Thursday, November 24, 2016

KINH XÁNG XÀ NO Ở TÂY NAM BỘ

Ngày trước mỗi khi đi Châu Đốc vía Bà Chúa Xứ ở núi Sam trước, sau đó là qua chùa Tây An kế bên lễ Phật, qua ngang mặt là văn miếu thờ Khổng Tử rồi phải qua lăng Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại) để chiêm bái vị công thần của triều Nguyễn đã có công trong việc chỉ huy đào con kinh lớn nhất VN trong lịch sử thời phong kiến.


Thật vậy đó bạn, nói đến kinh đào ở miền Nam ai cũng nghĩ đến kinh Vĩnh Tế chớ ít ai nghĩ thêm còn có con kinh nào nũa không trong thời trước. Tôi là dân Cần Thơ, ngày trước Cần Thơ thuộc tỉnh Hậu Giang và Hậu Giang có con kinh Xáng Xà No (kinh Xà No) chảy qua Vị Thanh đến làng Nhơn Ái Phong Điền để rồi có một vùng mới có cái tên Vàm Xáng (tôi sẽ kể cho các bạn sau).
Tôi đã nghe một câu hò dễ thương:

"Hò ơ …. Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No.
Anh có thương em thì mua một con đò
Để em qua lại. Hò ơ… để em qua lại thăm dò ý anh."

Tôi biết qua các địa danh này nhưng về con kinh Xà No như thế nào, lịch sử ra sao ? Thì thật tình mắc cở mà nói tôi không biết và chưa từng đọc một tài liệu nào về nó dù tên nó có nghe hoài và có thể tôi đã ngồi thuyền trên nó mà không biết. Hôm nay tìm được tài liệu về con kinh này để các bạn nào chưa biết như tôi thì cùng đọc. (LKH)

KINH XÁNG XÀ NO Ở TÂY NAM BỘ


Khi đã lấy nốt 3 tỉnh miền Tây(1867), thực dân Pháp xúc tiến ngay chương trình khai thác thuộc địa, trước hết là vùng đất phì nhiêu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng bắt dân xâu đào các kinh Trà Ôn (1875), Chợ Gạo (1877)…, rồi kinh Ô Môn nối ngọn sông Cái Bé từ Ô Môn đến Rạch Giá (1896 ­ bị bỏ dở vì đang thi công thì xảy ra dịch khí)… Ta biết, việc đào kinh đối với thực dân Pháp là chỉ nhắm vào ý đồ vơ vét hàng hóa và bóc lột thành quả lao động của nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng dù sao cũng có ý nghĩa thiết thực nhiều mặt: đem nước ngọt từ sông Hậu và những chi lưu của nó, dằm thắm ruộng đồng, không chỉ nhằm rửa phèn, tiêu mặn mà còn giúp tháo nước nhanh ra biển Tây trong những mùa nước nổi, đồng thời nó còn mang đến sự tiện ích nhất định cho cư dân trong giao thông đi lại.

Đây không phải là ý tưởng mới mà chỉ là một sự kế thừa và phát huy kế sách an dân của triều đình, đã được quan tâm áp dụng từ đầu triều Nguyễn như đào kinh An Thông, Bảo Định, Vĩnh An, nhất là các công trình đào vét kinh Thoại Hà (1817, nối Long Xuyên ­ Rạch Giá); đào mới kinh Vĩnh Tế (1819, nối Châu Đốc ­ Hà Tiên)… Qua đó, chúng ta thấy rất rõ là, nếu trước kia chủ trương đào kinh của triều đình nhằm vào việc “an dân” thì sau này, việc đào kinh đối với người Pháp là để nhằm vào mục đích “thực dân”. Trong số đó đáng kể nhất và cũng tiêu biểu nhất là công trình đào con kinh Xà No do “sáng kiến ích kỷ” (tư lợi) của hai người Pháp là Duval và Guéry. Phải nói là hai tay thực dân này có tầm nhìn khá rộng về kinh tế. Họ muốn trở thành đại điền chủ nên xin trưng khẩn một vùng đất tốt và rộng lớn thuộc cánh đồng hoang đầy tiềm năng về nông nghiệp vùng Cần Thơ ­ Rạch Giá, nên đã vận động và được toàn quyền Pháp thống nhất duyệt thuận. Vì đây là con kinh có quy mô dài nhất và lớn nhất ở Nam Kỳ nên nhứt thiết phải dùng phương tiện cơ giới mới có thể đáp ứng nhanh mục đích thu lợi đầy tham vọng. Hơn ai hết, người Pháp biết rất rõ rằng, với công trình này tuy có tốn kém trước mắt nhưng khi đã hoàn thành thì chẳng bao lâu nó sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế vô cùng to lớn cho nhà nước thuộc địa. Do đó dự án được toàn quyền Lanessan (1891 ­ 1894) cho đấu thầu ở Paris năm 1893. Công ty Montvenoux trúng thầu với giá là 3 cắc rưỡi một mét khối, trong tháng đầu phải đào 60.000 m3 đất, tháng thứ 25 phải đào 200.000m3. Thế là năm 1901 kinh Xà No được khởi công (nhưng vẫn phải có sự phụ giúp bằng thủ công). Đó là con kinh ăn từ làng Nhơn Ái (Phong Điền, Cần Thơ) đến Vịnh Thái Lan qua lỵ sở quận Gò Quao (sông Cái Lớn, tên chữ là Đại Hà huyện) xuyên qua vùng đất tốt giữa rạch Cái Tư ­ một nhánh của sông Cái Lớn và rạch Cần Thơ tức ăn ngang qua thị xã Vị Thanh, từ đây chạy song song quốc lộ 61 đến Cái Tư. Do khởi đào từ xóm Xà No (srok Snor ­ xóm có nhiều cây điên điển) nên công trình mang tên là kinh Xà No. Vùng đất hoang “vượn hú chim kêu” ấy nghiễm nhiên trở thành nơi đô hội nên sau đó, năm 1918 hương chức sở tại làng Nhơn Ái làm đơn xin lập chợ tại vàm kinh, gọi chợ Vàm Xáng để thâu huê lợi cho làng.


Theo nhà văn Sơn Nam thì sau đó nhà nước Pháp tách địa phận này qua làng Nhơn Nghĩa. Hương chức làng Nhơn Ái phản đối, lấy lý do: “Làng Nhơn Ái này là của ông bà, cha mẹ chúng tôi lập ra hơn một trăm năm nay, nên luôn luôn rất bình an, nếu cắt đất chợ mà nhập qua làng khác, e hư phong thủy” (nhưng thật ra hương chức mất dịp làm ăn, và cũng mất đi nguồn thu đáng kể cho làng). Kinh Xà No thi công đến tháng 7/1903 hoàn thành. Bề ngang trên mặt rộng 60 mét, đáy 40 mét; phí tổn lên đến 3.680.000 quan. Xáng đào chạy bằng hơi nước với những giàn gàu bằng sắt. Máy của xáng mạnh 350 mã lực, mỗi gàu sắt múc được 375 lít, thổi bùn ra xa đến 60 mét. Từ xa trông chiếc xáng giống như chiếc chiến hạm, máy nổ ầm ầm vang xa năm ba cây số ngàn. Nó mang theo chuyên viên, nhơn công đến hàng trăm người. Dọc theo hai bên bờ người ta phải chở củi đem tới sẵn, vì xáng đốt nồi sốt de bằng củi… Bọn chuyên viên người Pháp đứng cao trên xáng, hò hét như các chỉ huy chiến hạm (Lịch sử khẩn hoang miền Nam). Khung cảnh trầm hùng này, chừng mực nào đó nó đã “hớp hồn” dân quê thời ấy đến mức thấy có một vài câu ca dao đã mượn hình ảnh của “chiếc xáng”, “tàu Tây” như một thứ “sức mạnh kỹ thuật” để làm thể phú, thế tỉ, thể hứng như:

– Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành,
Tàu Tây kia liệt máy anh mới đành bỏ em!

– Kinh Xáng mới đào,
Tàu Tây mới chạy,
Thương thì thương đại,
Bớ điệu chung tình!
Con nhạn bay cao khó bắn,
Con cá lội dưới ao quỳnh khó câu!...

Công trình kinh xáng Xà No hoàn thành, dài 34km, trong đó phần thuộc tỉnh Rạch Giá 22 km, chạy từ rạch Cần Thơ qua chợ Bảy Ngàn tỉnh Hậu Giang trổ ra biển Tây ở Rạch Giá.
Tháng 7 năm 1903 người Pháp tổ chức ăn lạc thành kinh Xà No vô cùng trọng thể. Lần đầu tiên, giữa vùng đất xa xôi hẻo lánh bên dòng kinh xáng toàn quyền Paul Beau (1902 ­ 1918) đã đến dự. Hôm ấy các quan lại địa phương, thân hào nhân sĩ từ các tỉnh lân cận đến tề tựu đón rước, có ban quân nhạc từ Sài Gòn xuống, lại có tổ chức dạ vũ tưng bừng.


Chúng ta đều biết, muốn khẩn hoang và phát triển nông nghiệp điều kiện tiên quyết là phải giải quyết cho bằng được vấn đề nước (“nhứt nước, nhì phân…”), vì vậy ngay khi mới cắm “bông tiêu”, xáng chưa nổ máy, cánh đồng hoang bỗng nhiên trở nên nhộn nhịp dân tứ xứ! Nông dân thì hồ hỡi tranh thủ cắm ranh giành đất, còn quan làng, quan tổng thì lăng xăng làm đơn xin cấp trên giải quyết đất mặt tiền (sát bờ kinh). Nhưng hầu như tất cả đều không đạt được sự ham muốn của mình, bởi những diện “đất mứt” ấy đều đã có chủ tự bao giờ! Đó là những kẻ “hữu công” được hưởng theo quy chế, như : “tổng đốc Phương được tặng thưởng” 2.223 mẫu (thuộc các làng Hỏa Lựu, Hòa Hưng, Vĩnh Hòa Hưng; Trần Chánh Chiếu (sau này cổ súy cho phong trào Duy Tân tức “cuộc Minh Tân” ở Nam Kỳ) khẩn hơn 1.000 mẫu ở Thạnh Hòa thuộc vùng Tràm Chẹt; một nho sĩ họ Trần ở Rạch Giá cũng nhờ tổng đốc Phương làm trung gian mà khẩn 1.000 mẫu đất tốt; một đại điền chủ ở Trà Vinh khẩn trong địa phận Rạch Giá trên 1.400 mẫu”… (theo Sơn Nam, sđd). Đó là chưa nói đến những ông Hội đồng thuộc hạng tay mặt tay trái với quan Tây, biết đưa hối lộ, hoặc bạn bè là “dân Tây” đầy quyền lực. Trong số, đáng kể nhất là những trường hợp hai “ông Tây” Duval và Guéry (đề xuất đào con kinh này) đã được toàn quyền Paul Doumer (1897 ­ 1902) ký nghị định số 338 ngày 14/2/1901 cấp cho không 2.500 mẫu đất tốt hạng nhất (tọa lạc trên diện địa làng Nhơn Nghĩa, tổng Định Bảo, tỉnh Cần Thơ) ngay khi con kinh… chưa đào! (sau có “khẩn” thêm, kiểu “úp bộ” ­ đất của nông dân đang trực canh, y chạy chọt giấy tờ để được công nhận là chủ sở hữu, tức “giựt ngang” ­ tất nhiên nó phải được hợp thức hóa trên cơ sở “giựt dọc”!
Kinh Xà No và các kinh sườn của nó đã mang đến nguồn lợi (bất chính) vô tận cho các quan chức trong bộ máy cai trị chính quyền thuộc địa. Họ đã ngầm câu kết với những kẻ có thế lực bao gồm cả người Pháp và những người Việt vô quốc tịch Pháp, để tha hồ ăn hối lộ trong việc hợp thức hóa hồ sơ trưng khẩn đất. Chính vì vậy mà “điền” của các đại điền chủ cò bay mỏi cánh, đến mức có người phải sắm máy bay thăm ruộng, tiền dư quá nhiều phải “đốt bớt”- “công tử Bạc Liêu”! Trong khi đó hầu hết nông dân là những người trực canh, ngày ngày phải làm đổ mồ hôi sôi nước mắt mà mức thu nhập không đủ nộp tô, nợ nần lưu cửu, vẫn thiếu đói - “Vai mang bông súng tay cầm củ co”!
Nếu thời Pháp thuộc toàn Đông Dương có 6.690 đại điền chủ thì trong số đó, chỉ riêng ở Nam Kỳ đã có đến 6.300!, đáng kể nhất là các “điền Tây” (bao gồm cả những người Việt vô quốc tịch Pháp). Mỗi điền Tây có đến mấy ngàn mẫu ruộng, được cai quản như một khu vực quân sự riêng: chúng mướn bọn cựu quân nhân Pháp làm cai điền, có súng ống hẳn hòi, tá điền nào bê trễ việc “tá túc” (số lúa gạo tá điền phải đóng cho chủ điền), hoặc lén lút khai thác nguồn lợi thiên nhiên, chủ yếu là thủy sản, bọn hổ kha ấy không ngần ngại dùng vũ lực tàn bạo hoặc bắt giam, giải Tòa. Chúng tha hồ làm mưa làm gió!


Về nông nghiệp, nhờ có kinh Xà No và các chi lưu của nó mà vùng đất Rạch Giá, Cần Thơ, Cà Mau được vỡ hoang và chỉ trong mấy năm đều đã trở thành đất thuộc, diện tích trồng lúa và sản lượng lúa gạo vùng này tăng lên gấp mấy lần so với trước. Tuy không có số liệu thống kê về sự thay đổi bộ mặt kinh tế ­ xã hội riêng trên vùng đất này, nhưng với con số phát triển chung của Nam Kỳ: đến năm 1929 kinh đào tay và cơ giới là 1.664 km; đất đã khai thác trồng trọt được khoảng 2,44 triệu mẫu, tăng gấp 4 lần; dân số 4,5 triệu người, tăng gấp 3 lần…, cho thấy hiệu quả kinh tế của kinh Xà No là rất lớn và thay đổi rất đáng kể về mặt cảnh quan. Một số chợ được thành lập và trở nên sung túc. Nhiều nhà máy xay xát, chành lúa (kho lẫm) được mọc lên. “Sông sâu nước chảy”, ghe chài chở lúa từ Chợ Lớn kéo xuống đậu chờ ăn lúa đầy nghẹt cả bến sông. Số lúa gạo Nam Kỳ đem xuất khẩu tăng vọt, từ hạng nhì (sau Miến Điện) vọt lên dẫn đầu toàn thế giới!
Cái cảnh trên bến dưới thuyền ấy nó không thể không đi vào ca dao dân ca địa phương. Nhiều câu thơ, câu ca dao đến nay vẫn còn vang vọng miền thôn dã, nhắc nhớ những địa danh một thời “cả cơm lớn tiền”, chẳng hạn như:

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No,
Có thương em anh mua cho một chiếc đò,
Để em lên xuống thăm dò ý anh!

Nhưng trước đó cảnh quan vùng đất nầy như thế nào? Ta nghe lại câu hát cũ ghi nhận tình cảnh nhân dân thiếu đói vô cùng khốn khổ:

Hỏi anh còn nhớ Bảy Ngàn,
Củ co ăn với củ bàng thế cơm!

Ta tìm hiểu đôi nét:
Cái Răng: Vào thời Minh Mạng do nơi đây có dân tụ cư nên lập làng, gọi làng Thường Thạnh, tổng Định Bảo. Đó là một làng bình thường như mọi làng bình thường khác. Khoảng năm 1889 ­ 1890 người Pháp cho đào tại đây một con kinh, lúc đầu chưa đặt tên, sau này mới có tên là rạch Cái Răng. Sau người Pháp dời tòa Bố tỉnh Cần Thơ về từ Trà Ôn (dựng đặt năm 1876) trở nên sung túc (bởi thế có tên là huyện Phong Phú), người buôn tụ hội, nhất là khi nó trở thành “tổng đại lý” phân phối mặt hàng cà ràng (dụng cụ nấu bếp, chụm củi, làm tại Xà Tón, Tri Tôn, An Giang ­ gọi kran hay karan, nhân đó dân gian âm ra và gọi chợ Cà Ràng, rồi trại là Cái Răng). Thơ xưa ca ngợi:

Chợ Cái Răng xứ hào hoa,
Phố lầu hai dãy xinh đà quá xinh.
Có trường hát cất rộng thinh,
Để khi hứng cảnh thích tình xướng ca.


Với vị thế địa lý và sinh lực của mình, Cái Răng đã không ngừng phát triển, từng là lỵ sở quận Châu Thành, nay trở thành một quận lớn của thành phố Cần Thơ, cách trung tâm Cần Thơ 6km.
Ba Láng: Cũng gọi là Láng Hầm, tức Nê Trạch. Là một nhánh của rạch Cần Thơ chảy xuống Rạch Gòi. Tự thân hai tiếng Nê Trạch đã giới thiệu rõ rằng, đây là vùng đất thấp, bùn lầy nước đọng và đầy cỏ rác! Sách Gia Định thành thông chí nói về sông Cần Thơ, ghi: “Đường đi qua chỗ Nê Trạch từ cuối mùa đông qua mùa xuân kiệt bùn keo, ngăn lấp khó đi; từ mùa hạ qua mùa đông nước mưa tràn ngập bờ bến, ghe thuyền phải cưỡi trên cỏ bèo mà đi, cứ trông theo rừng sát hai bên nhận chừng dấu đường cho khỏi lạc. Nơi đây không có dân ở, lại có rất nhiều muỗi và đĩa, người đi qua lại rất khổ”.
Thời Pháp, Ba Láng thuộc làng Nhơn Ái, quận Châu Thành. Xưa thì vậy nhưng nay, với điểm nhấn là thị tứ Cái Tắc (ấp Tân Phú, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành, Hậu Giang) trở thành cửa ngõ đô hội phía Nam thành phố Cần Thơ trên tuyến đường đi Vị Thanh, Rạch Giá, và Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Vàm Xáng: Ngã ba, nơi miệng kinh thông với sông, thuộc làng Nhơn Ái (Phong Điền cách cầu Cái Răng khoảng 10 cây số) ­ từ một chỗ rất bình thường bỗng trở nên sầm uất.
– Xà No như chúng ta đ biết, đó là con kinh to và dài do xáng đào, thổi đất lên hai bên bờ kinh thành giồng cao, rộng đến 60 mét, sau dọn sửa từng khúc, dần dần liền lạc làm thành đường cặp theo kinh, thông suốt từ Cần Thơ đến Rạch Giá, không còn cảnh cô quạnh ngày nào như câu hát cũ: “U Minh, Rạch Giá thị (thiệt) quá sơn trường! Gió rung bông sậy dạ buồn nhớ em”. V Bảy Ngàn – một địa danh chỉ đoạn giữa kinh xáng Xà No. “Người cùng đinh” địa phương ngày trước có câu hát buồn rười rượi ghi đậm dấu ấn đầy tủi nhục của một thời:

Phải chi tôi ở nhà gạch nhà lầu?
Mỗi năm xâu thuế hai đầu cũng cam!
Phải chi tôi làm chú lái, ông bang?
Mỗi đêm ra dỏ canh làng cũng ưng!
Tôi nghèo cháy nóp chai lưng…
Úy trời đất ơi!
Sao không để tôi đi làm thuê làm mướn,
Đặng sống cầm chừng với vợ con!


Như khúc ruột thân thương, kinh xáng XàNo, từ vùng đất “khởi dựng” Cần Thơ đã trở thành “Tây đô”– thành phố trù phú nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Đến Vị Thanh, nơi nó xuyên qua – thị xã của tỉnh Hậu Giang đầy tiềm năng và triển vọng. Và cuối cùngl à Rạch Giá– tìm đâu cho ra cái cảnh “thị quá sơn trường”? Bởi nó cũng đã trở thành một trong những thành phố sầm uất nhất của miền Nam.
Người dân trên vùng đất này đ qua rồi cái thời “củ co ăn với củ bàng thế cơm”… , nay mỗi khi nghe lại không ai không chạnh lòng ngậm ngùii thương cảm!
Theo : Nguyễn Hữu Hiệp.

No comments: