới đúng điệu cao lầu.

(theo Wikipedia)


No comments: